1.2. Truyền hình với vấn đề xâm hại trẻ em
1.2.1. Thế mạnh của truyền hình trong hoạt động thông tin, tuyên truyền phòng,
truyền phòng, chống xâm hại trẻ em.
Tại Việt Nam, truyền hình ra đời muộn hơn so với các loại hình báo chí khác, song ngay từ khi ra đời, truyền hình đã chứng tỏ ưu thế vượt trội của mình, thu hút sự quan tâm đông đảo của công chúng.
Phòng, chống xâm hại trẻ em là trách nhiệm của toàn xã hội trong đó có giới truyền thông. Vì vậy, mỗi loại hình báo chí đều có cách khai thác riêng để đạt hiệu quả truyền thông tốt nhất. Tuy nhiên, do đặc trưng về loại hình nên truyền hình có ưu thế hơn các phương tiện truyền khác trong việc đưa tin về các vấn đề xâm hại trẻ em. Điều đó được thể hiện như sau:
Thứ nhất, thế mạnh truyền tải thông tin bằng hình ảnh và âm thanh
Khoa học chứng minh “70 % lượng thông tin con người thu được là qua thị giác, 20% là qua thính giác” [34, tr.15]. Thế mạnh của truyền hình chính là việc truyền tải thông tin đồng thời đến người xem bằng cả hình ảnh và âm thanh. Do đó, truyền hình cùng lúc tác động đến thị giác và thính giác của người xem. Đây là điểm khác biệt của truyền hình so với các loại hình phương tiện khác.
- Lợi thế tạo ấn tượng hình ảnh, tác động mạnh đến cảm xúc của công chúng.
Những hình ảnh động về xâm hại trẻ em luôn có sức hút, ám ảnh người xem về nội dung, hình ảnh cũng như cảm xúc, hoàn cảnh của nhân vật. Phát huy được lợi thế này, truyền hình sẽ có nhiều tác phẩm thành công và hiệu quả tác động đến nhận thức của công chúng. PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh khẳng định: “Truyền hình là loại hình truyền thông tác động vào cảm tính của con người rất mạnh mẽ. Cho nên với bất cứ một hình ảnh nào khi đưa về vấn đề phòng chống xâm hại trẻ em nó đều có tác động trực tiếp đến nhận thức của công chúng. Truyền hình là loại truyền thông hiệu quả nhất khi đưa bất cứ vấn đề gì đặc biệt là vấn đề phòng chống xâm hại trẻ em” (Phỏng vấn sâu, PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh, HV Báo chí và Tuyên truyền).
- Lợi thế âm thanh và hình ảnh tạo sự chân thực, khách quan, sống động của truyền hình trong vấn đề xâm hại trẻ em.
Nếu như công chúng muốn tiếp nhận thông tin về xâm hại trẻ em từ báo in hay báo phát thanh thì công chúng phải đọc, phải nghe sau đó hình dung ra sự kiện. Truyền hình thì khác, truyền hình cung cấp ngay cho công chúng sự kiện một cách chân thực qua hình ảnh và âm thanh sống động. Tính chân thực đã tạo cho người xem độ tin cậy lớn khi đón nhận thông tin mà truyền hình truyền tải. “Thế mạnh của truyền hình là cho khán giả nhìn thấy hình ảnh của sự kiện, đó là chất liệu thông tin nguyên chất nhất của cuộc sống” [33, tr.202]. Những hình ảnh, âm thanh được ghi lại từ nhiều góc độ khác nhau của ống kính máy quay khiến người xem có cảm giác như trực tiếp tham gia vào sự kiện. Thế mạnh về hình ảnh và âm thanh đã làm việc tuyên truyền chống xâm hại trẻ em trên truyền hình tạo được sự tin cậy và có sức thuyết phục khán thính giả hơn.
Như vậy, bằng thế mạnh về hình ảnh và âm thanh, truyền hình đã tạo độ tin cậy, cung thông tin cao cho công chúng, có khả năng tác động mạnh mẽ vào nhận thức của con người.
Thứ hai, thế mạnh về tầng thông tin thứ hai của truyền hình
Tầng thông tin thứ hai là một trong hai yếu tố quan trọng của giao tiếp trên truyền hình. Tác giả Dương Xuân Sơn trong “Giáo trình truyền hình” đưa ra quan niệm rằng: Giao tiếp trên truyền hình là dạng đặc biệt, nó hàm chứa cả yếu tố giao tiếp trực tiếp và giao tiếp gián tiếp... Giao tiếp trên truyền hình thông qua hai tầng thông tin :
Tầng thông tin thứ nhất: Chủ yếu là lời nói, nó có thể là lời nói của người dẫn, người trả lời phỏng vấn, người phát biểu trên truyền hình…
Tầng thông tin thứ hai là các yếu tố biểu cảm như gương mặt, cảm xúc, cử chỉ, bối cảnh… điều này trên báo viết và phát thanh có rất ít [34, tr.195].
Đối với các vấn đề xã hội đặc biệt là vấn đề xâm hại trẻ em trên truyền hình thì việc gửi thông điệp đến khán giả qua tầng thông tin thứ hai là điều cần thiết và quan trọng bởi đó là chất liệu tạo cảm xúc cho khán giả. Tầng thông tin thứ hai là “chất liệu đặc biệt” kết nối đặc biệt cảm xúc của khán giả với nội dung phản ánh.
Bằng thế mạnh truyền tải thông tin qua hình ảnh, âm thanh đồng thời biểu đạt tầng thông tin thứ hai, truyền hình để lại nhiều dấu ấn riêng biệt. Thời gian qua, với việc ngày càng bám sát các vấn đề nóng của đất nước, nâng cao tính chiến đấu với các vấn nạn quốc gia, truyền hình đã và đang ngày càng khẳng định sứ mệnh, trách nhiệm của mình với cộng đồng xã hội. Điều này đã tạo nên thương hiệu riêng của truyền hình trong lòng khán giả nhất là trong bối cảnh cạnh tranh thông tin hiện nay.