Sinh hoạt văn hóa làng xã và phong tục, tập quán

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quá trình chuyển đổi sinh kế của người dân làng triều khúc trong thời kỳ 2000 – 2012 (Trang 42 - 48)

1.2. Tổng quan về địa bàn nghiên cứu – Làng Triều Khúc, xã Tân Triều,

1.2.5. Sinh hoạt văn hóa làng xã và phong tục, tập quán

Cư dân Triều Khúc là cộng đồng mang tính xã hội cao như cộng đồng dòng họ (huyết thống) cộng cư, cộng đồng sở hữu đất đai, tài nguyên, cộng mệnh, cho đến cùng chung tín ngưỡng, tâm linh, cùng thờ Thành hoàng làng và thờ Phật. Một bộ phận trên chục gia đình theo đạo Thiên chúa. Những tín ngưỡng đó cũng mang tính văn hóa tinh thần và trở thành phong tục, tập quán lâu đời.

Phong tục tập quán

Việc cưới: Nhìn chung, ở Triều Khúc việc dựng vợ gả chồng cũng tuần tự các bước như ở những làng khác như: tự do tìm hiểu, sính lễ dẫn cưới là cành cau lá trầu và thường là một ít tiền… Trước ngày cưới khoảng một tuần, nhà trai nhà gái đi mời họ hàng gần xa và láng giềng. Ngày che “bình thiên” dựng rạp thường có bữa cỗ, bữa cỗ chính được tổ chức vào buổi sáng ngày hợp hôn đôi trai gái, đưa dâu vào buổi chiều, giờ đón dâu tùy nhà trai chọn. Kể từ ngày che “bình thiên” thì cô dâu kiêng không đến nhà chú rể cho đến khi đón dâu.

Khi nhà trai đến đón dâu, nhà gái thường đóng cổng ngõ gọi là “tục đóng cổng ngõ”, tiếp đến nhà gái cử một người thạo ứng xử, đặt ra nhiều câu hỏi, câu đố vui buộc nhà trai phải trả lời, đến khi thấy được thì mở cổng mời vào. Đây chỉ là một trò vui thân mật, làm cho ngày cưới của đôi trẻ thêm mặn mà, đằm thắm. Sau thủ tục xin dâu, chú rể cô dâu làm lễ gia tiên ở hai bên gia đình và được bố mẹ chồng trao tượng trưng một ít tiền làm vốn. Một nét độc đáo ít nơi có là sau lễ cưới,

5

Làng Triều Khúc hiện có 8 nhà thờ tổ của các họ: Nguyễn Gia, Triệu Đình, Giang, Vũ, Nguyễn Huy, Cao Xuân, Triệu Văn, Nguyễn Đăng.

cô dâu theo họ hàng trở về nhà cha mẹ đẻ, đến tối chú rể đến xin phép cha mẹ vợ đón vợ về.

Lễ Mừng thọ: ở Triều Khúc lễ mừng thọ được tổ chức cho những người từ 70 tuổi trở lên. Lễ mừng thọ gồm có hai phần chính là các nghi lễ ở đình chung và việc tổ chức ăn uống mừng thọ tại gia đình. Bên cạnh đó, những người từ 50 tuổi được phép vào hội lão, nhưng trước đó phải tổ chức lễ trình cau ở Đại đình vào ngày 25/11 âm lịch.

Việc tang: Tang lễ ở làng Triều Khúc không có gì khác biệt so với các làng quê khác về các nghi lễ và cách thức tổ chức, vẫn tồn tại quy định “cha đưa, mẹ đón”. Xưa kia còn có tục con gái, con dâu lăn đường từ nhà ra tới nơi để đòn tang, nhưng đã được hủy bỏ từ nhiều năm nay.

Tục“ăn cỗ nhất tề”: Làng Triều Khúc rất coi trọng trong việc xếp cỗ theo lứa tuổi. Tục lệ này được thể hiện khá chặt chẽ trong việc xếp mâm khi mời làng ăn cỗ. Dù là việc làng tổ chức ở đình hay ở gia đình có đám hiếu, hỉ, mừng thọ mời làng xóm, họ hàng ăn cỗ cũng đều xếp theo thứ tự từ trên xuống dưới, nam nữ riêng biệt. Người xếp cỗ thay mặt chủ nhà phải là người am hiểu các mối quan hệ họ hàng, làng xóm và tuổi tác của khách mời để xếp cho đúng mâm. Trên hết là các mâm cụ cửu, cụ bát, cụ thất; sau đó cứ theo tuổi cao thấp mà xếp mâm theo thứ tự để cùng ăn cỗ một lần vào buổi sang. Khi ăn cỗ xong thì mâm dưới phải nhìn mâm nhất, nếu mâm các cụ chưa ăn xong, chưa bưng mâm thì mâm dưới dù ăn xong rồi vẫn phải chờ. Tục xếp cỗ này giáo dục cho con cháu trong làng lòng tôn kính người trên và lối sống trên kính dưới nhường, không chỉ trong tục lệ ăn cỗ mà cả trong cuộc sống hàng ngày.

Các lễ tiết trong năm: các lễ tiết trong năm ở làng Triều Khúc về cơ bản cũng giống như ở bao làng quê khác trên vùng châu thổ Bắc Bộ về cách thức tổ chức và thực hiện các nghi lễ theo lịch của người Việt, như Tết Nguyên đán (Tết Cả), lễ đón Giao thừa, lễ Hạ nêu (7/1), lễ Thượng nguyên (15/1), tết Hàn thực (3/3), lễ Khai hạ (1/4), tết Đoan Ngọ (5/5), lễ Kết hạ (1/7), lễ Vu Lan, tết Trung thu (15/8), lễ Cơm mới (15/9), tết Xôi mới (10/10, tết ông Công (23/12)…

Về tục thờ cúng tổ tiên được tổ chức theo các dòng họ kèm theo tục lệ “việc quan họ”. Ngày giỗ tổ cũng là dịp để các cụ khuyên răn con cháu làm việc tốt, giữ

gìn thanh danh cho dòng họ. Dòng họ thực hiện cộng đồng trách nhiệm rất cao. Các gia đình có việc lớn như hiếu, hỉ, mừng thọ thì họ tộc đứng ra gánh vác mọi việc, tổ chức chu toàn.

Hội làng

Người làng Triều Khúc thờ thành hoàng là đức Phùng Hưng, thờ Phật, thờ đức Nghệ sư, Tam Thánh và một bộ phận nhỏ theo đạo Thiên chúa.

Làng Triều Khúc có những lễ hội đặc trưng của văn hóa Việt, thu hút đông đảo du khách và các nhà nghiên cứu văn hóa, sử học. Hàng năm, làng tổ chức lễ hội tại Đình Đại để tưởng nhớ công ơn tổ nghề và thao diễn lại trận đánh oanh liệt của Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, đó là vào các ngày: ngày sinh 25/11, ngày khởi nghĩa 12/2, ngày lên ngôi 10/1, ngày hóa 13/8 âm lịch.

Lễ hội chính ở Triều Khúc được tổ chức ba năm một lần, trong ba ngày từ 9 đến 12 tháng Giêng. Mở đầu là lễ rước long bào, triều phục của Hoàng đế Phùng Hưng, từ Đình Sắc về Đình Đại để bắt đầu cuộc tế gọi là lễ “hoàn cung”.

Khi cuộc tế lễ bắt đầu thì ngoài sân đình có các trò vui. Tiêu biểu nhất là trò múa Bồng - một điệu múa cổ chỉ xuất hiện ở các làng cổ Thăng Long xưa. Điệu múa này đã tồn tại hàng trăm năm và nổi tiếng khắp cả nước, không có điệu múa Bồng nào đẹp bằng ở Triều Khúc. Dù trải qua bao thăng, trầm, biến cố lịch sử thì cho đến bây giờ, điệu múa Bồng vẫn là một nét văn hóa truyền thống đặc sắc giữa bộn bề cuộc sống hiện đại.

Hội làng Triều Khúc còn có nhiều trò vui khác như múa lân hí cầu, hát Chèo Tàu. Lễ hội kết thúc bằng điệu múa Chạy Cờ, phản ánh sự tích Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng kén chọn người tài để bổ sung quân ngũ trước lúc lên đường quyết chiến với quân xâm lược. Điệu múa bắt đầu từ sáng sớm trên sân đình, trong tiếng tù và, thanh la, trống cả sôi nổi, các tráng sĩ mặc áo nẹp ngắn, thắt lưng xanh, đầu cuốn khăn đỏ, mang theo binh khí chạy thành hai hàng dài quanh các lá cờ thần. Sau khi cắm cờ vào đồng thanh quan giữa sân, các tráng sĩ biểu diễn võ thuật và binh khí trong tiếng cổ vũ của đông đảo người xem. Khi mọi nghi lễ kết thúc, cũng là lúc mọi người cùng ngồi vào chiếu hưởng lộc thánh. Họ cùng nhau chia vui chén rượu, miếng trầu - nét sinh hoạt văn hóa dân gian chan hòa tình nghĩa. Lễ rước Thánh và múa Bồng Triều Khúc đã nhiều lần được mời tham gia các sinh hoạt văn

hóa và lễ hội dân gian quốc gia, được nhiều nơi ngưỡng mộ. Lễ hội cũng là dịp vui gặp gỡ người thân từ xa trở về hoặc bạn bè thân thiết đến thăm nhau thật ấm tình, vui vẻ.

Ngày nay do sự quan tâm đầu tư kinh phí của nhà nước, chính quyền địa phương giữ gìn nét văn hóa đặc sắc của làng, phục vụ nhu cầu tìm hiểu lịch sử của người dân, nhu cầu vui chơi giải trí trong dịp lễ tết, nhu cầu du lịch với khách trong và ngoài nước… lễ hội làng tổ chức rầm rộ, tưng bừng, quy mô to lớn hơn xưa rất nhiều.

Kiến trúc nhà ở

Kiến trúc nhà ở của Triều Khúc từ những năm 2000 trở về trước mang đậm nét kiến trúc phương Đông và dáng nét kiến trúc đình làng.

Một số ít các gia đình ở Triều Khúc hiện nay vẫn còn giữ nếp nhà xưa. Đó là các nhà gỗ, tường xây bao quanh, mái ngói ta. Chiều dài, rộng của ngôi nhà tùy thuộc vào quỹ đất rộng hẹp, nhưng phổ biến là nhà ba gian, năm gian nhà chính cộng thêm nhà ngang và công trình phụ. Sân nhà cũng tùy thuộc vào đất, song nhìn chung đều tương xứng với nhà. Khi nhà có việc (hiếu, hỉ, mừng thọ) sân có thể che rạp thông với nhà chính tạo thành một hội trường lớn.

Ngôi nhà chính năm gian hoặc ba gian có phần kiến trúc gỗ rất đáng chú ý. Đặc biệt gian giữa đặt bàn thờ tổ tiên, có hai cột cái, hai cột con, quá giang. Bồ kèo nhà phổ biến nhất là kẻ truyền, hoặc chồng giường; cầu kỳ hơn thì giương cánh, chạm trổ hoa lá, chim muông; hiên nhà chính phần nhiều rộng rãi, có cột chống, mái có bẩy, cũng được chạm trổ hoa văn đẹp. Nhiều nhà có hoành phi, câu đối, cửa võng, ngai thờ tổ tiên sơn son thiếp vàng.

Ngày nay, trong thôn có thêm rất nhiều nhà cao tầng mọc xen ghép; những nhà có điều kiện, đất rộng, kinh tế khá, dù xây thêm nhà cao tầng vẫn giữ gìn nếp nhà vườn kiểu cổ. Đó cũng là một cách thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, ghi nhớ công ơn tổ tiên của người dân làng Triều Khúc cũng như hoài cổ về những giá trị tinh hoa văn hóa một thời của Hà Nội xưa cũ.

Dân làng Triều Khúc có truyền thống chơi non bộ, cây cảnh, cây thế như sanh, đa, vạn tuế, mai chiếu thủy và một số loài cây hoa khác. Cây cảnh mỗi nhà được tạo thế theo ý tưởng, hoài bão của người chơi, phổ biến là thế trực, thế hoành, thế long giáng, thác đổ, mai bò, phụ tử, mẫu tử, phu phụ… không ít người chơi cây

cảnh, non bộ, bonsai đã tìm cho mình một ý thơ để ngắm cảnh, nhàn ngâm… Trong làng có thành lập hội sinh vật cảnh, quy tụ khoảng 15 – 20 hội viên, có kinh nghiệm chơi và sở hữu những cây cảnh có giá trị lớn, thường xuyên đem cây đi trưng bày, triển lãm, dự giải trong cả nước từ Nam ra Bắc, nhất là vào các dịp lễ tết cổ truyền.

Cuộc sống ngày càng được cải thiện về mặt vật chất, người Triều Khúc càng quan tâm chăm lo cuộc sống văn hóa tinh thần hơn.

Tiểu kết chƣơng 1

Các yếu tố địa lý và lịch sử, văn hóa nói trên có một ý nghĩa quan trọng trong việc lựa chọn sinh kế và hình thành các chiến lược sinh kế khác nhau của người dân làng Triều Khúc. Với vị trí địa lý - kinh tế đặc thù, làng Triều Khúc có điều kiện để phát triển một nền kinh tế đa ngành gồm nhiều ngành nghề khác nhau và sản phẩm của những ngành sản xuất dần trở thành hàng hóa. Mặt khác, do diện tích đất đai hẹp, chất đất xấu, khó khăn cho phát triển nghề nông, do đó để tồn tại và phát triển, người dân địa phương buộc phải mở rộng cơ cấu ngành nghề, có nhiều lựa chọn để phát triển sinh kế. Cũng bởi gần trung tâm chính trị Thăng Long – Hà Nội, nên những chính sách của nhà nước thường xuyên ảnh hưởng trực tiếp đến Triều Khúc.

Nói cách khác, mọi diễn biến kinh tế - xã hội và văn hóa, trong đó bao gồm cả việc hình thành các chiến lược sinh kế khác nhau của cư dân Triều Khúc chịu tác động sâu sắc của chính sách nhà nước, trước kia cũng như hiện nay.

Những thay đổi về kinh tế - xã hội ở Hà Nội nói chung sẽ tạo môi trường thuận lợi cho quá trình chuyển đổi sinh kế ở Triều Khúc. Tuy nhiên, không phải bất cứ làng nào ở Hà Nội cũng đạt được sự chuyển biến đó. Chẳng hạn như làng Yên Xá cũng là một thôn của xã Tân Triều, nhưng sự biến đổi kinh tế - xã hội bao gồm cả chuyển đổi sinh kế của người dân lại diễn ra chậm chạp hơn. Truyền thống thủ công nghiệp lâu đời với các ngành nghề phong phú, đa dạng; sự phát triển cao của sở hữu tư nhân và xu hướng hàng hóa - hóa nông phẩm từ xa xưa của cư dân Triều Khúc; tính cộng đồng chặt chẽ, tương trợ lẫn nhau trong đời sống tinh thần cũng như kinh tế… Đó chính là tiềm năng, là nguồn vốn ban đầu dẫn đến quá trình

chuyển đổi sinh kế của người dân Triều khúc khi bước vào cơ chế mở cửa và đổi mới đất nước từ sau Đại hội V. Trong những năm 2000 – 2012, dưới tác động mạnh mẽ của quá trình CNH, HĐH, ĐTH và hội nhập quốc tế, quá trình chuyển đổi sinh kế diễn ra mạnh mẽ và toàn diện làm biến đổi sâu sắc bức tranh tổng thể kinh tế - xã hội của cộng đồng cư dân Triều Khúc trên tất cả các bình diện.

Tóm lại, sinh kế là lựa chọn của cư dân trong từng thời kỳ nhưng sinh kế bền vững lại không còn mang tính thời vụ nữa. Nó trở thành cơ nghiệp của cộng đồng và mang trong mình cả đặc trưng văn hóa truyền thống của địa phương. Bản thân phương thức mưu sinh cũng thể hiện rõ sự chuyển đổi và phát triển của kinh tế, văn hóa, xã hội và con người làng Triều Khúc. Sự chuyển đổi đó là tất yếu và nó là một quá trình với những bước đi cụ thể sẽ được trình bày trong chương tiếp theo.

CHƢƠNG 2:

QUÁ TRÌNH CHUYỂN ĐỔI SINH KẾ CỦA NGƢỜI DÂN LÀNG TRIỀU KHÚC TỪ NĂM 2000 ĐẾN NĂM 2012

Là một làng ở phía Tây Nam Hà Nội, từ xa xưa Triều Khúc vốn được biết đến là một làng “đa nghề”, trong đó nổi tiếng là các nghề thủ công chuyên biệt với các sản phẩm như quai thao, nón thúng, chổi lông gà, hoa lông vịt, tơ tằm… Đến đầu thế kỷ XX, ở làng Triều Khúc tồn tại hơn 40 nghề và thủ công nghiệp được coi là sinh kế truyền thống của người dân địa phương. Bên cạnh đó, Triều Khúc còn được người ta biết đến với tên gọi “làng đồng nát” hay “làng ve chai” bởi nghề thu gom và tái chế phế liệu đã tồn tại hàng trăm năm trên mảnh đất này. Còn nông nghiệp với những hạn chế về đất đai, nguồn nước chỉ mang tính chất bổ trợ và chủ yếu giải quyết nhu cầu lương thực thực phẩm.

Tuy nhiên, từ khi Đổi mới (1986) đến nay, nền kinh tế Việt Nam chuyển mình theo một hướng mới: chấp nhận nền kinh tế thị trường với tên gọi nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Sự phát triển của kinh tế thị trường và hội nhập đã tác động rất lớn đến sự tồn tại và phát triển của thành phần sinh kế truyền thống của làng Triều Khúc. Cùng với đó, hệ quả của quá trình CNH, HĐH và ĐTH thủ đô trong 20 năm trở lại đây đã tạo ra thời cơ và thách thức mới, làm cho sinh kế của người dân ven đô nói chung và sinh kế người dân làng Triều Khúc nói riêng biến đổi mạnh mẽ theo hai chiều hướng: thứ nhất là sự chuyển đổi trong sinh kế truyền thống (một số nghề thủ công bị mai một và mất đi do không còn chỗ đứng trên thị trường, một số nghề có sự thay đổi về quy trình sản xuất, cơ cấu sản phẩm theo hướng sản xuất hàng hóa, phương thức kinh doanh…); thứ hai là sự xuất hiện thêm các lựa chọn sinh kế mới đem lại việc làm và thu nhập ổn định cho người dân. Điều đó đã thể hiện tính năng động, nhạy bén trong cách lựa chọn sinh kế và khả năng thích ứng của người dân Triều Khúc trước những biến đổi của điều kiện chủ quan và khách quan để sinh tồn và phát triển.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quá trình chuyển đổi sinh kế của người dân làng triều khúc trong thời kỳ 2000 – 2012 (Trang 42 - 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(170 trang)