Cốt truyện đa tuyến

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thể loại tiểu thuyết luận đề của tự lực văn đoàn (qua nửa chừng xuân, đoạn tuyệt, bướm trắng) (Trang 53 - 56)

5. Cấu trúc luận văn

2.1. Cốt truyện trong tiểu thuyết luận đề của Tự lực văn đoàn

2.1.2.2. Cốt truyện đa tuyến

Nếu như cốt truyện truyền thống thường là cốt truyện đơn tuyến với các tình tiết, sự kiện xoay quanh cuộc đời một nhân vật chính thì đến tiểu thuyết luận đề của

Tự lực văn đoàn thường có cốt truyện đa tuyến, kết cấu cốt truyện xen kẽ. Ngoài tuyến cốt truyện chính còn có những tuyến phụ để vừa làm nổi bật tính cách của nhân vật chính, vừa mở rộng dung lượng phản ánh hiện thực vừa thể hiện nhiều cách lý giải vấn đề xã hội và thể hiện luận đề của tác phẩm.

Cốt truyện của Nửa chừng xuân không chỉ kể về chuyện tình Mai - Lộc, tác giả còn miêu tả cuộc sống, số phận của những nhân vật khác. Đó là chuyện về một cụ Hàn với ba bà vợ mà vẫn tìm mọi thủ đoạn gạ gẫm, ép Mai về làm thiếp: “Vì thế tôi đương tìm một bà vợ nữa để đứng trông coi ruộng bên ấy cho tôi, mà tất phải ở bên làng và trẻ tuổi, trẻ… như cô ấy”; “Lấy tôi, tôi cho nghìn bạc làm vốn, lại có ruộng có vườn mà lại được ở nhà cửa như xua, sung sướng biết bao” [29, tr. 54 - 56]. Đó là chuyện bà Án (mẹ Lộc) với quan niệm cổ hủ đã dùng đến cả mưu mẹo, thủ đoạn để phản đối chuyện hôn nhân giữa Mai và Lộc. Đó là câu chuyện tình yêu đơn phương, say đắm của bác sĩ Minh và họa sĩ Bạch Hải dành cho Mai; hay chuyện về Diên - một cô gái xinh đẹp bản chất tốt nhưng vì hoàn cảnh đưa đẩy mà thân phải lấm bùn, trở thành gái giang hồ bị xã hội coi thường khinh rẻ… Tất cả các nhân vật, các sự kiện trong tác phẩm đều hướng vào việc làm nổi bật phẩm chất cao đẹp của nhân vật Mai, qua đó thể hiện quan niệm về tình yêu, về hạnh phúc của những người trẻ tuổi trong xã hội cũ. Bên cạnh đó, kết cấu cốt truyện đan xen giữa cốt truyện tiểu thuyết và câu chuyện luận đề cũng được thấy rõ trong Nửa chừng xuân. Một chuyện là tình yêu của các nhân vật và một chuyện là xung đột, mâu thuẫn gay gắt giữa hai phe cũ - mới; giữa quan niệm cổ hủ, hà khắc của đại gia đình phong kiến với tư tưởng tự do hôn nhân và quyền cá nhân của con người. Có thể thấy, với kết cấu cốt truyện đa tuyến, Nửa chừng xuân của Khái Hưng đã có những đóng góp về nghệ thuật tiểu thuyết. “So với những tiểu thuyết được viết ra khoảng năm sáu năm về trước, nghệ thuật tiểu thuyết trong Nửa chừng xuân đã có những bước tiến vượt bậc. Tác phẩm có kết cấu chặt, tổ chức cốt truyện có nhiều tình huống éo le,

giàu kịch tính được sắp xếp chặt chẽ hợp lý. Các chương xen kẽ nhau theo trình tự không gian thời gian hợp lý, không liên kết theo kiểu chương hồi” [23, tr. 224].

Trong Đoạn tuyệt cốt truyện đa tuyến cũng được thể hiện rõ. Song song với chuyện Loan bị đày đọa ở nhà chồng còn có chuyện tình Loan và Dũng. Nhất Linh đã khéo léo lồng hai mạch truyện vào nhau. Ở những chương đầu, tác giả kể về mối tình thơ mộng giữa Loan và Dũng: “Cảm động nàng nhìn bức ảnh của nàng mà Dũng có lẽ vì yêu nàng mà lấy trộm, và lúc đi, lại nhớ đem theo đi… Nàng thấy trong lòng man mác, sung sướng” [37, tr. 12]. Dù đã được sắp đặt là lấy một người khác nhưng Loan vẫn ôm ấp tình yêu của mình dành cho Dũng và Dũng cũng mang mối tình sâu nặng đó trong những ngày xa cách Loan. Lồng vào với mạch truyện đó là chuyện Loan lấy Thân và sống những ngày tủi nhục, căng thẳng ở nhà chồng. Xung đột gia đình lên tới đỉnh điểm khi Thân bị chết và Loan rơi vào tình trạng ngộ sát, “Loan không giết chồng! Điều đó là một sự dĩ nhiên rồi” và Loan được tòa tha trắng án. Từ đây cuộc đời Loan được giải thoát khỏi nhà nhà chồng và đoạn tuyệt với đại gia đình phong kiến. Cũng như Nửa chừng xuân, cốt truyện của Đoạn tuyệt

có hai câu chuyện lồng vào nhau, đó là chuyện tình yêu của Loan và Dũng và chuyện là xung đột gay gắt giữa hai phe cũ – mới. Hai câu chuyện này được đan cài với nhau theo kết cấu tương ứng, tương ứng với cảnh khổ đau của cuộc đời Loan là mối tình thơ mộng êm ái với Dũng; tương ứng với người chồng vô học thô tục, ngu đần, sống bám vào gia đình là hình ảnh đẹp đẽ của Dũng, người “có chí khí cao rộng”, “sống phóng khoáng mãnh liệt phiêu lưu”; tương ứng với không gian chật hẹp, tú túng, uất ức ở nhà chồng, là không gian bao la thoáng đãng, tự do bên ngoài... Chính kết cấu đan xen, tương ứng giữa tiểu thuyết và luận đề đã làm rõ hơn tính luận đề của tác phẩm, đồng thời tính chất lãng mạn của câu chuyện tình cũng làm cho phần luận đề bớt khô khan, máy móc. Có thể nhận thấy, các tình tiết cốt truyện trong Đoạn tuyệt được tổ chức để tạo ra tình thế mâu thuẫn mới - cũ để nhân vật Loan có dịp phát ngôn quan điểm tân tiến đả phá lễ giáo phong kiến. Đánh giá về Đoạn tuyệt, nhà nghiên cứu Vu Gia nhận định: “Đoạn tuyệt là cuốn tiểu thuyết luận đề đầu tiên trong lịch sử văn học Việt Nam, và là cuốn tiểu thuyết mà Nhất

Linh muốn đem đến cho người đọc thời bấy giờ thấy được tiếng Việt cũng đủ khả năng diễn đạt mọi ngóc ngách tình cảm của con người, thấy được đâu là cái mới, cái cũ, đâu là tiến bộ văn minh, đâu là lạc hậu lỗi thời, và để người đọc hôm nay thấy được sự gian truân của buổi đầu chống lại chế độ đại gia đình phong kiến” [17, tr. 153].

Trong cốt truyện của Bướm trắng, song song với chuyện tình Trương và Thu còn có chuyện đời sống trụy lạc và cuộc chơi bời của Trương với cô gái tên Mùi, chuyện về cô gái tên Nhan nơi quê nhà đợi Trương. Với kết cấu ba phần, cốt truyện của Bướm trắng lồng ghép các câu chuyện lại với nhau. Đó câu chuyện tình Trương và Thu, Trương gặp Thu, thấy Thu giống Liên, người yêu của chàng đã chết vì bệnh lao ba năm trước, “chàng có cái ý oái oăm muốn Thu sẽ yêu chàng” và chuyện tình bắt đầu từ đó. Nếu đối với Thu, Trương là giấc mơ hạnh phúc, là nguồn đam mê và nàng sẵn sàng hy sinh cho chàng. Thì đối với Trương, Thu là biểu tượng đẹp, thanh cao, là lẽ sống mà Trươngtheo đuổi một cách tuyệt vọng. Tình yêu của Trương có sự giằng co giữa lòng ích kỷ chiếm hữu Thu và lòng vị tha hy sinh cho tình yêu, sao cho xứng đáng với Thu và có lúc Trương muốn giết Thu vì tình yêu thắm thiết của nàng khiến chàng càng đau khổ. Câu chuyện tình này được lồng vào với câu chuyện về cuộc đời trụy lạc của Trương, Trương sa ngã, trượt dốc, phá hết tài sản cha mẹ để lại, ngồi tù vì tội biển thủ, không nghề nghiệp, mất tình yêu, phí hoài tuổi trẻ... Cuối cùng Trương trở về quê hương tìm sự thanh thản trong cuộc sống, trở về nơi luôn có một cô gái ngây thơ, mộc mạc, xinh đẹp có tên là Nhan đợi Trương trở về. Kết cấu cốt truyện Bướm trắng có sự đan cài giữa câu chuyện tiểu thuyết và câu truyện luận đề. Đó là câu chuyện tình yêu của Trương và Thu, câu chuyện cuộc đời của Trương với câu chuyện về khao khát hướng tới cuộc sống, tình yêu, cái đẹp, sự hoàn lương đời sống tinh thần con người; sự cô đơn, mất phương hướng của con người từ bỏ nông thôn nhưng không hòa nhập được với đô thị, vấn đề tìm đường cho thanh niên trí thức đương thời: “Anh ở Pháp về chưa biết chứ thanh niên Việt Nam, một thanh niên không có lí tưởng, chưa sống đã già cỗi như sắp chết, biết mình sắp chết nên không còn chống lại làm gì nữa, buông xuôi tay để mặc cho trôi đến đâu thì đến. Không cưỡng lại nữa là ắt cái trụy lạc sẽ tiến mau lắm” [38, tr. 165].

Từ những phân tích trên có thể thấy, tiểu thuyết luận đề của Tự lực văn đoàn

đã có những cách tân đáng kể trong nghệ thuật xây dựng cốt truyện. Các tác giả đã từ bỏ kiểu cốt truyện vay mượn, viết theo lối chương hồi, khuôn sáo. Cốt truyện cũng không ngoắt ngoéo, ly kỳ, không đặt trọng tâm ở tuyến sự kiện mà cốt truyện được xây dựng theo lối mới, cốt truyện giản dị, gắn với cuộc đời thật, mở, đa tuyến, không có hậu, chú trọng đến tâm lý nhân vật. Những đổi mới về nghệ thuật xây dựng cốt truyện trong tiểu thuyết luận đề của Tự lực văn đoàn đã góp phần vào tiến trình hiện đại hóa tiểu thuyết đầu thế kỷ XX.

So với các tiểu thuyết luận đề đương đại như trong sáng tác của Nguyễn Bắc Sơn (Luật đời và cha con, Lửa đắng) hay Nguyễn Mạnh Tuấn (Những khoảng cách còn lại, Đứng trước biển, Cù lao Tràm) cũng có thể thấy, để miêu tả cuộc đấu tranh nhằm giải quyết xung đột giữa cái cũ và cái mới, cụ thể là cuộc đấu tranh để đổi mới tư duy, thay đổi cách nghĩ trong thời đại kinh tế thị trường, các tác giả đương đại cũng sử dụng kết cấu cốt truyện đa tuyến, kết cấu mở và theo trình tự đảo lộn thời gian sự kiện. Nhìn lại sáng tác của Tự lực văn đoàn thì so sánh này càng khẳng định cho sự cách tân mang tính mở đầu mà các tác giả Tự lực văn đoàn đã thực hiện với thể loại tiểu thuyết luận đề của mình, trong đó Nửa chừng xuân, Đoạn tuyệt,

Bướm trắng là những tác phẩm tiêu biểu.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thể loại tiểu thuyết luận đề của tự lực văn đoàn (qua nửa chừng xuân, đoạn tuyệt, bướm trắng) (Trang 53 - 56)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(132 trang)