Từ năm 1945 đến trước Đổi mới

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quá trình chuyển đổi sinh kế của người dân làng triều khúc trong thời kỳ 2000 – 2012 (Trang 53 - 55)

2.1. Sinh kế truyền thống trƣớc năm 2000

2.1.2. Từ năm 1945 đến trước Đổi mới

Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, cộng đồng làng Triều Khúc tiếp tục khôi phục hậu quả chiến tranh và đẩy mạnh sản xuất, chi viện đắc lực sức người, sức của cho tiền tuyến. Từ những năm 1950, làng có thêm nghề dệt băng huân, huy chương, dệt dây đeo súng phục vụ quân đội, khăn len, khăn sợi, khăn mặt, vải màn… Thủ công nghiệp Triều Khúc vẫn phát triển theo qui mô hộ gia đình, cả làng có 300 hộ gia đình sản xuất thủ công, được chia thành các tổ sản xuất theo địa bàn dân cư 5 xóm (xóm Chùa, xóm Cầu, xóm Đình, xóm Lẻ và xóm Án), mỗi tổ có trên dưới 30 hộ. Lúc đầu việc sản xuất ngành nghề do Ban quản lý công thương thôn giúp, Ủy ban nhân dân xã trực tiếp điều hành công việc và ký hợp đồng gia công với Công ty dệt nhuộm Hà Tây và Hà Nội làm các mặt hàng như: khăn mặt bông, khăn quàng len, sợi, dây thắt lưng, dây giầy, bấc đèn…

Cũng giống như các địa phương khác ở miền Bắc, sau cải cách ruộng đất Triều Khúc bước vào quá trình hợp tác hóa. Từ năm 1960, Đảng và Nhà nước có chủ trương vận động bà con nông dân và các hộ sản xuất thủ công vào làm ăn tập thể. Hầu hết nông dân và thợ thủ công đã góp ruộng, công cụ vào hợp tác xã theo địa bàn xóm.

Như vậy, xét về mặt sở hữu tư liệu sản xuất đã có sự chuyển đổi, từ chỗ ruộng đất chủ yếu thuộc sở hữu tư nhân và phần lớn tập trung trong tay một số người chuyển thành ruộng đất thuộc quyền chiếm hữu của mọi người một cách bình thường, giờ đây lại chuyển thành sở hữu của tập thể. Xét về mặt hình thức sử dụng từ chỗ người nông dân, thợ thủ công – mà ở đây trực tiếp là hộ gia đình – là người tự chủ trong vấn đề sản xuất đã chuyển sang hình thức lao động tập thể. Sinh kế hộ gia đình ở Triều Khúc gắn bó chặt chẽ với sinh kế cộng đồng thông qua vai trò của các hợp tác xã nông nghiệp và hợp tác xã thủ công nghiệp.

Trong thời kỳ đầu mới thành lập, các hợp tác xã ở Triều Khúc được củng cố khá vững chắc. Từ năm 1965 đến 1975, trong thử thách ác liệt của chiến tranh chống Mỹ cứu nước, các hợp tác xã ở Triều Khúc tiếp tục được củng cố và phát triển. Cũng như các địa phương khác trên miền Bắc, ở đây hợp tác xã giai đoạn này đã phát huy được vai trò tích cực trong sự nghiệp củng cố hậu phương, chi viện sức

người sức của cho tiền tuyến. Nhằm phục vụ đắc lực cho nhu cầu của tiền tuyến và hậu phương, ngành thủ công Triều Khúc sản xuất khối lượng lớn các mặt hàng băng vải làm huân, huy chương, tua cờ, mành lốp xe đạp, khăn mặt, vải màn và chỉ khâu. Thợ thủ công của 5 xóm trở thành bộ phận sản xuất thủ công nghiệp trong hợp tác xã chung với 500 lao động thủ công, mỗi năm sản xuất từ 600 – 700.000 khăn mặt bông và một số mặt hàng truyền thống khác. Từ năm 1969, khăn thổ cẩm Triều Khúc trở thành mặt hàng được ưa chuộng và xuất khẩu sang Mông Cổ, tạo việc làm cho 50 – 70 người, mỗi năm xuất khẩu khoảng 10.000 khăn thổ cẩm. Ngoài ra còn có 1 tổ với 100 xã viên chuyên làm chổi phất trần các loại (chổi lông gà) xuất khẩu, được Nhà nước cấp phiếu mua lương thực hàng tháng. Hợp tác xã vừa hỗ trợ vốn cho người dân vay, vừa đứng ra mua lông vũ để bán cho Công ty ngoại thương Hà Nội [91, tr. 30].

Thêm vào đó, do có vị trí địa lý thuận lợi cũng như truyền thống kinh tế thủ công nghiệp gia đình từ lâu mà các hộ gia đình ở cả hai loại hình hợp tác xã đã biết phát huy tính tự chủ nhất định để tăng thêm thu nhập và đảm bảo đời sống. Phần lớn các hộ gia đình đều tự mở rộng thêm các nghề phụ như hộ nông nghiệp làm thêm các nghề thủ công, các hộ thủ công ngoài làm việc cho hợp tác xã còn làm thêm nhiều nghề khác tại nhà. Mặt khác, một bộ phận các hộ còn có thêm hoạt động buôn bán (như việc buôn bán các loại rau quả, thực phẩm, hàng tạp hóa, thu mua phế liệu, lông gà, lông vịt…).

Trong thời gian đó do chịu ảnh hưởng của chiến tranh, làng Triều Khúc bị thiệt hại nhiều về người và của. Một số cơ sở và công cụ dệt của người dân bị bom phá hỏng. Tuy nhiên, người dân làng đã nhanh chóng khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.

Đến cuối những năm 1970, Triều Khúc cũng như các địa phương khác trên toàn quốc, mô hình hợp tác xã kiểu cũ bộc lộ những mặt hạn chế về trình độ quản lý của cán bộ, vấn đề tổ chức sản xuất… Mặc dù Triều Khúc nhận được nhiều sự đầu tư của Nhà nước cho nông nghiệp nhưng năng suất lúa, sản lượng các cây lương thực lại ngày một giảm đi, các hộ gia đình thuộc hợp tác xã nông nghiệp thu nhập không đảm bảo đời sống. Còn đối với các hộ thủ công nghiệp thu nhập có ổn định hơn nhưng lại ở mức thấp. Hợp tác xã thủ công lúc này không còn được thành phố bao cấp nữa, mà phải tự đứng ra vạch kế hoạch sản xuất, các quy trình sản xuất cũng như nguyên liệu và thị trường tiêu thụ. Tình hình trên dẫn đến một thực tế là

các thành viên của hợp tác xã vẫn có việc làm nhưng lại chỉ sử dụng một số lượng thời gian nhất định nên thu nhập từ hợp tác xã không cao.

Trước tình hình đó, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách mới nhằm khôi phục phát triển sản xuất và cải thiện, ổn định đời sống các hộ dân. Ngày 13/1/1981, Ban Bí thư Trung ương đã ban hành Chỉ thị 100CT/TW chính thức quyết định chủ trương thực hiện chế độ khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm và người lao động. Ngày 18/1/1984, Chỉ thị 38CT/TW về khuyến khích phát triển kinh tế gia đình tiếp tục được triển khai. Với những thay đổi bước đầu trong các chính sách kinh tế của nhà nước, đặc biệt là trong lĩnh vực nông thôn – nông nghiệp, hộ gia đình đã tiến thêm một bước trong quá trình trở thành đơn vị kinh tế tự chủ với Khoán 100. Trong lĩnh vực thủ công nghiệp, dù đã có một số chuyển đổi nhưng hợp tác xã vẫn không thỏa mãn được nhu cầu công ăn việc làm cho các xã viên và nâng cao đời sống của họ. Do đó, các hộ gia đình dù có khó khăn hơn nhưng cũng vì thế tự chủ và buộc phải năng động hơn trong việc lựa chọn và hình thành các chiến lược sinh kế.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quá trình chuyển đổi sinh kế của người dân làng triều khúc trong thời kỳ 2000 – 2012 (Trang 53 - 55)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(170 trang)