Giọng điệu lạc quan, tin tưởng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thể loại tiểu thuyết luận đề của tự lực văn đoàn (qua nửa chừng xuân, đoạn tuyệt, bướm trắng) (Trang 119 - 121)

5. Cấu trúc luận văn

3.3. Giọng điệu trần thuật trong tiểu thuyết luận đề của Tự lực văn đoàn

3.3.2.2. Giọng điệu lạc quan, tin tưởng

Bên cạnh giọng điệu trữ tình, giọng diệu lạc quan tin tưởng cũng được thể hiện trong các tiểu thuyết luận đề của Tự lực văn đoàn thông qua ngôn ngữ người trần thuật và ngôn ngữ của nhân vật trong tác phẩm. Yếu tố làm nên giọng điệu này xuất phát từ đặc trưng ngôn ngữ của tầng lớp trí thức tiểu tư sản trong văn chương của các tác giả Tự lực văn đoàn. Đồng thời đối tượng chính của Tự lực văn đoàn là tầng lớp trí thức tiểu tư sản, học sinh, sinh viên, đó là những thanh niên trí thức trẻ trung, những con người yêu đời, mang trong mình một lí tưởng xã hội nhất định. Những nhân vật này trong tác phẩm luận đề của Tự lực văn đoàn được xây dựng để thể hiện một lý tưởng, một ước mơ, một chủ trương cải cách văn hóa xã hội, một lối sống mới theo văn minh Tây phương. Vì thế ngôn ngữ nhân vật luôn là “thứ ngôn ngữ nhiều lý lẽ của những con người tiểu tư sản thời kỳ đầu mang đậm chất lạc quan luôn ý thức về quyền lợi và vị trí cá nhân của mình trong xã hội, cũng như luôn tin tưởng vào những lý tưởng tư sản mà họ tiếp nhận trong sách vở” [56].

Trong Nửa chừng xuân, giọng điệu lạc quan tin tưởng được thể hiện qua những lời thoại của các nhân vật trẻ tuổi, yêu đời. Đó là cái nhìn tươi mới, lạc quan về tương lai, đồng thời là nhận thức mới về cuộc đời, tình yêu và hạnh phúc của Lộc: “Nhưng em ạ, sao anh không nghĩ tới xã hội đem hết nghị lực, tài trí ra làm việc cho đời. Rồi thỉnh thoảng hưởng một vài giờ thư nhàn mà tưởng nhớ tới em, mà yêu dấu cái hình ảnh dịu dàng của em, cái linh hồn cao thượng của em. Trời ơi!

Anh sung sướng quá, anh trông thấy rõ rệt con đường tương lai sáng sủa của anh rồi. Đời anh từ nay thế nào rồi cũng đổi khác hẳn. Đời anh từ nay thế nào rồi cũng đổi khác hẳn. Đời anh từ nay sẽ không của riêng anh nữa. Anh sẽ vì người khác, anh sẽ bỏ cái dời phú quí mà dấn thân vào cuộc đời gió bụi. Anh đã trông thấy hiện ra trước mắt những sự cay cực lầm than đang đợi anh. Nhưng anh không ngại, vì có em…”; “Anh chỉ biết rằng anh sẽ mãi mãi được sung sướng, vì anh tin rằng ngày ngày, tháng tháng lúc nào em cũng âu yếm nghĩ đến anh, như thế cũng đủ an ủi anh rồi… Em ở xa anh, nhưng tâm trí hai chúng ta lúc nào cũng gần nhau, thì trọn đời hai ta vẫn gần nhau” [29, tr. 251-252]. Hay diễn tả tâm trạng phấn chấn vui sướng của hai tâm hồn đang sống trong những giây phút hạnh phúc khi đã cởi bỏ được những nghi ngờ, khổ đau để hướng đến cuộc đời mới: “Trong lò sưởi ngọn lửa đỏ tươi vùn vụt bốc lên. Bụi than văng lấm tấm như hoa, tiếng củi cháy lách tách reo vui. Hạnh phúc như bao bọc âu yếm hai tâm hồn khoáng đạt, đã siêu thoát ra ngoài vòng tư tưởng nặng nề u ám” [29, tr. 252].

Trong Đoạn tuyệt, người đọc cũng bắt gặp giọng điệu lạc quan tin tưởng được thể hiện qua suy nghĩ và hành động của Dũng và Loan: “Tôi không nghĩ như anh, vì tin ở sự tiến bộ. Ta có thể làm cho họ hơn lên được. Có lẽ họ đã quen với cái khổ lắm nên họ không biết khổ nữa, hay họ có biết cũng hông tỏ ra được… Ta phải diễn tả ra cho họ thấy và những sự ta mong ước cho họ, ta phải làm cho họ mong ước như ta. Tôi vẫn hằng mong ước dân quê đỡ phải chịu hà hiếp, ức bách. Ta phải tin rằng sự ao ước ấy có thể thành sự thực và làm cho dân quê cũng ước mong một cách thiết tha như ta” [37, tr. 75]. Sự lạc quan, tin tưởng của Dũng là tin vào sự đổi thay của đời sống nông dân, nông thôn và tin vào lí tưởng cải cách sẽ làm “ngày mai tốt đẹp hơn ngày hôm nay”. Với Loan, giọng điệu lạc quan tin tưởng đó được thể hiện khi cô nhìn lại cuộc đấu tranh đoạn tuyệt với cuộc đời cũ để đến với qua cuộc đời tự do mà cô đang có: “Có lẽ em còn vất vả nhiều, nhưng em không ngại. Trong bao lâu em chỉ ao ước sống cái đời tự do rộng rãi, không bó buộc, bây giờ được như thế này, em hãy vui đã” [37, tr. 157]. Cô cảm thấy sung sướng và hạnh phúc vô cùng khi thoát ly khỏi gia đình chồng, được sống cuộc đời tự do, tự lập vốn

là niềm mơ ước bấy lâu của cô: “Loan thấy trong lòng vui sướng vì nàng nhận ra rằng nàng không lầm, sự ao ước bấy lâu sống một cuộc đời khoáng đạt là sự ao ước đích đáng do sự nhu cầu thiết thực của tâm hồn mà ra… có sống thế này, nàng mới được nếm cái vui thú của sự làm việc, của sự phấn đấu, nàng mới nhận thấy cái giá trị của một đời rộng rãi, tự lập” [37, tr. 166]. Có thể nhận thấy, giọng điệu lạc quan, tin tưởng trong tiểu thuyết luận đề của Tự lực văn đoàn nói chung đã thể hiện tinh thần và cách nhìn mới mẻ về cuộc đời, xã hội của tầng lớp thanh niên tư sản trong giai đoạn bấy giờ. Đồng thời thể hiện ước mơ và niềm tin vào một xã hội tiến bộ, văn minh, ở đó con người được thoát khỏi ràng buộc của những hủ tục, lễ nghi, được tự do cá nhân, được sống cuộc đời mới.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thể loại tiểu thuyết luận đề của tự lực văn đoàn (qua nửa chừng xuân, đoạn tuyệt, bướm trắng) (Trang 119 - 121)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(132 trang)