1.4. Tiêu chí đánh giá tác phẩm truyền hình phản ánh về vấn đề xâm hại trẻ
1.4.2. Tiêu chí đánh giá hình thức tác phẩm
Hình thức thể hiện của mỗi tác phẩm truyền hình bao gồm hình ảnh và âm thanh.
Về hình ảnh
Hình ảnh trong truyền hình vừa là nội dung, vừa là ý đồ thể hiện tư tưởng của tác phẩm. Hình ảnh đạt chất lượng là hình ảnh “biết nói”, “trong tác phẩm truyền hình, mỗi hình ảnh đều phải bao hàm một ý nghĩa, một nội dung nào đó hoặc là nguyên nhân, diễn biến hoặc là kết quả của quá trình phát triển sự kiện trong cuộc sống” [34, tr. 18]. Sự logic của hình ảnh trong tác phẩm phụ thuộc vào diễn biến của sự kiện hoặc ý đồ của tác giả.
Hình ảnh được phát sóng trên truyền hình phải đạt tiêu chí cơ bản là hình ảnh phải rõ nét, hình ảnh nhân vật, bối cảnh, sự kiện phải rõ ràng để người xem dễ hình dung về vấn đề, sự kiện. Hiện nay chương trình phát sóng phải đảm bảo có độ phân giải cao HD (High Definition) với chất lượng hình ảnh rõ ràng, sắc nét. Trong một số trường hợp đặc biệt như quay các vụ việc tiêu cực thì yếu tố về chất lượng hình ảnh “nhường chỗ” cho yếu tố nội dung .
Hình ảnh trẻ em phải được che mặt hoặc làm mờ đối với trường hợp thông tin có liên quan về những vụ việc tiêu cực, vi phạm pháp luật mà trẻ em là nạn nhân hoặc là người liên quan. Không khai thác quá cận cảnh, chi tiết, mô tả những hình ảnh thảm khốc về trẻ em trong tai nạn hoặc thiên tai. Tùy từng điều kiện để chọn góc máy phù hợp và có lợi nhất cho trẻ em. Tránh dùng “ống kính miệt thị” với trẻ em tức là “đối tượng bị ghi hình thường nhỏ bé, thấp hèn trong ống kính” [20, tr. 92].
Về âm thanh (lời bình, tiếng động, âm nhạc)
Truyền hình thể hiện hơi thở của cuộc sống bằng âm thanh và hình ảnh vì vậy âm thanh đóng vai trò quan trọng và quyết định đối với một tác phẩm truyền hình. Âm thanh trong truyền hình bao gồm lời bình, tiếng động và âm nhạc.
Lời bình: Trong tác phẩm truyền hình, lời bình phải đảm bảo yếu tố bổ sung thông tin cho tác phẩm chứ không phải giải thích những gì người xem nhìn thấy. tác giả Dương Xuân Sơn cho rằng :“Lời bình phải truyền đạt được nội dung tư tưởng của tác phẩm, giúp người xem tổng hợp, khái quát được ý nghĩa của sự kiện, sự việc trong tác phẩm truyền hình” [34, tr.20] . Diễn đạt theo cách khác, tác giả Trần Bảo Khánh trong “Sản xuất chương trình truyền hình” cho rằng lời bình truyền hình phải đảm bảo vai trò thực hiện chức năng giao tiếp với công chúng và đảm bảo tính chính xác thông tin [13, tr. 48].
Lời bình về đề tài cho trẻ em tránh ngôn ngữ biểu lộ thái độ trịch thượng, bề trên của nhà báo khi dùng cho trẻ em. Nên tránh các từ ngữ chỉ đồ vật, ngôi thứ ba số ít để gọi trẻ em: nó, chúng nó, hắn…
Tiếng động: Tiếng động đóng vai trò làm tăng tính chân thực và khơi gợi cảm xúc trong các tác phẩm truyền hình. Tùy vào vấn đề phản ánh mà tác giả sử
dụng tiếng động cho hợp lý, tiếng động tránh quá to, át lời bình gây cảm giác khó chịu cho khán giả.
Phỏng vấn là tiếng động được sử dụng nhiều trong các tác phẩm về vấn đề xâm hại trẻ em: Phỏng vấn nạn nhân, phỏng vấn nhân chứng, phỏng vấn cơ quan điều tra, chuyên gia… Lời phỏng vấn phải rõ ràng, mạch lạc, nhân vật đủ tỉnh táo, không nói lan man, các lời phỏng vấn không trùng nhau… Những tiếng động này kết hợp logic với nhau tạo nên mạch câu chuyện và tăng tính khách quan cho tác phẩm.
Âm nhạc: Âm nhạc là một trong ba yếu tố quan trọng của tác phẩm truyền hình. Âm nhạc khi sử dụng phải phù hợp với kết cấu, ý đồ cũng như chủ đề tư tưởng của tác phẩm truyền hình vì mục đích của âm nhạc làm tôn lên hình ảnh và giá trị thông tin của tác phẩm. Âm nhạc sử dụng trong chương trình có nội dung trẻ em bị xâm hại thì nên chọn nhạc hợp lý, tránh âm nhạc vui nhộn khi phản ánh vấn đề đau thương của gia đình nạn nhân; cũng không nên chọn nhạc bi thương quá khiến câu chuyện trở nên nặng nề, khó chịu với người xem. Đối với chương trình về xâm hại trẻ em, có những khuôn hình không cần tiếng động cũng làm nên giá trị của tác phẩm.
Tiểu kết chƣơng 1
Sau khi xác định đề tài, tác giả thực hiện các thao tác để xây dựng nền móng lý thuyết cho luận văn “Vấn đề xâm hại trẻ em trên truyền hình Việt Nam hiện nay”. Đầu tiên, để nhận diện vấn đề cần nghiên cứu, tác giả hệ thống hóa một số khái niệm liên quan đến “trẻ em”, “xâm hại trẻ em”, phân loại hình thức xâm hại trẻ em và rút ra kết luận: Tất cả những hành vi có nguy cơ gây tổn thương và hành vi gây tổn thương thực sự cho người dưới 16 tuổi ở cả 4 loại hình: Xâm hại thể chất, xâm hại tinh thần, xâm hại tình dục và bỏ bê, xao nhãng được gọi là xâm hại trẻ em trong phạm vi luận văn này. Nhận định này sẽ được áp dụng trong quá trình thực hiện luận văn đặc biệt giai đoạn khảo sát, chọn lọc và phân biệt tác phẩm về xâm hại trẻ em trong các chương trình phát sóng trên 3 nguồn nghiên cứu.
Với mục đích làm nổi bật vai trò của truyền hình, tác giả đã trình bày thực trạng cấp bách của xã hội về vấn đề xâm hại trẻ em, cơ sở pháp lý của Đảng và Nhà nước trong việc ngăn ngừa thực trạng để thấy được sự cần thiết của báo chí, truyền hình đối với việc giải quyết vấn nạn trên. Không chỉ có thế, thực tế về xâm hại trẻ em còn là cơ sở để tác giả đánh giá, đối chiếu hiệu quả của truyền hình trong công tác truyền thông về vấn đề xâm hại trẻ em ở các chương sau.
Truyền hình Việt Nam cần phát huy mạnh mẽ lợi thế về hình ảnh động và âm thanh trong công tác truyền thông phòng, chống xâm hại trẻ em. Cụ thể là truyền hình thực chức năng thông tin, giáo dục, giám sát và phản biện xã hội, tạo lập và phản ánh dư luận xã hội một cách hiệu quả. Đây là cũng là nhiệm vụ chính của luận văn. Nói cách khác, tác giả nghiên cứu vấn đề xâm hại trẻ em trên truyền hình Việt Nam hiện nay tức là tác giả nghiên cứu về chức năng của truyền hình trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em. Chức năng này được thể hiện như thế nào trong nội dung và hình thức các tác phẩm phát sóng về vấn đề xâm hại trẻ em? Mục đích của luận văn là trả lời câu hỏi trên.
Quan tâm đến vấn đề xâm hại trẻ em là cách để truyền hình Việt Nam thực hiện trách nhiệm xã hội, trách nhiệm nghề nghiệp của ngành truyền thông chính thống. Truyền hình sử dụng học thuyết thiết lập các chương trình nghị sự để tuyên
truyền phòng, chống xâm hại trẻ em là chọn lựa cần thiết và đúng đắn góp phần tạo nên hiệu quả của quá trình truyền thông.
Tiêu chí đánh giá, nội dung, hình thức là điều kiện cần và đủ để tác giả làm cơ sở so sánh, đối chiếu và nhận xét về chất lượng chương trình trong diện khảo sát. Đặc biệt, những yêu cầu riêng về khai thác thông tin, hình ảnh trẻ em theo quy định của pháp luật, đạo đức nghề báo là điểm mới của tiêu chí này.
Như vậy, từ những liệt kê ở trên, có thể nói, chương 1 đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng một tiền đề lý thuyết cơ bản cho luận văn “Vấn đề xâm hại trẻ em trên truyền hình Việt Nam hiện nay”. Tiền đề này làm nhiệm vụ định hướng và tạo tính logic các chương tiếp theo của luận văn tiếp tục triển khai.
CHƢƠNG 2: THỰC TRẠNG VẤN ĐỀ XÂM HẠI TRẺ EM TRÊN TRUYỀN HÌNH VIỆT NAM HIỆN NAY