Miêu tả nhân vật qua ngôn ngữ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thể loại tiểu thuyết luận đề của tự lực văn đoàn (qua nửa chừng xuân, đoạn tuyệt, bướm trắng) (Trang 75)

5. Cấu trúc luận văn

2.3.3.3. Miêu tả nhân vật qua ngôn ngữ

Ngôn ngữ nhân vật trong tác phẩm giúp cho người đọc hình dung được về bản chất, tính cách và những trạng thái tâm lí phức tạp của nhân vật, thông qua ngôn ngữ nhân vật tác giả thể hiện được tư tưởng, thái độ của đối với vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm. Nếu như ngôn ngữ độc thoại của các nhân vật trong tiểu thuyết luận đề của Tự lực văn đoàn thể hiện được chân dung nhân vật ở chiều sâu, ở thế giới nội tâm với những diễn biến tâm lí sâu sắc thì qua ngôn ngữ đối thoại, tính cách và quan niệm sống của nhân vật bộc lộ rõ nét và thể hiện được quá trình phát triển tâm lý của nhân vật.

Trong Nửa chừng xuân, những đối thoại mang tính xung đột giữa các nhân vật đã cho thấy rõ tính cách và những trạng thái tâm lí của các nhân vật, qua đó thể hiện được luận đề của tác phẩm. Ngôn ngữ của Mai linh hoạt, thay đổi theo từng hoàn cảnh cụ thể, lúc cần thiết Mai có thể mềm mỏng, tự nhiên nhưng có khi Mai thay đổi để nói lên quan điểm, lập trường của mình. Trong những trang đối thoại giữa Mai và bà Án, Mai hiện lên là một con người có nhân cách, có hiểu biết, có tự chủ, cứng rắn, có quan điểm rõ ràng. Mai đã dùng những nguyên tắc, lý lẽ của đạo nho để thuyết phục bà Án chấp nhận cho tình yêu giữa Mai và Lộc: “Từ thuở xưa cha con còn dạy con nhiều điều mà cha con cho là hay hơn và quý hơn những điều lễ nghi (...) là lòng thương người và lòng hy sinh”; “Bẩm bà lớn, vâng, chính thế, nhưng điều nhân của đạo nho ta cũng chỉ là điều nhân trong phạm vi nho giáo mà thôi” [29, tr. 117]; Bà lớn chỉ là một người ích kỷ. Bà lớn theo nho giáo, mà bà lớn

không nhớ câu “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”. Khi bà án cho phép Mai được làm vợ lẽ Mai đã thẳng thắn thể hiện quan điểm của mình: “Bẩm bà lớn, nhà con không có mả đi lấy lẽ” [29, tr. 118]. Tuy nhiên, Khái Hưng đã rất sắc sảo khi miêu tả tâm lí đối thoại của nhân vật, khi bà Án quyết định sẽ lấy vợ cho Lộc, cho Mai được làm vợ lẽ thìMai vừa căm giận, vừa đau khổ, vừa phải van nài sự thương cảm của người có quyền thế: “Bẩm bà lớn… người vợ chưa cưới của anh Lộc con, nếu chẳng lấy anh con thì cũng lấy được người khác. Còn con thì trinh tiết, tính mệnh… cả một đời con, con đã gởi vào anh con… con không thể lấy ai được nữa (…) Vì con xin thú thực với bà lớn, con không thể nào yêu chồng người khác được. Thà con chết còn hơn đi lấy lẽ. Lương tâm con không cho con làm những điều vô nhân đạo như thế” [29, tr. 119]. Ở lần đối thoại thứ hai với bà Án, Mai vẫn khẳng định quan điểm và nguyên tắc sống của mình: “sáu năm về trước, hình như tôi đã trình cụ biết rằng nhà tôi không có mả lấy lẽ. Đối với kẻ khác thì được lên làm cô huyện, rồi cô phủ, cô thượng nay mai là một cái vinh dự. Nhưng tôi, tôi cho làm cô thượng không bằng, không sướng bằng làm chị xã, chị bếp, chị bồi mà được vợ một chồng một, yêu mến nhau... khi vui có nhau, khi buồn có nhau, khi hoạn nạn có nhau...” [29, tr. 213]. Đối với bà Án, qua ngôn ngữ đối thoại người đọc thấy được một một người phụ nữ khôn ngoan, quỷ quyệt, biết tùy cơ ứng biến trong từng hoàn cảnh, để đạt được mục đích khi thì bà ngon ngọt dụ dỗ, lúc dọa dẫm nạt nộ. Thông qua ngôn ngữ đối thoại, chân dung một người phụ nữ trưởng giả, có tiền có thế hiện lên sắc nét, qua đó tâm lí đối thoại của nhân vật này cũng được Khái Hưng thể hiện sắc sảo. Ngôn ngữ của nhân vật bà Án là ngôn ngữ mang nặng quan điểm của đạo nho, ẩn trong đó là sự vô tình, tàn nhẫn của bà. Với Lộc, bà bảo: “Vượt quyền cha mẹ. Không còn biết ngũ luân, ngũ thường là gì nữa!”. Với Mai, trong lần đầu “hội kiến” bà đã tỏ rõ thái độ trịnh thượng, lấn át Mai, bà luôn luôn khẳng định: “Tôi đây hủ lậu, vẫn tưởng sự quý nhất của ta là lễ nghi, là ngũ luân ngũ thường, là cái đức tam tòng của đàn bà”; “Tôi chỉ thú thực với cô rằng tôi hủ lậu nghĩa là tôi chỉ trọng có: Lễ, nghĩa, trí, tín” [29, tr. 117]. Bà cũng khéo léo và dứt khoát quyết định sẽ cưới vợ cả cho Lộc, đó là con gái quan tuần, vì chữ tín với gia đình người ta, vì công

danh địa vị của Lộc, sau đó sẽ hỏi Mai cho Lộc để làm vợ lẽ. Bà giải thích: “Nếu trái lại, tôi để nó tự do kết hôn với cô, thì không những nó mất chỗ nương tựa mà nó lại mang tiếng chơi bời bậy bạ, lấy người không xứng đáng, tránh sao được tốt xấu trong lý lịch. Đấy cô nghĩ mà xem, nếu quả cô yêu con tôi và cô giầu lòng hy sinh thì chả còn hy sinh nào to bằng, quý bằng cao thượng bằng sự hy sinh này. Vì cô sẽ giúp cho tương lai của người cô yêu” [29, tr. 120]. Ở lần thứ hai gặp Mai, dù ở thế yếu nhưng trong ngôn ngữ của bà Án nói với Mai vẫn thể hiện quan điểm của một con người hủ lậu, khôn ngoan và có phần gian trá. Đầu tiên bà xin lỗi Mai về chuyện cũ, bịa ra một câu chuyện về lòng hối hận, về quá trình tìm kiếm mẹ con Mai, sau đó đặt vấn đề tái hợp Mai và Lộc để Mai làm lẽ. Khi Mai từ chối, ngôn ngữ của bà trở lại đúng bản chất con người có tiền, có thế, quen thói nạt nộ: “Cô dám dạy cháu tôi những điều trái luân thường đạo lý như thế ư (...) Cô không được hỗn! Cô không được phép khinh tôi”; “Nếu tôi đền ơn cô một nghìn bạc thì cô nghĩ sao?”; “Vậy hai nghìn nhé?” [29, tr. 216-217]. Đối thoại giữa Mai và bà Án phản ánh những xung đột giữa quan niệm tự do cá nhân, tự do trong tình yêu, hạnh phúc với quan niệm đạo nho cổ hủ, lạc hậu, tàn nhẫn. Tuy nhiên, “khi để cho các nhân vật đối đáp với nhau xoay quanh những vấn đề cơ bản của Nho giáo, Khái Hưng muốn lấy cái phần tích cực, nhân đạo chống đối lại những quan niệm lỗi thời, những lễ nghi giả dối của chính Nho giáo. Mặc dù điều thứ 8 trong tôn chỉ Tự lực văn đoàn đã chỉ rõ: “Làm cho người ta biết rằng đạo Khổng không hợp thời nữa”, nhưng hình như Khái Hưng vẫn không tin như vậy. Ông vẫn tin vào cái nhân, cái nghĩa, cái tinh thần tích cực của nền văn hóa dân tộc. Có lẽ vì vậy mà các nhà nghiên cứu cho rằng tiểu thuyết luận đề của Khái Hưng có tính chất đấu tranh ôn hòa, mềm mỏng hơn so với của Nhất Linh” [30, tr. 75].

Trong Đoạn tuyệt, qua ngôn ngữ đối thoại và độc thoại, Nhất Linh đã bộc lộ khả năng phân tích tâm lí nhân vật khá sắc sảo, đặc biệt qua những xung đột trong đối thoại, tác giả đã thể hiện sâu sắc luận đề tác phẩm. Với Loan, ngôn ngữ đối thoại trong tác phẩm đã thể hiện rõ tính cách và quan niệm sống của cô: “Việc gì mà hết hi vọng. Mẹ chồng ác thì đi chỗ khác mà ở, chồng ghét thì càng nên đi lắm.

Khổ là vì cứ tưởng mình là thân con gái thì phải lấy gia đình nhà chồng làm gia đình mình, nếu mất gia đình ấy là đời mình bỏ đi. Sao lại thế được. Mình sống, muốn sống thì không thể một mình mình sống được sao, nếu cái gia đình kia không cho mình được sung sướng. Sao đàn ông họ bỏ vợ này lấy vợ khác được lại là sự thường” [37, tr. 4].

Cuộc đối thoại giữa Loan và cha mẹ cô đã thể hiện mâu thuẫn về quan niệm hôn nhân tự do và quyền cá nhân, ngôn ngữ của Loan thể hiện sự tranh luận cho cái mới:

- “Không, con không cho là chuyện chơi. Con cho là một chuyện rất hệ trọng trong đời con, mà chỉ quan hệ trong đời con mà thôi.

- Còn tôi? Ra cô không coi lời hứa của tôi vào đâu cả.

- Thưa me, sao me hứa với người ta, trong bao nhiêu năm me nhận lễ của người ta. Nếu me nghe con ngay từ trước? Người ta đến ăn hỏi me cũng cứ nhận, lỗi đó không phải ở con, vì me không cho con hay. Việc của con mà thầy me coi như con không có ở nhà này” (…)

- “Việc ấy thầy me định rồi và sẽ lo liệu thu xếp cho cô, cô không phải bàn. Cái thói ở đâu, hễ me nói câu gì là cứ mồm một mồm hai cãi lại xa xả. Văn minh vừa vừa chứ, người ta mới chịu nổi!” [37, tr. 22]

Cuộc đối thoại giữa Loan, Thân, bà Phán Lợi thể hiện xung đột gay gắt giữa mới và cũ, giữa tư tưởng tiến bộ của lớp người mới với quan niệm và nếp sống cổ hủ của đại gia đình phong kiến. Loan khẳng định với Thân lối sống của mình: “Tôi, tôi đủ biết cậu là chồng, còn đối với những người khác vì nể anh mà tôi chịu nhịn. Nhưng đến một ngày kia người ta làm cho tôi không thể chịu được nữa, chắc sẽ có nhiều chuyện lôi thôi. Cậu nên liệu trước đi là hơn”. Loan thể hiện quyền cá nhân qua những lời nói với bà Phán Lợi: “Tôi không cần ai dạy tôi”; “Không ai có quyền chửi tôi, không ai có quyền đánh tôi”; “Bà cũng là người, tôi cũng là người, không ai hơn kém ai” [37, tr. 124]. Đối thoại trên của Loan với các nhân vật là biểu hiện cao nhất của xung đột cá nhân với xã hội truyền thống, giữa quan niệm cũ và nhận

thức mới trong vấn đề hôn nhân và gia đình để tiến tới một cuộc sống trong đó vị trí cá nhân được khẳng định.

Ở những cuộc đối thoại với Loan, ngôn ngữ của bà Phán Lợi thể hiện sự ám chỉ, mỉa mai Loan, bà chửi đầy tớ để ám chỉ, răn con dâu bằng thái độ khó chịu: “Tôi nuôi các người để các người làm giúp đỡ tôi chứ để các người ăn không ngồi đùa giỡn đấy à? Chướng mắt lắm, không chịu nổi!” [37, tr. 55]; bà mỉa mai, mắng bảo con dâu: “Tôi thì tôi đâu dám mắng cô, mà ai mắng nổi cô ở nhà này, cô cứ dạy quá lời. Giỗ tết nhà tôi cô không thèm biết đến thì thôi, ai bắt. Tôi chỉ nó để cô biết, từ rầy, cô có đi đâu thì cô cho tôi hay, kẻo ở nhà này có kẻ ra, người vào, lỡ mất cái gì thì một mất mười ngờ, người ta nói ra, nói vào thêm khó khăn” [37, tr. 67]; bà áp đảo con dâu bằng tiếng quát, tiếng nhiếc móc: “Mợ muốn sống thì mợ cầm ngay cái nồi kia đem ra ao rửa sạch đi. Mợ còn muốn đợi ai hầu nữa. Tôi chứ người mẹ chồng khác thì người ta hất cả nồi hải sâm vào mặt ấy”, “Ác như thế… không trách tuyệt đường sinh đẻ” [37, tr. 121] và khi mâu thuẫn giữa mẹ chồng - nàng dâu lên đến đỉnh điểm thì lời nói của bà Phán Lợi đi kèm với cả những hành động đánh đập Loan: “Bà thử đánh mày một cái tát xem mày bảo là hèn nhát nữa không?”, “Tôi không thèm tát nữa. Mày dần xác nó ra cho tao”, “Đánh nó chết đi cho tôi. Chết đã có tôi chịu tội” [37, tr. 124-125]. Ngôn ngữ của bà Phán Lợi đã thể hiện rõ tâm lí của một con người ích kỷ, độc ác, bảo thủ, độc đoán. Bà là đại diện cho quan niệm cổ hủ của lễ giáo phong kiến, tiếng nói của bà là tiếng nói của nền luân lí đang tàn lụi và cần phải đoạn tuyệt với nó. Có thể thấy ngôn ngữ nhân vật trong tiểu thuyết luận đề có tính chất xung đột quyết liệt, ngôn ngữ khắc họa rõ nét tâm lí nhân vật và cá tính nhân vật, qua ngôn ngữ đối thoại thể hiện luận đề trong tác phẩm.

Trong Bướm trắng, ngôn ngữ đối thoại của nhân vật xuất hiện dưới những hình thức đa dạng, phong phú, góp phần bộc lộ tính cách, tâm lí, tâm trạng, tư tưởng của nhân vật. Qua ngôn ngữ đối thoại và độc thoại, nhân vật Trương trong tác phẩm hiện lên là một con người ý thức được cái tôi cá nhân, mang tinh thần tự do mới mẻ nhưng Trương không phải là người thanh niên có chí hướng như Dũng trong Đoạn tuyệt hay Lộc trong Nửa chừng xuân, mà là một chàng trai thiếu mực thước, “con

người không có sức đề kháng, tự ý thức kém và hoàn toàn buông xuôi trước những cám dỗ và xô đẩy của cuộc đời. Tuy nhiên điều có thể chấp nhận được ở nhân vật là những tình cảm ăn năn, hối hận trước những lầm lỡ trong đời” [23, tr. 243]. Trong

Bướm trắng ngôn ngữ đối thoại của Trương được kết hợp các hình thức linh hoạt, đó là ngôn ngữ đối thoại mang ẩn ý, để thể hiện tâm lí vừa muốn giấu giếm vừa muốn thăm dò, bộc lộ tình yêu của Trương và Thu trong những buổi gặp gỡ ban đầu, đó là đối thoại qua những cử chỉ, ánh mắt: “Anh yêu em lắm! Chàng thấy Thu cũng bắt chước hạ lông mi làm hiệu như có ý trả lời. Em đã hiểu là anh định nói với điều gì” [38, tr. 118]. Trong ngôn ngữ đối thoại của Trương thường sử dụng nhiều lời “nói đùa”, “nói dối”, “nói mập mờ”, “nói lảng” để che dấu cảm xúc, con người thật của mình, để thể hiện tâm lí hết sức phức tạp của Trương trong tình yêu: yêu say đắm nhưng cũng rất tỉnh táo; chân thành trong tình yêu, nhưng nhiều khi cũng dối trá; Trương có lúc cao thượng, cư xử đẹp với người yêu, nhưng khi tuyệt vọng, Trương cũng bộc lộ sự tầm thường, tính ích kỉ và có khi còn côn đồ nữa (ném đá vào cửa sổ để Thu phải mở cửa, mua dao định giết người yêu và tự sát). “Trương khát khao mãnh liệt về một tình yêu trong sáng, đẹp đẽ, vượt lên trên sự phân biệt vị trí thấp cao, bay bổng tự do như cánh bướm trắng dập dờn, nhưng vì bệnh tật, và quan niệm hưởng lạc gấp gáp khiến chàng ngày càng lún sâu vào lầm lạc, cho nên tình yêu ấy ngày càng xa vời, mất hút khỏi tầm với” [23, tr. 244]. Ngôn ngữ độc thoại của nhân vật trong tác phẩm cũng được tác giả sử dụng với một dung lượng lớn, với những từ chuyển tiếp: “nhớ lại”, “nghĩ thêm”, “nghĩ”, “tự nhủ”, “tưởng tượng”, “bất giác nghĩ rằng”, “theo đuổi suy nghĩ”, “nhận thấy”… những lời độc thoại nội tâm của Trương là những ám ảnh về cái chết, cái chết về thể xác do căn bệnh hiểm nghèo và cái chết về nhân phẩm do thói quen chơi bời, trụy lạc. Khi ngồi uống cà phê với Quang suy nghĩ: “Giá Quang bây giờ biết Quang một năm nữa sẽ chết, chắc chắn chết như mình thì không hiểu Quang nghĩ sao? Nhưng hiện giờ thì Quang sung sướng chỉ vì Quang sống như không bao giờ phải chết”; “Hay là mình không cần nữa?”; “Phải, mình cần gì nữa. Chắc chắn là sẽ chết thì còn cần quái gì!” [38, tr. 28]. Sau suy nghĩ đó, Trương đã thay đổi cách sống, những ham muốn bấy

lâu, nay bắt đầu được buông thả, từ chỗ là một cậu sinh viên, Trương đã trở thành một người phóng đãng, có thể bán hết đất đai cha ông để lại và tiêu đến đồng tiền cuối cùng vào những chốn ăn chơi và bị vào tù vì tội làm thụt két. Tất cả đều biểu hiện rõ ràng tâm trạng bi quan, chán nản của một bộ phận thanh niên không tìm thấy ý nghĩa sự sống, bi quan không tin vào mình và vào tuơng lai. Đây cũng chính là sự phản chiếu tâm trạng hoang mang, mất niềm tin của chính các tác giả.

2.3.3.4. Miêu tả nhân vật qua hành động

Hành động nhân vật là phương diện quan trọng để thể hiện tính cách nhân vật và thúc đẩy diễn biến của hệ thống cốt truyện. Có thể xác định được những đặc điểm, bản chất của nhân vật thông qua các mối quan hệ, sự đối xử giữa các nhân vật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thể loại tiểu thuyết luận đề của tự lực văn đoàn (qua nửa chừng xuân, đoạn tuyệt, bướm trắng) (Trang 75)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(132 trang)