Vài nét về lịch sử làng Triều Khúc

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quá trình chuyển đổi sinh kế của người dân làng triều khúc trong thời kỳ 2000 – 2012 (Trang 35 - 36)

1.2. Tổng quan về địa bàn nghiên cứu – Làng Triều Khúc, xã Tân Triều,

1.2.2. Vài nét về lịch sử làng Triều Khúc

Tên gọi

Theo những người cao tuổi trong làng kể lại: Triều Khúc xưa vốn có tên là trang Khúc Giang. Tục truyền, trước đây cư dân sinh sống thành từng cụm ở quanh khu vực giếng Liên (nay là Học viện An ninh Nhân dân Hà Nội). Khu vực này vốn là nơi uốn khúc của dòng sông Nhuệ nên dân cư ở đây đặt tên là trang Khúc Giang. Về tên gọi “Triều Khúc” có nghĩa là: do thủy triều lên xuống ở khúc sông này.

Làng Triều Khúc còn có tên nôm là Đơ Đồng vì lúc ấy dân làng sống chính bằng nghề nông nghiệp, sau khi có nghề dệt quai thao mới gọi là Đơ Thao hay Kẻ Đơ. Cạnh làng Triều Khúc có làng Yên Xá tên nôm là Đơ Bùi (chưa có tài liệu nào ghi chép cụ thể về việc đặt tên này. Theo Truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng huyện Thanh Trì tên gọi Đơ Bùi xuất phát từ làng trồng được giống khoai lang nhiều tinh bột, ăn rất bùi) [29, tr. 15]. Song việc ghi chép tên Đơ trước tên của hai làng là do Hà Đông xưa có thời mang tên tỉnh Đơ, hai làng này gần tỉnh lỵ Đơ nên gọi là Đơ Thao, Đơ Bùi.

Di chỉ Khảo cổ học

Di chỉ Gò Cây Táo được tìm thấy trên cánh đồng Miễu thuộc thôn Triều Khúc vào năm 1972. Niên đại thuộc hậu kỳ đá mới và sơ kỳ đồng thau tương ứng với giai đoạn đầu của lịch sử dân tộc trong thời dựng nước – văn hóa Phùng Nguyên, cách ngày nay khoảng 3.500 năm. Tại đây đã tìm thấy 140 hiện vật bằng đá và gốm, ngoài các công cụ sản xuất và đồ trang sức bằng đá, đáng chú ý là các hiện vật đồ gốm bao gồm: dọi xe chỉ, chạc gốm và các công cụ làm từ gốm (thông qua các mảnh gốm còn lại)… có hoa văn trang trí.

Tại di chỉ Giếng Liên và khu mộ cổ (nay thuộc địa phận Học viện An ninh Nhân dân, trường Trung học cơ sở Tân Triều và trường Cao đẳng Sư phạm Nhạc họa Trung ương), các nhà khảo cổ học đã tìm thấy 9 ngôi mộ cổ và một số đồ tùy táng chôn theo, cũng được xác định niên đại như trên.

Trên cơ sở đó, các nhà nghiên cứu đã đi đến kết luận rằng vào khoảng hậu kì đồ đá, nơi đây là địa bàn tụ cư, làm ăn sinh sống của cư dân nông nghiệp Việt cổ.

Các dòng họ

Là một làng cổ hình thành lâu đời, ở Triều Khúc tồn tại rất nhiều dòng họ lớn và duy trì đến ngày nay.

Tương truyền vào thế kỉ VIII, khi nghĩa quân Phùng Hưng từ Đường Lâm về lập quân doanh ở Triều Khúc, trong đó có vị gia tướng họ Giang của Phùng Hưng. Người này về sau trở thành ông tổ họ Giang ở làng Triều Khúc. Hiện nay ở cổng từ đường họ Giang ở Triều Khúc vẫn còn ba chữ “Dân sơ sinh” ý nói đây là những người đầu tiên của họ Giang đến sinh sống. Họ mang theo đặc trưng giọng nói vốn có là thổ ngữ vùng Sơn Tây mà các nhà ngôn ngữ thường gọi là tiếng “trại”. Về sau đổi thành họ Nguyên Giang, một trong những dòng họ lớn nhất ở Triều Khúc hiện nay. Ghi nhớ công lao của Phùng Hưng, người làng Triều Khúc tôn ông làm thành hoàng và thờ tự ở Đại Đình [91, tr. 16].

Đầu thế kỷ XX, Triều Khúc mới có 12 dòng họ được hội tụ trong các xóm: Quy Sơn (nay là xóm Đình), xóm Xuân Đài (nay là xóm Chùa), xóm Long Tân (nay là xóm Lẻ), xóm Thọ Vực (nay là xóm Án), xóm Hổ Khê (nay là xóm Cầu).

Hiện nay Triều Khúc có tới 27 dòng họ đã sinh sống qua nhiều đời, trong đó có những họ được chia thành họ mới, chỉ khác tên đệm gồm có 5 họ Triều, 8 họ Nguyễn, 2 họ Đỗ, 2 họ Cao và các họ: Giang, Dương, Bùi, Hoàng, Vũ, Đào.

Làng Triều Khúc cũng là nơi có nhiều cụ già sống cao tuổi nhất trong xã.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quá trình chuyển đổi sinh kế của người dân làng triều khúc trong thời kỳ 2000 – 2012 (Trang 35 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(170 trang)