Vùng đồng bằng sông Hồng hiện nay bao gồm 09 tỉnh là Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Vĩnh Phúc và 02 thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội và Hải Phòng nằm ở khu vực hạ lưu của
sông Hồng và sông Thái Bình (được xếp vào nhóm các địa phương thuộc vùng đồng
bằng sông Hồng theo Quyết định 795/QĐ-TTg ngày 23/05/2013 của Thủ tướng Chính phủ). Đây là một trong những vùng kinh tế - xã hội có vị trí chiến lược, có vai trò đặc biệt quan trọng trong toàn bộ quá trình phát triển của đất nước trong lịch sử cũng như trong hiện tại và tương laị
3.1.1. Điều kiện tự nhiên
Vùng đồng bằng sông Hồng có tổng diện tích là 21.259 km2, chiếm 6,42% diện
tích cả nước (Viện Chiến lược phát triển, 2018). Về địa hình, các tỉnh, thành phố
thuộc đồng bằng sông Hồng có nhiều vùng sinh thái đa dạng, bao gồm cả đồng
bằng, trung du và miền núị Khu vực trung tâm vùng đồng bằng sông Hồng nhìn
chung là bằng phẳng, phần lớn diện tích nằm ở độ cao từ 0,4 - 12m so với mực
nước biển, trong đó có 56% diện tích có độ cao thấp hơn 2m, đã hình thành nên
những đồng ruộng màu mỡ. Theo số liệu thống kê, năm 2020, vùng đồng bằng sông Hồng có tổng diện tích đất nông nghiệp là 906,8 nghìn ha, cụ thể đất sản xuất nông
nghiệp là 672,5 nghìn ha, đất lâm nghiệp 138,4 nghìn ha, đất nuôi trồng thủy sản
93,9 nghìn ha (dẫn theo Nguyễn Xuân Thanh, 2020). Với tổng chiều dài bờ biển
(giáp vịnh Bắc Bộ) lên tới 620 km với nhiều bãi biển đẹp và cảnh quan nổi tiếng,
nhiều di tích, danh lam, thắng cảnh nổi tiếng như vịnh Hạ Long, động Hương Tích, Tam Cốc, Bích Ðộng....
Về tài nguyên khoáng sản, một số tỉnh đồng bằng sông Hồng có một số tài
nguyên khoáng sản với trữ lượng lớn như than đá (chiếm 98% trong tổng trữ lượng
của cả nước), cao lanh (chiếm 40%), đá vôi (chiếm 25%). Ngoài ra, do giáp với nhiều tỉnh trung du và miền núi phía Bắc vốn giàu tài nguyên khoáng sản và rừng, giáp Vịnh Bắc Bộ với nguồn lợi hải sản phong phú và đa dạng…
Vùng đồng bằng sông Hồng còn có một hệ thống giao thông tốt nhất của cả
nước bao gồm các loại hình đường bộ, đường sắt, đường sông, đường biển và đường
hàng không, không chỉ đóng vai trò kết nối các tỉnh trong vùng mà còn là những đầu mối kết nối với các vùng kinh tế khác trong nước cũng như kết nối và mở rộng quan hệ giao lưu quốc tế.
3.1.2. Điều kiện kinh tế - xã hội
Về kinh tế, vùng đồng bằng sông Hồng có quy mô kinh tế đứng thứ 2, chiếm
khoảng 35,8% GDP cả nước (chỉ sau vùng Đông Nam Bộ), chiếm khoảng 34% tổng thu ngân sách nhà nước và khoảng 35% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước (Hạ
NV, 2019). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội vùng đồng bằng sông Hồng chiếm 52,6%
tổng vốn đầu tư của cả nước (Kim Oanh, 2019).
Các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng có tốc độ tăng trưởng kinh tế ở
mức khá so với nhiều địa phương khác trong cả nước. Riêng 6 tháng đầu năm 2019,
tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn vùng đạt mức 7,59%, cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước là 6,67%. Một số tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao là Quảng Ninh 12,09%, Vĩnh Phúc 8,52%. Về sản xuất công nghiệp, chỉ số sản xuất công nghiệp của một số tỉnh có mức tăng trưởng cao như Thái Bình là 21,1%; Ninh Bình là 15,2%. Các ngành dịch vụ có mức tăng trưởng mạnh nhất so với các vùng khác trong cả nước với tỷ lệ
45,66% (Kim Oanh, 2019). Nhờ những kết quả đạt được trong tăng trưởng và phát
triển kinh tế, vùng đồng bằng sông Hồng có 7/16 địa phương của cả nước có tỷ lệ điều tiết về ngân sách trung ương và có 3/5 địa phương luôn nằm trong nhóm có số thu lớn nhất cả nước.
Đến thời điểm tháng 6-2019, toàn vùng đồng bằng sông Hồng có 9.519 dự án FDI của 90 quốc gia còn hiệu lực với số vốn đăng ký là 101,73 tỷ USD, chiếm 32,8% tống số dự án và 28,13% tổng vốn FDI đăng ký của cả nước (Kim Oanh, 2019). Trong 5 năm 2016 -2020, vùng Đồng bằng sông Hồng thu hút được 5.466 dự án FDI với 61,5
tỷ USD, chiếm 36,3% tổng số dự án và 36,6% tổng số vốn. Đáng chú ý là tỉnh Bắc
Ninh đã thu hút được đầu tư của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới như Samsung,
Sumitomo, ABB, P&Tel, Nokia, Canon (Tổng cục Thống kê, 2021, tr. 102). Về xuất
khẩu, kim ngạch xuất khẩu của vùng đồng bằng sông Hồng đạt 39,8 tỷ USD chiếm
32,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, trong đó riêng tỉnh Bắc Ninh có kim
ngạch xuất khẩu là 14,24 tỷ USD (Kim Oanh, 2019).
Về xã hội, vùng đồng bằng sông Hồng là khu vực có dân số đông với 22,5 triệu người vào thời điểm điều tra dân số và nhà ở năm 2019, chiếm gần 23,4% tổng dân số
cả nước (Ban chỉ đạo tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương, 2019). Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, đồng bằng sông Hồng là điểm đến thu hút thứ hai đối với người di cư, sau vùng Đông Nam Bộ, trong đó phần lớn người nhập cư đến từ vùng Trung du và miền núi phía Bắc cụ thể là 209,3 nghìn người, chiếm 61,2%
(UNFPA Việt Nam, 2019). Năm 2019, vùng đồng bằng sông Hồng là nơi tập trung
đông nhất lực lượng của cả nước với tỷ lệ 22,2% (Tổng cục Thống kê, 2021, tr. 131)
Vùng đồng bằng sông Hồng có tỷ lệ lực lượng lao động đã qua đào tạo (có
bằng, chứng chỉ) cao nhất cả nước, với số liệu là 31,8% (UNFPA Việt Nam, 2019).
Tại vùng đồng bằng sông Hồng cũng tập trung nhiều trường cao đẳng, đại học, trung
học chuyên nghiệp, các trường công nhân kỹ thuật, dạy nghề và rất nhiều các viện,
trung tâm nghiên cứu của trung ương và địa phương. Đến năm 2019, mỗi tỉnh trong
vùng đồng bằng sông Hồng đều đã có trường đại học và cao đẳng trong đó các trường
công lập chiếm tỷ lệ 76,6%; số lượng trường đại học, cao đẳng ngoài công lập là 31
trường. Vùng đồng bằng sông Hồng còn có đội ngũ trí thức với khoảng 26% số cán bộ
có trình độ cao đẳng và đại học, 72% số cán bộ có trình độ trên đại học, 23,6% lực
lượng lao động kỹ thuật của cả nước (Trần Quang Ninh, 2019).
Vùng đồng bằng sông Hồng hiện là một trong ba trung tâm y tế chuyên sâu của cả nước với hơn 20 bệnh viện đầu ngành.
Nói chung, vùng đồng bằng sông Hồng có nguồn nhân lực dồi dào, trong đó
một bộ phận khá lớn có trình độ văn hoá cao hiện là vùng dẫn đầu trong số các vùng
kinh tế - xã hội trong cả nước cả về giáo dục, đào tạo; về số lượng cũng như chất
lượng nguồn nhân lực; về năng lực nghiên cứu và triển khai các ứng dụng khoa học, công nghệ; về năng lực chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
3.1.3. Các thuận lợi, khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội
Xét về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, các tỉnh đồng bằng sông Hồng có nhiều thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, thể hiện ở các điểm cơ bản sau:
- Với địa hình tương đối bằng phẳng, diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn với những ruộng đồng màu mỡ, ngoài ra còn có các vùng sinh thái phong phú nên các tỉnh đồng bằng sông Hồng có điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp toàn diện góp phần quan trọng bảo đảm an ninh lương thực cũng như phát triển sản xuất các loại nông sản hàng hóa phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩụ
- Có bờ biển trải dài qua nhiều địa phương, vùng đồng bằng sông Hồng có điều kiện thuận lợi để phát huy thế mạnh với các nghề đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản.
- Với nhiều bãi biển đẹp và cảnh quan nổi tiếng, nhiều di tích, danh lam, thắng cảnh nổi tiếng và với một hệ thống giao thông tốt nhất của cả nước, kết nối thuận lợi
với các vùng kinh tế khác trong nước và quốc tế, các tỉnh đồng bằng sông Hồng có
nhiều thuận lợi cho phát triển hoạt động du lịch, dịch vụ..
- Các tỉnh đồng bằng sông Hồng còn có điều kiện thuận lợi để bổ sung các
nguồn tài nguyên, khoáng sản… phục vụ phát triển nhiều ngành công nghiệp.
Xét về điều kiện kinh tế - xã hội, các tỉnh đồng bằng sông Hồng cũng có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển và được thể hiện ở các điểm sau:
- Với lợi thế về dân số, nguồn nhân lực, đặc biệt với vai trò là trung tâm hàng đầu về cung ứng nguồn nhân lực bao gồm cả nhân lực chất lượng cao và nhân lực lao động phổ thông, các tỉnh đồng bằng sông Hồng còn có nhiều tiềm năng để thu hút đầu tư của các nhà đầu tư trong và ngoài nước cho phát triển kinh tế.
- Với lợi thế về dân số lớn, các tỉnh đồng bằng sông Hồng còn là một thị trường tiêu thụ với sức mua lớn, là cơ sở để phát triển các hoạt động trong các ngành dịch vụ, nhất là các dịch vụ tiêu dùng.
Đánh giá một cách chung nhất, các tỉnh đồng bằng sông Hồng nằm trong vùng hội tụ nhiều lợi thế nhất, thuận lợi nhất trong việc thực hiện ba đột phá chiến lược về thể chế, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hộị
Tuy nhiên, bên cạnh các điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, các tỉnh đồng bằng sông Hồng cũng còn có những khó khăn, hạn chế nhất định. Đó là:
- Mật độ dân số tập trung trong vùng quá cao cũng gây nên những căng thẳng trong việc giải quyết vấn đề việc làm cho người lao động ở các địa phương. Thực tế nhiều năm qua có một số lượng lớn lao động đã di cư tìm việc làm ở các tỉnh thuộc khu vực phía Nam.
- Sức ép về các vấn đề y tế, giáo dục, văn hóa - xã hội, nhà ở.
- Vấn đề ô nhiễm môi trường và tình trạng cạn kiệt tài nguyên đang là thách
thức lớn đối với vùng đồng bằng sông Hồng. Tại các khu công nghiệp, theo số liệu
thống kê năm 2017, đồng bằng Sông Hồng tỷ lệ số khu công nghiệp có công trình xử
lý đạt tiêu chuẩn trong tổng số khu công nghiệp của vùng mới đạt 66,7% chỉ đứng sau
vùng Đông Nam Bộ là 82,4% (Tổng cục Thống kê, 2021, trang 159). Theo báo cáo
hiện trạng môi trường quốc gia năm 2018, khu vực Đồng bằng sông Hồng là một trong hai vùng tập trung nhiều lượng nước thải sinh hoạt nhất cả nước, trong đó nước thải sinh hoạt chiếm 30% tổng lượng thải trực tiếp ra các sông hồ (Tổng cục Thống kê, 2021, trang 159).