Những hoạt động bảo tồn văn hóa trong du lịch

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nghiên cứu phát triển du lịch văn hóa tỉnh Phú Thọ (Trang 84 - 89)

3 .Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu

7. Đóng góp của luận văn

2.8. Bảo tồn văn hóa trong du lịch

2.8.2. Những hoạt động bảo tồn văn hóa trong du lịch

2.8.2.1.Hoạt động của các cơ quan quản lý

Ngày 14-7-2008, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt "Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Phú Thọ đến năm 2020" với mục tiêu Xây dựng

Phú Thọ trở thành Trung tâm kinh tế Vùng; là một trong những trung tâm khoa học, công nghệ; giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao, du lịch của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ; là đầu mối giao thông quan trọng nội Vùng và xây dựng thành phố Việt Trì trở thành "Thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam".

Về phía sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú thọ trong thời gian qua đã có những hoạt động thiết thực để bảo tồn văn hóa trong du lịch như:

Tổ chức thực hiện quy chế, giải pháp huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá tại địa phương sau khi được phê duyệt;

Hướng dẫn và tổ chức thực hiện các dự án bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích thuộc địa phương quản lý sau khi được phê duyệt;

Tổ chức điều tra, phát hiện, thống kê, phân loại và lập hồ sơ di sản văn hoá phi vật thể thuộc địa bàn tỉnh;

Hướng dẫn thủ tục và cấp giấy phép nghiên cứu, sưu tầm di sản văn hoá phi vật thể trên địa bàn tỉnh cho tổ chức, cá nhân nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài;

Tổ chức thực hiện kiểm kê, phân loại, lập hồ sơ xếp hạng di tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh thuộc địa bàn tỉnh;

Thẩm định dự án cải tạo, xây dựng các công trình nằm ngoài khu vực bảo vệ di tích cấp tỉnh có khả năng ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường của di tích;

Tổ chức việc thu nhận, bảo quản các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia do tổ chức, cá nhân giao nộp và thu giữ ở địa phương theo quy định của pháp luật;

Đăng ký và tổ chức quản lý di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trong phạm vi tỉnh; cấp giấy phép làm bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc bảo tàng cấp tỉnh và sở hữu tư nhân;

Quản lý, hướng dẫn tổ chức các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá, lễ hội truyền thống, tín ngưỡng gắn với di tích, nhân vật lịch sử tại địa phương.

2.8.2.2. Hoạt động của chính quyền địa phương .

Tỉnh Phú Thọ đã xây dựng Dự án "Phục dựng các lễ hội truyền thống tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2006 - 2010"; trong đó nhiều lễ hội là tâm điểm, đặc biệt là Giỗ

Tổ Hùng Vương - Lễ hội Ðền Hùng. Lễ hội được tổ chức hằng năm, quy tụ những sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc, tiêu biểu của các vùng, miền trong cả nước, kết hợp nội dung giáo dục truyền thống với sinh hoạt văn hóa cộng đồng, thể hiện tấm lòng thành kính tri ân sâu sắc của đồng bào cả nước đối với các Vua Hùng, các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước

Việc bảo tồn, khôi phục các lễ hội dân gian ngày càng hiệu quả. Nhiều chương trình, dự án, đề tài khoa học di sản văn hóa phi vật thể đã được triển khai thực hiện; các tư liệu quý trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể đã, đang được tiến hành điều tra, nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản và trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhờ đó, nhiều tư liệu quý về một số loại hình di sản văn hóa có nguy cơ mai một đã được kịp thời sưu tầm, lưu giữ, phục hồi; nhiều công trình, đề tài khoa học đã được đầu tư nghiên cứu với những giải pháp có tính thực tiễn như: Dự án "Ðiều tra, khôi phục sưu tầm và bảo tồn múa Chuông, múa Rùa và một số diễn xướng dân gian liên quan đến lễ hội người Dao Phú Thọ"; Dự án "Ðiều tra, sưu tầm, khôi phục và bảo tồn các diễn xướng dân gian người Mường ở Phú Thọ"... Kết quả nghiên cứu các dự án cùng những nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đã tạo sức sống mãnh liệt cho các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Mường, Dao, Cao Lan như: Tết nhảy của dân tộc Dao quần chẹt (xã Nga Hoàng, huyện Yên Lập), lễ hội múa Mỡi dân tộc Mường (xã Tân Lập, huyện Thanh Sơn), lễ hội của dân tộc Cao Lan (xã Ngọc Quan, huyện Ðoan Hùng)...

Ðể huy động nhiều nguồn lực cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản, ngoài ngân sách của Nhà nước, Phú Thọ đang tích cực thực hiện xã hội hóa trong hoạt động bảo vệ di sản nhằm khơi dậy những tiềm năng, thu hút sự tham gia đóng góp của các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước. Nhiều di tích tiêu biểu đã được tu bổ lớn, bảo đảm tính mỹ thuật và truyền thống như đền Mẫu Âu Cơ, đình Lâu Thượng, đình Hữu Bổ Thượng, chùa Bồng Lai... Sau khi được tu bổ, tôn tạo, công trình đã được chính quyền các cấp cùng với cộng đồng quản lý và phát huy giá trị một cách có hiệu quả, trở thành những địa chỉ, sản phẩm văn hóa - du lịch đặc thù, trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn, phục vụ thiết thực cho nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng đồng... Bên cạnh đó, tỉnh đã có cơ chế đãi ngộ cụ thể và đề nghị với

các bộ, ngành tôn vinh các nghệ nhân trên tất cả các lĩnh vực như hát xoan, hát ghẹo, để những "báu vật nhân văn sống" trao truyền di sản, ngọn lửa đam mê trong bảo tồn và phát triển giá trị di sản, tạo nên sức sống mãnh liệt của di sản văn hóa trong cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Sau hơn hai năm hát xoan Phú Thọ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại, việc khôi phục và duy trì thường xuyên hoạt động của bốn phường xoan gốc được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Nhiều hoạt động thiết thực trợ giúp cộng đồng nhận diện, bảo tồn, phát huy giá trị di sản như: Khôi phục miếu Lãi Lèn; hỗ trợ trang phục, đạo cụ biểu diễn, duy trì kinh phí hoạt động, tổ chức các lớp truyền dạy hát xoan; giao lưu giữa các phường xoan, quảng bá hát xoan trong dịp lễ hội Ðền Hùng, trên sóng truyền hình quốc gia; đưa chương trình học hát xoan vào trường phổ thông các cấp... Các hoạt động trên đã làm cho nhận thức của cộng đồng về hát xoan được nâng cao, không gian hát xoan được mở rộng. Ðặc biệt, Phú Thọ phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ quan có liên quan đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Ðề án "Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại - hát xoan Phú Thọ" giai đoạn 2013 - 2020, trong đó phấn đấu đưa hát xoan ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp, trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2015.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được quan tâm đặc biệt. Việc đầu tư, hỗ trợ kinh phí để hoàn thành các hạng mục công trình phục vụ các hoạt động nghi lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, tổ chức các hoạt động lễ hội Ðền Hùng, các di tích thờ cúng Hùng Vương và liên quan (thờ cúng vợ, con, tướng lĩnh thời Hùng Vương) trên địa bàn toàn tỉnh đã được chú trọng. Các cuộc hội thảo, đề tài nghiên cứu khoa học: "Ðiều tra, nghiên cứu phục dựng và chuẩn hóa nghi lễ thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học nghiên cứu, sưu tầm các nghi thức, diễn xướng dân gian liên quan đến tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ và các tỉnh, thành phố khác có di tích thờ cúng Hùng Vương; làm căn cứ tham mưu với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chính phủ để chuẩn hóa nghi lễ thờ cúng Hùng Vương áp dụng trên phạm vi cả nước.

Tuy nhiên, hiện nay, việc sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa chưa tương xứng với tiềm năng hiện có. Nguồn kinh phí, phương tiện, nhân lực cần đầu tư, bố trí cho hoạt động bảo tồn, khai thác giá trị di sản còn gặp không ít khó khăn. Nhiều nơi cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của di sản văn hóa trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế, đôi khi đặt các mục tiêu dự án phát triển kinh tế chưa tính đến những giải pháp hữu hiệu để bảo vệ di tích... Công tác xã hội hóa phát huy giá trị di sản còn thiếu những chính sách, chế tài cụ thể; việc tổ chức khai thác di tích nhiều nơi chưa được thực hiện một cách khoa học, đồng bộ...

2.8.2.3. Hoạt động của các doanh nghiệp du lịch

Các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh trong những năm vừa qua có nhiều hoạt động chung tay góp sức cùng với chính quyền địa phương bảo tồn các giá trị văn hóa, di sản bằng cách:

- Tuân thủ các quy định các quy định của Pháp luật về bảo tồn văn hóa, di sản. - Khai thác giá trị tài nguyên văn hóa có chọn lọc và nằm trong sự cho phép của chính quyền và pháp luật.

- Kiên quyết nói không với các hành động xâm phạm di tích của du khách. - Đóng góp một phần doanh thu từ du lịch cho địa phương để bảo tồn văn hóa, di tích bản địa

2.8.2..4. Hoạt động của du khách

Trong việc bảo tồn văn hóa trong du lịch văn hóa cần có sự phối hợp của chính quyền, doanh nghiệp và quan trọng nhất là của du khách. Trong chuyến đi du lịch, mỗi du khách có ý thức bảo tồn văn hóa tại điểm thì du lịch văn hóa sẽ được phát triển bền vững. Tại Phú Thọ, ghi nhận những hoạt động của du khách bảo tồn văn hóa địa phương như:

- Bảo vệ môi trường tại nơi thăm quan điển hình là tại Đền Hùng. Trong những năm gần đây, hiện tượng vứt rác, hái hoa bẻ cành tại khu di tích đã được hạn chế, giúp bảo vệ cảnh quan khu di tích.

- Tôn trọng văn hóa bản địa

- Mua và sử dụng các sản phẩm thủ công mĩ nghệ của các làng nghề địa phương làm quà lưu niệm thay vì các sản phẩm công nghiệp của Trung Quốc.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nghiên cứu phát triển du lịch văn hóa tỉnh Phú Thọ (Trang 84 - 89)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(150 trang)