Sự ra đời và phát triển tiểu thuyết luận đề của Tự lực văn đoàn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thể loại tiểu thuyết luận đề của tự lực văn đoàn (qua nửa chừng xuân, đoạn tuyệt, bướm trắng) (Trang 29 - 37)

5. Cấu trúc luận văn

1.3.2. Sự ra đời và phát triển tiểu thuyết luận đề của Tự lực văn đoàn

1.3.2.1. Sự ra đời tiểu thuyết luận đề của Tự lực văn đoàn

Tiểu thuyết luận đề của Tự lực văn đoàn ra đời trong không khí chung của tiểu thuyết luận đề Việt Nam đầu thế kỷ XX, đó là giai đoạn xã hội rất phức tạp: Chính sách đô hộ của thực dân Pháp; tiến trình cải cách, cải tạo xã hội; cuộc sống và tâm lý của công chúng đô thị; giao lưu văn hoá Đông - Tây; sự thức tỉnh của ý thức cá nhân; ý hướng, khát vọng, tài năng, nỗ lực của cả một thế hệ nhà văn mới… Tiểu thuyết luận đề của Tự lực văn đoàn ra đời chính là sự phản ánh tâm trạng và thái độ của trí thức tư sản Việt Nam trong thời kỳ biến động đó.

Sự phát triển mạnh mẽ của tầng lớp trí thức Tây học ở nước ta đầu thế kỉ XX với sự tiếp nhận và chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa phương Tây hiện đại đưa đến sự trỗi dậy mạnh mẽ về ý thức cá nhân, trong khi đó chế độ gia đình phong kiến vẫn đầy rẫy những tập tục phong kiến lạc hậu. Cuộc đối đầu giữa hai phe Cũ - Mới ngày càng căng thẳng và quyết liệt, khó có thể dung hòa. Trước thực trạng trên của xã hội, Tự lực văn đoàn đã nhanh chóng nắm bắt tình hình và cho ra mắt độc giả nhiều tác phẩm có nội dung chống lễ giáo phong kiến, đòi giải phóng con người cá nhân. Những tác phẩm ấy ngay từ khi mới ra đời đã nhận được sự ủng hộ và lòng yêu mến của đại đa số những người trẻ tuổi đang khát khao được sống cuộc đời tự do, được hưởng hạnh phúc cá nhân.

Trong giai đoạn này, thị hiếu của độc giả, đặc biệt là tầng lớp tiểu tư sản thành thị cũng là một trong những yếu tố quan trọng tác động đến sự ra đời của tiểu thuyết luận đề Tự lực văn đoàn. Đối tượng độc giả này ít nhiều chịu ảnh hưởng của tinh thần, tư tưởng Âu Tây, họ có nhu cầu thẩm mỹ và những khát vọng tình cảm mới, họ chuộng lối văn chương mới mẻ, vui vẻ thay cho những áng văn chương thở than, sầu não đầu thế kỷ. Vì thế, tôn chỉ: “lúc nào cũng trẻ, yêu đời. Không có tính cách trưởng giả quí phái… Tôn trọng tự do cá nhân. Làm cho người ta biết đạo Khổng không hợp thời nữa. Đem phương pháp khoa học Thái Tây ứng dụng vào văn chương An Nam”, được thể hiện trong những sáng tác của Tự lực văn đoàn đã đáp ứng được thị hiếu của độc giả đương thời. Đây là một trong những tiền đề quan trọng để tiểu thuyết luận đề của Tự lực văn đoàn được chào đón và có sức sống mãnh liệt trong dòng văn học lãng mạn Việt Nam đầu thế kỷ XX.

Bên cạnh đó, các nhà văn trong Tự lực văn đoàn, nhất là các tác giả chủ chốt như Khái Hưng, Nhất Linh, Hoàng Đạo, do có chung quan điểm về xã hội, nhân sinh và văn chương, đã có tác động lớn đến sự ra đời của thể loại tiểu thuyết luận đề của Tự lực văn đoàn. Bởi chính sự tương đồng về quan điểm xã hội, quan điểm văn chương nên các tác giả này dễ dàng có chung tiếng nói trong việc lựa chọn thể loại để thể hiện luận đề trong những sáng tác của mình. Đồng thời họ thống nhất với

nhau về quan điểm sáng tác cũng như cách nhìn nhận và giải quyết các vấn đề xã hội.

Những tiền đề cơ bản trên đã tạo cơ sở cho sự ra đời và phát triển của tiểu thuyết luận đề Tự lực văn đoàn. Đồng thời, trên cơ sở đó những đặc trưng về mặt thể loại trong tiểu thuyết luận đề của Tự lực văn đoàn cũng được thể hiện rõ. Tuy nhiên, có thể thấy, dù có chung tôn chỉ sáng tác, nhưng không phải tất cả những cây bút trong văn đoàn đều thể hiện sự thống nhất với tôn chỉ đó trong sáng tác của mình. Ở đây, chúng tôi xem xét các tiểu thuyết luận đề là những sáng tác của những cây bút chủ lực trong Tự lực văn đoàn có sự thống nhất với nhau về quan điểm sáng tác như Khái Hưng, Nhất Linh, Hoàng Đạo.

1.3.2.2. Sự phát triển tiểu thuyết luận đề của Tự lực văn đoàn

Quan niệm về xã hội và văn chương đã tác động đến sự ra đời của tiểu thuyết luận đề của Tự lực văn đoàn. Với ý thức dùng văn chương như một phương tiện để đấu tranh chống lại phái cũ, cổ động phái mới, Tự lực văn đoàn đã cho ra đời những tiểu thuyết luận đề có giá trị.

Có một số tác giả khi nhìn nhận quá trình vận động và xu hướng phát triển của tiểu thuyết Tự lực văn đoàn đã đưa ra các giai đoạn phát triển khác nhau. Phan Cự Đệ chia thành 3 thời kỳ: 1932 - 1934, 1935 - 1939, cuối 1939 đến khi cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ; tác giả Nguyễn Hoành Khung chia thành hai chặng: từ 1931 - 1935 và từ thời kỳ Mặt trân dân chủ trở đi; tác giả Nguyễn Đăng Mạnh chia thành ba giai đoạn: 1933 - 1936, 1936 - 1939, 1939 - 1943… Tuy nhiên, căn cứ vào quan điểm xã hội, quan điểm văn chương và xu hướng sáng tác, chúng tôi xem xét sự phát triển của tiểu thuyết luận đề Tự lực văn đoàn theo ba thời kỳ chính:

* Thời kỳ 1932 - 1935

Tiểu thuyết luận đề Tự lực văn đoàn trong giai đoạn đầu tập trung vào đề tài chống lễ giáo phong kiến đòi quyền tự do yêu đương, đề cao hạnh phúc cá nhân cho con người. Luận đề trong phần lớn những tác phẩm của các nhà văn Tự lực văn đoàn giai đoạn này tập trung vào việc phản ánh cuộc đấu tranh mới - cũ đang diễn ra mạnh mẽ trong xã hội thành thị Việt Nam lúc bấy giờ. Cái “mới” ở đây là tư

tưởng tự do cá nhân tư sản, cái “cũ” là luân lý, tập tục, lễ giáo phong kiến cổ hủ, lạc hậu. Các tác giả như Khái Hưng, Nhất Linh, Hoàng Đạo đã đứng về phía cái mới để phê phán những kẻ đại diện cho nền luân lý, lễ giáo phong kiến.

Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng ra đời vào năm 1933 được xem là cuốn tiểu thuyết luận đề đầu tiên của Tự lực văn đoàn, mở đầu cho cuộc chiến chống lễ giáo phong kiến, giải phóng con người cá nhân. Tiếp đến là Nắng thu (viết 1934, xuất bản 1942) của Nhất Linh, Gánh hàng hoa (đăng báo 1934, xuất bản 1935) của Nhất Linh viết chung với Khái Hưng. Thông qua suy nghĩ và hành động của những nhân vật trong những tác phẩm này, luận đề được thể hiện. Nhân vật Thi trong Hồn bướm mơ tiên bỏ nhà, thay tên cải dạng để chống lại tệ hôn nhân gả bán. Nhân vật Trâm và Phong trong Nắng thu yêu và lấy người mình yêu bất kể sang hèn để phá bỏ quan niệm hôn nhân môn đăng hộ đối… Những nhân vật này được xây dựng theo hướng tô vẽ, thậm chí lí tưởng hóa nhằm minh họa cho luận đề mà các tác giả đặt ra trong tác phẩm của mình.

Đến Nửa chừng xuân (1934) của Khái Hưng, Đoạn tuyệt (đăng báo 1934, xuất bản 1936) của Nhất Linh, cuộc xung đột cũ – mới được phản ánh một cách trực điện, những tác phẩm này được xem là cuộc tiến công mạnh mẽ vào lễ giáo phong kiến, khẳng định quyền tự do hôn nhân của lớp thanh niên trí thức đang được phát triển về quyền sống và ý thức cá nhân. Thông qua câu chuyện có nhiều cảnh đời thực và cuộc đấu tranh giữa các nhân vật đại diện cho hai phe: phe mới như Mai, Lộc, Huy trong Nửa chừng xuân; Loan, Dũng, Thảo trong Đoạn tuyệt với phe cũ như bà Án (mẹ Lộc), bà Phán Lợi (mẹ Thân), các tác giả đã biện luận cho quan niệm nhân sinh mới và công bố sự bất hợp thời của những quan niệm do nền luân lí cũ tạo ra. Ở đó, các tác giả xây dựng nên những hình tượng của những cặp trai gái mới tự do yêu nhau, bất chấp mọi sự ràng buộc của gia đình, của lễ giáo phong kiến để khẳng định sự thức tỉnh mạnh mẽ của ý thức cá nhân trên lĩnh vực tình yêu và hôn nhân nhằm thoát khỏi xiềng xích của những khuôn phép của chế độ cũ.

Với sự tác động của thời kỳ Mặt trận Dân chủ, tiểu thuyết luận đề của Tự lực văn đoàn tiếp tục phát triển và đã có sự mở rộng về đề tài sáng tác, nó phản ánh sự thay đổi trong cách nhìn, trong quan điểm nghệ thuật của nhà văn Tự lực văn đoàn. Bên cạnh mảng đề tài đấu tranh chống lễ giáo phong kiến, đòi quyền tự do cá nhân trong những sáng tác ở giai đoạn trước; ở giai đoạn này, các tác giả như Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo đã thực hiện “những hoạt động cải lương nhưng có ích cho quần chúng” bằng việc theo đuổi một đề tài mới thể hiện chủ trương cải cách xã hội, cải cách nông thôn, cải thiện đời sống của dân quê. Những tác phẩm trong giai đoạn này đánh dấu sự chuyển hướng từ màu sắc lãng mạn sang những sáng tác hiện thực, gần gũi với người lao động hơn.

Những tác phẩm tiêu biểu cho tinh thần đấu tranh chống lễ giáo phong kiến trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn thời kỳ Mặt trận Dân chủ, kể đến như Lạnh lùng

(1935 - 1936) của Nhất Linh và Thoát ly (1937), Thừa tự (1938) của Khái Hưng. Ở

Lạnh lùng, nhân vật Nhung, người phụ nữ góa chồng lúc hai mươi tuổi, vì tấm biển “Tiết hạnh khả phong” có từ đời bà Tổ mẫu nhà chồng, nàng phải sống dối mình, dối người để được tiếng khen của người đời. Nhất Linh lên án lễ giáo phong kiến, tập tục cổ truyền đã trói buộc, giam hãm tình cảm con người một cách tàn nhẫn, chủ trương giải phóng hoàn toàn người phụ nữ ra khỏi gia đình phong kiến, khỏi quan niệm tiết trinh hẹp hòi của lễ giáo. Ở Thoát ly, Khái Hưng đã phê phán chế độ đại gia đình phong kiến qua câu chuyện dì ghẻ - con chồng. Nhân vật Hồng trong tác phẩm là một người phụ nữ hiền dịu, dễ thương, nhưng phải sống một cuộc sống mòn mỏi cả tinh thần lẫn thể xác cho đến cuối đời, vì không dám đấu tranh, không dám đối mặt với hiện thực. Ở nhân vật này, thể hiện khát khao về một cuộc đời tự do, một tình yêu chân thật, nhưng chỉ vì người dì ghẻ tai ác, nham hiểm phá hoại mà Hồng thành ra bất lực “chi bằng không tìm thoát ly nữa mà cứ coi như mình đã thoát ly rồi”. Đến Thừa tự, tiếp tục khai thác mâu thuẫn hai thế hệ, giữa mẹ kế và con chồng, tác giả đã đi sâu vào cảnh ngộ của những gia đình giàu có, quyền thế như gia đình Bà Ba, bà Huyện, huyện Phan; tác giả phát hiện ra những mâu thuẫn,

những rạn nứt khó hàn gắn do tính chất lỗi thời của lễ giáo phong kiến và quyền lực của đồng tiền gây nên.

Có thể thấy, so với giai đoạn trước, luận đề đấu tranh chống lễ giáo phong kiến ở giai đoạn này trở nên quyết liệt hơn, thể hiện ở cả chiều sâu tâm lí, ý thức và hành động của nhân vật. Nếu như các nhân vật trong những sáng tác của thời kỳ trước như Mai trong Nửa chừng xuân, Loan trong Đoạn tuyệt đứng lên đấu tranh trực diện với đại gia đình phong kiến bằng thái độ quyết liệt, mạnh mẽ, thì ở thời kỳ này, Nhung trong Lạnh lùng không chỉ đấu tranh bằng thái độ, suy nghĩ mà bằng cả hành động, trong đó có cả hành động trao thân cho Nghĩa, ông giáo nghèo nàng yêu thương khi “không thể giữ gìn được nữa và nàng thấy không cần phải giữ gìn nữa”. Ở thời kỳ này, cuộc đấu tranh chống phong kiến, đề cao tự do tình yêu, tự do hôn nhân của tiểu thuyết Tự lực văn đoàn đã thật sự đi vào chiều sâu, trong đó có cả vấn đề mà trước các nhà văn Tự lực văn đoàn chưa ai nói đến.

Tuy nhiên, do hạn chế ở ý thức hệ của giai cấp tư sản Việt Nam được sản sinh trong hoàn cảnh một nước phong kiến thuộc địa, đã không có tinh thần phản phong triệt để, đồng thời, do hoàn cảnh lịch sử, vấn đề chống lễ giáo phong kiến không thể tách rời vấn đề giải phóng dân tộc, nên trong giai đoạn này, vấn đề giải phóng con người cá nhân ra khỏi xiếng xích chế độ phong kiến cũng chỉ mang tính cải lương, nửa vời. Chính vì vậy, những lễ giáo, tập tục phong kiến lạc hậu vẫn còn cố hữu trong đời sống của xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX.

Từ năm 1936 trở về sau, các nhà văn chủ chốt của Tự lực văn đoàn có sự mở rộng phạm vi đề tài trong những sáng tác của mình. Theo đó, các tác giả tập trung viết về phong tục tập quán của người dân quê, ca ngợi vẻ đẹp người lao động. Luận đề trong những sáng tác giai đoạn này chủ yếu là luận đề về cải cách nông thôn, cải thiện đời sống của dân quê. Các tác phẩm tiêu biểu như: Trống mái (1936), Gia đình (1936), của Khái Hưng; Con đường sáng (1938) của Hoàng Đạo.

Trong Trống mái, quan niệm tình yêu bắt nguồn từ vẻ đẹp cơ thể của tầng lớp thanh niên được thể hiện. Đồng thời, nhận thức về sự tương đương giữa vẻ đẹp hình thức và vẻ đẹp tâm hồn con người làm nên sự bền vững trong tình yêu cũng được

các nhân vật trong tác phẩm làm rõ: “Cái đẹp về hình thức, khó cảm được trái tim một người có trí thức, nếu cái đẹp hình thức ấy không chứa một tâm hồn tương đương”. Thông qua mối tình giữa hai nhân vật Hiền và Vọi cùng cái chết của Vọi ở cuối tác phẩm, đã đặt ra cái nhìn về vẻ đẹp toàn diện, về lẽ sống, về tình yêu không phân giai cấp, về mối quan hệ bình đẳng nam nữ… trong xã hội Việt Nam giai đoạn đương thời. Trong Gia đình, luận đề mâu thuẫn giữa cá nhân và gia đình, giữa những quan niệm cũ và mới được Khái Hưng thể hiện thông qua câu chuyện gia đình ông Án Báo. Đồng thời luận đề chính ở đây là nông thôn, nông dân cũng được làm rõ, vì vậy bên cạnh các cặp nhân vật Nga - An, Viết - Thảo, Trường - Vân với vấn đề danh vọng và đời sống quan trường thì cặp nhân vật vợ chồng Hạc - Bảo lại được xây dựng với tư tưởng dứt khoát với thành kiến và hư danh. Tiểu thuyết Con đường sáng của Hoàng Đạo là con đường tư tưởng mà Duy đã tìm được để vươn tới cuộc sống của người nông dân, đến với nông thôn sau những năm tháng sống trụy lạc vì chưa tìm ra được ý nghĩa của cuộc sống. Duy cùng Thơ - người vợ mới cưới đã nhận thức và kiên gan theo đuổi công việc cải cách nông thôn cho đến khi thành công sau những khó khăn và không ít lần chán nản, bỏ cuộc.

Có thể thấy những tiểu thuyết luận đề trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ của Tự lực văn đoàn đã phản ánh nhiều vấn đề cơ bản về xã hội, trong đó vấn đề nông dân, nông thôn được các nhà văn Tự lực văn đoàn quan tâm hơn cả. Những tiểu thuyết luận đề tiêu biểu này cũng là những băn khoăn về hình ảnh nông thôn và cuộc sống tối tăm khổ cực của người nông dân của Tự lực văn đoàn. Tuy nhiên, ở một phương diện nhất định, khi đề cập và đưa ra cách giải quyết vấn đề nông dân và nông thôn, các nhà văn Tự lực văn đoàn có những hạn chế nhất định. Những hạn chế về giải pháp của Tự lực văn đoàn một phần do sự tác động của hoàn cảnh xã hội, vấn đề nông dân không thể tách rời vấn đề dân tộc, mâu thuẫn đối kháng giữa nông dân và địa chủ khó có thể điều hòa. Mặt khác, Tự lực văn đoàn vẫn bộc lộ tư tưởng cải lương, vì thế vấn đề nông thôn, nông dân không được giải quyết triệt để.

Ở giai đoạn này, tình hình lịch sử xã hội có nhiều biến đổi, dưới sự lãnh đạo

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thể loại tiểu thuyết luận đề của tự lực văn đoàn (qua nửa chừng xuân, đoạn tuyệt, bướm trắng) (Trang 29 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(132 trang)