1.1. Vấn đề xâm hại trẻ em trong xã hội hiện đại
1.1.4. Vai trò của báo chí trong việc bảo vệ trẻ em, quyền trẻ em
Cùng với những thành tựu to lớn của đất nước sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện, báo chí đã có những chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả tiến bộ. Nền báo chí đã phát triển nhanh cả về số lượng lẫn chất lượng, cả về công nghệ làm báo và trình độ chính trị, chuyên môn, phục vụ đắc lực cho công cuộc đổi mới đất nước, góp phần vào thành tựu chung của đất nước.
Cả nước hiện có 849 cơ quan báo chí, tạp chí in, trong đó có 86 báo Trung ương, 99 báo địa phương, 664 tạp chí và 67 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương, năm đơn vị hoạt động truyền hình với tổng số kênh phát thanh, truyền hình trong nước được cấp phép là 281 kênh; 195 cơ quan báo chí điện tử đã được cấp phép, trong đó có 171 cơ quan báo chí, đài, tạp chí thực hiện loại hình báo chí điện tử; 178 giấy phép được thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp được cấp cho các cơ quan báo chí in, phát thanh, truyền hình để khai thác thế mạnh của loại hình thông tin hiện đại, đáp ứng nhu cầu thông tin trong tình hình mới, nhất là khi thông tin trên mạng xã hội ngày càng có ảnh hưởng đến xã hội [65].
Phòng, chống xâm hại trẻ em là trách nhiệm của toàn xã hội trong đó có các cơ quan báo chí. Trong tổng số 849 cơ quan báo chí ở Việt Nam, tùy vào mục đích tôn chỉ hoạt động của từng cơ quan báo chí mà số lượng tin bài về vấn đề xâm hại trẻ em thông tin ít nhiều. Tuy nhiên có thể thấy các thông tin về xâm hại trẻ em được cập nhật liên tục, hàng ngày ở cả 4 loại hình báo chí đã cung cấp cho công chúng lượng thông tin khổng lồ, toàn diện về vấn đề cấp bách của quốc gia hiện nay.
Là một bộ phận quan trọng của hệ thống các phương tiện truyền thông đại chúng, truyền hình đóng góp vai trò đáng kể trong việc thông tin tuyên truyền chống xâm hại trẻ em. Các chương trình về vấn đề này xuất hiện nhiều về số lượng, đa dạng về hình thức và phong phú về nội dung ở tất cả 67 cơ quan phát thanh truyền hình trong cả nước.
Nhìn chung, thời gian qua, báo chí Việt Nam đã cung cấp cho công chúng bức tranh toàn diện, đa dạng về thực trạng xâm hại trẻ em. Từ sự khẩn trương, liên tục đó mà xâm hại trẻ em đã trở thành mối quan tâm của nhiều người, nhiều ngành
và nhiều gia đình. Thông tin báo chí đưa ra phần nào đã tác động đến nhận thức và làm thay đổi hành vi của người dân về vấn đề nghiêm trọng này. Để có được kết quả này, chúng ta phải khẳng định vai trò to lớn của báo chí trong công cuộc đấu tranh chống xâm hại trẻ em. Vai trò của báo chí chính là báo chí thực hiện các chức năng của nghề báo đối với vấn đề xâm hại trẻ em.
- Thứ nhất, chức năng thông tin của báo chí
Báo chí nhanh chóng, kịp thời bám sát sự kiện, đối tượng để cung cấp cho công chúng những thông tin nhanh nhất về sự việc đã và đang diễn ra có liên quan đến xâm hại trẻ em. Chức năng thông tin đóng vai trò quan trọng và quyết định đối với sự phát triển của mỗi cơ quan báo chí. Trong thời đại bùng nổ thông tin như ngày nay, cuộc cạnh tranh trong việc đưa tin của các loại hình báo chí ngày càng trở nên quyết liệt. Trên thực tế, cơ quan báo chí nào đưa tin nhanh nhất về một sự kiện mới nhất, thu hút được sự quan tâm của công chúng, thì cơ quan đó giành được thắng lợi trong sự cạnh tranh độc giả và bán báo. Vì vậy, thông tin báo chí phải đáp ứng yêu cầu nhanh chóng, chính xác, đảm bảo tính thời sự. “Nhanh chóng và hợp thời là yếu tố làm nên giá trị thông tin báo chí” [34, tr.40].
- Thứ hai, chức năng tuyên truyền, giáo dục
Tuyên truyền phổ biến pháp luật và cung cấp kiến thức, kỹ năng, tạo lập tư tưởng cho người dân về vấn đề phòng, chống xâm hại trẻ em là chức năng quan trọng nhất của truyền hình trong bối cảnh hiện nay.
Xuất phát từ thực tế xã hội, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng xâm hại trẻ em tăng cao như hiện nay là người dân thiếu kiến thức về nhiều mặt như: pháp luật, kỹ năng chăm sóc, giáo dục trẻ em, ứng xử học đường... Chính vì vậy, chức năng tuyên truyền, giáo dục của báo chí sẽ là công cụ để giảm thiểu vấn đề xâm hại trẻ em nhờ hiệu quả của công tác truyền thông.
- Thứ ba, chức năng giám sát và phản biện xã hội
Bên cạnh thông tin, giáo dục, chức năng giám sát xã hội của báo chí là công cụ để đưa các vụ việc xâm hại trẻ em ra ánh sáng, truy tìm trách nhiệm của cơ quan chức năng trong việc chậm trễ xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em.
Trong quá trình giám sát, báo chí khuyến khích người dân phản biện xã hội, đóng góp ý kiến để hoàn thiện chính sách của Đảng, dự thảo luật của Nhà nước, phát huy vai trò của công dân đối với vấn đề lớn của đất nước.
- Thứ tư, báo chí tạo lập và phản ánh luận xã hội
Dư luận xã hội theo định nghĩa của tác giả Mai Quỳnh Nam tại bài báo “Truyền thông đại chúng và dư luận xã hội” là: “Sự thể hiện tâm trạng xã hội, phản ánh sự đánh giá của những nhóm xã hội lớn của nhân dân nói chung về các sự kiện, các hiện tượng tạo nên mối quan tâm chung của người dân. Mối quan tâm này phản ánh lợi ích có tính chất cấp bách trên cơ sở các quan hệ xã hội đang tồn tại” [16]. Theo định nghĩa này: Dư luận xã hội là sự đánh giá tốt, xấu, hay, dở về một vấn đề nào đó được truyền thông đăng tải thông tin. Như vậy, trước bối cảnh thông tin nhiều luồng như hiện nay, trách nhiệm của báo chí là đăng tải thông tin chính thống đồng thời định hướng thông tin nhằm khuyến khích dư luận xã hội bày tỏ quan điểm lên án hành vi xấu và lan tỏa hành động tích cực trong công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em.
Phản ánh dư luận xã hội là việc làm cần thiết của quá trình truyền thông hai chiều về vấn đề xâm hại trẻ em. Dư luận xã hội thể hiện nguyện vọng của đại đa số công chúng đồng thời cũng là cơ sở để đối chiếu kết quả của công tác tạo lập dư luận trước đó.
Như vậy, những yếu tố trên đã khẳng định vai trò và sức mạnh to lớn của báo chí trong công tác đấu tranh chống xâm hại trẻ em thời gian qua. Nhờ công tác truyền thông mà vấn đề xâm hại trẻ em đã tác động một cách mạnh mẽ và sâu rộng đến nhận thức và hành vi của nhiều người, nhiều ngành, nhiều gia đình trong xã hội.
Truyền hình là một bộ phận của báo chí vì vậy vai trò của truyền hình đối với công tác chống xâm hại trẻ em chính là chức năng của báo chí đã được phân tích ở trên, bao gồm: chức năng thông tin, chức năng tuyên truyền, giáo dục, chức năng giám sát và phản biện xã hội, chức năng tạo lập và phản ánh dư luận xã hội.