Ngôn ngữ đậm chất triết lí

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Hiện thực chiến tranh trong Miền hoang của Sương Nguyệt Minh và Mùa chinh chiến ấy của Đoàn Tuấn (Trang 128 - 132)

5. Cấu trúc luận văn

3.3. Ngôn ngữ trần thuật

3.3.4. Ngôn ngữ đậm chất triết lí

Văn học sau năm 1975 là sự nhận thức lại hiện thực nên chứa đựng rất nhiều băn khoăn, trăn trở của nhà văn trước cuộc đời và con người. Văn học thời kì này

vươn tới sự khái quát, triết luận về con người, về cuộc đời,… Đặc biệt, với những người từng trải như Sương Nguyệt Minh và Đoàn Tuấn, những triết lí, suy luận càng trở nên sâu sắc. Họ là những người từng tham chiến, là những người trở về sau cuộc chiến, chính vì vậy trong mỗi câu chuyện của họ không chỉ là hiện thực chiến trường mà đó là còn là những suy tư, chiêm nghiệm của người cầm bút, những thông điệp được viết lên trong hiện thực chiến tranh khốc liệt. Với lớp ngôn ngữ triết lí, chiêm nghiệm, mỗi trang viết của Đoàn Tuấn và Sương Nguyệt Minh không chỉ mang đến thông tin và còn đặt ra bao điều phải nghĩ về cuộc đời, về chiến tranh, về người lính, về lẽ sống… Những chiêm nghiệm, triết lí ấy mang đến cho người đọc một cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc chiến đã qua.

Trong Miền hoang, ở mỗi góc nhìn khác nhau, mỗi nhân vật có những chiêm nghiệm riêng của mình về cuộc chiến đang diễn ra. Với Tùng - một người lính tình nguyện cầm súng chiến đấu trên chiến trường Campuchia, khi nếm trải đủ cay đắng, cơ cực, Tùng đủ trưởng thành để nhận ra: “Con người lúc sống hung hãn, tranh giành, thanh toán, đòi nợ. Lúc chết hồn vía bay mất chẳng còn khả năng bảo vệ thân xác. Các cô hồn đang lẩn khuất trong đền tháp này, nhìn thấy kên kên đang rỉa xác mình, nếu sống lại họ có tiếp tục cầm súng tương tàn, sát phạt nhau nữa không?”

[52, tr.382]. Khi bản thân rơi vào cảnh lạc rừng, một mình đơn độc, anh hiểu sâu sắc hơn về cuộc chiến, về thân phận người lính trong chiến tranh: “Quân tình nguyện Việt Nam có thể cứu cả một dân tộc Khmer thoát khỏi nạn diệt chủng, nhưng chưa chắc có thể cứu được một người lính của quân đội mình bị lạc rừng hay bị đối phương bắt.” [52, tr.553]. Sương Nguyệt Minh không chỉ để Tùng chiêm nghiệm về cuộc chiến, về người lính, với kẻ thù của mình, Tùng cũng có những suy nghĩ vô cùng sâu sắc và nhân hậu: “Chiến tranh lôi cả đàn bà cầm súng. Nếu không thời chiến thì chắc chắn nàng ta đã ở nhà đẻ một bầy con, nuôi chúng nó khôn lớn rồi hành nghề bác sĩ, kĩ sư. Đàn bà đi đánh nhau rồi tịt đẻ cho mà xem. Khốn nạn chưa!” [52, tr.126]. Sương Nguyệt Minh luôn dành sự ưu ái cho người phụ nữ, đặc biệt là những người phụ nữ trên chiến trường. Nhà văn có thể khái quát một cách chân thực và sâu sắc về người phụ nữ: “Phụ nữ thời nào cũng nhân hậu và phụ nữ thời nào cũng là dịu dàng. Cái chất yếu ớt của giống cái làm nên cái sự dịu dàng của đàn bà. Dù là nữ binh

Khmer Đỏ nhưng cô ý tá câm cũng không thoát được cái thiên tính bẩm sinh của giống loài” [52, tr.175]. Không chỉ có cái nhìn thấu đáo về con người, Sương Nguyệt Minh đồng thời cũng có những chiêm nghiệm sâu sắc về chiến tranh, về sự sinh tồn:

“Chiến tranh là mạnh được yếu thua. Phải biết trân trọng từng giọt sống, nhưng cũng phải biết tận dụng mọi cơ hội sống. Đôi khi trong chiến trường, con người phải ác để tồn tại, thì cái thiện ở chiến trường có đất sống không? Điều cốt tử của mình là tồn tại, tồn tại trước đã thì mới tính chuyện nhân nghĩa, được mất” [52, tr.241]. Có thể nói, chiến tranh là một hiện thực nghiệt ngã và đau đớn đối với mỗi con người. Thế nhưng, với Lục Thum và Rô, họ lại có một cách nhìn khác về cuộc chiến. Triết lí của họ là triết lí về một xã hội chủ nghĩa kiểu mới: “Angkar chúng tao xây dựng xã hội chủ nghĩa cộng sản ở Campuchia không cần thứ sách vở nhảm nhí của bọn trí thức thằng Duol ạ” [ 2, tr.159]. Triết lí ấy đã lột tả sự ngu muội, cuồng tín của bọn Pol Pot. Chính những tư tưởng như vậy đã dẫn đất nước Campuchia lội ngược dòng văn minh về với thời kì mông muội, đen tối.

Bằng sự trải nghiệm của một người lính trực tiếp cầm súng, Sương Nguyệt Minh đã khái quát những triết lí sâu sắc về cuộc chiến ở cả hai phía địch và ta. Từ đó, Sương Nguyệt Minh đã cho thấy sự cởi mở trong suy nghĩ, sự sắc sảo trong tư duy, cách tiếp cận và lí giải vấn đề. Chiêm nghiệm, triết lí trong sáng tác của Sương Nguyệt Minh đã giúp người đọc có cách nhìn sâu sắc hơn về cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc.

Trong Mùa chinh chiến ấy của Đoàn Tuấn, chất suy tư được rải đều trong mỗi trang viết. Mỗi câu chuyện được kể lại không chỉ là hiện thực chiến trường, mà đằng sau đó là những suy tư, trăn trở của người cầm bút. Đó là cái tôi luôn tự vấn, trăn trở, là một cuộc mổ xẻ toàn diện của người viết hồi ký. Chính vì vậy, ở Mùa chinh chiến ấy, Đoàn Tuấn đã tạo nên chiều sâu triết lí trong cuốn hồi ký của mình. Từ bức tranh sinh hoạt của người lính, Đoàn Tuấn đã khái quát thành những bài học sống sâu sắc. Chẳng hạn, câu chuyện về cái bật lửa vĩ đại là những chiêm nghiệm về đời người; đốt vỏ trai làm vôi, tiếng hát kì diệu là khát vọng hoà bình, sự hồi sinh của sự sống; cả đêm múc nước mang đến bài học về sự kiên trì, nhẫn nại,… Những câu chuyện ấy không chỉ tái hiện lại bức tranh sinh hoạt của người lính ở chiến

trường mà còn là những triết lí sâu sắc về cuộc sống được khái quát từ những trải nghiệm của bản thân nhà văn. Chính những chiêm nghiệm ấy khiến cho hiện thực chiến trường trở nên chân thực hơn, đa chiều hơn.

Mặt khác, không ít lần Đoàn Tuấn suy tư về người lính: “Những người lính, họ như nước, như gió. Họ luôn tìm cách chảy, cách đi, tìm cách vận động. Có bao giờ nước và gió đứng yên đâu. Ngay nước ao tù, cứ tưởng bất di bất dịch, nhưng trong lòng đất vẫn có nhiều mạch ngầm âm ỉ. Và gió nữa. Ngay lúc này, chỗ này, ngỡ không có gió. Nhưng thử lên cao, đúng chỗ đó, lúc đó, gió vẫn thổi không ngừng. Giá được quan tâm hơn, sẽ không có chuyện lính tráng vào phum xin thuốc rê. Lính tráng, suy cho cùng, cũng là những con người rất đỗi bình thường mà thôi”

[96, tr.172]. Những chiêm nghiệm ấy khiến người đọc hiểu hơn về người lính. Họ là những con người bình thường, họ không phải những thánh nhân, họ không gánh trên vai những trọng trách dời non lấp bể. Hình tượng người lính vì thế trở nên gần gũi hơn, đời thường hơn.

Trong hiện thực chiến trường vô cùng khốc liệt, khi sự sống mong manh và con người luôn phải đối diện với cái chết, điều này đã khiến người lính trẻ luôn trăn trở, suy tư. Khi chứng kiến sự hi sinh của đồng đội, khi người sống kháo nhau về những linh hồn người chết, Đoàn Tuấn đã tự cật vấn: “Người sống và người chết cùng tồn tại bên nhau. Có ích gì không? Người sống bị ám ảnh người chết. Còn người chết cũng quyến luyến người sống. Lính Pháp có linh mục cầu nguyện. Lính Mỹ có những cha tuyên úy quân đội rửa tội. Lính mình có ai không? Ai đón những linh hồn tử sĩ? Ai dẫn đường cho họ về quê hương? Ai cầu nguyện cho họ? Hình như, đời sống tâm linh của những người lính chúng tôi vẫn hoang mang một khoảng trống” [96, tr.229]. Và khi chứng kiến bao nhiêu đồng đội nằm xuống chiến trường K, Đoàn Tuấn đã khái quát: “Đời lính thế đấy. Nay sống mai chết. Chẳng biết thế nào. Như chiếc lá bên đường. Chiến tranh đi qua. Tiện tay bứt một cái. Vứt đi. Thế là xong. Trai thời loạn, gái thời bình, phải chăng là thế? Đời người trải qua bốn đoạn, sinh - lão - bệnh - tử. Được có tuổi già, được có ngày dưỡng bệnh, đó là hạnh phúc. Nhưng lính tráng chỉ có sinh và tử” [96, tr.240]. Không ít lần, Đoàn Tuấn trăn trở về lẽ sống của người lính: “Đời lính đấy. Chưa đi hết cuộc chiến đã đi

qua một kiếp người” [96, tr.240]. Chuyện sinh tử trở thành sự chiêm nghiệm của Đoàn Tuấn khi phải chứng kiến quá nhiều sự hi sinh của đồng đội: “Trong cuộc chiến không có gì được báo trước, sự sống và cái chết chỉ trong tích tắc, một phút lơ đễnh rất đời, một giây xúc cảm rất người cũng khiến họ từ giã tuổi thanh xuân tươi trẻ. Cái chuyện sinh - tử ở chiến trường, đúng là từng giây. Giây trước sống, giây sau đã chết. Thoáng qua. Đơn giản” [96, tr.286]. Dường như, đây là nỗi ám ảnh lớn nhất của Đoàn Tuấn bởi lẽ chưa ở đâu lính ta lại hi sinh nhiều như khi chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Những khái quát của Đoàn Tuấn đã phơi bày bộ mặt của chiến tranh, tô đậm thêm hiện thực chiến trường và khơi dậy ở phía người đọc những xót xa, đau đớn về một giai đoạn lịch sử đau thương của dân tộc.

Có thể nói, giọng điệu triết lí, chiêm nghiệm được Sương Nguyệt Minh và Đoàn Tuấn ưa chuộng. Bởi xét cho cùng, họ là những người đi ra từ cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam. Bản thân họ bước ra khỏi cuộc chiến với những kinh nghiệm, những chiêm nghiệm được đánh đổi bằng xương máu, với những vốn thực tế dày dặn. Chính vì vậy, những trang viết của họ vừa chân thực, vừa sâu sắc giống như thứ men say đã lắng lại, luôn hấp dẫn, lôi cuốn người đọc.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Hiện thực chiến tranh trong Miền hoang của Sương Nguyệt Minh và Mùa chinh chiến ấy của Đoàn Tuấn (Trang 128 - 132)