1.2. Truyền hình với vấn đề xâm hại trẻ em
1.2.3. Hình thức thông tin vấn đề xâm hại trẻ em trên truyền hình
Cùng với nội dung, hình thức cũng đóng vai trò quan trọng, quyết định chất lượng và hiệu quả tuyên truyền của một tác phẩm hay một chương trình truyền hình. Với đặc trưng khác biệt về loại hình truyền thông, truyền hình Việt Nam sử dụng hình ảnh và âm thanh để thông tin về vấn đề phòng, chống xâm hại trẻ em.
- Hình ảnh
Tác giả Tạ Ngọc Tấn trong cuốn “Giáo trình Truyền thông đại chúng” cho rằng: “Hình ảnh chủ yếu và đặc trưng trong truyền hình là hình ảnh động về hiện thực trực tiếp. Ngoài ra, truyền hình còn sử dụng các loại hình ảnh tĩnh như ảnh tư liệu, mô hình, sơ đồ, biểu đồ, chữ in…” [35, tr. 130]. Trong tài liệu Giáo trình truyền hình, tác giả Dương Xuân Sơn nhấn mạnh: Hình ảnh trong truyền hình vừa là phương tiện, vừa là nội dung thể hiện ý đồ, tư tưởng của tác phẩm. Hình ảnh trong truyền hình là hình ảnh động, đã qua xử lý kỹ thuật. Trong các tác phẩm truyền hình, mỗi hình ảnh đều phải bao hàm một ý nghĩa, một nội dung nào đó hoặc là nguyên nhân, diễn biến hoặc kết quả của quá trình diễn ra sự kiện trong cuộc sống. Các hình ảnh liên kết với nhau theo tuyến tính thời gian… [34, tr. 18].
Từ những lý thuyết trên, tác giả cho rằng: Hình ảnh về vấn đề xâm hại trẻ em trên truyền hình là những hình ảnh có thật, phản ánh thực trạng cuộc sống về các hành vi xâm hại trẻ em.
- Âm thanh
Cũng trong tài liệu Giáo trình truyền hình, tác giả Dương Xuân Sơn cho rằng: Ba yếu tố của âm thanh (lời bình, tiếng động, âm nhạc) được sử dụng đồng thời với hình ảnh nhằm thông tin phản ánh cuộc sống.
Lời bình được sử dụng để bổ sung thông tin cho những hình ảnh được thể hiện trên truyền hình nhằm truyền đạt nội dung tư tưởng tác phẩm đến với người xem.
Tiếng động bao gồm âm thanh của thiên nhiên (tiếng mưa rơi, gió thổi…) và âm thanh do con người tạo ra (phỏng vấn hiện trường, âm thanh trong lao động sản xuất, …)
Âm nhạc trong các tác phẩm truyền hình được sử dụng có chọn lọc làm tăng hiệu quả thông tin cho tác phẩm. [34, tr. 19].
Sự kết hợp hài hòa giữa hình ảnh và âm thanh tạo cho truyền hình khả năng chuyển tải các nội dung thông tin về vấn đề xâm hại trẻ em phong phú. Hầu như bất cứ sự kiện, hiện tượng vấn đề gì trong hiện thực đều có thể biểu đạt, phản ánh qua các chương trình truyền hình. Đặc điểm này tạo cho truyền hình một khả năng đặc biệt trong việc đa dạng hóa chức năng, đáp ứng nhu cầu thông tin xã hội.
- Ngƣời dẫn chƣơng trình truyền hình
Người dẫn chương trình truyền hình là người có nhiệm vụ giới thiệu, dẫn dắt khán giả đến với nội dung chương trình phát sóng. Yêu cầu này được nâng cao đối với các chương trình phỏng vấn sâu khách mời đó là người dẫn chương trình đóng vai trò kết nối, tương tác và khơi gợi ý kiến của khách mời thông qua các câu hỏi về một chủ đề nhất định.
Trong bài báo “Dẫn chương trình tin tức trên sóng phát thanh, truyền hình”, tác giả Đinh Thu Hằng đã chỉ ra một số yêu cầu của người dẫn chương trình trong các chương trình bản tin. Người dẫn chương trình phải có trách nhiệm giới thiệu và kết nối các tin bài, phần mục của chương trình; làm rõ bối cảnh, không gian xuất hiện của từng tác phẩm; làm nổi bật ý nghĩa, sức hấp dẫn của từng tin bài; góp phần định hướng tiếp nhận cho công chúng… [6]