Hình tượng người lính trở về sau chiến tranh

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Hiện thực chiến tranh trong Miền hoang của Sương Nguyệt Minh và Mùa chinh chiến ấy của Đoàn Tuấn (Trang 76 - 79)

5. Cấu trúc luận văn

2.2. Hình tƣợng ngƣời lính Việt Nam

2.2.2. Hình tượng người lính trở về sau chiến tranh

Có thể nói, khi bước vào cuộc chiến chống lại họa diệt chủng Pol Pot trên chiến trường Campuchia, người lính tình nguyện Việt Nam đã phải gánh chịu những tổn thất nặng nề, đau đớn và ám ảnh. Hiện thực chiến trường khốc liệt đã đẩy họ vào những hoàn cảnh bi kịch như Đoàn Tuấn khái quát: “Đời lính thế đấy. Nay sống mai chết. Chẳng biết thế nào. Như chiếc lá bên lề đường. Chiến tranh qua đi. Tiện tay bứt một cái. Vứt đi. Thế là xong. Đời lính đấy. Chưa đi hết một cuộc chiến đã đi qua một kiếp người” [96, tr.240]. Những người chết nằm xuống ở nơi chiến trường hoang lạnh, còn người sống phải gánh chịu những tổn thương về thể chất và những dư chấn khủng khiếp về tinh thần. Ngoài những trang viết nói về sự khốc liệt của chiến tranh, những biến cố trong cuộc đời nhân vật, tác giả còn xoáy sâu vào nỗi đau, sự mất mát của con người để người đọc hiểu được cái giá mà chúng ta phải trả cho chiến thắng, tác giả cho chúng ta thấy được mặt trái của chiến tranh, những góc khuất nhân tính của người chiến sĩ… Các nhà văn đã không hề né tránh sự thực đau lòng ấy, họ đã viết bằng những gì mắt thấy tai nghe, viết bằng những trải nghiệm sâu sắc của người trong cuộc. Hiện thực chiến tranh vì thế có sức khái quát cao hơn và người đọc có cơ hội nhìn vào bề sâu của cuộc chiến.

Bước chân ra khỏi cuộc chiến, người lính phải gánh chịu những tổn thương về thể chất. Họ có thể mất đi một cánh tay, một đôi chân,… Họ chiến đấu hết mình, nhưng chiến tranh đã lấy đi của họ một phần cơ thể. Như trường hợp của anh Thà trong Miền hoang, bom đạn đã làm mất đi một chân của anh và để lại trong đầu anh một mảnh vỏ gang mìn để mỗi khi trái gió trở trời anh lại phải gồng mình trong những cơn đau. Trong Mùa chinh chiến ấy, Đoàn Tuấn cũng không né tránh hiện thực này. Những người đồng đội của ông, người mất một chân, người mất hai chân

như trường hợp của Lâm, Châu, Công… họ trở về với thân hình không còn lành lặn. Quả thực, chiến tranh đã lấy đi của họ quá nhiều. Và những tổn thương về thể chất ấy sẽ còn đeo bám họ mãi mãi.

Thế nhưng, khủng khiếp nhất chính là những dư chấn tinh thần mà người lính phải gánh chịu khi chiến đấu trên chiến trường K. Trong đó phải kể đến trường hợp của anh Mạnh trong Mùa chinh chiến ấy. Cái chết của tên địch ảnh hưởng sâu sắc đến thần kinh của Mạnh và sau vụ ấy “Anh hút thuốc rất nhiều. Nửa đêm, choàng dậy, đi lung tung trong đơn vị. Vừa đi vừa hô khẩu hiểu. Và Mạnh tự huyễn rằng mình đã tốt nghiệp trường sĩ quan quân sự Liên Xô! Có những đêm, Mạnh không ngủ. Anh cứ ngồi bó gối như ông già suốt đêm. Có những lúc lên cơn hưng phấn, Mạnh múa may quay cuồng như người điên” [96, tr.191]. Từ một người lính yêu đời, từ một người thanh niên tràn trề nhựa sống, anh rơi vào trạng thái trầm cảm, thậm chí không kiểm soát được hành động của mình. Cái chết của tên tù binh luôn ám ảnh anh, dằn vặt anh: “Có lẽ anh đã tra tấn hắn quá tay, lại tận mắt chứng kiến cái chết của hắn”. Bấy nhiêu như thế đủ ám ảnh cuộc đời của một con người, tạo thành vết hằn sâu trong tâm trí người lính như Mạnh. Mặc dù Mạnh được đi điều trị nhưng trong đôi mắt anh vẫn thăm thẳm buồn: “Mạnh ứa nước mắt, lặng lẽ cúi đầu đi trước hai lính thông tin đi kèm”. Mặc dù có thể sống và trở về, nhưng “hội chứng chiến tranh”, những vết thương sâu trong lòng ấy vẫn còn ám ảnh và chẳng bao giờ để anh được yên. Đó là nỗi đau, đó là bi kịch. Mặc dù “Ai cũng thông cảm với Mạnh”, nhưng những gì chiến tranh để lại có thể sẽ đeo bám mãi, nó sẽ còn hành hạ anh, cái phần đời phơi phới và tâm hồn nồng nhiệt của một người lính đã bị khắc “một vết thương sâu” không bao giờ lành nữa. Đi sâu vào tâm tư, tình cảm, vào nỗi đau của nhân vật, tác giả đã tái hiện lại những năm tháng chiến tranh khốc liệt vừa qua. Có thể nói, Đoàn Tuấn đã dựng lại chiến tranh bằng nước mắt, bằng đau thương, bằng những tổn thương tinh thần sâu sắc. Ở đó, cái chết không phải là tận cùng của bi kịch và những dư chấn tinh thần không chỉ đeo bám người lính ở trên chiến trường. Có những người lính khi trở về, họ cũng chịu đựng những ám ảnh, giày vò,… Đó là những vết thương không liền da, những vết sẹo chưa kịp lên da non, là những nỗi đau âm ỉ và dai dẳng, là những di chứng còn để lại sau mỗi

cuộc chiến, theo họ trong suốt quãng đời còn lại. Trong Miền hoang, Sương Nguyệt Minh đã kể lại trường hợp của anh Thà. Bước chân ra khỏi cuộc chiến, trở về với cuộc sống đời thường, Thà có những triệu chứng về tâm thần bởi mảnh vỏ gang mìn vẫn nằm trong đầu anh, hành hạ anh, khiến anh không thể sống như những người bình thường khác. Thực sự, những dấu ấn, sự tàn phá của chiến trường K vẫn cứ đeo bám người lính ngay cả khi họ được trở về với quê hương, gia đình của mình. Bản thân Tùng, chàng trai Hà Thành trẻ trung ấy sau khi thoát khỏi sự tra tấn của bọn tàn quân Pol Pot, sau khi thoát khỏi những ngày tháng khủng khiếp của đói rét trong rừng sâu cũng đã phát điên. Tùng đã đi qua cuộc chiến, đã vật lộn, khổ nhục trong bể ngục hầm sâu của cửa tử, bao thây người bỏ lại, bao đau đớn nặng mang để đến trang cuối cùng của tiểu thuyết, nhân vật chính rốt cuộc cũng mò ra được cái “bến” mà không bị đầm lầy nuốt chửng, thoát ra được ma trận rừng xanh, thoát khỏi đám người tàn phế cả thể xác lẫn tâm hồn để tìm được “một đường nhựa đi Siêm Riệp, Biển Hồ” [52, tr.630]. Tưởng đến với cõi sống sau những tháng ngày vật lộn, nhưng Tùng lại sa vào một cơn mê mới - anh lạc ngay trong chính thời bình, khi chiến tranh đi qua. Rồi đây, cuộc sống của Tùng sẽ thế nào khi trở về với cuộc sống thời bình, nhưng trong đầu óc Tùng bây giờ là “Một người rừng nữa! Một dã nhân nữa! Một người rừng nữa!... Những hình ảnh quái đản nhảy múa như lên đồng trong mắt anh” [52, tr.631]. Những bóng ma đi theo Tùng ở mọi nơi cho dù anh đã được an toàn và cứu sống. Đó là những ám ảnh, đó là những chấn thương tâm lí mà mỗi người lính phải “gánh theo” khi họ trở về.

Trong Mùa chinh chiến ấy, “Ngày về” của những người lính khiến người đọc không khỏi xót xa. Họ lạc lõng trên chính quê hương của mình. Hình ảnh hai anh lính mới xa Hà Nội chỉ mới vài năm, ấy vậy mà đã quên khuấy đi việc không được đứng giữa đường tán chuyện, không như lúc ở quân ngũ. Tuy đó chỉ là biểu hiện rất nhỏ của sự lãng quên, song dường như chi tiết ấy đã khiến người đọc phải suy ngẫm. Có lẽ, họ đã không còn bắt kịp với cuộc sống hiện đại. Rời chiến trường, họ phải bắt đầu với những thứ đang đổi thay. Và không ít người lính đã rơi vào bi kịch lạc lõng. Với thiếu úy Đoàn Tuấn, dư âm ngày về sau chiến tranh là sự lạc lõng, chênh vênh vì cố hòa nhập với cuộc sống cộng đồng. 5 năm đi bộ trong rừng biên

giới, về nhà, ông và nhiều đồng đội quên cách đi xe đạp. Sống trong rừng, ngủ bằng võng, lều đã quen, ông lạ lẫm với giường và ngôi nhà chật chội. Đi trên đường, ông luống cuống vì nỗi ám ảnh giẫm bom mìn cứ thường trực. Trong giấc ngủ, tâm trí người lính vẫn văng vẳng tiếng súng bắn, bom rơi. Trở về với cuộc sống đời thường, những người lính năm xưa phải gánh chịu những chấn thương tinh thần khủng khiếp.

Quả thực, chiến tranh đã lấy đi quá nhiều ở những người lính. Sự khốc liệt của chiến tranh không chỉ dừng lại trong cuộc chiến, ngay cả khi con người ra khỏi chiến tranh thì họ vẫn phải gánh chịu những nỗi đau dai dẳng về thể chất và tinh thần. Những người lính của Đoàn Tuấn từng lăn lộn trong chiến tranh, đã từng có một thời oanh liệt, nhưng giờ đây khi trở về với cuộc sống thời bình, họ trở nên lạc lõng. Họ là những con người “không đi ra nổi khỏi cuộc chiến khi chiến tranh đã kết thúc”, họ là những người bị “cầm tù” vĩnh viễn trong chiến tranh. Cuộc chiến đã kết thúc nhưng họ bị ám ảnh, những vết thương trong tâm hồn họ không lành sẹo mà mãi rỉ máu. Điều đó cũng chính là tiếng nói tố cáo tội ác của chiến tranh một cách đanh thép nhất. Chiến tranh kết thúc dù 10 năm, 20 năm hay lâu hơn nữa thì hậu quả của nó để lại vẫn nặng nề và dai dẳng. Và hôm nay, những người lính như Đoàn Tuấn, như Sương Nguyệt Minh dù đã “giã từ vũ khí” trở về với cuộc sống đời thường nhưng họ vẫn không thôi trăn trở, họ cầm bút để viết nên những sự thật xé lòng, những nỗi đau dai dẳng mà người lính Việt phải chịu đựng khi cuộc chiến đã kết thúc. Đó cũng chính là sự thấu hiểu, sự tri ân với những người lính tình nguyện Việt Nam chiến đấu nơi đất khách quê người.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Hiện thực chiến tranh trong Miền hoang của Sương Nguyệt Minh và Mùa chinh chiến ấy của Đoàn Tuấn (Trang 76 - 79)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(146 trang)