Du lịch ẩm thực

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nghiên cứu phát triển du lịch văn hóa tỉnh Phú Thọ (Trang 64 - 69)

3 .Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu

7. Đóng góp của luận văn

2.1. Thi trường du lịch văn hóa

2.3.6. Du lịch ẩm thực

Trong xu thế phát triển đa dạng trong nhu cầu du lịch, ẩm thực không còn chỉ đóng vai trò là yếu tố hỗ trợ, phục vụ cho nhu cầu của khách về ăn uống đơn thuần mà đã trở thành mục đích của các chuyến du lịch. Tuy nhiên Phú Thọ lại chưa có một chương trình du lịch riêng biệt nào về ẩm thực. Ẩm thực thường được kết hợp trong những chương trình du lịch tham quan hay nghỉ dưỡng ... Khi đến với vùng Đất Tổ du khách nào cũng mong muốn được khám phá, thưởng

thức các đặc sản nơi đây. Ở Phú Thọ có đặc sản cuốn hút khách du lịch ở cách thức chế biến cầu kì, có đặc sản khiến du khách thấy thú vị ở nguyên liệu độc đáo, có đặc sản lại hấp dẫn du khách ở bản chất dung dị như chính con người nơi đây. Trong giới hạn đề tài, tôi xin được nêu một số món ăn, nguyên liệu chế biến được du khách thập phương yêu thích

Cá anh vũ

Nhắc đến ẩm thực Phú Thọ, ai cũng nghĩ ngay đến đệ nhất đặc sản “cá anh vũ”. Gọi là đệ nhất đặc sản vì món ăn này nửa hư nửa thực. Ai cũng mong muốn một lần được nếm thử món cá tiến vua này nhưng cũng không mấy ai được tận mắt trông thấy loài cá quý hiếm này.

Theo sách ẩm thực đời nhà Lê, trong cá Anh vũ ngon nhất là khối sụn môi. Môi cá phát triển như vậy là do chúng chỉ ăn loại rêu mọc trên đá ở lòng sông, chúng thường dùng môi để gặm, lúc ngủ cũng dùng môi để bám trụ vào đá, chống lại luồng nước chảy. Thịt cá Anh vũ trắng, chắc và thơm ngon, dân gian truyền rằng cá này tính mát, có thể chữa các bệnh nóng nhiệt, táo bón và bồi bổ thận, hoàn.

Cá Anh vũ chỉ có thể đánh bắt được từ độ đầu đông, từ tháng 10 đến tháng 3 dương lịch. Những ngày se lạnh, khi sương mù trải kín mặt sông, cá Anh vũ sẽ ra ăn nhiều hơn. Từ xưa đến nay chưa bao giờ nghe ai nói câu được cá Anh Vũ mà chỉ có bắt thủ công. Cá Anh vũ hiện nay được xếp vào Sách Đỏ Việt Nam. Cấm khai thác vào mùa cá đẻ từ tháng 10 đến tháng 12.

Gà cựa

Ngoài cá anh vũ, Phú Thọ còn nổi tiếng với một đặc sản tiến vua nữa. Đó chính là gà chín cựa. Loài gà đi ra từ truyền thuyết giờ đang là thương hiệu ẩm thực được nhiều du khách yêu thích của vùng Thanh Sơn - Phú Thọ, đây là giống "gà nhiều cựa thuần chủng " đặc sản có thật.

Gà nhiều cựa thuần chủng tại Xuân Sơn, có đặc điểm chân 6 cựa đối với gà cựa mái và 8 cựa đối với "gà cựa trống cựa trưởng thành" .Và đặc biệt nữa là cựa trên cùng hoàn toàn là sừng, cong vút như lưỡi câu liêm hay nanh heo...

Gà có đủ 9 cực kỳ hiếm, từ xưa đến nay chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thịt gà nhiều cựa có mùi vị đặc biệt của vùng quê phú thọ mà khó có thể diễn tả bằng lời.

Thịt thường được đặt trên mẹt tre lá chuối hoặc cách thủy, ăn cùng bánh dầy như 1 món ăn đặc trưng của miền đất Tổ.

Thịt chua

Cũng là một loại thịt thính giống như nem chua Phú Thọ, nem nắm Nam Định, nem Phùng, nhưng thịt chua Phú Thọ có sự khác biệt về hương vị. Đây là món ăn gốc của người Mường trên mảnh đất Thanh Sơn nhiều đồi núi. Nhưng bởi sự thơm ngon đặc biệt được ưa thích nên thịt chua đã lan truyền sang nhiều vùng khác trong tỉnh, khiến món ăn ngày càng trở nên nổi tiếng và trở thành một thứ đặc sản quà tặng đặc sắc nơi đây.

Thịt chua - đặc sản Phú Thọ - có cách làm khá đơn giản nhưng để có một lọ thịt chua hấp dẫn và đạt yêu cầu lại là cả một nghệ thuật, và nó thể hiện qua sự chọn lọc kỹ càng để có các nguyên liệu tốt nhất cũng như quy trình thực hiện chính xác, nghiêm ngặt. Bởi thế, dù nhiều nơi cũng có món thịt chua nhưng chỉ ở Thanh Sơn – Phú Thọ người ta mới tìm được thứ hương vị mà mình thích nhất.

Thịt chua ăn ngon nhất khi thưởng thức cùng với lá ổi, lá sung, đinh lăng, lá mơ tam thể, lộc vừng, nhội, rau thơm… Chỉ cần cho một miếng thịt chua thơm phức vào những chiếc lá này cuộn lại, chấm với tương ớt cay cay rồi thả vào miệng nhai chậm rãi. Đơn giản bấy nhiêu thôi mà thực khách có thể thưởng thức được bao nhiêu hương vị chua, ngọt của thịt, thơm của gia vị, và cả sức sáng tạo tài tình trong ẩm thực của con người. Nếu một lần đến mảnh đất Trung du mưa nắng thuận hòa này nhất định bạn phải nếm thử món thịt chua, và có lẽ sự hấp dẫn của thứ thịt là này chính là sợi dây níu bao lữ khách, đi rồi vẫn muốn trở lại đầy luyến tiếc.

Rêu đá Thanh Sơn

Thanh Sơn là mảnh đất rộng và có lẽ là nhiều đồi núi nhất của Phú Thọ. Nó cũng là nơi sản sinh nhiều món ăn ngon, độc đáo. Bên cạnh món thịt chua đặc sắc, còn có món rêu đá mà không phải ai cũng biết đến. Nói đến rêu đá - đặc sản Phú Thọ, nhiều người sẽ nghĩ rêu làm sao mà ăn được, nhưng thực tế, đến với một số xã như Đồng Sơn, Thu Cúc, Thượng Cửu... của huyện này, quý lắm mới được người nơi đây mời, đãi món này. Nó được coi như là một thứ rau sạch của những người vùng cao.Khi rêu được lấy về, làm sạch sẽ được đem tẩm ướp gia vị. Đó là tỏi thái

mỏng, muối, mì chính, cộng thêm hành và chút mỡ lợn rồi trộn đều, dùng lá đu đủ (hoặc lá rong) gói thành nhiều lớp buộc chặt lại. Lớp lá đu đủ bén lửa bốc lên mùi cay cay, thơm thơm. Đợi đến khi những lá đu đủ bên ngoài chuyển thành màu đen, họ mới bóc từng lớp lá ra để thưởng thức. Mùi tỏi và hành quyện với mùi nồng nồng của rêu đá tạo nên một hương vị rất riêng biệt và khó quên.

Rau sắn

Nhiều thực khách chỉ quen thưởng thức củ sắn trắng thơm, bở, bùi mà ít ai biết rằng rau sắn cũng là một đặc sản. Và chính ở mảnh đất trung du này đã biến thứ rau dân dã ấy thành những món ăn tuy không sang trọng nhưng ngon và ấn tượng. Để chế biến thành các món khác nhau, trước tiên rau sắn được hái về đem muối chua giống như bạn làm dưa cải vậy nhưng công đoạn có sự khác biệt.

Rau sắn muối ngon thì phải biết chọn nguyên liệu. Những búp sắn non mập mạp còn nguyên lớp phấn mịn phía đầu chồi, hái về ngâm qua nước cho bớt nhựa rồi được vò nát. Người vò phải khéo léo làm sao cho lá sắn mềm, sóng đều nguyên búp chứ không vụn thành từng đoạn.

Sau khi vò xong, trộn lá sắn với chút muối cho thêm vị đậm đà. Cách này cũng giúp cho rau sắn nhanh chua hơn và để lâu ngày không bị hỏng, bị váng. Bởi vậy khi thêm muối cũng phải lựa sao cho rau không quá mặn mà khó nấu, cũng không quá nhạt để nổi váng, rau dễ bị hỏng. Rau sắn sau khi đã trộn muối đem cho vào vại hoặc bình, để 4 đến 5 ngày ủ chua.

Rau sắn muối có màu vàng đều, dậy mùi thơm hấp dẫn và tưởng chừng như dù có thưởng thức bất cứ món ngon nào cũng không thể quên hương vị món dưa sắn.

Từ thứ dưa rau sắn này, người ta có thể xào, nấu canh cá, làm nộm (gỏi), kho cá… Mỗi món ăn mang một hương vị thân thương của gia đình, của tình yêu quê hương của những người con xa quê khi nhớ về. Bao thực khách đến đây, dù sang trọng hay bình thường cũng đều bị thứ hương dưa sắn quyến rũ. Những bát canh cứ đầy lại vơi, những món xào chỉ hết trong nháy mắt… thật thích thú biết bao.

Bánh Tai

Chẳng rõ từ bao giờ món bánh tai nổi tiếng lại xuất hiện ở thị xã Phú Thọ, món bánh làm nức lòng bao khách phương xa thưởng thức.

Để làm được chiếc bánh tai ngon thì trước tiên là phải chọn được loại gạo tẻ ngon, trắng, dẻo, đây là khâu quan trọng quyết định đến chất lượng của chiếc bánh tai. Xong rồi đến kỹ thuật làm bánh, nhân bánh. Qua những bàn tay nhào nặn tài tình, những bí quyết gia truyền riêng, những chiếc bánh tai nóng hổi đã ra lò thơm mùi bột quyện trong mùi thịt, hành ngây ngất.

Ở nơi đây, bánh tai là thứ quà sáng rất đặc biệt bởi nó dễ ăn, lại lành tính. Khi ăn, phải nếm chậm rãi, cắn từng miếng nhỏ mới có thể cảm nhận hết được hương vị trong từng miếng bánh. Thưởng thức xong rồi mà mùi thơm của bánh vẫn còn phảng phất đâu đây mãi chẳng rời.

Quả cọ

Nhắc đến Phú Thọ, du khách sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh rừng cọ đồi chè. Người ta chỉ biết đến cây cọ mà ít biết rằng, trái cọ cũng là một thứ quà ngon và là đặc sản của mảnh đất này. Khi những cơn gió đầu mùa se lạnh bắt đầu dập dìu bên những sườn đồi cũng là lúc quả cọ chín già, đen bóng, sai lúc lỉu từng chùm, đung đưa đón mùa về. Khi ấy, người dân thường đi hái quả, thứ quả mang vị bùi, chát được lắng đọng qua mưa và nắng gió trung du.

Quả cọ được hái về rửa sạch bụi đất rồi đem làm ỏm. Khi ỏm cọ phải chú ý thời gian cho phù hợp với độ sôi của nước, nếu không khéo cọ sẽ bị tóp lại, cứng chát không ăn được. Thế nên ỏm được một mẻ cọ ngon là phải khéo léo, kì công.

Quả cọ khi đã ỏm có màu nâu sậm, lúc ỏm xong dầu cọ nổi như váng mỡ bám quanh nồi, bóp vào mà quả thấy mềm, cho màu vàng ươm là ngon nhất. Người ăn cọ sành là người biết chọn cho mình những quả cọ tròn, cùi dầy có màu vàng như mật ong, khi nhấm nháp còn thấy bùi, ngọt béo ngậy, thơm đặc, dẻo dính ở răng thì đó chính là loài cọ nếp quý.

Cọ ỏm chấm với nước mắm là ngon nhất thế nhưng tùy thuộc khẩu vị từng người có thể thay bằng bột canh hay tương ớt, muối lạc, muối vừng…

Ngoài cọ ỏm, người ta còn làm dưa cọ muối, xôi cọ. Thậm chí là cơm nắm với lá cọ… Dù là món ăn gì đi nữa thì cây cọ vẫn luôn mang cái hồn và thần thái của người người vùng đất trung du này.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nghiên cứu phát triển du lịch văn hóa tỉnh Phú Thọ (Trang 64 - 69)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(150 trang)