Kiểu nhân vật thế hệ trẻ cấp tiến

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thể loại tiểu thuyết luận đề của tự lực văn đoàn (qua nửa chừng xuân, đoạn tuyệt, bướm trắng) (Trang 58 - 61)

5. Cấu trúc luận văn

2.2. Nhân vật trong tiểu thuyết luận đề của Tự lực văn đoàn

2.2.2.1. Kiểu nhân vật thế hệ trẻ cấp tiến

Kiểu nhân vật thế hệ trẻ cấp tiến trong tiểu thuyết luận đề của Tự lực văn đoàn

là những nhân vật thanh niên trí thức, những “chàng”, những “nàng” trẻ tuổi, tân thời, học chữ Tây, hấp thụ văn minh phương Tây, họ đại diện cho lớp người mới, cho những tư tưởng mới mẻ, cho trật tự xã hội tư sản. Họ có ý thức sâu sắc về quyền cá nhân, quyền tự do trong tình yêu, có quan niệm hôn nhân mới, những tình cảm và lối sống mới.

Trong Nửa chừng xuân đó là Mai, Lộc, Huy, Minh, Bạch Hải những nam nữ thanh niên trí thức - mẫu người đại diện cho trật tự xã hội tư sản. Họ là những ông tham, ông đốc, những sinh viên cao đẳng, những bác sĩ, họa sĩ, những thiếu nữ có học, trẻ trung xinh đẹp và họ đều có những quan niệm, những suy nghĩ mới, tình cảm mới, cảm xúc mới. Nhân vật Mai và Lộc trong tác phẩm có tư tưởng tiến bộ, muốn thoát khỏi sự ràng buộc bởi lễ giáo và đại gia đình phong kiến, được hoàn

toàn tự do trong tình yêu, hôn nhân, tự do trong suy nghĩ, hành động, và lựa chọn cuộc sống của mình. Lộc luôn luôn nghĩ: tình yêu “là sự đuổi bắt của hai tâm hồn, hai thế giới riêng tây xa lạ”; “anh đã theo một nền giáo dục Âu Tây, anh hiểu, anh yêu, anh trọng cái giá trị, cái quyền tự do của cá nhân” [29, tr. 90]. Mai có quan điểm tiến bộ về tình yêu, hôn nhân: “Nhưng tôi đã trót yêu anh Lộc thì tôi không thể yêu ai được nữa”, Mai đã chống đến cùng chế độ đa thê: “Nhà tôi không có mả lấy lẽ” và bảo vệ tình yêu lý tưởng “thà ở xa nhau mà hằng tưởng đến nhau, mà vẫn yêu nhau, mà có lẽ càng yêu nhau” [29, tr. 247]. Nhân vật Huy (em Mai) trong tác phẩm cũng là một thanh niên trí thức, Huy cũng có tư tưởng tiến bộ và nhận thức được sự xung đội của hai tư tưởng cũ - mới: “Thưa cụ, cụ tức là cái biểu hiện, tức là một người đại diện cho nền luân lý cũ. Mà tâm lý chúng cháu thì đã trót nhiễm những tư tưởng mới. Hiểu nhau khó lắm” [29, tr.215]. Nhân vật Minh và Bạch Hải trong tác phẩm cũng thể hiện sự tiến bộ về tư tưởng trong tình yêu và hôn nhân, hai nhân vật này vẫn yêu và muốn lấy Mai mặc dù biết Mai đã có chồng và con: “Thưa bà, tôi xin làm người bạn trăm năm để che chở cho bà” [29, tr. 156]; “Sung sướng nhất đời là người nào được lấy Mai làm vợ” [29, tr. 184]. Những nhân vật trẻ cấp tiến này là những phát ngôn tư tưởng cho các tác giả và khẳng định luận đề trong tác phẩm.

Trong Đoạn tuyệt, những nhân vật như Loan, Dũng, Trạng sư, nhà báo Hoạch, Lâm, Thảo là những nhân vật trẻ cấp tiến, họ có quan niệm mới, tiến bộ về quyền con người, quyền cá nhân, quyền tự do hôn nhân, họ có khát vọng về một cuộc sống mới, sống tự do, sống đấu tranh vượt lên trên hoàn cảnh, sống thành thực, tự lập, sống khỏe khoắn, phóng khoáng với những ước mơ của mình. Loan - một cô gái có học thức, có nhận thức rõ về quyền tự do hôn nhân “thì xin me để tùy con, và nhân thể me để tùy con định có nên lấy chồng hay không nên lấy chồng” [37, tr. 21]; “Thầy mẹ cho con đi học, thầy mẹ không thể cư xử với con như người vô học được nữa”. Loan buộc phải lấy Thân nhưng Loan vẫn dứt khoát không chấp nhận những hủ tục và sự áp chế, Loan muốn phá bỏ những hủ tục trong đại gia đình phong kiến, muốn “thoát ly ra khỏi cái chốn gay go mà ngày ngày quanh quẩn với những bổn phận không đâu” và “ao ước được sống cái đời tự do rộng rãi, không gì bó buộc”. Ý

thức về quyền con người khiến cho Loan chống lại áp bức tàn bạo của gia đình nhà chồng, lòng khát khao tự do đoạn tuyệt với cuộc đời cũ của Loan mạnh đến mức: “Tuy hai tay bị xích và thân mình sắp bị giam cầm, lúc Loan bước qua ngưỡng của, nàng vẫn có cái cảm tưởng rằng vừa bước ra khỏi một nơi tù tội”. Sau khi được trắng án, Loan trở về mở trường dạy học rồi đi làm cho tòa báo Minh Nhật là tờ báo bênh vực cho phái mới. Loan là nhân vật đại diện cho thế hệ trẻ có quan điểm sống tiến bộ, dám đứng lên đấu tranh chống lại nếp sống cổ hủ của gia đình phong kiến, là nhân vật phát ngôn cho tư tưởng tác giả và khẳng định luận đề trong tác phẩm. Dũng trong tác phẩm là nhân vật thể hiện tư tưởng mới của tầng lớp thanh niên đương thời, ra đi để đến với một cuộc sống mới, một cuộc đời tự do “nay đây mai đó”. Dũng không chỉ nói được khát vọng về tình yêu của tuổi trẻ mà còn thể hiện hoạt động hướng tới tự do cho cuộc sống, giải phóng cho thanh niên trong xã hội đương thời. Thảo và Lâm trong tác phẩm là những nhân vật trí thức, họ không trực tiếp thể hiện quan điểm của mình mà họ là những đồng minh, là đối tượng để Dũng và Loan có thể bày tỏ tư tưởng, tình cảm và cứu rỗi đời sống tinh thần của họ. Những nhân vật này đại diện cho những tư tưởng tiến bộ chống lại những tư tưởng bảo thủ, lạc hậu trong đại gia đình phong kiến.

Trong Bướm trắng, hầu hết các nhân vật đều là những nhân vật trẻ tuổi, trong đó Trương là nhân vật trung tâm của tác phẩm. Tuy nhiên, Trương khác với kiểu nhân vật Lộc trong Nửa chừng xuân hay Dũng trong Đoạn tuyệt, Trương thuộc kiểu nhân vật mới. Bởi Bướm trắng ra đời trong hoàn cảnh xã hội đã có sự thay đổi, nội dung phản ánh trong tác phẩm không còn là vấn đề xung đột cũ - mới hay thể hiện quyền tự do trong tình yêu, hôn nhân nữa. Đồng thời Bướm trắng ra đời cũng đánh dấu một bước phát triển mới về kỹ thuật tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn. Chính vì vậy, nhân vật Trương được xây dựng khác với nhân vật giai đoạn trước và Trương khác với các nhân vật trẻ tuổi trong tác phẩm. Nếu Mĩ và Hợp trong Bướm trắng là kiểu thanh niên sống nghiêm túc, bình lặng; Quang, Vinh, Trực, Cổn chỉ đơn giản thích ăn chơi, có vẻ hời hợt, nông nổi thì Trương phức tạp hơn. Trương cũng là thanh niên trí thức, một sinh viên trường luật nhưng bỏ học vì mắc bệnh lao

phổi, cuộc đời Trương cứ trượt dài, sa ngã, trụy lạc vì ám ảnh cái chết và mất niềm tin vào tương lai. Trương là nhân vật có nhiều mâu thuẫn trong tâm trạng, khi tỏ ra cao thượng, khi thấp hèn, vừa độ lượng, vừa ích kỷ, luôn luôn hy vọng và cũng dễ chán chường thất vọng, ham sống và nhiều lúc lại muốn tìm đến cái chết, thích sống gấp và cũng chán nản lối sống gấp. Trương luôn ở trong trạng thái giày vò, mâu thuẫn trong nội tâm và tính cách của mình. Xây dựng nhân vật Trương cùng những nhân vật trẻ trong tác phẩm, Nhất Linh đặt vấn đề về khát vọng hướng tới cuộc sống, tình yêu, cái đẹp, sự hoàn lương đời sống tinh thần con người; sự cô đơn, mất phương hướng của con người từ bỏ nông thôn nhưng không hòa nhập được với đô thị, vấn đề tìm đường cho thanh niên trí thức đương thời. Đánh giá về kiểu nhân vật này, tác giả Nguyễn Đăng Mạnh nhận định: “Nói chung đề tài là truyện tình yêu, đề tài là ca ngợi tư tưởng văn hóa, văn minh phương Tây, đấu tranh cho chủ nghĩa cá nhân, cho tình yêu và hôn nhân tự do, chống lễ giáo phong kiến, đề cao lối sinh hoạt phương Tây hiện đại, cổ vũ phong trào Âu hóa từ tư tưởng văn chương nghệ thuật đến y phục và cách hưởng thụ đời sống vật chất. Nhân vật lí tưởng của các tiểu thuyết này dù có thay tên đổi họ từ truyện này sang truyện khác thì vẫn là những

chàngnàng ấy: những trí thức Tây học trẻ tuổi xinh đẹp và đa tình thuộc tầng lớp trưởng giả…” [42, tr. 52].

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thể loại tiểu thuyết luận đề của tự lực văn đoàn (qua nửa chừng xuân, đoạn tuyệt, bướm trắng) (Trang 58 - 61)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(132 trang)