Trần thuật ở điểm nhìn toàn tri

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thể loại tiểu thuyết luận đề của tự lực văn đoàn (qua nửa chừng xuân, đoạn tuyệt, bướm trắng) (Trang 88 - 93)

5. Cấu trúc luận văn

3.1. Điểm nhìn trần thuật trong tiểu thuyết luận đề của Tự lực văn đoàn

3.1.2.1. Trần thuật ở điểm nhìn toàn tri

Tiểu thuyết luận đề của Tự lực văn đoàn thường được trần thuật ở điểm nhìn toàn tri, có nghĩa là “người tiêu điểm hóa hay người kể chuyện vừa quan sát và mô tả thế giới bên ngoài cũng như thế giới nội tâm của nhân tố được tiêu điểm hóa, nhưng không thâm nhập quá sâu vào bất cứ phương diện nào. Góc nhìn của người tiêu điểm hóa được trải rộng, người tiêu điểm hóa biết hết đối với nhiều nhân vật, sự

kiện. Sự thông tuệ của người tiêu điểm hóa và người kể chuyện ở điểm nhìn toàn tri thường được bộc lộ qua những cảm nhận, suy nghĩ, phân tích, bình luận về nhân vật, sự kiện” [53, tr. 68]. Điểm nhìn này tương đồng với điểm nhìn từ đằng sau, “tức là nhà văn đứng ở ngoài mà nhìn nhân vật, nhưng là đứng gần, nghĩa là ở một vị trí ưu đãi của một người quen biết lâu dài thân thiết với nhân vật, do đó có thể hiểu sâu xa nhân vật hơn người ngoài, tuy nhiên vẫn là người khác, không phải đồng hóa vào chính nhân vật. Phần nhiều các nhà tiểu thuyết Việt Nam như nhóm Tự lực văn đoàn thường theo quan niệm này (...). Tuy là một người đứng ở ngoài, các nhà văn ấy như là đứng đằng sau, bên cạnh tất cả các nhân vật đế hiểu một cách rõ ràng và tỷ mỉ những nguyên nhân, lý do, hành động và tất cả tư tưởng cùng ý nghĩ của nhân vật trong tác phẩm” [58, tr. 150]. Trần thuật ở điểm nhìn toàn tri cho phép nhà văn nhìn rộng và nhìn thấu nhân vật và sự kiện trong tác phẩm. Người trần thuật trong tiểu thuyết luận đề của Tự lực văn đoàn tiếp xúc trực tiếp, cận cảnh và biết tường tận về đời sống nội tâm nhân vật, thậm chí còn luôn cắt nghĩa, lí giải, định hướng về các vấn đề trong câu chuyện. Ở đó, người kể chuyện lấy thế giới nội tâm của nhân vật làm chỗ đứng và dựa vào cảm nhận, suy nghĩ, phạm vi ý thức của nhân vật về thế giới xung quanh để kể câu chuyện, nhân vật trở thành một sự thuyết minh cho những luận đề xã hội trong tác phẩm. Do có sự tham gia của người kể chuyện trong một phạm vi ý thức chủ quan nào đó nên người đọc sẽ cảm nhận khá rõ sự can thiệp của chủ thể trần thuật. Vì vậy, trong tác phẩm cũng thường xuyên xuất hiện hiện tượng lời người kể, xen lẫn lời nội tâm của nhân vật. Người kể chuyện với nhân vật mang điểm nhìn không phải là một, nhưng khoảng cách giữa chúng lại rất gần, dường như có những lúc lại trở thành thể thống nhất. Hai điểm nhìn đó bổ sung cho nhau, phối hợp lẫn nhau để làm nổi bật luận đề của truyện. Khoảng cách giữa người kể chuyện với nhân vật rất gần nhau, hiểu biết nhân vật như chính nhân vật hiểu biết về nó, chính vì vậy mà điểm nhìn và góc quan sát của người kể chuyện cũng hạn chế theo điểm nhìn của nhân vật. Trong Nửa chừng xuân, Đoạn tuyệt, Bướm trắng, điểm nhìn của người kể chuyện ở ngôi thứ ba nhưng với điểm nhìn toàn tri nên toàn bộ thế giới nội tâm của các nhân vật và sự kiện trong tác phẩm được nhìn tường tận

thông qua lời kể, lời tả, lời bình. Trần thuật ở điểm nhìn toàn tri là đóng góp lớn của

Tự lực văn đoàn cho nghệ thuật tự sự. Với lối trần thuật ở điểm nhìn toàn tri, các nhà văn đã tiến rất xa trong việc khắc họa đời sống bên trong của các nhân vật.

Trong Nửa chừng xuân, người kể chuyện như đứng ở rất gần nhân vật, biết rõ mọi suy nghĩ, cảm nhận và kể lại theo điểm nhìn, giọng điệu của nhân vật. Trong tác phẩm, những suy nghĩ, quan niệm, tư tưởng của nhân vật Mai được chủ thể trần thuật khéo léo qua những đối thoại và độc thoại nội tâm. Có lúc chủ thể trần thuật đứng tách mình ra hướng điểm nhìn vào tâm trạng của Mai, có lúc lại đứng cùng điểm nhìn của Mai để thuật kể, để thể hiện những tư tưởng tiến bộ về quyền cá nhân, về tình yêu, hôn nhân và lên án quan niệm đạo nho đã lỗi thời: “Nhưng thuở xưa cha con còn dạy con nhiều điều mà cha con cho là hay hơn, và quý hơn những điều lễ nghi (…) là lòng thương người và lòng hi sinh”; “Tôi không ngờ bà lớn lại là sắt đá… bà lớn chỉ là một người ích kỷ. Bà lớn theo nho giáo mà bà lớn không nhớ câu: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” [29, tr. 117-121]; “sáu năm về trước tôi đã trình cụ biết rằng nhà tôi không có mả lấy lẽ. Đối với kẻ khác (Mai đăm đăm nhìn bà Án) thì được lên làm cô huyện rồi cô phủ, cô thượng nay mai, là một cái vịnh dự. Nhưng tôi, tôi cho làm cô thượng không bằng, không sướng bằng chị xã, chị bếp, chị bồi mà được vợ một chồng một, yêu mến nhau… khi vui có nhau, khi buồn có nhau, khi hoạn nạn có nhau” [29, tr. 213]; “Muốn hưởng hạnh phúc, ta phải đường hoàng yêu nhau… Ở xa nhau mà hằng tưởng nhớ tới nhau, mà vẫn yêu nhau, mà có lẽ càng yêu nhau” [29, tr. 247]. Trong tác phẩm, có nhiều từ chỉ cảm giác và suy nghĩ được sử dụng trong quá trình người kể chuyện dõi theo thế giới nội tâm của nhân vật Mai, để nhân vật tự nhận thức, cảm thấy sung sướng, căm giận, lãnh đạm với những người đã đày đọa mình. Người trần thuật có điểm nhìn toàn tri trong câu chuyện đã quan sát và thấu hiểu được những cảm xúc, tâm tư, suy nghĩ của nhân vật và kể lại những điều ấy cho bạn đọc. Chính vì cậy mà không chỉ Mai mà nội tâm của bà Án và Lộc cũng được miêu tả tường tận: “Đối với bà Án thì đó là một đời hết hi vọng. Tập quán bắt buộc bà luôn luôn nghĩ tới những ý tưởng nối dõi tông đường, đầy đàn cháu chắt. Thế mà hai đứa thừa trọng tôn của bà lại ké tiếp nhau mà

chết. Đau đớn cho bà biết bao” [29, tr. 177]; “lần thứ nhất Lộc nghĩ tới lỗi của mẹ đối với vợ. Chàng tưởng tưởng mẹ chàng là người đàn bà cay nghiệt, cứng cỏi trong khuôn phép lễ nghi, không bao giờ cảm động khi đứng trước những sự đáng thương tâm như ở ngoài vòng luân lí cổ” (…) Không gì đáng cảm động, đáng đau lòng cho ta bằng khi ta tìm hết những lí lẽ để tự làm thầy cãi cho người mà ta kính mến; Một đằng khi lương tâm nói dõng dạc buộc tội, nào nó có xét đến tình mẫu tử? Một đằng thì lời người con run lẩy bẩy cố tìm những sự kiện có thể làm mẹ nhẹ bớt tội lỗi của mẹ” [29, tr. 196].

Trần thuật ở điểm nhìn toàn tri trong Đoạn tuyệt cũng được thể hiện rõ nét, người kể chuyện nhìn thấu vào nhân vật để khai thác thấu đáo các khía cạnh tâm lý, tình cảm sâu kín của nhân vật. Có lúc, chủ thể trần thuật để cho nhân vật soi rọi vào tận những ngõ ngách tâm can mình, để chất vấn, để dằn vặt, để đau xót, để suy tư bằng những đối thoại và độc thoại nội tâm, vì thế sự bộc lộ những trạng thái cảm xúc của nhân vật trở nên tự nhiên và thể hiện rõ được những diễn biến trong nội tâm nhân vật. Loan trong tác phẩm nhìn vào cuộc đời của mình khi bước chân về nhà chồng, nàng cảm thấy bức bối, khổ sở: “Loan cảm thấy thân mình trơ trọi sống ở trong một xã hội cũ kỹ mà người nào cũng muốn bắt nàng sống theo họ” [37, tr. 64] và “Loan không biết trong mấy tháng nay có phải nàng đã sống thật hay là liên miên ở trong một giấc mộng dài. Nàng thấy ngày nào cũng giống ngày nào, nối tiếp nhau một cách nặng nề buồn tẻ. Nếu đời nàng cứ như thế mà kéo mãi thì có lẽ nàng đến hóa điên mất” [37, tr. 115]. Loan ý thức về sự đấu tranh để giành lấy cuộc đời tự do của mình: “Mới hơn một tuần lễ nay, nàng có cái ý tưởng rằng: hễ người ta còn dễ bắt nạt, thì người ta còn bắt nạt mãi, và muốn cho người ta vị nể mình, thì không gì hơn là chống cự lại” [37, tr. 123]. Ở điểm nhìn toàn tri, tác giả nhìn sâu, nhìn kỹ và miêu tả tỉ mỉ, tinh tế về nội tâm, tư tưởng của nhân vật, chính vì vậy người đọc thấy được nhân vật Loan với quan niệm sống mới, luôn khát khao về một cuộc sống tự do và tư tưởng đấu tranh chống lại những kìm kẹp của đại gia đình phong kiến. Ở đây người kể chuyện đã bộc lộ cái nhìn xoáy sâu bóc trần bộ mặt của lớp người cũ

bảo thủ, xấu xa, tàn ác. Trái lại, với lớp người mới, thì nhà văn đi sâu miêu tả, khắc hoạ đời sống bên trong của nhân vật với sự khẳng định, trân trọng, nâng lưu.

Trong Bướm trắng, điểm nhìn trần thuật toàn tri đã đưa người kể chuyện trở thành một nhân vật tham gia câu chuyện, người kể biết rõ mọi suy nghĩ, cảm nhận của nhân vật bằng việc kể lại, tả lại và đánh giá, bình luận. Chính vì vậy các nhân vật trong Bướm trắng, đặc biệt là nhân vật Trương được nhìn thấu đáo và sâu sắc ở những diễn biến tâm lí, đó là một thế giới tâm hồn của người bệnh khát khao cuộc sống, bị cái chết ám ảnh và đau khổ vì tình yêu. Có thể thấy sự nhập thân trực tiếp của chủ thể trần thuật vào nhân vật khiến nhân vật ở đây được nhìn từ nhiều góc độ, từ ngoài vào trong, từ xa đến gần nên có thể bộc lộ những khía cạnh tâm lý phức tạp. Với người kể chuyện ở ngôi thứ ba, tác giả đã thuật lại cuộc hành trình đầy những vấp váp, mâu thuẫn, đối lập trong nội tâm của Trương. Ở đó, cuộc hành trình đến tình yêu của Trương đầy mâu thuẫn, vừa êm ả lại vừa dữ dội, vừa hy vọng lại vừa tuyệt vọng: Định không viết thư rồi lại viết, đưa thư xong lại ân hận, “tình yêu không giúp được gì cho chàng cả, chỉ xui chàng làm hại đời Thu một cách độc ác”. Cứ thế chàng day dứt về tình yêu, về “yêu”, “không yêu”, “thôi yêu”, “thoát được tình yêu của Thu”. Sự cô đơn của Trương trước cuộc đời cũng được người kể chuyện nhìn thấu, Trương bệnh tật trong cô đơn, ăn chơi sa đọa trong cô đơn, ngay cả yêu đương cũng trong cô đơn. Sự mâu thuẫn giữa những ám ảnh về cái chết và niềm khao khát sống cũng được người trần thuật miêu tả tường tận: Trương từ phòng khám của bác sĩ ra, khi nghe chẩn đoán mình bị bệnh phổi và tim, chẳng còn sống được bao lâu: “Chàng thấy quả tim đập mạnh: - Phải, mình cần gì nữa. Chắc chắn là sẽ chết thì còn cần cái quái gì! Chàng sẽ nếm đủ các khoái lạc ở đời, chàng sẽ sống đến cực điểm, sống cho hết để không còn ao ước gì nữa, sống cho chán chường. Trương thấy mình nao nức, hồi hộp mà lại sung sướng nữa. Chàng sung sướng chỉ vì chàng thấy mình như con chim thoát khỏi lồng, nhẹ nhàng trong một sự tự do không bờ bến. Những cái ràng buộc, đè nén của cuộc đời sống thường không có nữa, chàng sẽ hết băn khoăn, hết e dè, được hoàn toàn sống như ý mình. - Chết thì còn cần gì nữa” [38, tr. 29]. Với kiểu trần thuật ở điểm nhìn toàn tri đã cho

phép người kể chuyện nhìn thấu tâm can, suy nghĩ và nội tâm của nhân vật, đồng thời làm rõ những luận đề của tác phẩm thông qua những diễn ngôn của người kể chuyện.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thể loại tiểu thuyết luận đề của tự lực văn đoàn (qua nửa chừng xuân, đoạn tuyệt, bướm trắng) (Trang 88 - 93)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(132 trang)