V. Kinh nghiệm của một số nước trong việc xây dựng tập đoàn tài chính
2. Mô hình tập đoàn tài chính ngân hàng UOB
Ngân hàng UOB là tập đoàn ngân hàng hàng đầu tại Singapore, cung cấp các dịch vụ tài chính đa dạng thông qua hệ thống 524 chi nhánh, công ty con trên toàn cầu tại 18 quốc gia và lãnh thổ thuộc Châu Á Thái Bình Dương, miền tây Châu Âu và Bắc Mỹ. Tại Singapore, UOB là ngân hàng hàng dẫn đầu về hoạt động cho vay cá nhân và phát hành thẻ, và dẫn đầu về cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ. UOB được tổ chức Moody’s xếp hạng là một trong những ngân hàng nằm trong tốp đầu của thế giới, hạng B cho xếp hạng về năng lực tài chính, Aa3 và hạng nhất cho dịch vụ tiền gửi ngắn hạn và dài hạn. Năm 2008, UOB được bình chọn là tập đoàn đứng thứ 378 trong tổng số 2000 tập đoàn lớn nhất thế giới, với tổng tài sản tính đến hết 2007 là 121,66 tỷ USD, lợi nhuận sau thuế là 1,47 tỷ USD.
Được thành lập năm 1935 với tên gọi United Chinese Bank (UCB) do We Kheng Chiang cùng với 6 người Hoa khác sáng lập ra với vốn điều lệ 1 triệu USD. Đến năm 1965, UCB đổi tên thành ngân hàng United Overseas Bank (UOB) và đồng thời mở chi nhánh đầu tiên ở nước ngoài tại Hongkong. Đến năm 1966, công ty tài chính United Overseas Finance (UOF) trực thuộc UOB được hợp nhất trở thành Công ty đầu tư Investment Holding Company và hoạt động của công ty này như là một công ty tài chính từ năm 1970. Năm 1970, UOB được phép niêm yết trên sàn chứng khoán của Singapore và Malaysia. Đến năm 1971, UOB mua phần lớn cổ phần của Chung Khiaw Bank (CKB) và mạng lưới của ngân hàng này tại Singapore, Malaysia và Hongkong. Đồng thời trong năm này UOB cũng thành lập Công ty bảo hiểm kinh doanh tổng hợp và tái bảo hiểm. Năm 1973, UOB mua 100% cổ phần của Lee Wah Bank (LWB) và toàn bộ các chi nhánh của nó tại Singapore và Malaysia. Năm 1984, UOB mua phần lớn cổ phần của Far Eastern Bank (FED) và đến năm 1987 lại mua phần lớn cổ phần của Industrial and Commercial Bank (ICB). Năm 1991, công ty bảo hiểm nhân thọ của UOB bắt đầu hoạt động. Năm 1994, toàn bộ hoạt động của ngân hàng LWB ở Singapore và Malaysia được sáp nhập vào UOB và chi nhánh UOB Malaysia (United Overseas Bank, Malaysia Bhd). Năm 1997, Ngân
hàng Chung Khiaw (CKB) tại Malaysia được sáp nhập vào UOB chi nhánh Malaysia. Năm 1999, các hoạt động của Chung Khiaw tại Singapore và Hongkong được sáp nhập vào UOB. Đồng thời, trong thời gian UOB cũng mở rộng hoạt động sang các thị trường lân cận bằng cách mua phần lớn cổ phần của Westmont Bank, Philipines cùng với mạng lưới 97 chi nhánh của nó và đổi tên thành United Overseas Bank Philippines. UOB cũng mua lại cổ phần chi phối của Radanasin Bank, Thailand và mạng lưới 68 chi nhánh, đổi tên thành United Radanasin Bank Public Company Limited. Năm 2000, UOB sáp nhập Công ty môi giới chứng khoán Securities cùng các công ty con, công ty chứng khoán UOBs ở Malaysia và Singapore với công ty Kay Hian hình thành một công ty mới, UOB - Kay Hian Holding. Năm 2001, UOB mua lại 100% cổ phần của Overseas Union Bank Limited (OUB), một ngân hàng lớn nhất Singapore về cho vay nội địa, thẻ tín dụng….Năm 2002, toàn bộ hoạt động của OUB và ICB sáp nhập vào OUB đồng thời với việc rút cổ phiếu của ICB ra khỏi thị trường chứng khoán Singapore. Năm 2003, hoạt động của công ty tín thác Overseas Union sáp nhập vào OUB. Trong năm 2004, UOB mua lại 23% cổ phần của P.T.Bank Buana Indonesia Tbk và biến ngân hàng này thành một công ty con của UOB, tiếp đến UOB mua lại 97% cổ phần của Bank of Asia Public Company Limited, Thailand và mạng lưới 133 chi nhánh văn phòng của ngân hàng này. Năm 2005, tăng tỉ lệ vốn cổ phần tại P.T.Bank Buana Indonesia Tbk từ 23% lên 53% thành cổ phần chi phối vào tháng 10 năm 2005 và tiếp tục tăng lên 61,1% tính đến cuối năm 2005. Đồng thời tiến hành hợp nhất hai ngân hàng con tại Thái Lan là Bank of Asia Public Company Limited, Thailand và UOB Radanasin Bank, Thailand thành United Overseas Bank, Thailand. Năm 2006, UOB thâm nhập thị trường Việt Nam và trở thành ngân hàng nước ngoài đầu tiên tham gia hệ thống thanh toán Card điện tử của Việt Nam (VNBC) ngày 1/9/2006. Đến tháng 1/2007, UOB đã kí kết hợp đồng trở thành đối tác của NHTMCP Phương Nam. Với việc mua được 10% cổ phần của Phương Nam và có thể nâng lên 20%, UOB cho thấy tham vọng mở rộng chiến lược kinh doanh tại thị trường mới mẻ và rất tiềm năng - thị trường Việt Nam [16].