Cơ sở pháp lý trong việc chăm sóc và bảo vệ trẻ em

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vấn đề xâm hại trẻ em trên truyền hình việt nam hiện nay (Trang 30 - 32)

1.1. Vấn đề xâm hại trẻ em trong xã hội hiện đại

1.1.3. Cơ sở pháp lý trong việc chăm sóc và bảo vệ trẻ em

Tại Việt Nam, công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em được Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ đạo thông qua đường lối, chủ trương, chính sách thông qua các văn kiện và nghị quyết đại hội đảng từ các kỳ đại hội. Ngay từ khi mới thành lập và thông qua Cương lĩnh chính trị đầu tiên, Đảng ta đã đặc biệt nhấn mạnh đến nguyên tắc “nam nữ bình quyền” [1, tr. 1] như là cơ sở của sự giải phóng phụ nữ, trao quyền bình đẳng cho phụ nữ, đồng thời cũng khẳng định quyền bình đẳng giữa trẻ em gái và trẻ em trai, chống mọi hình thức phân biệt đối xử dựa trên giới tính và lứa tuổi. Những tư tưởng tiến bộ về quyền bình đẳng và không phân biệt đối xử - một trong những nguyên tắc nền tảng của chuẩn mực quốc tế và Liên hợp quốc về quyền con người - đã tiếp tục được khẳng định trong những văn kiện tiếp theo của Đảng. Mới đây nhất là báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng nhấn mạnh: “Thực hiện tốt chiến lược dân số, gia đình, chương trình hành động vì trẻ em..., đầu tư nâng cao chất lượng dân số, chỉ số phát triển con người, bảo đảm tổng tỉ suất sinh thay thế, giảm dần sự mất cân bằng tỉ lệ giới tính khi sinh và bảo đảm quyền trẻ em” [54]. Như vậy, có thể khẳng định rằng công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em, bảo vệ quyền trẻ em là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng, nhiệm vụ này được thể hiện xuyên suốt, gắn liền với các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Nhà nước là đơn vị có trách nhiệm cụ thể hóa chính sách, đường lối của Đảng thông qua pháp luật, kế hoạch, chương trình hành động để thực hiện trong toàn xã hội. Bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946 đã ghi nhận sự bảo đảm quyền trẻ em, đó là: “Trẻ con được săn sóc về mặt giáo dưỡng” [27, tr. 3] . Quan điểm nhất quán về chăm lo và bảo đảm quyền trẻ em được thể hiện xuyên suốt trong các bản Hiến pháp 1959, 1980, 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001), 2013 [26] [25] [24] [23]. Cụ thể như tại khoản 1, điều 20, Hiến pháp 2013: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm [23].

Thực hiện đường lối của Đảng, công tác về bảo vệ trẻ em được cụ thể hóa trong các quy định pháp luật, bộ luật dành riêng cho trẻ em. Có thể kể đến như: Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004, Luật Giáo dục sửa đổi (2006), Luật Bình đẳng giới (2006), Luật phòng chống bạo lực gia đình năm 2007, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và Luật trẻ em năm 2016 [29] [30] [31]… và các quy định liên quan đến trẻ em trong các bộ luật khác. Tất cả những quy định trong các bộ luật này đều có mục đích tạo hành lang pháp lý an toàn để trẻ em phát triển thể chất và tâm hồn, phẩm cách.

Để tăng cường các biện pháp bảo vệ và chăm sóc trẻ em, năm 1989, Việt Nam tham gia ký kết các điều ước quốc tế về quyền con người nói chung và quyền trẻ em nói riêng, đặc biệt là Công ước về quyền trẻ em của Liên hợp quốc năm 1989 và hai Nghị định thư bổ sung năm 2000, Nhà nước Việt Nam đã tích cực nội luật hóa các quy định của hệ thống pháp luật quốc tế về quyền trẻ em vào trong hệ thống pháp luật quốc gia, đồng thời đẩy mạnh triển khai, thực thi chính sách bảo đảm quyền trẻ em [45].

Đường lối của Đảng, chính sách pháp luật, quy định, nghị quyết của Nhà nước, chỉ đạo thực hiện của các ban ngành, công ước quốc tế về quyền trẻ em đều hướng đến mục tiêu chung là bảo vệ trẻ em, chống lại các hành vi xâm hại đến thể chất và tinh thần của trẻ em. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để cộng đồng cũng như báo chí tăng cường các hoạt động thiết thực ngăn ngừa hành vi xâm hại trẻ em.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vấn đề xâm hại trẻ em trên truyền hình việt nam hiện nay (Trang 30 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(142 trang)