Những yếu tố tác động

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quá trình chuyển đổi sinh kế của người dân làng triều khúc trong thời kỳ 2000 – 2012 (Trang 104)

3.1.1. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa

Chuyển dịch mục đích sử dụng đất nông nghiệp

Trong những năm 1990, tổng diện tích đất của Triều Khúc là 150ha (tương đương với 411 mẫu). Trong đó khu vực canh tác là 299 mẫu 8 sao 5 thước (chiếm 72,06%), còn lại là khu vực thổ cư gồm 111 mẫu [22, tr. 10]. Đến trước năm 2000, khi tác động của đô thị hóa vào khu vực làng chưa đáng kể, diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp còn khoảng 104ha. Tuy nhiên, từ năm 2000 đến nay, quỹ đất làng nghề biến động khá nhiều do các cơ quan, dự án, nhà nước thu hồi làm công trình phúc lợi, xây dựng đường vành đai 3 Nguyễn Xiển, dự án khu đô thị Tây Nam Kim Giang I, dự án khu tái định cư Hạ Đình, dự án của Tổng cục 5 (lấy 23ha), đường Lương Thế Vinh 36m, lưới điện hạ thế 110KV… Năm 2010, cụm sản xuất làng nghề tập trung xã Tân triều nằm trên địa giới hai xã Tân Triều, Thanh Liệt (huyện Thanh Trì) và phường Đại Kim (quận Hoàng Mai) khánh thành với diện tích 105.77m2. Cụm sản xuất làng nghề này đã được đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật như đường giao thông, lát vỉa hè, cống thoát nước mưa, hệ thống nước thải, hệ thống phòng cháy chữa cháy, điện, nước, thông tin liên lạc, sân bãi đỗ xe, khu giới thiệu sản phẩm và nhà điều hành. Như vậy, sau một thời gian đầu tư xây dựng hạ tầng, cụm sản xuất làng nghề tập trung của xã Tân Triều đã đi vào hoạt động, đáp ứng mong mỏi của các hộ sản xuất ở làng nghề này và góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường tại xã Tân Triều. Cuối năm 2012, địa phương cũng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng tuyến đường nối từ Ủy ban nhân dân xã Tân Triều với vành đai 3 Nguyễn Xiển rộng 7m, dài hơn 600m với kinh phí thi công trên 1 tỷ đồng… Đồng thời, hàng loạt các đề án, dự án thu hồi đất, dãn dân, giải phóng mặt bằng đang được đẩy mạnh để hoàn thiện chủ trương của Nhà nước và Nghị quyết của Đảng ủy, chính quyền xã về thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đã đề ra trong giai đoạn 2010 – 2015. Tổng cộng 7 dự án đã thu hồi 52ha đất ruộng của cả làng.

Việc thu hồi diện tích lớn đất nông nghiệp đã ảnh hưởng dẫn đến sinh kế của các hộ dân Triều Khúc nói riêng và khu vực ven đô Hà Nội nói chung. Việc chuyển đổi đất nông nghiệp để xây dựng các khu đô thị, đường giao thông, văn phòng và các cơ sở hạ tầng khác đã rút ngắn khoảng cách giữa thôn Triều Khúc và khu đô thị của Hà Nội. Nhiều con đường mới được xây dựng, những tuyến đường cũ được nâng cấp, kết nối Triều Khúc với khu vực xung quanh. Điều này tạo thuận lợi cho các dòng người đổ về đây để tìm nhà trọ. Cùng thời điểm đó, những người nông dân Triều Khúc bị mất đất nông nghiệp đang xoay sở tìm kiếm các chiến lược sinh kế mới. Tận dụng cơ hội này, họ bắt đầu đầu tư vốn tài chính vào xây dựng nhà ở để cho thuê.

“… Những làng nghề ven đô, đó là nơi có sự thay đổi mạnh mẽ nhất, nguyên nhân chính là do tốc độ đô thị hóa của thủ đô. Hàng loạt làng nghề nổi tiếng xưa của Thăng Long nay chỉ còn lại tên gọi của một con đường hay một khu phố. Đó là làng Bưởi với nghề dệt và nghề giấy, làng Định Công vàng bạc, làng Ngũ Xã đúc đồng, cốm làng Vòng, đậu làng Mơ, đơ thao Triều Khúc… tấc đất tấc vàng ngồi kì cạch cả năm thu nhập không bằng bán vài mét vuông đất, vì thế mà nghề cứ mai một đi dần, cộng với đủ các mặt hàng công nghiệp càng ngày càng xâm chiếm đời sống của mọi tầng lớp cư dân làm nản lòng những kẻ yêu nghề. Cái tên làng nghề nay chỉ còn là một thương hiệu để người làng khác hay nơi khác mượn để làm ăn bằng những sản phẩm thứ cấp của họ. Hầu hết tất cả các làng nghề sát nội thành không còn gì để gọi làng nghề ngoài một cái tên thuở xa xưa, mà đã trở thành phố phường với một bộ mặt khác hẳn cả về nội dung và hình thức. Chỗ này, chỗ kia vẫn còn một vài gia đình truyền thống, do sự ham thích nghề gia truyền hoặc vì những lý do khác mà còn giữ được nghề của tổ tiên nhưng cũng trong cơn bĩ cực của miếng cơm manh áo, chẳng hạn như ở làng Vòng, ở Triều Khúc hay Ngũ Xã…”

[46, tr. 27]. “Dự án cầu Thanh Trì với những khu vực hỗ trợ cho nó làm sao không ảnh hưởng đến làng nghề Thanh Trì; con đường vành đai ba của Hà Nội đi sát làng Triều Khúc một lần nữa cùng các cơ quan, trường học đóng trên địa bàn “nhốt” làng nghề Triều Khúc trong cái túi phố phường” [3, tr. 32] …

Hoạt động ngành nghề thủ công nghiệp bị mai một dần, một số nghề đã mất, những nghề còn duy trì được ở mức độ cầm chừng. Quy mô sản xuất của các nghề dệt nhuộm tơ sợi, sản xuất chỉ hay thu gom phế liệu và tái chế nhựa cũng

ngày càng có xu hướng thu hẹp dần vì ảnh hưởng xấu đến môi trường làng nghề. Nguyên nhân chính của vấn đề này theo người dân chia sẻ do họ thiếu mặt bằng sản xuất nên quy mô nghề ngày càng thu hẹp. Đô thị hóa làm gia tăng giá đất thổ cư, dẫn đến hiện tượng chuyển giao quyền sử dụng đất, nhất là tại các khu vực ven đô đang trong quá trình chuyển đổi nhanh từ nông thôn sang đô thị, trong đó làng Triều Khúc là một ví dụ điển hình. Nhiều người dân Triều khúc cho biết, giá đất tăng nhanh từ cuối những năm 1990. Vào đầu những năm 1990, có rất ít vụ mua bán đất trong làng, và khi ấy giá cao nhất cũng chỉ lên đến 3 triệu/m2 ở những vị trí đẹp nhất, như gần đường giao thông chính, gần khu mua bán. Tuy nhiên từ đầu những năm 2000, dưới tác động của ĐTH và CNH, HĐH, giá đất thổ cư gia tăng rất nhanh. Những mảnh đất có vị trí đẹp có giá bán tới hơn 40 triệu/m2 vào năm 2007 và tăng lên gần 100 triệu/m2

vào năm 2011. Chính vì giá đất cao, nhiều hộ gia đình ở Triều Khúc đã bán đất của mình với những mức độ khác nhau trong khi hầu hết những người mua đất là di dân từ nội đô Hà Nội ra và từ các khu vực nông thôn khác đến. Bên cạnh việc bán đất, diện tích mặt bằng sản xuất còn bị thu hẹp do các hộ dân chia nhỏ mảnh đất cho con cái xây dựng gia đình riêng. Mặt bằng sản xuất thu hẹp cùng với nguồn lực tài chính gia tăng mở ra cơ hội mới cho người dân trong việc chuyển đổi sinh kế, cùng với xu hướng chung của các làng ven đô, đa số các hộ không còn chuyên một nghề nữa, họ cũng xây nhà cho thuê hoặc kinh doanh buôn bán để kiếm thêm thu nhập.

Quá trình di cư từ nông thôn ra thành thị

Trong 20 năm trở lại đây, quá trình CNH, HĐH và ĐTH phát triển mạnh đã làm thay đổi toàn bộ diện mạo của các làng ven đô Hà Nội. Thêm vào đó cơ cấu kinh tế tiểu thủ công nghiệp đa ngành nghề ở thôn Triều Khúc cũng là một trong những nét hấp dẫn dân ngoại tỉnh đến đây sinh sống và làm ăn. Trên thực tế, có rất nhiều nguyên nhân khiến cho lượng người nhập cư ngoại tỉnh vào Triều Khúc ngày càng nhiều, đó là: giao thông thuận tiện; gần những công trình quan trọng của thủ đô và có rất nhiều công trình đang được xây dựng cần số lượng công nhân lao động lớn; gần nhiều trường đại học, cao đẳng, trung học; giá phòng trọ tương đối bình dân… Đặc biệt, từ khi Luật đất đai và nhà ở năm 2005 có hiệu lực, số người đến thuê nhà, mua nhà sinh sống ở ngoại thành ngày càng nhiều hơn. Các thủ tục hành

chính và pháp lý liên quan đến việc mua nhà, thuê nhà hay đăng ký tạm trú, tạm vắng được giản lược, dễ dàng cũng góp phần làm tăng số lượng dân nhập cư từ địa phương khác. Tổng số dân cư sinh sống ở Triều Khúc hiện nay là trên 26.000 dân, trong đó số lượng dân nhập cư là khoảng 11.000 người, tương đương 1/3 số nhân khẩu ở địa phương. Và con số này còn tiếp tục biến động theo chiều hướng tăng trong thời gian tới. Họ chủ yếu là học sinh, sinh viên, cá nhân, hộ gia đình đến đây theo nhu cầu việc làm và cuộc sống. Sự gia tăng dân số nhanh, nhất là về số lượng người di cư, làm tăng nhanh về nhu cầu nhà ở. Vì phần lớn người lao động di cư không thể mua nhà mà phải đi thuê nhà để ở cùng với các dịch vụ đi kèm. Chính điều này đã đem đến cơ hội chuyển đổi sinh kế cho các hộ dân Triều Khúc, trong khi nguồn thu nhập của ngành nghề cũ không đáp ứng được chi phí cuộc sống của xã hội hiện đại.

Như vậy, xét về mặt nào đó, quá trình nhập cư ngoại tỉnh cũng có những tác động tích cực đến chuyển biến kinh tế - xã hội thủ đô. Ở mức độ nhất định, di dân vào Hà Nội góp phần thúc đẩy sự phát triển đa dạng của các lĩnh vực và các ngành nghề, dịch vụ và có ý nghĩa đối với sự tăng trưởng kinh tế của quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa; góp phần bổ sung nguồn lực lao động, nhất là lao động trẻ; đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi sinh kế của người dân ven đô hiện nay.

3.1.2. Biến động kinh tế thị trường và hội nhập

Những sản phẩm nổi tiếng trong lịch sử được làm từ tơ lụa dành cho phụ nữ như áo the, quạt the, yếm, bao thắt lưng, độn tóc đuôi gà, quai thao, khăn thổ cẩm, khăn mặt… vốn là tinh hoa của bàn tay nghệ nhân và niềm tự hào văn hóa làng cổ Triều Khúc bao đời nay đã không còn được ưa chuộng và mất dần vai trò khi văn hóa Tây Âu du nhập. Hàng hóa làm ra không có đầu mối tiêu thụ, dẫn đến tình trạng không bán được hoặc bán được rất ít, không cạnh tranh được với hàng ngoại nhập, người thợ bị thua lỗ nhiều. Khả năng cải tiến, đổi mới, đa dạng hóa sản phẩm, thay đổi công nghệ tương đối chậm, đời sống người dân Triều Khúc gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều hộ gia đình ở Triều Khúc giai đoạn đó đã phải đổi nghề hoặc ra đi tìm hướng sinh kế mới nơi khác. Sự sa sút và chậm thích ứng này càng được bộc lộ rõ hơn trong giai đoạn đầu những năm 1990 khi nền kinh tế nước nhà bị “cấm vận” dưới sức ép của nước lớn, nhu cầu của thị trường lớn Liên Xô và Đông Âu không

cần, và cả trong những năm sau đó dưới sự vận hành của nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần. Đây cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự suy thoái làng nghề Triều Khúc nói riêng và làng nghề thủ công truyền thống ở Việt Nam nói chung. Điển hình như nghề dệt thảm rất phát triển ở làng Triều Khúc trong những năm 70, 80 của thế kỷ XX, sản phẩm phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu sang thị trường Liên Xô và Đông Âu. Nghề này đã đem lại nguồn thu nhập quan trọng cho các hộ gia đình ở làng thời kỳ đó. Cho đến cuối những năm 80, cùng với sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu, thị trường xuất khẩu không còn, những nghề này cũng nhanh chóng mất đi trong cơ cấu nghề thủ công truyền thống của làng.

Sự biến đổi của cơ chế kinh tế từ quan liêu sang bao cấp, từ bao cấp sang kinh tế thị trường, đã tạo nên sự hoang mang, tâm lí hụt hẫng cho các nghệ nhân, thợ nghề thời kì đầu những năm 80 của thế kỷ 20. Bởi họ đang quen sống, sản xuất trong cơ chế “thợ nghề - công chức” vô lo. Đầu vào vật liệu sản xuất, mẫu mã đã có nhà nước cung cấp, đầu ra sản phẩm đã có nhà nước bao tiêu. Bỗng nhiên phải trở về hình thức sản xuất cũ phải tự lo lấy đầu ra, đầu vào (mua vật liệu, bán sản phẩm) nhưng cơ chế kinh tế xã hội nay lại khác… nguồn vốn để đầu tư cho công việc của các thợ nghề, nghệ nhân hầu như không có, tư duy vừa sản xuất vừa kinh doanh là xa lạ… Do vậy, các hộ nghề và doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công truyền thống rất lúng túng trong kinh doanh. “Sự lúng túng nhiều khi chính là do tính tự thân vận động của người thợ chưa cao, ở ngay tại các làng nghề. Thợ thủ công gần như hầu hết là nông dân, hay xuất thân từ nông nghiệp. Sự bảo lưu văn hóa truyền thống ở nông dân nông thôn bền vững hơn dân cư đô thị, nhất là thành phố lớn. Đôi khi, điều đó cũng đồng nghĩa với sức ỳ và thói quen lâu đời. ở những làng chậm phát triển theo cơ chế thị trường hiện nay là một minh chứng cho nhận định đó”[80, tr. 56].

Trong 20 năm trở lại đây, công cuộc Đổi mới đã tạo ra bước phát triển về kinh tế - xã hội. Đời sống của các tầng lớp cư dân trong cả nước đã có những thay đổi căn bản, mạnh mẽ, được cải thiện rõ rệt. Nhiều loại hàng hóa có chất lượng cao, hình thức đẹp, giá thành rẻ được trong nước sản xuất hoặc nhập từ nước ngoài về đã dần thay thế vị trí của các mặt hàng thủ công truyền thống trên thị trường, điển hình là sản phẩm hoa lông vịt Triều Khúc, không thể sánh kịp với các loại hoa nhựa, hoa nilon bền đẹp. Bên cạnh các sản phẩm yếu thế trước sản phẩm mới, còn có nhiều

mặt hàng thủ công không thể có chỗ đứng trước sự thay đổi của cuộc sống, mà chủ yếu là do nhu cầu cuộc sống thay đổi, không sử dụng các sản phẩm cũ như bấc đèn, dây quai thao (chỉ còn sử dụng trong các buổi biểu diễn của các đoàn quan họ), khăn go (thay bằng xà phòng tắm), hay sợi kim tòng, quả hèo… Nguyên liệu đầu vào ngày càng khan hiếm trong khi sản phẩm làm ra không tiêu thụ được dẫn đến bản thân nghề truyền thống của người Triều Khúc không còn chỗ đứng trong xã hội hiện đại như trước đây nữa. Thực tế này đã tạo ra lực đẩy kết hợp với lực kéo từ những điều kiện khách quan của bối cảnh xã hội hình thành nên sức ép buộc người dân Triều Khúc phải chuyển đổi sinh kế nếu muốn sinh tồn và phát triển.

Trải qua giai đoạn khó khăn đó, những hộ gia đình yêu nghề ở Triều Khúc đã nghiên cứu tìm ra hướng đi mới cho nghề thủ công truyền thống và từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường. Trong đó họ tập trung thay đổi chiến lược sản xuất, kinh doanh hướng vào thị trường bằng việc thay đổi cơ cấu sản phẩm và đầu tư chuyên môn hóa về sản xuất. Ngày nay, các sản phẩm dệt may chuyên dụng cho bên quân đội, các loại chỉ may công nghiệp, thu gom và tái chế nhựa phế liệu được coi là những mặt hàng chủ lực của người Triều Khúc…

3.2. Tác động đến cuộc sống của ngƣời dân làng Triều Khúc

3.2.1. Tác động đến nghề nghiệp, việc làm

Tác động tích cực

Quá trình chuyển đổi sinh kế của người dân làng Triều Khúc diễn ra theo hai hình thức: sự xuất hiện các lựa chọn sinh kế mới bên cạnh thành phần sinh kế truyền thống vẫn được duy trì và tiếp tục phát triển. Cơ cấu kinh tế đa ngành đã giải quyết vấn đề việc làm và đem lại thu nhập ổn định cho người dân địa phương, trong đó có lao động nữ. Sự phát triển của những hình thức sinh kế mới góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế làng Triều Khúc nói riêng và xã Tân Triều nói chung theo hướng Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp – Thương mại, dịch vụ - Nông nghiệp.

Bảng 3.1: Kết quả thực hiện chỉ tiêu phát triển kinh tế của xã Tân Triều

(ĐVT: Tỷ đồng)

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quá trình chuyển đổi sinh kế của người dân làng triều khúc trong thời kỳ 2000 – 2012 (Trang 104)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(170 trang)