Miêu tả nhân vật qua ngoại hình

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thể loại tiểu thuyết luận đề của tự lực văn đoàn (qua nửa chừng xuân, đoạn tuyệt, bướm trắng) (Trang 65 - 69)

5. Cấu trúc luận văn

2.3.3.1. Miêu tả nhân vật qua ngoại hình

Trước Tự lực văn đoàn việc miêu tả ngoại hình nhân vật trong tác phẩm văn học đã được chú ý, tuy nhiên đến tiểu thuyết luận đề của Tự lực văn đoàn thì việc miêu tả nhân vật qua ngoại hình đã thể hiện một ý nghĩa mới. Nếu như trong văn học trung đại, vẻ đẹp ngoại hình của nhân vật là vẻ đẹp lí tưởng trong khuôn hình ước lệ như vẻ đẹp các nhân vật trong Truyện Kiều (Nguyễn Du): “Làn thu thủy nét xuân sơn”; “Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang”; “Râu hùm hàm én mày ngài”, ở đó thiên nhiên làm chuẩn mực cho vẻ đẹp con người, miêu tả nhân vật với vẻ đẹp “mười phân vẹn mười” để minh họa cho thuyết “tài mệnh tương đố”, “hồng nhan bạc mệnh”. Thì đến các tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỷ XX, trong đó có tiểu thuyết luận đề của Tự lực văn đoàn, việc miêu tả ngoại hình nhân vật đã mang một ý nghĩa khác, cho thấy một quan niệm mới về vẻ đẹp của con người, qua đó khẳng định giá trị con người cá nhân. “Việc thể hiện vẻ đẹp thể chất trong văn xuôi Tự lực văn đoàn thể hiện một quan niệm thẩm mỹ mới có tính thời đại về vẻ đẹp của con người, đặc biệt là con người đô thị. Quan niệm này chịu ảnh hưởng của hai yếu tố mỹ học phương Đông và sự xâm nhập của mỹ học phương Tây” [46, tr. 113].

Ngoại hình của các nhân vật trong tiểu thuyết luận đề của Tự lực văn đoàn

được xây dựng với các chi tiết miêu tả trang phục, dung mạo, vóc dáng như: áo, quần, mặt mũi, chân tay, ánh mắt, nụ cười… Mỗi nét ngoại hình này không chỉ gợi lên sự hình dung về dáng vẻ mà còn gợi lên tâm tính và bản chất bên trong của nhân vật. Ngoại hình của các nhân vật được miêu tả gián tiếp thông qua sự cảm nhận của các nhân vật khác trong tác phẩm, ở đó có sự khác nhau trong cách miêu tả ngoại hình giữa các nhân vật nam và nữ. Nếu như ngoại hình của những nhân vật nam trong tiểu thuyết luận đề của Tự lực văn đoàn chỉ được miêu tả chung chung, mờ nhạt thì những nhân vật nữ được miêu tả với chân dung cụ thể, chi tiết, sắc sảo và qua vẻ đẹp đó thể hiện được tâm lí của nhân vật. Hầu hết các nhân vật nữ trong tiểu thuyết luận đề của Tự lực văn đoàn đều là những cô gái xinh đẹp nhưng vẻ đẹp đó không được miêu tả tập trung mà được miêu tả điểm xuyết ở trong tác phẩm. So với cách miêu tả trong văn học cổ trung đại, cách miêu tả nhân vật của Tự lực văn đoàn

không còn trừu tượng, bóng bẩy mà đã cụ thể hơn, tô đậm được “giới tính và sự trẻ trung” của nhân vật, ngoại hình của các nhân vật trong tác phẩm phản ánh được nội tâm, tính cách và phản ánh được sự thay đổi của hoàn cảnh nhân vật.

Trong Nửa chừng xuân, nhân vật Mai hấp dẫn không chỉ ở vẻ đẹp ngoại hình, mà qua ngoại hình còn thấy được một cá nhân với biết bao nhiêu suy tư, cảm xúc mới mẻ. Ngoại hình của Mai được miêu tả khái quát ngay từ những trang đầu của tiểu thuyết: “một cô thiếu nữ vào trạc mười bảy mười tám, chít khăn ngang, vận áo trắng cổ gấu, chân đi guốc… Nước da cô trắng xanh, quầng mắt đen sâu hoắm càng làm tăng vẻ rực rỡ long lanh của hai con ngươi sáng dịu trong cái mặt trái xoan, má hơi hóp, môi khô khan. Chỉ có hai con mắt là có vẻ hoạt động khác nào như hai ngôi sao lấp lánh sau làng mây mỏng” [29, tr. 4], ngoại hình đó, đôi mắt đó diễn tả cả tâm hồn và những suy tư của của Mai, “thoáng trông cô cũng biết cô có điều tư lự”. Vẻ đẹp của Mai, Mai tự ý thức được “Mai cũng biết Mai trẻ, Mai đẹp” và qua những cảm nhận của các nhân vật khác trong tác phẩm, vẻ đẹp đó càng được khẳng định: “Bây giờ cô không là một cô bé con nữa mà là một cô thiếu nữ có nhan sắc”; “Trông em như tiên nga” (Lộc); “Mai đẹp lắm, đẹp ít người sánh kịp” (Minh); “tôi đi tìm kiểu mẫu đã nhiều, song chưa gặp ai có cái nhan sắc như cô” (Bạch Hải); “Cái nhan sắc lộng lẫy, hoạt động của chị, nhất ngày nay chị lại là “cô gái một con” (Huy); “Mai đẹp lắm, đẹp dịu dàng phúc hậu” (bà Án). Vẻ đẹp của Mai là vẻ đẹp của một cô gái tân thời, tân thời từ dáng điệu đến trang phục của Mai: “hôm ấy trang sức quần trắng áo màu trông có vẻ đẹp lộng lẫy. Mai hết sức chiều Lộc! Lộc hơi tỏ ý thích lối trang phục nào là nàng vận theo lối ấy ngay, đến nỗi ở quê ra tỉnh mới hơn một năm, nàng đã phục sức được hệt một thiếu nữ tân thời” [29, tr. 76]. Những vẻ đẹp đó của Mai luôn được gắn với những diễn biến tâm lí của cô, lúc cô ý thức được vẻ đẹp của mình cũng là lúc cô phải “bẽn lẽn cúi mặt” vì nhớ ở trên xe hỏa có một cậu công tử vận tây đã lưu ý đến Mai. Lúc người khác thấy cô đẹp cũng là lúc cô đang trong trạng thái “sợ hãi, cuống quýt ấp úng nói không ra câu”, cô đẹp trong “cái dáng điệu buồn rầu của cô”. Vẻ đẹp của Mai là vẻ đẹp mang tính lí tưởng, Mai không chỉ đẹp ở ngoại hình mà Mai còn đẹp ở phẩm chất, Mai hiểu biết,

thông minh, tự lập. Mai đẹp vì “cái dịu dàng của cô, cái tính dễ cảm động hay thương người của cô” nhưng cô còn đẹp hơn ở đức hi sinh và lòng chung thủy, từ chối mọi ái tình để giữ trọn tình với người mình yêu. Có thể nhận thấy không chỉ Mai mà hầu hết các nhân vật nữ trong tác phẩm đều được tác giả miêu tả ưu ái hơn về ngoại hình, chính vì vậy những nhân vật mang tính phản diện như bà Án cũng có nét đẹp riêng: “một bà trạc ngoài năm mươi tuổi, nhưng da dẻ còn hồng hào mà tóc chỉ hơi đốm bạc” [29, tr. 111]. Nếu Mai được miêu tả với những chi tiết cụ thể về ngoại hình thì những nhân vật nam trong tác phẩm như Lộc, Huy, Minh, Bạch Hải chỉ được giới thiệu chung chung. Người đọc chỉ có thể hình dung Huy qua cái “tướng mạo tựa tựa giống Mai. Nhất là cặp mắt sáng quắc của hai người thực hệt như đúc”, hình dung Lộc là “một chàng Âu phục”, Bạch Hải với “mắt đăm đăm nhìn, long lanh sau cặp kính nhỡn kính cận thị”. Việc miêu tả ngoại hình Mai với những chi tiết cụ thể đã góp phần thể hiện được vẻ đẹp ngoại hình và nội tâm của Mai.

Các nhân vật trong Đoạn tuyệt cũng được miêu tả kết hợp giữa vẻ đẹp ngoại hình với những diễn biến tâm lý. Vẻ đẹp ngoại hình của Loan là vẻ đẹp của một cô gái tân thời, tân thời không chỉ bởi “cô trắng răng”; “sang trọng trong bộ quần áo dài tối tân” [37, tr. 7]; “áo trắng, đầu quấn tóc trần”; “chiếc khăn mới làm cho nước da Loan trắng hơn và màu phớt hồng ở gò má rõ hơn”, mà còn ở vẻ đẹp học thức “học đến năm tư bậc Cao đẳng tiểu học”, thông minh, bản lĩnh. Đi cùng những vẻ đẹp đó là nội tâm phong phú của Loan, gắn với vẻ đẹp “hai con mắt tự nhiên sáng lên khác thường, rồi trên má ửng hồng vì ánh lửa, mấy giọt nước mắt long lanh từ từ chảy” là nỗi buồn, “những cái thổn thức làm rung động cả người nàng” trong đêm họp mặt cuối ở nhà Thảo cùng Dũng trước khi Loan lấy Thân. Đi cùng vẻ đẹp “Hai con mắt Loan lúc đó sáng quắc, đôi má đỏ hồng, mấy sợi tóc mai rủ xuống thái dương bóng loáng ánh đèn” [37, tr. 149] là trạng thái nhẽ nhõm khi trút bỏ được những ràng buộc và đoạn tuyệt được với gia đình cũ của Loan. Trong tác phẩm, vẻ đẹp của Loan được đặc tả qua đôi mắt, trong đôi mắt đó có tình yêu, có tuổi xuân và có cả những cay đắng của quãng đời làm dâu ở nhà bà Phán Lợi. Đôi mắt đó chuyển

từ “đôi mắt sáng” khi sống trong tình yêu với Dũng đến đôi mắt buồn, u uất khi sống ở nhà chồng: “hai con mắt lờ đờ nhìn lên ảnh Dũng treo trên lò sưởi. Trông nàng còn đâu là vẻ tươi thắm hồng hào của buổi đầu xuân mấy tháng trước đây; tóc rối bời và chiếc áo vải thâm cũ kỹ càng làm tăng vẻ điêu linh của bộ mặt đã dãi dầu vì lo lắng, phiền muộn” [37, tr. 69], nhưng đôi mắt đó vẫn đẹp, đẹp khi hướng về quá khứ, về tương lai và hướng về những người mình yêu thương: “Cũng như nước mưa in bóng những đám mây trắng bay qua, làn nước thu của đôi mắt Loan lúc đó long lanh thoáng in hình ảnh một giấc mộng xa xăm” [37, tr. 119]; “đôi mắt dịu dàng mà Dũng thấy ngụ không biết bao nhiêu tình âu yếm”; “đôi mắt Loan bống thoáng qua vẻ buồn xa xăm, nghĩ đến người ở bên trời” [37, tr. 146]; “hai con mắt luôn luôn chớp, rồi thong thả hai tay đưa lá thư lên áp vào chỗ trái tim nàng đương thổn thức”. Qua ngoại hình của Loan có thể nhận thấy Loan là cô gái vừa xinh đẹp, vừa có trình độ học thức, có nghị lực và bản lĩnh, dám kiên quyết đấu tranh cho sự thắng lợi của tư tưởng cá nhân. Cùng với ngoại hình của Loan, ngoại hình của nhân vật nam trong tác phẩm cũng được miêu tả nhưng chỉ được miêu tả chung chung, không cụ thể. Ngoại hình của Dũng và Thân qua hình dung của Loan đó là “vẻ mặt rắn rỏi cương quyết, vẻ mặt của một người có chí khí cao rộng, và so sánh Dũng với Thân, chồng nàng, người có một vẻ mặt tầm thường và một cuộc đời mà nàng biết chắc cũng sẽ tầm thường” [37, tr. 48].

Trong Bướm trắng ngoại hình của các nhân vật được miêu tả chi tiết, vẻ đẹp đó được miêu tả qua những cảm nhận của nhân vật trong tác phẩm. Với cảm nhận của Trương, vẻ đẹp của Thu “có phần đẹp hơn” Liên, “hai con mắt to và đen, sáng long lanh như còn ướt nước mắt và đôi gò má không phấn sáp, ửng hồng, ẩn trong khuôn vải trắng. Vẻ buồn của tang phục làm lộ hẳn cái rực rỡ của một vẻ đẹp rất trẻ và rất tươi. Nét mặt thiếu nữ, Trương thấy kiêu hãnh một cách ngây thơ và cái vẻ kiêu hãnh lại làm cho sắc đẹp thiếu nữ có một ý vị hơn lên như chất chua của một quả mơ” [38, tr. 6]. Hình ảnh của Thu trong Bướm trắng: “Mới thoáng qua Trương đã nhận thấy trong một lúc đôi con mắt của Thu đẹp hẳn lên và nhiễm một vẻ khác: không phải là hai con mắt thản nhiên lúc mới gặp. Chàng đoán là Thu cũng bị xúc

động như chàng” [38, tr. 10]. Vẻ đẹp của Thu được thể hiện có chiều sâu ở đôi mắt, ở đó có tình yêu, có vẻ đẹp trong trắng của tâm hồn. Chính vì vậy trong tác phẩm, không ít lần Trương nhắc đến đôi mắt của Thu: “Hai con mắt đẹp sao”; “hai con mắt đen”; “mắt nàng khuất sau hàng mi đen và dài”; “hai con mắt yêu quý đương nhìn chàng”; “Hai mắt Thu mở to, Trương thấy trong và đẹp long lanh như thu hết ánh sáng của vùng trời cao rộng” [38, tr. 121]. Thu “vừa đẹp vừa thông minh”, Thu đến và yêu thương Trương bằng một tình cảm trong trắng dù có lúc Trương đang lâm nạn. Có thể nhận thấy các nhân vật nữ trong tác đều được miêu tả với ngoại hình xinh đẹp, trẻ trung,cùng với Thu là Nhan, hình ảnh của Nhan: “Trương thấy Nhan đẹp quá; tóc nàng chưa chải, lơ thơ rũ xuống trán cả một bên tóc lệch xuống vai. Mắt nàng sáng và trong như buổi sáng hôm đó. Trương nhìn mắt đoán là nàng đã khóc nhiều nhưng sung sướng vì hai con mắt đẹp hẳn lên, như thế kia là hai con mắt của một người sung sướng” [38, tr. 80]. Những nhân vật nam trong tác phẩm như Trương, Quang, Mĩ, Hợp, Vinh, Trực, Cổn được miêu tả khái quát về ngoại hình. Đặc biệt là Trương, tác giả không chú trọng miêu tả về hình dáng, trang phục mà nếu có thì chỉ hiện lên qua cái nhìn của nhân vật khác chứ không qua lời miêu tả trực tiếp của tác giả. Qua cái nhìn của Thu, “thấy Trương đẹp và có duyên. Hai con mắt Trương nàng trông hơi là lạ, khác thường thuy hiền lành, mơ màng nhưng vẫn phảng phất có ẩn một vẻ hung tợn, hai con mắt ấy Thu thấy là đẹp nhưng đẹp một cách não nùng khiến nàng xao xuyến như vừa cảm thấy một nỗi đau thương” [38, tr. 9]. Ẩn sau ngoại hình đó là những diễn biến tâm lí phức tạp đầy mâu thuẫn của nhân vật Trương.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thể loại tiểu thuyết luận đề của tự lực văn đoàn (qua nửa chừng xuân, đoạn tuyệt, bướm trắng) (Trang 65 - 69)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(132 trang)