Giọng điệu dung dị, trữ tình

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thể loại tiểu thuyết luận đề của tự lực văn đoàn (qua nửa chừng xuân, đoạn tuyệt, bướm trắng) (Trang 117 - 119)

5. Cấu trúc luận văn

3.3. Giọng điệu trần thuật trong tiểu thuyết luận đề của Tự lực văn đoàn

3.3.2.1. Giọng điệu dung dị, trữ tình

Với Nửa chừng xuân người đọc có thể dễ dàng nhận thấy giọng điệu chủ đạo là giọng điệu dung dị, trữ tình sâu lắng thông qua những đoạn văn miêu tả mượt mà, làm nổi bật tâm trạng và suy nghĩ của nhân vật: “Buổi chiều mùa xuân hạt mưa lấm tấm, bao phủ Hồ Tây bát ngát mênh mông. Con thuyền nan của khách chơi xuân rập rờn trên mặt nước. Cơn gió may thoảng đưa, mấy chiếc lá vàng rơi lác đác. Mai ngước mắt nhìn lên, búp xuân non mơn mởn đầu cành. Cái cảm tưởng về xuân dịu dàng êm ái, khiến Mai hé cặp môi tươi thắm mỉm cười với xuân, trong lòng chứa chan hy vọng” [29, tr. 17]; “Hai bên đường, lá ngô trước gió rung động, lao xao. Cô cũng thấy người cô rung động. Cái rung động, cái cảm giác của sự sung sướng hồn nhiên của tuổi thanh xuân chứa chan hi vọng như cái khí lực bồng bột chứa trong cây, phát ra các búp non trên cành tơ mơn mởn”. Hay: “Mảnh trăng thượng tuần như cặp sừng trâu treo lơ lửng trên nóc nhà hàng xóm trông nhợt nhạt có vẻ lãnh đạm vô tình. Tiếng bà chủ nhà láng giềng the thé tính tiền công tát nước với bọn điền tốt ở bên cạnh ngọn đèn dầu, ánh sáng lấp loáng qua khe hàng rào tre khô nhắc người lão bộc nhớ tới cảnh trù phú tấp nập của nhà cụ Tú mười năm về trước” [29, tr. 42]. Chính những suy nghĩ, hy vọng và của nhân vật Mai, những phút giây Mai thả hồn vào không gian êm đềm thơ mộng và những hồi tưởng nhân vật lão Hạnh hòa trong không gian cảnh vật thiên nhiên thơ mộng đó đã góp phần tạo nên giọng điệu trữ tình sâu lắng cho tác phẩm.

Người đọc cũng có thể nhận thấy giọng điệu trữ tình sâu lắng trong Đoạn tuyệt

Bướm trắng thông qua lời của người trần thuật được gọi ra bằng những câu văn êm ả, mượt mà tả cảnh thiên nhiên và tâm trạng con người: “Trời đã mờ mờ tối. Trên rặng tre xơ xác, da trời tím sẫm thưa thớt điểm vài ngôi sao long lanh. Trong phòng Loan ngồi một mình tựa cửa, tuy trên vai quàng chiếc khăn đầy mà nàng còn như thấy hết cả cái lạnh lẽo của buổi chiều xuân thấm vào người” [37, tr. 49]; đó cũng là giọng điệu du dương, nhẹ nhàng ở những câu văn kể hòa trộn với tả: “Bỗng Loan chú ý lắng tai nghe. Ở xa xa tiếng sáo ai thổi đưa lại, Loan nghe như lời than vãn của một xuân nữ đa tình ngồi trong vườn đầy hoa thơm nhớ tới tình nhân xa vắng. Rồi mơ mộng, Loan tưởng tượng người tình nhân đó giống Dũng… và thẫn thờ để tiếng sáo du dương đưa tâm hồn nàng phiêu lưu đến những cảnh mộng xa xăm” [37, tr. 54]. Hoặc những câu văn hết sức dịu dàng, tinh tế để diễn tả tâm trạng nhân vật trong cuộc gặp gỡ giữa Loan - Dũng trước ngày Dũng lên đường đi xa và Loan phải đi lấy chồng: “Rồi hai người lặng lẽ cùng ngồi nhìn hạt mưa bay. Loan rùng mình, cởi khăn san quàng phủ lên đầu, vì gió lạnh nổi lên lọt vào phòng. Loan cảm thấy sự lạnh lẽo của cuộc đời nàng khi Dũng đi xa”. Hay cách trần thuật mượt mà khi kể kết hợp với tả về Trương trong Bướm trắng: “Trương không nghe Tuyển nói. Mắt chàng nhìn vào của sổ hé mở để lộ ra ngoài khu vườn nắng. Chắc không bao giờ chàng quên được cái cảnh vườn nắng lúc đó, những chòm lá lấp lánh ánh sáng và màu vàng của một bông hoa chuối tây nở ở góc giậu. Hình như trời nắng ở bên kia thế giới. Tai chàng không nghe thấy tiếng Tuyển nói bên cạnh, nhưng nghe rõ cả những tiếng rất nhỏ ở ngoài kia, tiếng gió trong lá cây, tiếng một con chim sâu bay chuyền trong giậu và cả tiếng một cái ghế hay cái chõng người ta kéo ở bên hàng xóm với tiếng một đứa trẻ con nói giọng” [38, tr. 67]. Ở những đoạn văn trên, chính lối kể, lối tả chi tiết, với một ngôn ngữ dễ hiểu, ngắn gọn, mượt mà của người trần thuật là yếu tố tạo nên giọng điệu trần thuật dung dị, trữ tình, lãng mạn của câu chuyện. Đó là một thế giới nhẹ nhàng, dịu dàng, mơ mộng, có nỗi sầu muộn, man mác của Loan, có những cảm giác êm đềm, dịu nhẹ của Trương. Ở đó người đọc được hòa trong những không gian thơ mộng của cảnh vật thiên nhiên, được thấy

những rung động trong tâm hồn và những diễn biến tinh vi trong cảm giác, tâm trạng của con người. Giọng điệu trần thuật trữ tình sâu lắng đã giúp cho tác phẩm luận đề của Tự lực văn đoàn trở nên mềm mại, tươi mới chứ không khô cứng, giáo điều như nhiều tác phẩm giai đoạn trước. Chính giọng trữ tình sâu lắng này đã làm nên chất thơ, chất nhạc cho văn chương của Nhất Linh, Khái Hưng nói riêng và Tự lực văn đoàn nói chung. Có thể đánh giá, giọng điệu dung dị, trữ tình trong tiểu thuyết luận đề của Tự lực văn đoàn là một trong những đóng góp cho sự cách tân về nghệ thuật viết tiểu thuyết của nhóm văn chương này đối với sự phát triển chung của tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỷ XX.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thể loại tiểu thuyết luận đề của tự lực văn đoàn (qua nửa chừng xuân, đoạn tuyệt, bướm trắng) (Trang 117 - 119)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(132 trang)