Ngôn ngữ trong tiểu thuyết luận đề của Tự lực văn đoàn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thể loại tiểu thuyết luận đề của tự lực văn đoàn (qua nửa chừng xuân, đoạn tuyệt, bướm trắng) (Trang 98)

5. Cấu trúc luận văn

3.2. Ngôn ngữ trong tiểu thuyết luận đề của Tự lực văn đoàn

3.2.1. Giới thuyết về ngôn ngữ tiểu thuyết

Ngôn ngữ là chất liệu, là phương tiện biểu hiện mang tính đặc trưng của văn học, trong tác phẩm tự sự, cùng với sự tồn tại của ngôn ngữ nhân vật, còn có cả ngôn ngữ của người kể chuyện và nó chiếm một vị trí hết sức quan trọng trong tác phẩm. “Nó đóng vai trò tổ chức và chỉ đạo đối với ngôn ngữ toàn tác phẩm, nó là phương tiện để bộc lộ chủ đề và tư tưởng tác phẩm, để khắc họa đặc điểm, bản chất của các tính cách, để dẫn dắt quá trình phát triển của cốt truyện, để thực hiện nhiệm

vụ kết cấu tác phẩm; đồng thời nó tác động đến thái độ của người đọc đối với đối tượng đang được miêu tả trong tác phẩm” [24, tr. 189].

Tiểu thuyết thuộc loại hình tự sự nên nghệ thuật trần thuật là một trong những yếu tố quan trọng trong phương thức biểu hiện. Theo Từ điển thuật ngữ văn học, trần thuật là phương diện cơ bản của phương thức tự sự, là việc giới thiệu khái quát, thuyết minh, miêu tả đối với nhân vật, sự kiện, hoàn cảnh, sự vật theo cách nhìn của người trần thuật. Trần thuật không chỉ là lời kể mà còn bao hàm cả việc miêu tả đối tượng, phân tích hoàn cảnh, thuật lại tiểu sử nhân vật, lời bình luận, lời ghi chú của tác giả… Ngôn ngữ trần thuật do vậy là nơi bộc lộ ý thức sử dụng ngôn ngữ có chủ ý của nhà văn, bộc lộ cách lý giải cuộc sống từ cách nhìn riêng và cá tính sáng tạo của tác giả. Ngôn ngữ người kể chuyện không đơn giản chỉ chiếm một lưu lượng ngôn từ lớn của văn bản mà điều quan trọng hơn, nó chính là mạch chủ đạo tạo nên sắc thái và đặc điểm riêng cho văn phong từng tác giả. “Gọi là người kể chuyện nhưng nó không chỉ có giọng kể mà là sự kết hợp của miêu tả, biểu hiện, tường thuật, bình luận, thuyết minh. Nó hợp thành một liên khúc phức điệu và đa âm cho ngôn ngữ trần thuật” [24, tr. 256]. Trong tác phẩm tự sự, trần thuật là thành phần lời của tác giả, của người kể chuyện (toàn bộ văn bản tác phẩm, ngoại trừ các lời nói trực tiếp của nhân vật), bao gồm việc kể và miêu tả các hành động và các biến cố trong thời gian; mô tả chân dung, hoàn cảnh hành động, tả ngoại cảnh, tả nội thất; bàn luận; lời nói bán trực tiếp của nhân vật. Nghĩa là những phát ngôn của người kể chuyện chủ yếu tồn tại dưới dạng lời kể, lời tả, lời bình luận hay lời gián tiếp tự do (còn gọi là lời nửa trực tiếp hay lời nói bán trực tiếp). Lời kể: Trong tiểu thuyết, lời kể chiếm một tỉ lệ lớn và có vai trò quan trọng, giúp người kể chuyện tổ chức nên một cấu trúc tự sự. Về cơ bản, nội dung chuyện được hoàn chỉnh dần theo mạch trần thuật của những người tham gia kể. Thông thường, kiểu phát ngôn này tồn tại dưới hai hình thức: lời trung tính của người kể chuyện giấu mặt và lời chủ quan của người kể chuyện ngôi thứ nhất. Lời tả: Khác với lời kể, lời tả xuất hiện ít hay nhiều phụ thuộc vào ý đồ nghệ thuật của nhà văn. Lời tả hỗ trợ việc kể, góp phần nâng cao hiệu quả trần thuật, góp phần làm cho câu chuyện kể thêm sinh động, hấp dẫn.

Bên cạnh ngôn ngữ trần thuật, ngôn ngữ nhân vật là một tồn tại tất yếu mang tính đặc thù của văn bản tự sự nói chung và tiểu thuyết nói riêng. Tính song thanh hay đa thanh mà văn bản tiểu thuyết có được, một phần lớn dựa trên bộ phận ngôn ngữ này. Ngôn ngữ nhân vật là loại ngôn ngữ mang đặc điểm cá thể hóa rõ rệt, là công cụ đắc lực giúp nhà văn khắc họa tính cách nổi bật riêng của từng nhân vật. Theo quan niệm thông thường, xét trên văn bản, ngôn ngữ nhân vật gồm ngôn ngữ đối thoại và ngôn ngữ độc thoại. Ngôn ngữ đối thoại là những lời nói giữa hai hay nhiều người biểu thị sự giao tiếp qua lại (thường là giữa hai phía) trong đó sự chủ động và sự thụ động được chuyển đổi luân phiên từ phía này sang phía kia (giữa những phía tham gia giao tiếp); mỗi phát ngôn đều được kích thích bởi phát ngôn có trước và là sự phản xạ lại phát ngôn ấy. Nó không chỉ được biểu hiện qua những phát ngôn của các nhân vật mà còn “kèm theo các động tác cử chỉ, biểu cảm và tạo nên bởi phát ngôn của nhiều người” [40, tr.186]. Trong văn bản văn học, diễn ngôn đối thoại thường tồn tại dưới hình thức phát ngôn trực tiếp của các nhân vật. Ở dạng này, diễn ngôn đối thoại có các dấu hiệu hình thức rõ ràng, dễ nhận biết như, sau lời dẫn của người kể chuyện là dấu chấm hoặc dấu hai chấm, xuống dòng, gạch đầu dòng, lời của nhân vật và sự luân phiên của các lượt lời. Việc chuyển tiếp từ lượt lời này sang lượt lời tiếp theo của các nhân vật diễn ra liên tục cho đến khi kết thúc một cuộc thoại. Ngôn ngữ độc thoại trong văn bản văn học là những phát ngôn của nhân vật nói với bản thân mình, trực tiếp phản ánh quá trình tâm lí bên trong, kiểu độc thoại thầm mô phỏng hoạt động suy nghĩ - xúc cảm của con người trong dòng chảy trực tiếp của nó”; “không đòi hỏi sự đáp lại, độc lập với phản ứng của người tiếp nhận và được thể hiện thoải mái cả trong hình thức nói lẫn viết” [40, tr.186]. Diễn ngôn độc thoại của nhân vật thường được thể hiện dưới dạng cơ bản là lời độc thoại nội tâm.Thế giới nhân vật của tiểu thuyết vốn vô cùng phức tạp, đa dạng, nhiều màu sắc. Ngôn ngữ nhân vật tiểu thuyết vì thế cũng rất nhiều bè, nhiều kiểu, nhiều âm sắc. Ngôn ngữ trần thuật của nhân vật có nhiều chức năng khác nhau như: chức năng phản ánh hiện thực, chức năng tự bộc lộ của nhân vật, chức năng là đối tượng miêu tả của tác giả hoặc chức năng thể hiện nội tâm. Tổng hợp những chức năng đó,

thông qua trần thuật, nhân vật kể lại cuộc đời của mình, bộc lộ tâm tư, suy nghĩ, chiêm nghiệm về cuộc đời, lẽ sống, giúp người đọc lĩnh hội được tư tưởng, quan niệm của nhà văn.

Cùng với trần thuật của tác giả, trần thuật của nhân vật góp phần hoàn thiện bức tranh đời sống trong tác phẩm. Mỗi nhân vật đều có ngôn ngữ trần thuật của mình, làm phân hoá ngôn ngữ tiểu thuyết, đưa vào tiểu thuyết nhiều tiếng nói khác nhau, đa thanh, đa giọng điệu.

3.2.2. Đặc trưng ngôn ngữ trong tiểu thuyết luận đề của Tự lực văn đoàn

3.2.2.1. Ngôn ngữ trần thuật mang đặc trưng của tầng lớp trí thức tiểu tư sản thành thị

Có thể nhận thấy đặc trưng ngôn ngữ của người kể chuyện trong tiểu thuyết luận đề của Tự lực văn đoàn là ngôn ngữ của tầng lớp trí thức tiểu tư sản thành thị, đặc trưng này được thể hiện qua diễn ngôn: lời kể, lời tả, lời bình của người trần thuật.

3.2.2.1.1. Lời kể

Lời kể của ngôn ngữ trần thuật trong tiểu thuyết luận đề của Tự lực văn đoàn

mang đậm cốt cách trí thức: trang nhã, thanh tao, ý nhị, lời văn mượt mà, bay bổng, lãng mạn và tinh tế. Đó là lời kể với những câu văn ngắn, có sử dụng kết cấu từ ngữ mới, “một lối văn giản dị, dễ hiểu, ít chữ Nho”. So với văn chương Việt Nam trung đại và những tiểu thuyết ở giai đoạn đầu thế kỷ XX như tiểu thuyết Nguyễn Trọng Thuật, Hồ Biểu Chánh, Hoàng Ngọc Phách, ngôn ngữ trong các tác phẩm của Tự lực văn đoàn đã có những tiến bộ vượt bậc.

Trong ngôn ngữ trần thuật của tiểu thuyết luận đề Tự lực văn đoàn, sự mượt mà, thơ mộng thể hiện ở ngay nhan đề, tên nhân vật, tên địa danh được nhắc đến trong các tác phẩm. Đó là những nhan đề như: Nửa chừng xuân, Đoạn tuyệt, Gánh hàng hoa, Bướm trắng…; những tên nhân vật như: Mai, Lộc, Huy, Minh, Bạch Hải, Loan, Dũng, Thảo, Thu, Trương...; những tên địa danh như: con đường Quán thánh, hồ Tây, đê Yên Phụ, sông Nhị Hà, đền Trấn Võ, đò Bến Cốc, trường Bưởi, chợ Cam, làng Thụy Khê, con đường thiên lí… đó là những tên gọi rất thơ mộng, mềm mại, giàu hình ảnh. Ngôn ngữ trần thuật mang đặc trưng của tầng lớp trí thức tiểu tư

sản thành thị qua lời kể còn thể hiện ở cách gọi của người kể chuyện với các nhân vật trong tác phẩm luận đề của Tự lực văn đoàn, đó là cách gọi gần gũi nhưng có chừng mực, thể hiện cái nhìn âu yếm, chủ quan của các nhà tiểu thuyết lãng mạn và bản chất của những người có học thức. Đối với nhân vật thuộc thế hệ trẻ, các tác giả thường gọi: “chàng”, “nàng”, “cô” hoặc tên riêng như: Mai, Lộc, Huy, Minh, Loan, Dũng, Thảo, Lâm, Trương, Thu, Mỹ, Hợp, Mùi…; những nhân vật có tuổi thì được gọi là “ông”, “bà”, “cụ” đi kèm tên riêng hoặc danh vị như: Bà Án, ông Hàn, cô Hàn, cụ Tú Lãm, bà phán Lợi, bà Hai, bà Huyện, bà Thiêm, bà Bát, bà Nghị… Những tên gọi và cách gọi ở trên đã phần nào thể hiện được cái nhìn lãng mạn, mang tính lý tưởng của Tự lực văn đoàn về những vấn đề đặt ra trong đời sống xã hội, đồng thời thể hiện dấu hiệu của một quan niệm thẩm mỹ mới trong ngôn ngữ văn chương Tự lực văn đoàn.

Cùng với đó, những câu văn nhiều chữ nho, điển tích, điển cố, từ cổ, đăng đối nặng nề, lê thê giai đoạn trước được thay bằng những câu văn khúc triết, đơn giản, dễ hiểu, vừa có khả năng diễn tả cụ thể trạng thái khác nhau của sự vật, vừa đi sâu được vào biến thái tinh vi của tâm hồn con người, gây được ấn tượng mạnh mẽ, hấp dẫn, lôi cuốn người đọc. Khoảnh khắc Mai đứng đợi Huy trước cổng trường Bảo hộ trong Nửa chừng xuân được người trần thuật kể lại bằng những câu văn rất mượt mà, lãng mạn: “Đứng vơ vẩn bên hàng giậu găng, một cô thiếu nữ vào chạc mười bảy mười tám, chít khăn ngang, vận áo trắng sổ gấu, chân đi guốc, ngơ ngác nhìn sân trường, như muốn vào nhưng còn dùng dằng lo sợ” [29, tr. 4]. Hay một đoạn kể khác trong Đoạn tuyệt: “Bỗng Loan chú ý lắng tai. Ở xa xa tiếng sáo ai thổi đưa lại, Loan nghe như lời than vãn của một xuân nữ đa tình ngồi trong vườn đầy hoa thơm, nhớ tới tình nhân xa vắng. Rồi mơ mộng, Loan tưởng tượng người tình nhân đó giống Dũng… và thẫn thờ để tiếng sáo du dương đưa tâm hồn nàng phiêu lưu đến những cảnh mộng xa xăm” [37, tr. 54]. Trong những phân đoạn diễn ngôn trên, ngôn từ được sử dụng là những từ ngữ đẹp, ý nhị, thanh tao, ngoài phát ngôn là lời kể đơn thuần, thì phát ngôn đó còn được xây dựng ở dạng lời kể chứa yếu tố tả. Sử dụng tả như là một phương tiện để kể. Không lời nội tâm nhưng những diễn biến

cảm xúc của nhân vật được thể hiện chân thực, sống động. Có thể nhận thấy, lời kể của người trần thuật của các tác giả Tự lực văn đoàn có sự liên kết, hòa trộn giữa lời kể khách quan bên ngoài và lời kể như lời độc thoại của nhân vật. Lời miêu tả suy nghĩ nội tâm nhân vật thông qua lời người kể chuyện. Việc kết hợp các lời tạo hiệu quả cao cho lời văn nghệ thuật, giúp người đọc hình dung những diễn biến tâm trạng của các nhân vật cũng như quá trình phát triển trong mạch trần thuật của tác phẩm.

3.2.2.1.2. Lời tả

Lời tả của người trần thuật trong tiểu thuyết luận đề của Tự lực văn đoàn có mật độ tương đối dày. Đó là những diễn ngôn tả cảnh, tả ngoại hình, tả hành động, trạng thái, cảm xúc của nhân vật. Những diễn ngôn tả này có vai trò tạo cảnh sắc, không gian, thời gian cho nhân vật, sự việc trong tác phẩm, đồng thời thể hiện những suy ngẫm, triết luận của người kể chuyện. Đặc trưng ngôn ngữ của tầng lớp trí thức tiểu tư sản thành thị cũng được thể hiện qua lời tả của người trần thuật trong tiểu thuyết luận đề của Tự lực văn đoàn.

Lối văn tả cảnh của Tự lực văn đoàn rất trôi chảy, giàu hình ảnh, màu sắc, nhịp điệu, đó là những trang tả cảnh rất đẹp, làm nổi bật lên phong vị trữ tình đậm nét. Trong Nửa chừng xuân, Khái Hưng đã dùng những ngôn từ mềm mại, những từ ngữ mô tả cảm giác, trạng thái để miêu tả về cảnh vật thiên nhiên. Dưới lăng kính của Mai, không gian và cảnh vật của buổi chiều xuân hiện lên thật đẹp: “Buổi chiều mùa xuân hạt mưa lấm tám, bao phủ hồ Tây bát ngát mênh mông. Con thuyền nan của khách chơi xuân rập rờn trên mặt nước. Cơn gió may thoảng đưa, mấy chiếc lá vàng rơi lác đác. Mai ngước mắt nhìn lên, búp xuân non mơn mởn đầu cành. Cái cảm tưởng về xuân dịu dàng êm ái, khiến Mai hé cặp môi tươi tắn mỉm cười với xuân, trong lòng chứa chan hy vọng” [29, tr. 17]; “Hai bên đường, lá ngô trước gió rung động, lao xao. Cô cũng thấy người cô rung động. Cái rung động, cái cảm giác của sung sướng hồn nhiên của tuổi thanh xuân chứa chan hy vọng như cái khí lực bồng bột chứa trong cây, phát ra các búp non trên cành tơ mơn mởn” [29, tr. 38]. Vẫn là những ngôn từ giàu hình ảnh, màu sắc, trong Đoạn tuyệt, Nhất Linh đã tạo

nên bức tranh thiên nhiên thấm đẫm tâm trạng của nhân vật: “Sau mấy rặng xoan thưa lá, dòng sông Nhị thấp thoáng như một dải lụa đào. Bên kia sông, gió thổi cát ở bãi tung lên trông tựa một đám sương vàng lan ra che mờ mấy cái làng con ở chân trời. Xa nữa là dãy núi Tam Đảo màu lam nhạt, đứng sừng sững to tát nguy nga, ngọn núi lù mù lẫn trong ngàn mây xám” [37, tr. 29]; Phép đảo từ ngữ cũng đã được Nhất Linh sử dụng một cách gợi cảm, tô đậm ấn tượng, cảm giác: “Trên rặng tre xơ xác, da trời tím thẫm thưa thớt điểm vài ngôi sao long lanh”. Đến cảnh vật của bầu trời sau mấy ngày u ám được Nhất Linh miêu tả với đầy đủ âm thanh, màu sắc trong

Bướm trắng: “Trời bỗng nắng to: bức tường trắng và nóc ngói đỏ tươi của một ngôi nhà xây vụt qua của xe rực như một thứ đồ chơi, sơn còn mới, Trương thấy tiếng người tiếng xe cộ qua lại dưới đường phố cũng vừa bừng nổi to hơn như theo ánh nắng mà ồn ào, rộn rịp hẳn lên. Ánh nắng chiếu vào trong xe điện, in vào tấm áo trắng của Thu” [38, tr. 9]. Hay cảnh quê nhà với “dậu ruối nhô ra một cái mái cũ của chàng ngày trước, vẫn cái mái nhà màu nâu sẫm ẩn sau mấy cây xoan ra dáng thanh thoát” [38, tr. 79]. Đặc biệt, các tác giả Tự lực văn đoàn còn có nhiều kết hợp rất riêng để diễn tả những cảm giác khó tả đồng thời tạo ra giọg điệu trẻ trung, êm ái ngọt ngào, giàu chất thơ như: “Sau mấy ngày u ám, trông nắng mới ngon lạ”; “Thế mà em cũng vừa chợp được một giấc ngon lạ”; “Chiều ba mươi tết giời trông buồn lạ”; “Ván này ăn được đồng hào mới ngon lạ”… (Bướm trắng). Có thể nhận thấy, lời tả về thiên nhiên của Tự lực văn đoàn mềm mại, đậm trữ tình, ở một phương diện nhất định, cách sử dụng ngôn ngữ tả trong các tiểu thuyết luận đề của Tự lực văn đoàn đạt đến độ hàm súc trong ngôn ngữ nghệ thuật.

Lời tả về con người trong tiểu thuyết luận đề của Tự lực văn đoàn thường không tỉ mỉ về ngoại hình nhưng phác được những nét đẹp về thể chất của nhân vật. Đặc biệt, ngôn ngữ miêu tả về nội tâm nhân vật được thể hiện sâu sắc, lột tả được chiều sâu tâm lí của nhân vật. Đó là lời tả sâu sắc và cảm động về tâm trạng của Mai trong buổi chiều nhận được lời yêu thương của Lộc: “Rồi một buổi chiều, buổi chiều ấy Mai còn bao giờ quên được! Đứng bên làn nước biếc in trời. Lộc ngỏ lời xin lấy Mai làm vợ. Biết bao âu yếm trong đôi cặp mắt nhìn nhau… Mai nhỏ lụy rồi

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thể loại tiểu thuyết luận đề của tự lực văn đoàn (qua nửa chừng xuân, đoạn tuyệt, bướm trắng) (Trang 98)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(132 trang)