Miêu tả nhân vật qua biểu hiện nội tâm

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thể loại tiểu thuyết luận đề của tự lực văn đoàn (qua nửa chừng xuân, đoạn tuyệt, bướm trắng) (Trang 69 - 75)

5. Cấu trúc luận văn

2.3.3.2. Miêu tả nhân vật qua biểu hiện nội tâm

Miêu tả thế giới nội tâm của nhân vật là thành công lớn, là bước tiến vượt bậc của thi pháp tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn, góp phần vào quá trình hiện đại hóa tiểu thuyết. So với những tiểu thuyết hiện đại Việt Nam đầu thế kỷ XX như Tố Tâm

của Hoàng Ngọc Phách, thế giới nội tâm nhân vật trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn

đã có nhiều đổi mới: “So với những tiểu thuyết trước năm 1930, tiểu thuyết Tự lực văn đoàn đã đi sâu hơn nhiều vào thế giới nội tâm phong phú của con người. Các

nhà tiểu thuyết đã có ý thức vận dụng khoa tâm lý học để phân tích tâm lý của các lớp người ở những lứa tuổi khác nhau. Các nhà văn đặc biệt thành công khi miêu tả tâm lý của các bà mẹ chồng phong kiến, nhất là của lớp thanh niên tiểu tư sản đang tuổi yêu đương, mơ mộng” [16, tr. 285]. Miêu tả nhân vật qua biểu hiện nội tâm là miêu tả những tâm trạng, suy nghĩ, những phản ứng, vận động, biến đổi tâm lí của nhân vật trước những cảnh ngộ, tình huống mà các nhân vật gặp phải trong cuộc đời. Những nhân vật trong tiểu thuyết luận đề của Tự lực văn đoàn được miêu tả với nội tâm phong phú, những diễn biến tâm lí được khắc họa rõ nét trong từng hoàn cảnh cụ thể. Những nhân vật như Mai trong Nửa chừng xuân, Loan trong Đoạn tuyệt, Trương trong Bướm trắng là những nhân vật được miêu tả với biểu hiện nội tâm gắn với từng hoàn cảnh cụ thể và tâm lí nhân vật đều hướng tới mục đích chứng minh cho luận đề xã hội mà các tác giả đặt ra trong tác phẩm.

Trong Nửa chừng xuân, nhân vật Mai được miêu tả với một nội tâm phong phú,ở đầu tác phẩm Mai hiện lên là một nhân vật trẻ trung, hồn nhiên, thơ ngây, trong sáng, nhân hậu: “Mai ngước mắt nhìn lên, búp xuân non mơn man đầu cành. Cái cảm tưởng về xuân dịu dàng êm ái, khiến Mai hé cặp môi tươi thắm, mỉm cười với xuân, trong lòng chứa chan hy vọng” [29, tr. 17]. Khi nhìn con thuyền trôi, “Mai thở dài lo sợ, vẩn vơ cho số phận chiếc thuyền con lại chạnh nghĩ vớ vẩn đến thân phận mình” [29, tr. 28]. Tiếp đó là tâm trạng vui sướng của Mai khi nghe được những lời yêu thương từ người mình yêu: “Dịp ấy chính là buổi chiều hôm Mai được nghe lời trần tình thành thực của Lộc, Mai mỉm cười người thế tục chắc cho cái cười ấy là nụ cười sung sướng” [29, tr. 71]. Tiếp đến tâm trạng lo sợ, phẫn uất, khổ sở khi lần đầu đối mặt với những lời cay nghiệt và sự chia rẽ tình duyên của bà Án, “Lòng phẫn uất của nàng đã lên đến cực điểm. Linh hồn lãng mạn của nàng đã bắt đầu bồng bột”; “Mai không nói, chỉ ứa hai hàng nước mắt” [29, tr. 114 - 118]. Lần thứ hai gặp bà Án sau sáu năm, thay bằng tâm trạng lo sợ, khổ sở, tâm trạng của Mai lúc nàyđược thể hiện qua thái độ tức giận và lãnh đạm khi bà Án muốn đưa bé Ái và Mai về: “Mai hai má đỏ bừng, đầu nóng như sốt ngồi im không đáp”; “Mai giận đến cực điểm, không nhịn được nữa”; “Mai mắt đỏ ngầu”, “Mai cười mũi”;

“Mai cười gằn”; “Mai cười nhạt”; “Lòng căm tức, Mai cố nén chỉ chực bùng lên” [29, tr. 212 - 217]. Rồi diễn biến tâm lý phức tạp, tinh tế trong lòng Mai thể hiện qua những cử chỉ, giọng nói, nụ cười khi Mai nhận được thư của Lộc sau năm tháng lỡ dở tình duyên: “Tay Mai cầm bức thư run lấy bẩy. Mặt Mai dần đỏ, rồi tái đi. Rồi cái giọng khàn khàn, ướt những nước mắt... Mai gượng cười cúi xuống bế con lên hôn rất nồng nàn. Nàng có ngờ đâu rằng tình xưa còn ấm trong tình mẫu tử và cái hôn kia chi là hôn tiếc rẻ một quãng đời đã mất” [29, tr. 174]. Hay “Mai bỗng hoảng hốt, trong lòng hoảng hốt những tính tình tương phản: vừa giận, vừa lo, vừa ghét, vừa mừng” [29, tr. 220] khi thấy người lính trạm đưa cho Huy một bức thư mà Mai ngỡ là của Lộc. Khi gặp lại Lộc, Mai cũng sống trong bao nhiêu xúc động mãnh liệt: “nàng thấy hồi hộp, bẽn lẽn, run sợ, nửa vì xúc cảm quá mạnh, làm tiêu toán lòng quyết đoán, khiến tim nàng như sơ sát không hồn” [29, tr. 228]. Có thể nhận thấy thế giới nội tâm của Mai trong tác phẩm được miêu tả phong phú, tinh tế trong từng hoàn cảnh. Trong cách miêu tả thế giới nội tâm nhân vật, Khái Hưng “chú ý đến những ý nghĩ, cử chỉ, và sự biến đổi bên trong của nhân vật hơn là hình thức bề ngoài. Ông phân biệt rõ được các động cơ khác nhau, có khi mâu thuẫn nhau của một hành động, và làm cho ta thấy rõ được sự mâu thuẫn đó. Ông là một nhà văn quan sát kỹ và có một hiểu biết sâu sắc về tâm lý con người” [43, tr. 43].

Trong Đoạn tuyệt, thế giới nội tâm của nhân vật Loan cũng được miêu tả phong phú, đó là nội tâm của một con người bị ám ảnh bởi cuộc sống ngột ngạt, tù túng và khao khát một cuộc đời tự do. Đó là tâm trạng buồn khi phải chia ly với Dũng, trong không gian của một chiếc lò sưởi rực cháy trong ngày mưa phùn lạnh lẽo với sự có mặt của Dũng, lúc đó Loan thấy cuộc hôn nhân trước mắt của mình không có điều gì hứa hẹn tốt đẹp, mà Loan chỉ thấy “cái buồn xa vắng mênh mông của cuộc phân ly”. Và cuộc đời tù túng của Loan bắt đầu từ tâm trạng “buồn rầu cúi mặt, nghĩ đến việc nhân duyên của mình”, trong mạch suy nghĩ của Loan phản ánh sự đổi thay của người phụ nữ, hoặc trong cảnh đời cũ yên phận, hoặc tìm đến cuộc sống khoáng đạt khác khỏi khuôn khổ quen thuộc. “Loan thoáng nghĩ đến hai cảnh đời trái ngược nhau, một cảnh đời yên tĩnh ngày nọ trôi theo ngày kia như dòng

sông êm đềm chảy nhẫn nại sống trong sự phục tùng cổ lệ như mọi người con gái khác và một cảnh đời rộn rịp, khoáng đạt, siêu thoát ra hẳn lề lối thường” [37, tr. 6]. Để chống lại sự bủa vây của hoàn cảnh, Loan không ngừng mơ ước về một cuộc đời phóng khoáng, “Loan ao ước được ở một chiếc thuyền kia tháng ngày lênh đênh trên mặt nước mặc cho nó đưa đến đâu thì đến xa hẳn cái xã hội khắt khe nàng đương sống [37, tr. 29]. Sống trong gia đình nhà chồng với những khổ cực, ý thức phản kháng chống lại sự ràng buộc của hôn nhân không tình yêu trong Loan lớn đến mức niềm hạnh phúc làm mẹ cũng không đủ sức an ủi Loan, trái lại, nàng càng đau khổ khi nghĩ rằng “đứa con ấy sẽ là cái dây buộc chặt nàng vào cái đời đầy đọa này”; “Loan chắc từ nay không còn gì cho nàng thoát ra được, không chỉ một mình nàng, đến ngay đứa con đẻ mà nàng cũng thấy nó xa nàng lắm” [37, tr. 84]. Tiếp đến là tâm trạng muốn thoát khỏi cảnh đời đày đọa, dày vò được thể hiện trong một lần tình cờ gặp Dũng trong rừng, ngồi xe do Dũng điều khiển, Loan “thầm mong cho chiếc xe kia đâm vào thân cây hay hốc đá và tan tành ra như cám, để nàng được hưởng một cái chết mạnh mẽ bên cạnh người nàng yêu mà lúc này nàng càng thấy yêu, để khỏi trở về với cái cảnh đời khốn nạn, nhỏ nhen nó giầy vò nàng bấy nhiêu” [37, tr. 93]. Những biểu hiện sâu kín trong nội tâm của Loan đều thể hiện khát vọng được sống cuộc đời của Dũng, cuộc đời tự do, phóng khoáng, không trói buộc, Loan “cảm thấy rõ hết tất cả cái mãnh liệt của đời Dũng, một cuộc đời đắm đuối trong sự mê man hành động”. Khi sống với Thân, trong cuộc sống vật chất đủ đầy Loan vẫn luôn cảm thấy đau khổ vì cuộc sống của cô hoàn toàn đối lập với cuộc sống của Dũng. Ngược lại, sau khi được xử trắng án, ra tù, phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong mưu sinh nhưng Loan vẫn rất hạnh phúc vì đấy chính là lúc cô được sống cuộc đời của Dũng: “Loan thấy trong lòng sung sướng vì nàng nhận ra rằng nàng không lầm, sự ao ước bấy lâu sống một cuộc đời khoáng đạt là sự ao ước đích đáng do sự nhu cầu thiết thực của tâm hồn mà ra. Có sống thế này, nàng mới cảm thấy rõ cái buồn tẻ trống không, một cuộc đời sống dựa vào người khác, sống dựa vào gia đình, quanh quẩn trong vòng lễ nghi phiền phức. Có sống thế này, nàng mới được nếm cái vui thú của sự làm việc, của sự phấn đấu, nàng mới nhận

thấy cái giá trị của một cuộc đời rộng rãi tự lập” [37, tr. 166]. Và Loan trải qua những trạng thái lo âu hồi hộp, sung sướng khi sắp đến được với tình yêu và cuộc đời tự do của mình: “Nàng hồi hộp lo sợ, nhưng trong cái sợ có lẫn cái cái vui sắp được sống một cuộc đời tự lập, không liên lụy đến ai và không ai quấy rấy mình được” [37, tr.153]; “Hiện giờ có một người sung sướng. Người đó đương đi ngoài mưa gió, quên cả mưa ướt và gió lạnh” [37, tr. 180].

Trong Bướm trắng, nghệ thuật miêu tả nhân vật qua nội tâm được Nhất Linh thể hiện xuất sắc, ở đó tâm trạng của một con người cô đơn, mất phương hướng, sa ngã, chán chường được hiện lên rõ nét qua nhân vật Trương. Với Bướm trắng thì hoàn cảnh xã hội của thời kỳ này đã hoàn toàn thay đổi nên nhân vật Trương trong tác phẩm không phải là hình ảnh những thanh niên hăng say lý tưởng thời kỳ đầu những năm ba mươi hay những nhân vật mang nặng tư tưởng cải lương, muốn cải tạo cuộc sống của những người dân nghèo khổ trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ, mà Trương là kiểu nhân vật đại diện cho “những nhân vật mất phương hướng, vật vờ trong cuộc sống” [23, tr. 241] trước những thay đổi của hoàn cảnh xã hội: “Anh ở Pháp về chưa biết chứ thanh niên Việt Nam, một thanh niên không có lí tưởng, chưa sống đã già cỗi như sắp chết, biết mình sắp chết nên không còn chống lại làm gì nữa, buông xuôi tay để mặc cho trôi đến đâu thì đến. Không cưỡng lại nữa là ắt cái trụy lạc sẽ tiến mau lắm” [38, tr. 165]. Trong tác phẩm, thế giới nội tâm của Trương được Nhất Linh miêu tả với những mâu thuẫn, dằn vặt. Trương dằn vặt giữa sống và chết, yêu và không yêu, cao thượng và ti tiện, trong sạch và sa ngã. Trương mâu thuẫn và đối lập trong chính con người Trương, điều này được thể hiện ngay ở phần mở đầu tác phẩm: Trương “vô cớ thấy lòng vui một cách đột ngột khác thường” [38, tr. 3]; nhìn thấy cảnh tượng nghèo khổ trong một ngày mùa đông lại thấy “thú vị riêng”; nhìn “một cơn gió thổi bay mấy chiếc lá khô và một ít bụi trắng khiến Trương cảm thấy nỗi buồn hiu quạnh của cuộc đời cô độc sống mấy năm nay”; thốt nhớ đến Liên, người yêu của mình đã chết vì bệnh lao ba năm trước; nghĩ đến tâm trạng mình khi bị mắc bệnh lao; hi vọng khỏi, lại náo nức muốn sống, yêu đời và vui vẻ; một ý nghĩ khác lại “vụt đến”: “Thế ngộ nhỡ mình không khỏi bệnh?” [38,

tr. 4]. Tiếp đến là con người đầy mâu thuẫn của Trương được thể hiện qua những biến cố và sự kiện trong tác phẩm. Đứng trước căn bệnh của mình, Trương vừa chán sống, vừa ham sống, Trương luôn luôn nghĩ đến cái chết “cái chết thì đã chắc chắn”, “gần đến ngày chết”, “chết mà không biết”, “thế nào cũng phải chết”, “chết tức khắc”, “đợi cái chết đến”, “nhìn thấy cái chết hiện rõ ràng ra trước mắt”, “tâm hồn chàng còn chán sống hơn cả thân thể chàng”. Nhưng trong tâm trạng chán sống đó, Trương lại thể hiện là một con người ham sống đến tột độ: “lúc nào chàng cũng hi vọng sẽ khỏi bệnh, chàng lại náo nức muốn sống yêu đời và vui vẻ” [38, tr. 4]. Trương quyết định lao vào sống liều lĩnh, “sống cực điểm”, “sống theo ý mình”, “sống cho chán chường”; Trương sống trong trụy lạc nhưng vẫn ý thức sự nhớp nháp, dơ bẩn của cuộc sống ấy: “Trương chợt nhận thấy mình là một người hấp hối cần suy nghĩ bao quát cả đời sống của mình trước khi nhắm mắt”, “chàng mở to hai mắt, khắp người rờn rợn sợ hãi vì lần đầu nhận rõ thấy căn bản của tâm hồn mình, một căn bản vô luân khốn nạn, bấy lâu còn ẩn núp che đậy, giờ mới lộ rõ ra” [38, tr. 112]; Trương ngập trong đời sống tình dục với gái điếm nhưng vẫn khao khát tình yêu trong sáng, đẹp đẽ với người con gái mình yêu: “Lòng tự ái của chàng, vẫn cho là Thu còn yêu chàng, và tình yêu của một người như Thu, chàng thấy quí giá hơn là tình yêu dễ dãi và bình thường của Nhan” [38, tr. 215]; Trương phải bán nhà đất vì thiếu tiền nhưng vẫn cho mẹ con Nhan mảnh vườn sinh sống; Trương thụt két phải đi tù nhưng đã có nghĩa cử đẹp là giúp tiền cho cô Mùi trở lại cuộc sống lương thiện: “Tuy đã bị tội vì thụt két, Trương vẫn còn thấy mình là một người lương thiện, nhưng một ngày kia không còn cách gì đề sống, chàng biết là khó lòng giữ được lương thiện mãi” [38, tr. 160]. Trong cuộc sống của mình, Trương là người cô đơn, nỗi cô đơn của một người không tìm thấy hạnh phúc, nhưng nỗi cô đơn đó lại do chính Trương tạo nên từ sự ích kỷ, thiếu chan hòa với mọi người, và Trương cũng nhận thức ra điều đó: “suốt đời bao giờ chàng cũng cô độc, lúc này chàng mới biết rằng chàng không hề có một người bạn thân nào có thể an ủi được chàng. Mà như vậy lỗi cả ở chàng. Không ai yêu chàng lâu vì chính chàng, chàng cũng không yêu ai được lâu bền” [38, tr. 188]. Có thể nhận thấy Trương là nhân vật có nhiều

mâu thuẫn trong tâm trạng, khi tỏ ra cao thương, khi thấp hèn, vừa độ lượng, ừa ích kỷ, luôn luôn hy vọng và cũng dễ chán chường thất vọng, ham sống và nhiều lúc lại muốn tìm đến cái chế, thích sống gấp và cũng chán nản lối sống gấp. Dòng ý thức của Trương không trôi chảy mà luôn ở trong trạng thái giày vò, mâu thuẫn giữa cái tốt và xấu, hy vọng và tuyệt vọng. Từ việc miêu tả nội tâm nhân vật trong tác phẩm, có thể nhận thấy “sự lắng sâu và hướng vào bên trong của những trang viết với khả năng phân tích tâm lý uyển chuyển, sắc sảo đã góp phần quan trọng vào nghệ thuật tiểu thuyết của Nhất Linh” [23, tr. 245]

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thể loại tiểu thuyết luận đề của tự lực văn đoàn (qua nửa chừng xuân, đoạn tuyệt, bướm trắng) (Trang 69 - 75)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(132 trang)