Kiểu nhân vật thế hệ già bảo thủ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thể loại tiểu thuyết luận đề của tự lực văn đoàn (qua nửa chừng xuân, đoạn tuyệt, bướm trắng) (Trang 61 - 65)

5. Cấu trúc luận văn

2.2. Nhân vật trong tiểu thuyết luận đề của Tự lực văn đoàn

2.3.2.2. Kiểu nhân vật thế hệ già bảo thủ

Kiểu nhân vật thế hệ già bảo thủ trong tiểu thuyết luận đề của Tự lực văn đoàn

là những nhân vật đại diện cho nền luân lí cũ, đại diện cho những tư tưởng phong kiến hà khắc, bảo thủ, lạc lậu. Họ là những bà Tuần, bà Án, bà Phán, bà Huyện... những con người mang nặng tư tưởng Nho giáo và tập tục lỗi thời. Họ nắm quyền hành trong các gia đình trường giả, họ độc đoán, chuyên quyền, áp chế con, đày đọa, hành hạ con dâu. Họ hám danh, hám tiền tài địa vị đến cạn hết tình thân, tình người. Tuy hoàn cảnh, địa vị, hành động mỗi nhân vật khác nhau, nhưng những nhân vật này đều là điển hình của giai cấp phong kiến và tiểu tư sản lớp trên.

Trong Nửa chừng xuân kiểu nhân vật thế hệ già bảo thủ được thể hiện qua nhân vật bà Án (mẹ Lộc), Hàn Thanh. Trong tác phẩm, bà Án là người giữ quyền

uy trong gia đình, bà Án cũng là bà mẹ đại diện cho lề thói gia đình cũ đang cố níu kéo, duy trì quyền lực làm mẹ và nền luân lí, phong tục, tập quán, nếp nghĩ cũ, bà muốn sắp đặt mọi chuyện trong đó có cả tình yêu và hạnh phúc của con mình. Với sự ích kỷ và bảo thủ, bà chia cắt tình yêu giữa Lộc và Mai, bà ép Lộc lấy người phải “môn đăng hộ đối” với gia đình mình: “Mày phải biết chỉ người vợ mà cha mẹ hỏi cho”; “Mày phải biết lấy vợ gả chồng phải tìm cho môn đăng hộ đối, chứ mày định bắt tao thông gia với nhà quê à? Với bọn cùng đinh à? Mày làm mất thể diện tao, mất danh giá tổ tiên” [29, tr. 70]; “nếu anh muốn lấy con bé ấy làm lẽ thì tôi cũng cho phép anh, làm giai lấy năm lấy bảy mặc ý”. Bà Án trong tác phẩm hiện lên là người ý thức đầy đủ về quyền hành của một kẻ giàu có, quyền chức vì vậy bà sẵn sàng chà đạp lên quyền sống và nhân cách của người khác: “Cô là gái mồ côi cha mẹ thì tránh sao cho khỏi được sự lầm lỡ” [29, tr. 113]; “Mày phải biết bà gọi đội xếp đến tống cổ mày đi bây giờ, không khó gì đâu”; “Về làng mà đẻ” [29, tr. 121]. Bản thân bà Án là một người giàu có, quyền hành, bảo thủ với những luân lý cũ đã cạn tình người, nhưng nhân vật này được Khái Hưng miêu tả có đôi lúc đáng thương. Đáng thương bởi bà thương con, “lòng thương con của các bà mẹ Việt Nam, cho dẫu con đã lớn tuổi, không thể đem sự gì ra so sánh được”, bởi khát khao có một đứa cháu mà không được: “Đối với bà Án, thì đó là một đời hết hy vọng. Tập quán bắt buộc bà luôn luôn nghĩ tới những ý tưởng nối dõi tông đường, đầy đàn cháu chắt. Thế mà hai đứa thừa trọng tôn của bà lại kế tiếp nhau mà chết. Đau đớn cho bà biết bao” [29, tr. 177]; “Cô Mai ơi, cô nên thương tôi già yếu… cho tôi được cùng cháu tôi sum họp”. Cùng với nhân vật bà Án, nhân vật Hàn Thanh trong tác phẩm hiện lên không chỉ là kiểu nhân vật đại diện cho những suy nghĩ và lối sống cổ hủ mà còn là nhân vật đại diện cho tầng lớp cường hào, địa chủ phong kiến đương thời. Vì có quan niệm “làm giai lấy năm lấy bảy mặc ý”, Hàn Thanh có đến ba bà vợ nhưng vẫn tán tỉnh để lấy Mai làm bà tư bởi: “người vợ ba cũng không phải là người có nhan sắc được ông Hàn yêu thương là chỉ vì sinh hạ người nối dõi tông đường cho ông đó mà thôi. Ông Hàn lại cũng không phải là người không biết thưởng thức cái đẹp, nên tuy đã có ba vợ rồi mà còn muốn kén một bực tiểu tinh

diễm lệ để vui thú cảnh nhàn” [29, tr. 47]. Nhân vật Hàn Thanh cũng được miêu tả là “giầu nhất trong hàng huyện và thứ nhì, thứ ba trong hàng tỉnh”. Hắn chuyên hà hiếp người lương dân, vì hiềm khích, hắn có thể sai đầy tớ đốt nhà người ta. Hắn vừa ngọt nhạt, vừa đe dọa Mai: “Nhà cô mà tôi đã không mua thì tôi đố đứa nào ở vùng này dám mua nổi. Không những thế, còn khốn khổ cực nhục với tôi nữa [29, tr. 58]. Những nhân vật thuộc thế hệ già bảo thủ trong Nửa chừng xuân được Khái Hưng khắc họa sắc nét, là những nhân vật đại diện cho tư tưởng và lối sống lạc hậu, cổ hủ.

Đoạn tuyệt kiểu nhân vật già bảo thủ được thể hiện qua các nhân vật: Bà Phán Lợi (mẹ Thân), ông, bà Hai (cha, mẹ Loan), bà Chánh (mẹ chồng cô cả Đạm), bà Đạo (bà cô của Loan), bà Huyện Tịch (bà cô của Thân), bà Cả Toại, bà Chánh. Nhân vật bà Phán Lợi đại diện cho những suy nghĩ, việc làm hủ lậu, tin vào bói toán và con của Loan chết nguyên nhân cũng từ đó mà ra. Bà Phán cũng là người đại diện cho những người mẹ chồng độc ác, cay nghiệt với con dâu, không chỉ ở việc mỉa mai nhiếc móc mà bà còn đánh đập và hùa con trai đánh đập con dâu: “Nhà tôi vô phúc nên mới vớ phải một nàng dâu như thế” [37, tr. 68]; “Anh tát nó cho tôi một cái xem nó còn nỏ mồm nữa hay không”; “bà Phán dí ngón tay vào trán Loan, quệt mạnh một cái và mỉa mai: Ác như thế… không trách được tuyệt đường sinh đẻ” [37, tr. 121]; “Bà nhảy chồm lên, hai mắt tròn xoe rồi sấn lại nắm lấy Loan tát túi bụi”; “Đánh chết nó đi cho tôi. Chết đã có tôi chịu tội”. Sau chân dung bà Phán Lợi là bà Chánh mẹ chồng cô cả Đạm đã đánh đập nàng dâu nhưng nàng dâu vẫn phải chăm sóc bà đến lây bệnh mà chết. Tuy không nhắc đến trực tiếp, nhưng cái chết của cô Minh Nguyệt, cô Lệ Hồng cũng một phần do sự cay nghiệt của mẹ chồng gây ra. Bên cạnh nhân vật bà Phán Lợi, bà Chánh, nhân vật ông Hai, bà Hai (cha mẹ Loan) cũng thuộc kiểu nhân vật già bảo thủ, “ông Hai, bà Hai thuộc về hạng trung lưu, vốn sinh nhai bằng nghề buôn chiếu, chỉ biết sống theo tục lệ cũ của ông cha để lại, không hề để ý rằng ở trong xã hội hiện có một sự thay đổi to tát”, hai nhân vật này có nỗi khổ riêng nhưng họ cũng đại diện cho lớp người bảo thủ, có quan niệm và lối sống lạc hậu, họ không hiểu con mình, vì mối nợ với nhà bà Phán

Lợi mà định đoạt hạnh phúc của con: “việc ấy thầy me đã định rồi và sẽ lo liệu thu xếp cho cô, cô không phải bàn” [37, tr. 22]; bà Hai cho việc lấy vợ lẽ của Thân là đúng lý, “bà khuyên Loan không nên ngăn cản, vì nàng đã không sinh đẻ được nữa, thì nên để chồng lấy vợ lẽ kiếm đứa con nối dõi” [37, tr. 110]. Vì hi sinh cho cha mẹ, Loan phải lấy Thân, qua bao nhục nhằn đau đớn, khi mắc phải tiếng oan giết chồng, bà Hai vẫn chưa hiểu thấu thảm cảnh của con, biết là con oan nhưng bà Hai vẫn đấm ngực than vãn: “Nó làm khổ tôi. Nó làm dơ diếu cả nhà tôi… có ngờ đâu bây giờ tôi hóa ra mẹ của đứa giết chồng. Nhục nhã chưa” [37, tr. 130]. Nhân vật bà Đạo (bà cô của Loan), bà huyện Tịch (bà cô của Thân) cũng là những nhân vật đại diện cho quan điểm, cho những thành kiến của xã hội cũ: “Bà Tịch hỏi bà Phán: Thế nào cô trắng răng đã về rồi đấy ư? (...) Rước những hạng tân thời ấy về để nó làm bại hoại gia phong nhà mình”; “Mang tiếng là con gái đảm mà không được tích sự gì cả. Cô liều liệu chứ, không có ngoài đường người ta nói nhiều lắm đấy, cô ạ” [37, tr. 68]; “Hôm nay xấu ngày thế mà chị dọn nhà”. Những nhân vật thuộc thế hệ già bảo thủ là đại diện cho một nền luân lí cổ hủ đang bị lung lay trước sự biến đổi của văn hóa, xã hội và con người. Những nhân vật này đã đưa người đọc vào không khí ngột ngạt của đại gia đình phong kiến với những ích kỷ, toan tính, những sinh hoạt hủ bại dưới vẻ bề ngoài quyền quý, hào nhoáng. Kèm theo đó là mối xung đột giữa một nếp sống trì trệ theo luân lý, lễ giáo phong kiến và những tư tưởng mới mẻ được đại diện bởi những thanh niên nam nữ thấm nhuần ít nhiều văn hóa Âu Tây.

2.3.3. Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong tiểu thuyết luận đề của Tự lực văn đoàn

Nhân vật là vấn đề trọng tâm trong tiểu thuyết luận đề của Tự lực văn đoàn. Nhân vật trong các tác phẩm được mô tả trong mối liên hệ, tiếp xúc với đời sống hiện thực, trong đời thường, đời tư, trong cuộc sống gia đình, nhưng vẫn giàu ý nghĩa xã hội, thể hiện được những giá trị tiến bộ. Nhân vật trong các tác phẩm được khai thác ở nhiều cảnh ngộ, chi tiết chân thực, khiến cho nhân vật được miêu tả sinh động, có hồn, qua đó thể hiện được thế giới nội tâm phong phú của nhân vật.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thể loại tiểu thuyết luận đề của tự lực văn đoàn (qua nửa chừng xuân, đoạn tuyệt, bướm trắng) (Trang 61 - 65)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(132 trang)