Giọng điệu triết lý, suy ngẫm

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thể loại tiểu thuyết luận đề của tự lực văn đoàn (qua nửa chừng xuân, đoạn tuyệt, bướm trắng) (Trang 121 - 132)

5. Cấu trúc luận văn

3.3. Giọng điệu trần thuật trong tiểu thuyết luận đề của Tự lực văn đoàn

3.3.2.3. Giọng điệu triết lý, suy ngẫm

Giọng điệu triết lý, suy ngẫm thể hiện những suy nghĩ, tâm sự, lập luận của nhân vật và cũng là của chính nhà văn. Xuất phát từ việc ý thức sâu sắc trước các vấn đề của đời sống xã hội, với một khát vọng mạnh mẽ vì sự đổi thay và tiến bộ của xã hội, các tác giả Tự lực văn đoàn đã thể hiện giọng điệu triết lí, suy ngẫm trong tác phẩm của mình thông qua lời của người trần thuật và nhân vật. Từ những câu chuyện xung đột trong gia đình và xã hội, các tác giả chiêm nghiệm, luận bàn để chủ đề được mở rộng và nâng vấn đề lên tầm khái quát. Nửa chừng xuân, Đoạn tuyệt, Bướm trắng là các tác phẩm luận đề thể hiện rõ giọng điệu triết lí, suy ngẫm của các tác giả Tự lực văn đoàn. Người đọc có thể nhận ra giọng điệu này từ diễn ngôn của người trần thuật và của các nhân vật trong tác phẩm.

Với Nửa chừng xuân, người trần thuật thể hiện giọng điệu triết lí, suy ngẫm thông qua những lời bình luận, lời nhận xét về các vấn đề xã hội, con người được đề cập đến trong tác phẩm. Cách thể hiện này giúp cho người trần thuật bộc lộ trực tiếp thái độ, tình cảm của mình và làm sâu sắc hơn luận đề trong tác phẩm. Đó có thể là triết lí về cuộc đời, về con người, kiểu người được đúc rút lại trong những lời bình, lời kể ngắn gọn: “Xưa nay vẫn vậy, cái buồn, cái vui, sự khổ, sự sướng thường kế tiếp theo nhau, đuổi nhau, như những đầu gỗ trong chiếc guồng đạp” [29, tr. 83]; “Những người có tính vui vẻ, yêu đời thường dễ khóc. Sự buồn rầu đau đớn chảy

theo nước mắt mà cạn giòng”; “Song tính vui cười hồn nhiên vẫn là tính căn bản của hạng người làm việc bằng chân tay. Những phiền muộn chốc lát, họ quên ngay. Rồi người này nói đùa một lời, người kia pha trò một câu, họ lại thi nhau cười hanh khách” [29, tr. 142]; “từ cổ chí kim ở nước nào cũng có một hạng người giàu cảm động giàu lòng trắc ẩn, tin người đến nỗi phải lụy với mình”… Hay để lí giải cho những lời nói và hành động phản đối tình yêu giữa Lộc và Mai của bà Án, tác giả khái quát thành triết lí về tình mẫu tử: “Lòng thương con của các bà mẹ Việt Nam, cho dẫu con đã lớn tuổi, không sự gì đem ra so sánh được. Họa chăng có thể ví với sự chăn dắt đàn gà con của con gà mái…” [29, tr. 109]. Giọng điệu triết lí, suy ngẫm về con người, xã hội cũng được tác giả gửi gắm thông qua lời thoại của các nhân vật. Từ hiện thực đời sống và nhận thức của những người lao động nghèo đói, tác giả mượn lời của nhân vật bà Cán trong tác phẩm để đưa ra triết lí, suy ngẫm về cách sống và tâm lí của những con người lao động này: “Thôi ở đời nhịn nhục là trên hết! Nhẫn nại là một tính tốt của những người đã từng trải qua cuộc đời là khoa triết lý rất sâu xa của bọn dân nghèo đói. Cho dẫu họ bị xử tàn ngược tới đâu, họ cũng chỉ đem cái tính nhẫn nại ra đối phó, hoặc yên lặng chẳng nghĩ ngợi gì, hoặc có cái tư tưởng sáo của cả một cái chủng tộc, để che đậy sự nhu nhược, tính nhu nhược cần có: “Tránh voi chẳng xấu mặt nào”; “sự chật vật của bọn lao động đứng trước sự sống, như cây rong mọc dưới hồ cố sức ngoi lên mặt nước” [19, tr. 142]. Có khi từ vẻ đẹp của Mai, tác giả để cho nhân vật Bạch Hải phát biểu bằng giọng đầy suy ngẫm: “Cái đẹp và cái buồn là hai thứ dễ cảm lòng người, nhất là khi lại hợp với cái dịu dàng ngây thơ”. Hoặc từ những quan niệm, hành động phản đối của bà Án đối với tương lai, hạnh phúc của Lộc và Mai, tác giả đã để cho Lộc thể hiện những suy ngẫm của mình về chính người thân yêu của mình: “Không gì đáng cảm động, đáng đau lòng cho ta bằng khi ta tìm hết các lí lẽ để tự làm thầy cãi cho người mà ta kính mến; Một đằng khi lương tâm nói dõng dạc buộc tội, nào nó có xét đến tình mẫu tử? Một đằng thì người con run lẩy bẩy có tìm những sự kiện có thể làm nhẹ bớt tội lỗi của mẹ” [29, tr. 196].

Cùng với Nửa chừng xuân, tác phẩm Đoạn tuyệtBướm trắng cũng thể hiện rõ giọng điệu triết lí, suy ngẫm. Trong Đoạn tuyệt, giọng điệu này được gửi gắm trong những đối thoại của những nhân vật, trong khi đối thoại, tranh luận, các nhân vật thường bộc lộ trực tiếp quan niệm, chính kiến của mình về vấn đề mà nhà văn quan tâm, vì thế những vấn đề đem ra đối thoại, tranh biện thường được nhìn ở nhiều góc độ khác nhau. Là một con người có ý thức sâu sắc về nhân quyền và vị trí của cá nhân trong cuộc sống, Loan cảm thấy đau đớn xót xa cho kiếp sống chỉ mang tính chất tồn tại của mình, cô nhận ra cuộc sống của mình thật vô nghĩa và cô thà chết còn hơn phải sống một kiếp “sống mòn”: “Nếu như phải gặp cái chết chăng nữa, cái chết ấy cũng không đáng thương bằng chết dần chết mòn” [37, tr. 69]. Nghịch lý thay, Loan nhận ra tấn bi kịch tinh thần mà cô đang phải chịu đựng lại do chính sự có học, có hiểu biết của cô gây ra: “Chớ nếu sự học đó không dùng được để lập thân, không giúp được mình để sống một đời thích hợp thì sự học đó chỉ là một tai ách thì thà đừng đi học còn hơn. Chị nghĩ mà xem em không đi học thì có lẽ em đã không đến nỗi khổ sở” [37, tr. 71]; “Cái học kia chỉ làm cho mình biết và cảm thấy rõ những nỗi khổ phải gặp trên đường đời” [37, tr. 114]. Vẫn là những đối thoại mang đầy triết lí và suy ngẫm, lời của nhân vật Loan trong tác phẩm đã làm sáng rõ hơn những mâu thuẫn, xung đột giữa mới và cũ, những quan niệm, lễ nghi đã kìm kẹp nàng trong gia đình nhà chồng và Loan nhận thấy đó “chỉ là sự bó buộc gây nên bởi tập quán nó làm cho mọi người quanh quẩn quấy rầy nhau mà không có kết quả gì tốt”, có khi mâu thuẫn được biểu hiện là những phản ứng gay gắt hơn khi cô đối thoại với những người đại diện cho thế hệ già bảo thủ: “đảm nghĩa là về hầu hạ nhà chồng từ người trên đến người dưới cho chu tất. Nếu chỉ thế thì một con sen cũng làm nổi, không cần phải một nàng dâu” [37, tr. 64]; “Mất dạy là đánh người đàn bà yếu ớt, hèn nhát một lũ”; “Không ai có quyền chửi tôi, không ai có quyền đánh tôi”... Trải qua những cực nhọc, đau khổ ở nhà chồng, Loan được tự do và cô nhận ra: “Thế giờ mới biết hạnh phúc ở đời giá cũng đắt thật (…) Đáng buồn nhất là phải đợi đến lúc những người thân yêu mất đi rồi mới thấy được hạnh phúc” [37, tr. 157].

Trong Bướm trắng, giọng điệu triết lí, suy ngẫm được thể hiện qua lời của người trần thuật và những lời đối thoại, độc thoại của nhân vật. Trương trong tác phẩm nói với Thăng - sinh viên du học Pháp mới về, về tình trạng sống “không có lí tưởng” của bản thân cũng như của tầng lớp trẻ Việt Nam: “Chẳng cứ gì một ai. Anh ở Pháp về không biết, chứ thanh niên Việt Nam, một thanh niên không lí tưởng, chưa sống đã già cội như sắp chết, biết mình sắp chết nên không còn chống lại làm gì nữa, buông xuôi tay để mặc cho trôi đến đâu thì đến. Không cưỡng lại nữa ắt cái trụy lạc sẽ tiến mau lắm” [38, tr. 165]. Trương quyết định tàn phá cuộc đời trong ăn chơi hưởng lạc, bởi Trương triết lí “chết thì còn cần gì nữa”. Trương cảm thấy mình như “con chim thoát khỏi lồng nhẹ nhàng trong một sự tự do không bờ bến. Những cái ràng buộc, đè nén của cuộc sống thường không còn nữa, chàng sẽ hết băn khoăn, hết e dè được hoàn toàn sống như ý mình”. Trương bước vào một cuộc chinh phục đầy phiêu lưu, yêu Thu khi mới nhìn thấy “muốn yêu thì sẽ yêu”. Cuộc tình phiêu lưu ấy hứa hẹn “mai đây sẽ đưa đẩy chàng đến những chân trời xa lạ; lạc thú và khốn khổ, đợi và tuyệt vọng, sự cao thượng và lòng ích kỉ, sự bao dung và lòng thù hận”. Trương nhận ra “yêu một người con gái chỉ đẹp thôi không có linh hồn phong phú, hơi lạ lùng thì tình yêu ấy là tình yêu vật chất tầm thường” [38, tr. 38]. Đứng giữa tình yêu, sự sống và cái chết, bao giờ Trương cũng ám ảnh bởi cái chết đang đến gần và có những lần Trương có ý định kết liễu cuộc đời trụy lạc, tội lỗi của mình, nhưng tự tử được không phải là dễ, những phát ngôn của Trương thể hiện những suy ngẫm, trăn trở : “hèn nhát thì không bao giờ tự tử được, mà có can đảm như trời cũng không thể tự tử được. Tự tử được hay không là ở cảnh chứ không ở người”. Trước những mâu thuẫn, dằn vặt đau khổ của nhân vật, những bình luận của người kể chuyện đã cho thấy sự thấu hiểu và cảm thông đối với nhân vật, đồng thời thể hiện rõ giọng điệu suy ngẫm triết lí trong nghệ thuật trần thuật của tác phẩm: “Nếu ngang nhiên nhận lấy cuộc đời ấy, đi sâu hẳn vào nơi bùn lầy, đừng tự dối mình, đừng cựa cậy nữa, có lẽ chàng sẽ sống được yên ổn như bao nhiêu người khác còn đáng thương hơn chàng nhiều. Thà nhận hẳn cái xấu đường hoàng để mọi người biết rõ còn hơn là che đậy đi, lừa dối mình và lừa dối người khác, sống chêng vênh nơi đất phẳng đầm lầy” [38, tr. 174]. Trong Bướm trắng có thể dễ dàng nhận thấy, chính giọng điệu triết lý suy ngẫm của người trần thuật và của nhân vật đã

giúp người đọc hiểu và nhận thức sâu sắc hơn về các vấn đề xã hội và con người được đặt ra trong tác phẩm.

Từ những phân tích về giọng điệu ở trên có thể thấy rằng, tiểu thuyết luận đề của Tự lực văn đoàn có sự hòa hợp giữa các giọng điệu: giọng điệu dung dị, trữ tình; giọng điệu lạc quan tin tưởng; giọng điệu triết lý suy ngẫm. Mỗi giọng điệu đã góp phần khắc họa nhân vật, thể hiện luận đề tác phẩm, thể hiện rõ dụng ý nghệ thuật của nhà văn khi tái hiện đời sống, xây dựng hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm và chính điều đó đã làm nên sức hấp dẫn cho tiểu thuyết của văn đoàn này.

Tiểu kết chƣơng 3

Điểm nhìn trần thuật, ngôn ngữ và giọng điệu là các yếu tố góp phần tạo nên sự cách tân cho tiểu thuyết luận đề của Tự lực văn đoàn. Trong đó, điểm nhìn trần thuật được thể hiện ở điểm nhìn toàn tri và điểm nhìn trần thuật phức hợp, với đặc trưng về điểm nhìn này đã tạo điều kiện để khai thác luận đề và nhân vật trong tác phẩm ở chiều sâu và ở nhiều góc độ, tạo nên sự linh hoạt, đa dạng trong trần thuật của các tác phẩm. Ở phương diện ngôn ngữ, ngôn ngữ trần thuật trong tiểu thuyết luận đề của Tự lực văn đoàn mang đặc trưng của tầng lớp trí thức tiểu tư sản thành thị, được thể hiện ở lời kể, lời tả và lời bình của người trần thuật; ngôn ngữ của nhân vật trong các tác phẩm mang những đặc điểm riêng trong ngôn ngữ đối thoại và độc thoại. Những khảo sát, phân tích và đánh giá về ngôn ngữ đã được chúng tôi làm rõ ở chương 3, có thể nhận định với việc sử dụng ngôn ngữ như vậy, Tự lực văn đoàn đã có nhiều công lao trong việc xây dựng và phát triển ngôn ngữ văn học dân tộc và làm phong phú và hiện đại hóa tiếng Việt. Ở giọng điệu trần thuật trong tiểu thuyết luận đề của Tự lực văn đoàn, các tác giả đã vận dụng sự đan xen nhiều giọng điệu trần thuật trong tác phẩm: giọng điệu dung dị, trữ tình; giọng điệu lạc quan tin tưởng; giọng điệu triết lý suy ngẫm; giọng điệu mỉa mai châm biếm; giọng điệu tâm sự thể hiện những băn khoăn trăn trở… Sự đan xen các giọng điệu trần thuật góp phần tạo nên sự mới mẻ và hấp dẫn cho thể loại tiểu thuyết luận đề của Tự lực văn đoàn. Những đặc trưng về thể loại trên là những sáng tạo và cách tân của các cây bút Tự lực, những đổi mới này có đóng góp lớn cho tiến trình hiện đại hóa thể loại tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỷ XX.

KẾT LUẬN

Trong những năm gần đây, đã có nhiều tác giả và các công trình nghiên cứu tiêu biểu về các tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn. Tuy nhiên, chưa có công trình chuyên biệt nào nghiên cứu về thể loại tiểu thuyết luận đề của Tự lực văn đoàn. Vì thế chúng tôi triển khai để tài này với hi vọng đóng góp thêm cách tiếp cận thể loại về tiểu thuyết luận đề của Tự lực văn đoàn để khẳng định giá trị, vị trí và những cách tân về mặt thể loại tiểu thuyết của nhóm văn chương này với tiểu thuyết Việt Nam hiện đại.

Thông qua việc nghiên cứu tiến trình vận động của tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỷ XX có thể khẳng định vị trí và vai trò của Tự lực văn đoàn đối với thể loại tiểu thuyết nói chung và đối với thể loại tiểu thuyết luận đề nói riêng. Với quan niệm, nhận thức mới mẻ, tiểu thuyết luận đề của Tự lực văn đoàn đã nêu bật được những xung đột xã hội giữa cũ và mới, giữa quan niệm phong kiến cổ hủ với ý thức cá nhân, khát vọng tự do trong tình yêu, hôn nhân và cuộc đấu tranh để tìm thấy bản chất của tình yêu, cái chết, lòng nhân ái, sự sa đọa của con người mà Nửa chừng xuân, Đoạn tuyệt, Bướm trắng là những tác phẩm tiêu biểu.

Về cốt truyện và nhân vật truyện, tiểu thuyết Tự lực văn đoàn đã xóa bỏ lối kết cấu chương hồi, tổ chức tác phẩm theo kết cấu hiện đại, Tự lực văn đoàn đã xây dựng nên những cốt truyện mang tính luận đề, cốt truyện đa tuyến và thể hiện chiều sâu tâm lí của nhân vật. Kết cấu cốt truyện đã thể hiện được sự cách tân và sáng tạo của nhóm văn chương. Với hai kiểu nhân vật phổ biến là kiểu nhân vật thế hệ trẻ cấp tiến và kiểu nhận vật thế hệ già bảo thủ, tiểu thuyết luận đề của Tự lực văn đoàn đã làm nổi bật mâu thuẫn xung đột giữa cũ và mới, đòi giải phóng con người cá nhân, đặc biệt chú trọng vấn đề tự do cá nhân và hạnh phúc riêng tư của người phụ nữ tiểu tư sản. Đồng thời với nhân vật trung tâm là những trí thức Tây học thành thị, nhân vật của tiểu thuyết Tự lực văn đoàn không còn là những biểu tượng của đạo đức phong kiến mà là những “nhân vật sống” có chân dung sinh động, đặc biệt, có đời sống nội tâm phong phú và diễn biến tâm lý phức tạp được

khắc họa rõ nét thông qua ngoại hình, hành động, ngôn ngữ và biểu hiện nội tâm, từ đó làm bật lên tính cách, tâm lí của từng kiểu nhân vật.

Điểm nhìn trần thuật trong tiểu thuyết luận đề của Tự lực văn đoàn được thể hiện với điểm nhìn toàn tri và linh hoạt giúp cho việc nhìn nhân sự việc, nhân vật trong tác phẩm một cách tường tận, rõ nét. Ngôn ngữ là một trong những đặc điểm độc đáo thể hiện sự sáng tạo và riêng biệt của văn chương Tự lực văn đoàn, với đặc trưng ngôn ngữ của tầng lớp trí thức tiểu tư sản thành thị, ngôn ngữ trong tiểu thuyết luận đề của Tự lực văn đoàn thể hiện được sự mới mẻ, mềm mại, thơ mộng, trữ tình trong cả ngôn ngữ của người kể chuyện và ngôn ngữ nhân vật, thể hiện được ngôn ngữ đặc trưng của từng kiểu nhân vật. Tuy nhiên, sự kiểu cách chải chuối thiếu đi sức lao động của con người trong ngôn ngữ tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn cũng là hạn chế về ngôn ngữ của nhóm văn chương này. Cùng với ngôn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thể loại tiểu thuyết luận đề của tự lực văn đoàn (qua nửa chừng xuân, đoạn tuyệt, bướm trắng) (Trang 121 - 132)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(132 trang)