Tiêu chí đánh giá nội dung tác phẩm

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vấn đề xâm hại trẻ em trên truyền hình việt nam hiện nay (Trang 43 - 44)

1.4. Tiêu chí đánh giá tác phẩm truyền hình phản ánh về vấn đề xâm hại trẻ

1.4.1. Tiêu chí đánh giá nội dung tác phẩm

Trong hoạt động báo chí, thông tin là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, quyết định sự phát triển của mỗi cơ quan báo chí. Tuy nhiên, không phải thông tin nào cũng được báo chí đặc biệt là truyền hình phản ánh mà thông tin phải đáp ứng được một số tiêu chí cơ bản. Trong tác phẩm Giáo trình báo chí truyền hình (2009), tác giả Dương Xuân Sơn đã chỉ ra 4 tiêu chuẩn cơ bản của tin truyền hình bao gồm: đó phải là một thông tin; đó phải là một thông tin mới lạ; thông tin phải hấp dẫn độc giả; thông tin phải nhất quán với cơ quan báo chí [34, tr.149]. Ngoài ra, tác giả cũng cho rằng : “thông tin trong truyền hình thường mang tính cụ thể, dễ hiểu bằng hình ảnh, âm thanh, có tính thuyết phục cao”[34, tr. 17]. Để cụ thể hóa các tiêu chí chung về yếu tố nội dung thông tin của tác phẩm truyền hình, tác giả giải thích thêm như sau:

- Thông tin trên truyền hình phải là các thông tin mới. Thông tin mới là thông tin công chúng chưa biết và cần được cung cấp bởi các nhà báo, các cơ quan báo chí. Thông thường, các thông tin mới về sự kiện trên truyền hình hiện nay hay được sử dụng cùng thông tin cũ để tái hiện quá trình sự kiện cho công chúng dễ theo dõi.

- Thông tin trên truyền hình dễ hiểu, phổ thông, nội dung không quá hàn lâm khiến công chúng khó tiếp cận vấn đề.

- Thông tin trên truyền hình nằm trong mối quan tâm của đông đảo công chúng. Truyền hình cần phản ánh những vấn đề ảnh hưởng đến lợi ích của số đông người dân trong xã hội, đó là vấn đề công chúng quan tâm.

- Thông tin trên truyền hình phải nhất quán với quan điểm của cơ quan báo chí. Mỗi cơ quan báo chí đều có vai trò, nhiệm vụ riêng, quy định đối tượng phục vụ riêng nên việc chọn thông tin phù hợp với tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí là điều cần lưu ý với các nhà báo ngay từ khâu đầu tiên là lựa chọn thông tin.

- Đối với các chương trình có thông tin về trẻ em cần đảm bảo đúng quy định về pháp luật, đạo đức báo chí. Đó là: Truyền hình phải đảm bảo giữ bí mật thông tin cá nhân cho trẻ em. Nếu đăng thông tin phải được sự đồng ý của người giám hộ và bản thân các em. Ngoài ra, thông tin về vấn đề xâm hại không được khai thác quá sâu, quá chi tiết tránh khơi lại nỗi đau cho các em.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vấn đề xâm hại trẻ em trên truyền hình việt nam hiện nay (Trang 43 - 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(142 trang)