Nghệ thuật tổ chức cốt truyện trong tiểu thuyết luận đề của Tự lực văn đoàn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thể loại tiểu thuyết luận đề của tự lực văn đoàn (qua nửa chừng xuân, đoạn tuyệt, bướm trắng) (Trang 47 - 53)

5. Cấu trúc luận văn

2.1. Cốt truyện trong tiểu thuyết luận đề của Tự lực văn đoàn

2.1.2. Nghệ thuật tổ chức cốt truyện trong tiểu thuyết luận đề của Tự lực văn đoàn

Cốt truyện là yếu tố mang đặc trưng riêng của từng tác phẩm văn học tương ứng với từng thời đại, do vậy mỗi nhà văn sẽ có cách lựa chọn và tổ chức cốt truyện theo một cách riêng, các nhà văn Tự lực văn đoàn cũng vậy, cốt truyện trong tiểu thuyết luận đề của Tự lực văn đoàn là một trong những phương diện thể hiện sự riêng biệt, mới mẻ của nhóm văn chương này và hơn hết sự riêng biệt, mới mẻ đó đã góp phần vào quá trình hiện đại hóa tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỷ XX.

2.1.2.1. Cốt truyện chú trọng tâm lí nhân vật

Với cốt truyện chú trọng vào tâm lí nhân vật, cốt truyện trong tiểu thuyết luận đề của Tự lực văn đoàn thường không tập trung tái hiện trực tiếp hiện thực đời sống, không chú trọng diễn tả những sự kiện, biến cố bên ngoài, không thuật kể theo thời gian tuyến tính mà tiến trình cốt truyện theo diễn biến tâm lí của nhân vật với thế giới nội tâm phong phú. Đó là sự xâu chuỗi các tình tiết, sự kiện theo tâm lí, hành động của nhân vật. Điều này là bước thay đổi lớn so với cốt truyện truyền thống, bởi mô hình cốt truyện truyền thống thường kết cấu theo lối chương hồi, chú trọng sự kiện, thường gắn liền với các sự kiện cơ bản (gặp gỡ - tai biến - đoàn tụ) nên cốt truyện ở hầu hết các tiểu thuyết được tổ chức chặt chẽ theo tuyến sự kiện, tuyến nhân vật và theo trình tự thời gian. Trong giai đoạn trước, cốt truyệnthường bỏ qua những chi tiết bộn bề của cuộc sống, mà chỉ chú ý tới những sự kiện, hành động lớn trong cuộc đời nhân vật, các chi tiết nhiều khi chỉ có giá trị tượng trưng, ước lệ. Đến đầu thế kỷ XX, sáng tác thuộc khuynh hướng lãng mạn như tiểu thuyết của Hoàng Ngọc Phách, khuynh hướng hiện thực như tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh,… dù đã có những bước tiến mới trong nghệ thuật, song về cơ bản cốt truyện vẫn mang tính truyền thống. Đến tiểu thuyết luận đề của Tự lực văn đoàn khuôn khổ của cốt truyện truyền thống đã bị phá vỡ.

Xây dựng cốt truyện trong tiểu thuyết luận đề của Tự lực văn đoàn, thay bằng việc vay mượn cốt truyện, các tác giả lấy cốt truyện từ chính hiện thực đời sống. “Cốt truyện trong tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn không vay mượn, không mô phỏng những cốt truyện của Tây, Tàu như trong giai đoạn trước. Có thể tìm thấy

bao cốt truyện mang đặc tính quen thuộc của dân tộc có khi ở thôn quê, có khi ở chốn thành thị, chuyện người nghèo khổ, chuyện người giàu có nhưng suy cho cùng cũng là cuộc sống và con người Việt Nam” (Đỗ Đức Dục). Cốt truyện trong tiểu thuyết luận đề của Tự lực văn đoàn đi sâu miêu tả những chi tiết sự việc đơn giản, đời thường nhằm làm nổi bật tính cách, số phận của nhân vật, qua đó chứng minh cho luận đề mà tác giả đặt ra. Các tác giả đi trực tiếp vào diễn biến tâm lí của nhân vật, sau đó mới hồi cố, miêu tả quãng đời quá khứ của họ, đồng thời có cách mở đầu và kết thúc tác phẩm đều bằng tâm trạng, cảm xúc của nhân vật, “tác phẩm mở đầu bằng cảm giác, kết thúc bằng cảm giác làm cho người đọc cùng thể hiện cảm giác với nhân vật”. Hơn nữa cốt truyện trong tiểu thuyết luận đề của Tự lực văn đoàn còn phá vỡ hình thức kết cấu cốt truyện truyền thống bằng cách bỏ kiểu kết cấu chương hồi, bỏ lối kết thúc có hậu trong truyện, thay vào đó là kết thúc mở, không có hậu.

Tiểu thuyết Nửa chừng xuân mở đầu bằng một chiều thứ bảy, tại cổng trường Bảo hộ với hình ảnh một thiếu nữ “ngơ ngác nhìn sân trường, như muốn vào nhưng còn dùng dằng lo sợ… Thoáng trông cô cũng biết cô có điều tư lự” [29, tr. 4], sau đó tác giả mới hồi cố miêu tả cảnh ngộ mồ côi của chị em Mai. Cốt truyện được tiếp diễn bằng dòng tâm tư của Mai với sự băn khoăn, lo lắng về cảnh ngộ, về cuộc đời. Khi nhìn cảnh chiều xuân Tây hồ, cô “thở dài lo sợ vẩn vơ”, khi tựa lan can xe lửa nhìn những con thuyền trên dòng sông Hồng rồi “giật mình. Giấc mộng tan, mà hy vọng cũng tan…”; tâm trạng bẽn lẽn, sung sướng khi gặp Lộc và được Lộc giúp đỡ: “Mai xấu hổ, hai má đỏ ửng… lại càng bẽn lẽn lắm”, “Mai mỉm cười, cái cười mơ màng” [29, tr. 34] . Tình yêu chớm nở khiến cô cảm thấy tâm trí phấn khởi, cô thẹn, cô “thành ra mơ mộng”, “từ lúc cô biết chàng, cô thấy cô sung sướng, cô thấy cô nhiều hy vọng. Cô thấy cô đỡ cô độc, đỡ lo sợ” [29, tr. 38]. Cốt truyện diễn tiến với tâm trạng lo lắng bế tắc của Mai khi không bán được nhà “Cũng cảnh ấy, hôm qua Mai ngắm thấy bao tình tứ ẩn núp trong mà hôm nay Mai chỉ thấy nhuộm một sắc buồn. Cho đến tiếng chim xuân ríu rít hót trên cành Mai nghe như toàn những lời mỉa mai” [29, tr. 60]; tiếp đến là diễn biến tâm lý khi Mai vội vã theo Lộc ra Hà

Nội; yêu mến, biết ơn, sẵn sàng lấy Lộc trong “nụ cười sung sướng”; tâm trạng đi từ tức giận, phẫn uất “ứa nước mắt” đến tủi nhục khi cầu xin, van nài bà Án (mẹ Lộc) để được chấp nhận kết duyên cùng Lộc và cuối cùng là diễn biến tâm lí của con người chung thủy, nhớ thương và tâm sự băn khoăn khi Mai không thể chung sống cùng Lộc. Cùng với Mai, diễn biến tâm lí của Lộc, Huy cũng được khắc họa rõ nét qua những sự kiện, tình tiết trong tác phẩm. Tác phẩm kết lại bằng hình ảnh chia tay giữa Lộc và Mai – một kết thúc không có hậu, không trọn vẹn nhưng mở ra cách nhìn nhận mới của nhân vật: “Em ở xa anh nhưng tâm trí hai ta lúc nào cũng gần nhau, thì trọn đời hai ta vẫn gần nhau”, cách kết thúc này đánh dấu sự cách tân so với tiểu thuyết truyền thống. Với cốt truyện chú trọng tâm lí nhân vật, Khái Hưng đã chối bỏ kiểu cốt truyện viết theo lối chương hồi, nệ cổ, vay mượn, khuôn sáo, tác giả không lựa chọn những tình tiết ly kỳ, ngoắt ngoéo, những giải kết đột ngột, gay gắt, dồn dập. Truyện của tác giả giản dị, gần gũi, lấy từ đời thật, linh hoạt và có bố cục chặt chẽ, hợp lý. Cốt truyện trong Nửa chừng xuân không chỉ đơn thuần là những sự kiện, hành động mà bao gồm cả quá trình diễn biến tâm lý quanh co, phức tạp trong tâm hồn nhân vật. Các sự kiện ở trong tác phẩm đã làm nổi bật tính cách và số phận của nhân vật. Có thể thấy, “Khái Hưng với nghệ thuật tiểu thuyết khá vững vàng đã dẫn dắt mạch chuyện uyển chuyển linh hoạt, khi đi vào chiều sâu tâm lí nhân vật, khi đối thoại sắc sảo, khi gợi những cảm xúc tinh vi ở người đọc” [23, tr. 220].

Cốt truyện của Đoạn tuyệt xoay quanh tâm lí của nhân vật Loan và Dũng. Tác phẩm mở đầu bằng “một buổi trưa chủ nhật về mùa đông trong gian phòng ấm áp, bốn người quây quần nói chuyện trước lò sưởi đỏ rực” và tâm trạng của Loan khi hồi tưởng lại quãng đời trong quá khứ: “Loan buồn rầu cúi mặt, nghĩ đến việc nhân duyên của nàng” [37, tr. 5]. Tiếp đến cốt truyện diễn tiến với thời gian quá khứ của cuộc đời Loan. Những trạng thái cảm xúc của nhân vật Loan khi giãi bày với Thảo về những nỗi ngang trái trong tình yêu, về những nỗi đau, nỗi tủi cực, căng thẳng khi ở nhà chồng. Đó là tâm trạng nặng nề khi về nhà chồng “nay cha mẹ bắt nàng làm vợ Thân đã là bán xác thịt của nàng, bán nàng vì một số tiền ba nghìn bạc”. Đó

là tâm trạng đau đớn bế tắc, Loan đã nghĩ đến tuổi già cô đơn và đớn đau một đời con gái, nghĩ đến cái chết để kết liễu “một đời cằn cỗi ảm đạm không có một chút ánh sáng của một ngày vui chiếu rõi”. Tuy nhiên, so với Mai trong Nửa chừng xuân

hay Liễu trong Gánh hàng hoa thì Loan trong Đoạn tuyệt có tính cách mạnh hơn. Bởi Loan là người có học, ít chịu ảnh hưởng của nề nếp gia đình theo giáo dục Khổng - Mạnh, lại chịu ảnh hưởng của quan niệm triết lí phương Tây nên Loan có cách suy nghĩ độc lập trên nhiều vấn đề xã hội và gia đình. Cùng với Loan, những vận động trong suy nghĩ, nội tâm của Dũng cũng được hiện lên rõ. Đó là những trạng thái cảm xúc của Dũng khi theo đuổi lý tưởng của mình, trạng thái cảm xúc qua bức tâm thư với Thảo với nỗi nhớ da diết về Loan, sự quan tâm lo lắng cho cuộc đời của Loan trong những ngày bôn ba hoạt động của mình; tâm trạng hồi hộp, lo lắng khi đứng nấp phía ngoài theo dõi phiên tòa xét xử Loan… Tất cả những diễn biến tâm lý đó được lồng ghép khéo léo trong những sự kiện, tình tiết của tác phẩm, qua đó thấy được quan điểm, tư tưởng của thế hệ thanh niên cấp tiến đương thời trong cuộc đấu tranh với cái cũ. Kết thúc của Đoạn tuyệt là câu nói của Thảo: “hiện giờ có một người sung sướng, người đó đương đi ngoài mưa gió, quên cả mưa ướt gió lạnh”. Kết thúc hé mở chặng đường đi tới của cuộc đời nhân vật. Người đọc có quyền chờ đợi những gì tốt đẹp sẽ đến với hai người trẻ tuổi cấp tiến, không có gì cản trở họ xây dựng hạnh phúc khi họ khi cái cũ đã bị đoạn tuyệt và cái mới đang dần thay thế nó. Có thể nhận thấy hầu hết các tiểu thuyết của Nhất Linh và Khái Hưng đều kết cấu theo quy luật tâm lý chứ không theo trình tự thời gian, đồng thời diễn biến tâm lý của các nhân vật trong Nửa chừng xuân, Đoạn tuyệt đã phức tạp, tinh tế hơn nhiều so với những nét tâm lý còn đơn giản trong tiểu thuyết truyền thống.

Cốt truyện của Bướm trắng xoay quanh những diễn biến về tâm lí của nhân vật Trương. Tác phẩm mở đầu bằng cảm xúc của nhân vật Trương, “chàng thấy lòng vui một cách đột ngột khác thường tự nhiên chàng đi nhanh làm như bước đi cần phải đi nhịp với nỗi vui trong lòng” [38, tr. 3], sau đó dòng tâm tư của nhân vật được trần thuật lại trong tác phẩm. Việc mở đầu truyện như vậy giúp cho tác giả dễ

dàng khai thác trạng thái tâm lí nhân vật ở nhiều hướng khác nhau. Trong tác phẩm, những trạng thái tâm lí của các nhân vật luôn được đan cài, đó là tâm trạng buồn vui xen lẫn sự ngỡ ngàng của Trương khi gặp Thu; tâm trạng phấn khởi của Trương về tình yêu xen lẫn sự dằn vặt, ám ảnh về căn bệnh quái ác: “Trương cảm thấy rất rõ rệt rằng chàng là một người thừa đối với đời, đối với Thu. Giữa vẻ đẹp rực rỡ của mùa xuân, cạnh người đẹp mà chàng yêu, Trương vẫn riêng thấy lẻ loi, trơ vơ với nỗi buồn nản thầm kín của lòng mình” [38, tr. 52]; sự giằng co giữa lòng ích kỷ chiếm hữu Thu và lòng vị tha hy sinh cho tình yêu và tâm trạng của Trương khi nhận ra sự bế tắc của cuộc đời. Song song với tâm lí của Trương trong tác phẩm, tâm lí của Thu bắt đầu là sự ngập ngừng khi mới gặp Trương, đến tâm trạng bàng hoàng khi nhận thấy những biểu hiện rõ rệt trong tình yêu của Trương; tâm trạng sung sướng pha lẫn sự thương hại của Thu khi thấy Trương hi sinh tình yêu vì mình: “Nàng thương hại Trương và bàng hoàng lo sợ. Ngàng bứt rứt như người vừa phạm tội nặng nề, để cho Trương yêu mình khổ sở đến như thế. Thu cho rằng mình có lỗi đối với Trương, nhưng trong thâm tâm nàng một nỗi vui sướng mà nàng không ngờ đến dần dần nở ra làm nàng nóng bừng hai má và hoa mắt” [38, tr. 47]; tâm trạng phức tạp của Thu khi biết Trương phạm tội: “Thu đau đớn nhìn Hợp. Nàng thấy tức tối lên nghẹ ở cổ, nhưng không rõ là tức Hợp hay tức Trương… Thu bắt đầu thấy hối hận… Thu mở to mắt vì một nỗi sợ vừa hiện đến”. Tất cả những diễn biến tâm lí đó đều được thể hiện rõ nét trong tác phẩm. Với kết cấu cốt truyện theo tâm lí nhân vật, những cụm từ chỉ thời gian “nhớ lại”, “nghĩ lại”, “liên tưởng”… được lặp đi lặp lại đã tạo nên sự nối tiếp của những hồi ức, liên tưởng của nhân vật. Thời gian trần thuật trong tác phẩm không diễn biến theo trật tự tuyến tính, mà thời gian quá khứ, hiện tại và tương lai đan xen, đảo lộn với nhau. Một đêm, Trương tỉnh dậy và chàng đột ngột nghĩ đến những kỉ niệm êm đẹp thời thơ ấu: “Ngoài đường cái có tiếng xe lăn lạch cạch của một chiếc xe bò đi qua, Trương đoán là một chiếc xe rau ở ngoại ô lên chợ sớm. Lòng chàng lắng xuống và từ thời quá vãng xa xăm nổi lên một hình ảnh yêu quý của tuổi thơ trong sáng: khu chính nhà văn cũng dần dần, lần mò tự vườn rau của mẹ chàng với những luống rau diếp

xanh thẳm, những luống thìa là nhỏ như sương mù và hôm nào trời nắng, những mầm đậu hòa tan tươi non nhú lên qua lần rơm ủ dột. Rồi đến khi luống đậu nở hoa trắng có những con bướm rất xinh ở đâu bay về” [38, tr. 114]. Không chỉ hồi tưởng về quá khứ, dòng tâm lí của nhân vật còn vận động, chảy trôi tới tương lai. Cuộc gặp gỡ giữa Trương với Mùi đã làm sống dậy cảm xúc nhớ tiếc dạt dào về cuộc đời trong sạch ngày xưa: một cậu học sinh và một cô hàng xén, để rồi sau đó lại “khóc thổn thức” cho cuộc đời hiện tại của mình, khóc cho cả tương lai mờ mịt phía trước: “Trương gỡ đầu Mùi ra, nhìn Mùi giàn giụa nước mắt và chàng như thấy in trên nét mặt mếu máo và gầy gò của Mùi tất cả cái đau khổ đời chàng” [38, tr. 153]. Kết thúc tác phẩm, Nhất Linh đã để nhân vật tìm đến một niềm vui, một sự gắn bó khác thích hợp hơn, đó là để Trương về quê, nơi luôn có người con gái tên Nhan chờ đợi mình. Kiểu kết cấu tâm lí này đã phá vỡ kết cấu truyền thống và đưa Bướm trắng

trở thành tiểu thuyết hiện đại. Bướm trắng là một thành tựu mới trong sự nghiệp văn chương của Nhất Linh, trong đó nhân vật mang chủ đề tư tưởng của tác phẩm là Trương và mọi tình tiết của tác phẩm đều được sắp đặt nhằm làm nổi bật nhân vật Trương trong tình trạng bế tắc đến tuyệt vọng, giúp cho Trương phát ngôn chủ đề tư tưởng một cách có ý thức. Đánh giá về Bướm trắng, Phạm Thế Ngũ trong Việt Nam văn học sử giản ước tân biên nhận định: “Nhất Linh đã đưa ngòi bút phân tích tâm lý vào địa hạt nhân bản muôn thuở với trường hợp bi đát con người bị giằng co giữa tình yêu và cái chết, con người muốn phá hoại nhân phẩm, tự thân trụy lạc, mà vẫn không thể nào không hướng về những nẻo thiện mỹ, con người tủi thân giận phận muốn tìm xuống đáy địa ngục mà nằm cho xong, nhưng hồn mộng vẫn chập chờn đôi cánh bướm trắng, hình ảnh một hạnh phúc thiên đường đã trót để lỡ”.

Đến đầu thế kỷ XX, cốt truyện chú trọng vào tâm lí nhân vật trong tiểu thuyết luận đề của Tự lực văn đoàn đã đánh dấu bước chuyển về thi pháp thể loại từ thời trung đại sang hiện đại, tạo nên những thay đổi và cách tân cho văn xuôi tự sự nói chung và thể loại tiểu thuyết nói riêng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thể loại tiểu thuyết luận đề của tự lực văn đoàn (qua nửa chừng xuân, đoạn tuyệt, bướm trắng) (Trang 47 - 53)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(132 trang)