Điểm nhìn trần thuật phức hợp

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thể loại tiểu thuyết luận đề của tự lực văn đoàn (qua nửa chừng xuân, đoạn tuyệt, bướm trắng) (Trang 93 - 98)

5. Cấu trúc luận văn

3.1. Điểm nhìn trần thuật trong tiểu thuyết luận đề của Tự lực văn đoàn

3.1.2.2. Điểm nhìn trần thuật phức hợp

Trong tiểu thuyết luận đề của Tự lực văn đoàn không sử dụng một điểm nhìn mà sử dụng điểm nhìn phức hợp, di động, phối hợp với nhau phục vụ cho ý đồ sáng tạo của tác giả. Ở điểm này so với những tiểu thuyết ở giai đoạn giao thời và nhất là những truyện thời trung đại thì tiểu thuyết luận đề Tự lực văn đoàn đã có những bước tiến vượt bậc. Nếu như tiểu thuyết giai đoạn trước hầu hết chỉ do một nhân vật kể chuyện với một điểm nhìn nghệ thuật chính thì trong tiểu thuyết luận đề của Tự lực văn đoàn, các nhà văn để cho nhiều nhân vật cùng tham gia kể chuyện. Thêm vào đó, các điểm nhìn nghệ thuật thường xuyên được xê dịch, di chuyển một cách linh hoạt và sáng tạo trên các khoảng không gian và thời gian khác nhau. Nhờ đó tác phẩm trở nên khách quan hơn và nhà văn mở ra được khuynh hướng đối thoại đa chiều với độc giả. Đặc điểm của hình thức trần thuật ngôi thứ ba theo điểm nhìn phức hợp trong tiểu thuyết luận đề của Tự lực văn đoàn là có sự phối hợp giữa nhiều điểm nhìn trần thuật. Nghĩa là trong tác phẩm luôn luôn có sự di chuyển điểm nhìn từ người kể chuyện đến nhân vật, từ điểm nhìn bên ngoài vào điểm nhìn bên trong thay đổi theo sự phát triển của các tình tiết, sự kiện, biến cố trong tác phẩm để thể hiện luận đề tác phẩm. Trong điểm nhìn phức hợp, sự hoán đổi vị trí lẫn nhau giữa điểm nhìn của các nhân vật trong câu chuyện kể được thể hiện một cách linh hoạt. Nhân vật được soi chiếu dưới nhiều góc nhìn khác nhau, trở nên sinh động và tự nhiên hơn. So với điểm nhìn tập trung bên trong thì trần thuật theo điểm nhìn phức hợp có một sự tập trung nhiều điểm nhìn cùng lúc, soi chiếu lẫn nhau kết hợp với nhiều giọng điệu cùng đan xen và đối thoại tạo nên sự phức hợp trong điểm nhìn. Qua điểm nhìn trần thuật phức hợp, nhà văn muốn làm nổi bật thế giới nội tâm của nhân vật và thể hiện luận đề của tác phẩm.

Để làm rõ luận đề trong tác phẩm, điểm nhìn trong tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn được đặt ở nhiều nhân vật. Minh họa cho luận đề xung đột giữa cái cũ và cái

mới, luận đề khẳng định chủ nghĩa cá nhân trong Đoạn tuyệt, Nửa chừng xuân,

Bướm trắng ngoài việc đặt điểm nhìn ở nhân vật đại diện cho hai “phe”cũ và mới trực tiếp nói nên quan điểm của mình thì điểm nhìn được đặt ở các nhân vật khác trong tác phẩm với những lời bình luận để khẳng định luận đề của tác phẩm. Ở các tiểu thuyết này, đã thấy sự điều chỉnh điểm nhìn trong trần thuật, thể hiện một sự thay đổi nhất định trong tư duy nghệ thuật của các tác giả Tự lực văn đoàn. Tuy vậy, quan niệm về luận đề cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến cách trần thuật của các nhà văn này.

Trong Nửa chừng xuân, Đoạn tuyệt để minh họa cho luận đề chống lễ giáo phong kiến và khẳng định chủ nghĩa cá nhân, điểm nhìn trần thuật được vận dụng một cách linh hoạt, nhiều giọng điệu. Câu chuyện có thể được kể từ điểm nhìn của người trần thuật, cũng có thể được kể từ điểm nhìn của nhân vật, hoặc có thể kể bằng sự kết hợp giữa hai điểm nhìn của nhân vật và người kể chuyện. Trong Đoạn tuyệt cách trần thuật theo quan điểm của tác giả được thể hiện qua những lời kể và lời bình luận sâu sắc: “Mấy tháng, nàng luôn luôn phải sống trong một gia đình mà người nào cũng muốn làm cho nàng khổ, mà không lúc nào nàng không nghĩ đến bổn phận, cái bổn phận cay nghiệt của nàng đối với mọi người trong nhà. Bổn phận đó trong thâm tâm nàng, nàng không cho là bổn phận, chỉ là sự bó buộc gây nên bởi tập quán nó làm cho mọi người quanh quẩn quấy rầy nhau mà không có kết quả gì tốt” [37, tr. 53]; “Loan lật ngửa hai bàn tay nhìn những chỗ chai vì làm nhiều công việc nặng nề. Nhà chồng giàu, lắm việc đầy tớ có thể làm được, nhưng mẹ chồng muốn cho nàng đảm đang, một là để dạy nàng cho quen, hai là xưa kia bà về làm dâu bà đã chịu nhiều khổ sở, nên bà muốn bắt người khác cũng khổ như mình cho được thăng bằng” [37, tr. 56]; “Từ xưa đến giờ, tất cả đời nàng dâu khác, cũng như đời Loan chỉ là những đời người ta đem hi sinh để gây dòng dõi cho các gia tộc. Bọn này không bao giờ có quyền sống một đời riêng, bao giờ cũng chỉ là một phần tử nhỏ mọn, yếu hèn, đáng thương của những gia đình khác” [37, tr. 85]. Trong tác phẩm, để thể hiện luận đề về sự xung đột giữ cái cũ với cái mới,Nhất Linh cũng sử dụng cách trần thuật theo cái nhìn của nhiều nhân vật, đó là những lời bình luận về

nhân vật Loan tại phiên tòa. Đó là lời ông chưởng lý buộc tội Loan khi cho rằng: “cái đại học tiểu thuyết của những bọn thanh niên biết tiếng Pháp; một luồng gió lãng mạn cuối mùa thổi qua để lại biết bao tai hại (…) Những việc lôi thôi trong gia đình không biết bao nhiêu mà kể. Biết bao gái non quay cuồng vì cái luồng gió lãng mạn mà tôi nói đến lúc nãy, đã quên hẳn cái thiên chức một người dâu thảo, một người vợ hiền làm cột trụ cho gia đình như những bậc hiền nữ trong xã hội An Nam cũ. Họ quay cuồng muốn phá bỏ gia đình mà họ tưởng là nơi tù tội của họ (…) Nhất là những bọn gái này lại dựa vào những lý thuyết ta đem dạy họ để phá những cái mà bổn phận ta phải giữ. Vẫn biết là họ hiểu lầm. Chính vì vậy, ta phải tỏ cho họ biết rằng họ hiểu lầm mà việc cải cách xã hội không phải là việc của những bọn tuổi còn non nớt, học thức còn dở dang, chỉ được cái kiêu căng là không bờ bến” [37, tr. 138]. Đó là lời của trạng sư bảo vệ Loan bằng quan điểm tiến bộ và phê phán những hủ tục và nền luân lý cũ: “Chính bà mẹ chồng đã giết cháu bà mà không biết. Bà lại đổ cho Thị Loan cái tội giết con! Đến nay, bà đổ cho Thị Loan cái tội giết chồng, nhưng bà có biết đâu, con bà chết là lỗi ở bà, lỗi ở cái luân lý trái mùa và quá ư nghiêm ngặt kia. Người có tội chính là bà mẹ chồng Thị Loan và cái luân lý cổ hủ kia. Nhưng nếu vượt lên trên, và nghĩ rộng ra không kể đến cá nhân nữa, thì bao nhiêu những việc xảy ra không phải là lỗi ở người nào mà lỗi ở sự xung đột hiện thời đương khốc liệt của hai cái mới, cũ” [37, tr. 142]. Đó cũng là lời của Loan: “Tôi nói để cốt chị em gái mới, đến đây nghe, biết rằng nếu các chị muốn được hưởng hạnh phúc với chồng con, thì điều trước nhất, các chị em phải tìm cách sống một đời riêng, một đời tự lập, tránh sự chung sống với bố mẹ, họ hàng nhà chồng và nhất là có vượt hẳn ra ngoài quyền của cha mẹ chồng thì mới mong gia đình hòa thuận” [37, tr. 144]. Có thể thấy, điểm nhìn trần thuật phức hợp đã góp phần thể hiện luận đề trong Đoạn tuyệt một cách sâu sắc.

Trong Nửa chừng xuân, điểm nhìn trần thuật phức hợp được sử dụng linh hoạt. Người trần thuật ngôi thứ ba có thể phát ngôn trực tiếp thể hiện luận đề của tác phẩm: “Ý tưởng ngộ nghĩnh ấy - ta cho là ngộ nghĩnh - chỉ là kết quả một nền giáo dục quá theo nhân đạo, quá theo ý tưởng của cụ Tú Lãm một nền giáo dục có thể

gọi là lãng mạn. Bàn về cái hay, cái dở của nền giáo dục ấy là một công việc của các nhà xã hội học, luân lí học. Tác giả chỉ là một nhà soạn tiểu thuyết, nghĩa là chỉ tả ra những cảnh ngộ, những tình trạng, những tính tình của một xã hội, của một thời đại mà thôi” [29, tr. 72]; “Khốn thay Mai chỉ hoàn toàn đối với Lộc mà thôi, chứ đối với bà Án thì Mai chỉ là một con bé khốn nạn, vô giáo dục, một con bé trong đám hạ lưu không đáng làm vợ một quan tham tá. Những lời tán tụng của con bà án để ngoài tai hết. Bà cho con bà còn dại dột bị lời ngon ngọt của một cô gái giang hồ cám dỗ” [29, tr. 69]. Để làm rõ hơn luận đề trong tác phẩm, câu chuyện thường được kể bằng sự trao đổi điểm nhìn liên tục giữa chủ thể trần thuật và các nhân vật trong tác phẩm. Qua lời trần thuật của nhân vật, đặc biệt là nhân vật trung tâm mang tư tưởng của tác phẩm là Mai đã cho thấy những quan điểm đạo nho lỗi thời, lạc hậu và có nhiều điều hay hơn, quý hơn những điều lễ nghi, “là lòng thương người và lòng hy sinh”; cho thấy con người sắt đá, ích kỷ đại diện cho tư tưởng đạo nho đó là bà Án, qua đó thể hiện quan niệm về tình yêu, hôn nhân tự do, về quyền cá nhân của con người. Điểm nhìn trần thuật trong tác phẩm cũng được luân chuyển giữa các nhân vật, đó là điểm nhìn của bà Án, của Lộc, của Huy. Ở điểm nhìn trần thuật linh hoạt này, nhân vật là người trực tiếp quan sát, thể hiện quan điểm, đánh giá về thế giới nhân vật, sự kiện trong tác phẩm, làm điểm tựa cho chủ thể trần thuật nêu bật những hành động, cảm nhận, suy nghĩ của nhân vật. Ở đó, người kể chuyện để cho nhân vật tự phát biểu những nhận xét, suy nghĩ của bản thân. Các nhân vật trong tác phẩm cũng không chỉ nhìn về mình, mà còn quan sát và chiếu điểm nhìn lên những nhân vật khác, vì thế các nhân vật trong tác phẩm hiện ra với tất cả những tâm tính, diện mạo qua sự quan sát, đánh giá của nhân vật khác. Chủ thể trần thuật cũng để nhân vật của mình tự nhìn vào mình để đánh giá, để suy xét chính bản thân: “Song mớ lễ nghi đạo đức của nho giáo chỉ thoáng qua trí thức, chứ đối với mẹ anh thì nó ăn sâu vào tâm não đã hòa lẫn vào mạch máu, đã thành một cái di sản thiêng liêng về tinh thần bất vong bất diệt. Anh nói quá đâu. Chính anh đây, đã chịu ảnh hưởng của học vấn, của tinh thần âu tây ngay từ ngày còn nhỏ, thế mà nhiều khi anh vẫn thấy anh còn nhiều tư tưởng bị kiềm tỏa trong giới hạn của nho giáo. Chẳng nói

đâu xa, hiện giờ chỉ vì một chữ hiếu anh không dám đường hoàng cùng em hưởng hạnh phúc ái tình. Vì phải theo lễ nghi, phải đặt chữ tình ở dưới chữ hiếu, tuy chữ tình, chữ hiếu nhiều khi ta chỉ hiểu lờ mờ, hoặc ta tự bắt buộc ta phải cố hiểu” [29, tr. 91]. Với sự trao đổi, luân phiên điểm nhìn giữa người kể chuyện và nhân vật tạo ra hiệu quả tích cực nhằm làm tăng khả năng khái quát hiện thực và tạo ra hiện tượng đa thanh, đa giọng điệu cho tác phẩm.

Trong Bướm trắng, điểm nhìn trần thuật phức hợp được thể hiện rõ nét thông qua điểm nhìn của người kể chuyện ngôi thứ ba và các nhân vật trong tác phẩm. Việc di chuyển điểm nhìn từ phía người trần thuật sang nhân vật đã giúp cho nhân vật tự bộc lộ và tự đối diện với chính mình. Qua những lời miêu tả trực tiếp của người trần thuật và lời nhân vật có thể thấy rõ luận đề của tác phẩm và nhân vật cũng hiện lên với đầy đủ diện mạo, tính cách và nội tâm. Cuộc trò chuyện của Trương và Mùi mang nặng tính chất sám hối, tự thú của một thanh niên đại diện cho một bộ phận trí thức cô đơn, mất phương hướng, không có lí tưởng, trụy lạc và vô luân trong xã hội đương thời: “Em là một con đĩ, nhưng anh còn tệ hơn em vì anh là một thằng đĩ lừa... quá thế nữa... một thằng ăn cắp. Lừa tiền, ăn cắp, nhưng ngồi tù xong là trả được nợ; còn như đi lừa một người con gái, yêu người ta nhưng lại muốn người ta hết sức khổ vì mình, thấy người ta khổ vì mình lại sướng ngầm trong bụng... biết mình không xứng đáng nhưng vẫn cố làm cho người ta trọng mình... đau khổ vì thấy mình khốn nạn nhưng lại sung sướng mong mỏi người ấy cũng khốn nạn như mình; Cái tội ấy, thì không có luật pháp nào trị vì thật ra không phải là một cái tội. Anh thấy anh là khả ố, hành vi của anh là khốn nạn, nhưng nếu bắt phải sống trở lại thì anh sẽ làm lại đúng như thế (...). Nếu anh ngủ ngay với Thu như ngủ với Mùi, rồi thôi, mai không nghĩ đến nữa, hết yêu, như vậy có lẽ đểu giả thật - thiếu gì người đểu giả như thế - đểu giả nhưng tội không lấy gì làm to lắm vì hành vi ấy rất thường có. Đằng này không, anh lấy nê là yêu để đánh lừa người ta một cách khoái trá và cứ muốn kéo dài cuộc lừa dối ấy ra mai để cho mình vui thích. Mùi có thấy thằng nào đốn mạt, khả ố như anh không” [38, tr. 154]. Sau đó, Trương đổi cách xưng hô, và cũng đổi cả giọng - sử dụng giọng nói của giới giang hồ: “Lại

còn điều này nữa, là tớ nhận tớ khốn nạn thì không sao, chớ còn Thu, tớ bắt Thu phải trọng tớ, phải yêu tớ là không được cho đó là một việc xấu. Tớ vẫn bảo với Thu rằng tớ là thằng khốn nạn; nhưng nếu một ngày kia (...) nếu một ngày kia mà tớ thấy Thu ghét tớ vì nhận thấy rõ cái khốn nạn của công việc làm thì thế nào tớ cũng giết Thu như thế này này” [38, tr. 155]. Do điểm nhìn trần thuật thay đổi, nhân vật, từ vị trí là đối tượng, đã trở thành chủ thể nhận thức và ý thức. “Cái gì trước kia tác giả làm, giờ đây nhân vật làm, nó tự soi rọi nó từ tất cả các góc độ có thể có, còn tác giả thì không còn soi sáng cái hiện thực của nhân vật nữa, mà soi sáng cái tự ý thức của nhân vật như một hiện thực cấp hai” [5, tr. 242].

Có thể thấy, ưu thế nổi trội của tiểu thuyết luận đề Tự lực văn đoàn là ở dạng thức trần thuật ở điểm nhìn toàn tri và trần thuật ở điểm nhìn phức hợp. Qua những dạng thức trần thuật này, có thể thấy rõ sự linh hoạt, đa dạng trong cách kể, ở đó chủ thể trần thuật không giành quyền kiểm soát hết câu chuyện bằng điểm nhìn chủ quan của mình mà có lúc tách ra, đứng bên ngoài biến cố của nhân vật, để nhân vật tự bộc lộ, tự xoay xở từ đó tính cách của nhân vật được thể hiện gần gũi và tự nhiên nhất. Nhưng cũng có lúc chủ thể trần thuật thâm nhập vào cảm xúc, suy nghĩ, ấn tượng của nhân vật, nhìn theo con mắt của nhân vật và trần thuật bằng chính giọng điệu của nhân vật. Sự trao đổi, luân phiên điểm nhìn giữa người kể chuyện và nhân vật tạo ra hiệu quả tích cực nhằm làm tăng khả năng khái quát hiện thực và tạo ra hiện tượng đa thanh, đa giọng điệu cho tác phẩm, đồng thời làm nổi bật rõ nét luận đề mà tác giả đặt ra trong mỗi tác phẩm của mình.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thể loại tiểu thuyết luận đề của tự lực văn đoàn (qua nửa chừng xuân, đoạn tuyệt, bướm trắng) (Trang 93 - 98)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(132 trang)