Chiến trường dữ dội, khốc liệt

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Hiện thực chiến tranh trong Miền hoang của Sương Nguyệt Minh và Mùa chinh chiến ấy của Đoàn Tuấn (Trang 39 - 47)

5. Cấu trúc luận văn

2.1.1. Hoàn cảnh chiến trường

2.1.1.1. Chiến trường dữ dội, khốc liệt

Hiện thực chiến tranh trước 1975 là hiện thực lí tưởng, là hiện thực của những biến cố, sự kiện. Sau năm 1975, hiện thực chiến tranh đã được tái hiện chân thật, gần gũi hơn, đó là hiện thực tồn tại như nó đang có, là hiện thực của số phận con người. Các nhà văn viết về chiến tranh đã chú ý về tính chân thực của chiến tranh. Chiến tranh hiện lên với tất cả bề rộng, bề xa, và bề sâu của nó. Chiến tranh không chỉ là những ánh hào quang, không chỉ là những người anh hùng, không chỉ là những chiến thắng oanh liệt. Chiến tranh phải được nhìn một cách đa diện hơn, chân thực hơn.

Cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam diễn ra năm 1979 là một cuộc chiến đặc biệt. Người lính vừa bảo vệ giữ gìn từng tấc đất nhưng cũng vừa thực hiện nhiệm vụ quốc tế cứu dân tộc Campuchia trước hiểm họa diệt chủng do chính nhà cầm quyền của họ gây ra trên đất nước họ. Sau 40 năm, với độ lùi thời gian cần thiết, các nhà văn có thời gian để suy ngẫm, để chiêm nghiệm và viết về chiến tranh với sự khách quan nhất. Trong những trang viết của mình, họ nói đến vẻ đẹp của những con người trong chiến tranh, tình đồng chí, đồng đội thiêng liêng. Họ cũng không phủ nhận sự bi tráng của cuộc chiến bảo vệ biên giới của Tổ quốc và thực hiện nghĩa vụ quốc tế thiêng liêng. Tuy nhiên, các nhà văn không hề né tránh hiện thực mà trong hiện thực ấy chính là sự khốc liệt của chiến trường, của hi sinh mất mát,…Miền hoang của Sương Nguyệt Minh và Mùa chinh chiến ấy của Đoàn Tuấn mở ra cho người đọc hôm nay một hướng tiếp cận mới về chiến tranh, đặc biệt là hiện thực chiến trường với tất cả sự dữ dội và khốc liệt của nó.

Hiện thực chiến tranh được tái hiện ngay ở phần mở đầu của cuốn tiểu thuyết của Sương Nguyệt Minh: “Quân tình nguyện Việt Nam tác chiến ở chiến trường K

tựa hồ như cuộc chiến trên cái đầm lầy khổng lồ miền nhiệt đới. Càng về cuối chiến tranh, hình thái tác chiến càng thay đổi, cái đại quân dần dần rút về nước…chiến tranh du lích nhùng nhằng, nhỏ lẻ, cò cưa dai dẳng, quân số hai bên cứ thế hao hụt dần, để rồi lại bổ sung lính, lại chết…lại bổ sung”. [52, tr.6]. Trong cuộc chiến ấy, người lính phải xông pha nơi mũi tên hòn đạn, đối diện với những khó khăn, những thiếu thốn, những ốm đau bệnh tật, chống chọi với bom đạn hủy diệt của kẻ thù và “chiến đấu” với thiên nhiên hoang độc, chứa đầy bí ẩn và rồi lại chết… lại bổ sung

không biết bao nhiêu mà kể. Quả thực, sự khốc liệt của chiến trường Campuchia không sao mà kể, chỉ có thể khẳng định đó là hiện thực vô cùng khốc liệt như những khái quát của Sương Nguyệt Minh trong những trang cuối Miền hoang: Ra trận không phải bảo vệ đất nước mình và viễn chinh ở một nơi xa xôi, mù mịt. Cái nơi kẻ thù lạ mặt không còn xâm phạm bờ cõi mình. Lãnh thổ, địa hình lạ hoắc. Khí hậu chưa bao giờ nếm trải. Ngôn ngữ bất đồng v.v...Người lính đơn độc chiến đấu trong vòng vây, trong những tập kích, quấy nhiễu kinh thiên động địa của bọn lính thiện chiến áo đen”. [52, tr.551].

Hiện thực chiến trường được ghi dấu là trận chiến khốc liệt giữa quân tình nguyện Việt Nam và lính Pol Pot. Trong cuộc chiến sinh tử với kẻ thù, người chiến sĩ trải qua rất nhiều những trận đánh cam go, ác liệt. Cả Sương Nguyệt Minh và Đoàn Tuấn đều không quên ghi lại những giây phúc chiến đấu ác liệt ấy. Trong

Miền hoang, sự ác liệt hiện hữu ngay trong những trang viết đầu tiên, trong trận tấn công ồ ạt của kẻ thù: “Một đợt cối cá nhân nữa chóc vào các vật cản, và nơi chúng tôi lợi dụng địa hình địa vật ẩn nấp. Khi đó, một tốp lính áo đen lặng lẽ bò đến quá gần, mới bắn. Đạn cày xuống đất màu gan gà và bắn thẳng vào thạch tháp viên trượt viên phá toe toét đá. Đạn tằng tằng xé tơi tả cành lá và ghim vào cây bóc toác ra những mảnh vỏ ứa nhựa tươi” [52, tr.16]. Bom đạn dội xuống, “đạn cày”, “đạn tằng tằng xé tơi tả” của kẻ địch đủ sức tiêu hủy mọi thứ, đẩy quân ta vào tình trạng chống cự yếu ớt và gánh chịu những tổn thất nặng nề. Cũng có thể là những trận đánh một sống một còn giữa quân ta và quân địch: “Giờ nổ súng. Tôi thấy từ phía sau các hướng, đạn bay đỏ trời, nhằm quả đồi rơi xuống. Những tiếng nổ xé tai, như tiếng B-52 ngày bé tôi nghe ở Hà Nội. Đất dưới chân cũng rung lên. Tranh thủ

lúc có ánh sáng, tôi nhìn lớp cỏ từ dưới chân chạy lên sườn đồi, một cảnh tượng vừa kinh hãi vừa tuyệt đẹp hiện ra. Những lớp cỏ rập rờn, rùng rùng như những đợt sóng. Những con sóng xanh tươi trào dâng quanh đồi. Chất nổ không chỉ có sức mạnh giết người khủng khiếp mà còn tạo ra những vẻ đẹp kinh hoàng”[96, tr.32]. Đó là cảm nhận chiến trường bi tráng với những hình ảnh vừa hào hùng, vừa lãng mạn. Trong những giờ phút chiến đấu như thế, người lính của ta cũng không quên ghi lại những khoảnh khắc hiếm hoi: “Say mê ngắm nhìn chiếc cầu vồng đỏ rực do pháo ta bắn sang bờ bên kia và pháo địch phản lại sang bờ sông bên này. Một cầu vồng lộng lẫy ngang trời đêm, một cầu vồng dưới đáy dòng sông đang cuộn xiết”

[96]. Tuy nhiên, hình ảnh càng kì vĩ, tráng lệ bao nhiêu thì hiện thực chiến tranh càng khốc liệt bấy nhiêu. Bom đạn dội xuống không ngớt cũng có nghĩa là người lính phải đối diện với bao hiểm nguy, mất mát, hi sinh. Những trận chiến ác liệt, cam go là một phần trong hiện thực chiến trường, tô đậm thêm sự khốc liệt của cuộc chiến tranh biên giới.

Sống và chiến đấu trên chiến trường K, người lính tình nguyện Việt Nam phải đối diện với vô vàn những thiếu thốn, khó khăn, vất vả. Họ phải trải qua những cuộc hành quân gian nan dài hàng nghìn cây số từ biên giới vượt sông Mê Công tiến về hướng tây đến vùng Đông Bắc núi đồi hiểm trở, rừng rậm hoang vu. Chặng đường họ đi đều là những vất vả, nhọc nhằn, phải mang theo lương thực, vũ khí, vượt qua đèo cao hào sâu, thậm chí còn gánh trên vai cả những người đồng đội bị thương, những đồng đội đã hi sinh. Họ luôn phải sống trong cảnh thiếu thốn: thiếu lương thực đến nỗi phải ăn những nắm cơm thiu nhão nhoét, thiếu trang phục nên phải chia sẻ với nhau từng tấm áo manh quần, thiếu cả những nhu yếu phẩm như điếu thuốc đến nỗi họ làm lộ cả bí mật quân sự chỉ vì nhúm thuốc rê…Nhưng có lẽ, ám ảnh nhất đó chính là thiếu nước. Chưa ở đâu và chưa bao giờ, việc thiếu nguồn nước lại hành hạ người lính của chúng ta đến thế. Rừng Campuchia, mùa khô kéo dài, nắng như đổ lửa, cái khát hành hạ con người. Mùa khô ở rừng núi Campuchia đã vắt cạn sức người, và cái khát trở thành nỗi ám ảnh của bất kì người lính nào trên mặt trận K. Khát với nhiều trạng thái khác nhau, khát giày vò con người, khát trở thành nỗi ám ảnh nơi rừng hoang: “ Nóng âm âm, anh có cảm giác như mình là con

cá chuối bị xâu vào que rồi nướng trong hơi nóng. Lưng không còn ướt nữa, còn mồ hôi nữa đâu mà ra. Miệng khô như cánh đồng hạn. Giá có ngụm nước thì cái lưỡi sẽ mủn và tan ra như đất ruộng ải vừa tháo nước” [52, tr.152]. Cái khát khiến sức khỏe của con người kiệt quệ. Cái khát hành hạ con người, cái khát trở thành nỗi ám ảnh, một dấu ấn không thể quên. Thế nên trong Miền hoang, một đoạn thơ về cái khát của Đoàn Minh Tuấn đã được ghi lại:

Quanh đây chẳng tìm đâu ra suối ra sông Khiến lắm phen nước nấu cơm không có Nhiều khi bắn được con thú

Không có nước mà làm

Được đi tắm là một nỗi hân hoan

Dù phải hành quân cắt rừng mười cây số Và áo quần phải giặt giùm chục bộ Mỗi lần được cấp nước

Í ới gọi nhau vui không giấu được Đựng đầy xoong đầy bát đầy ca

Rồi nâng niu cất giữ trong nhà [52, tr. 373]

Và trong tác phẩm của mình, Đoàn Tuấn cũng đề cập đến cái khát như một thứ quỷ dữ của núi rừng Campuchia, hành hạ người lính Việt Nam. Cái khát khiến con người trở nên bạc nhược, họ không thể làm chủ được chính bản thân mình, thậm chí họ phải tìm đến cái chết để giải thoát khỏi cái khát. Như trường hợp của thiếu úy Nguyễn Bá Lan. Trải qua hai ngày không có nước, không tìm đâu ra nước, anh cảm thấy “Khát quay cuồng. Khát điên dại. Người như muốn bùng cháy.” Và cuối cùng “Không thể chịu đựng nổi, trên đường rút, anh đã cầm khẩu K54, tự giải thoát cho mình bằng một viên đạn vào đầu” [96] để kết thúc cơn khát đang hành hạ anh từng giây, từng phút. Cái khát đã dẫn đến bi kịch của người chiến sĩ trên mặt trận, khiến người đọc không khỏi nghẹn lòng. Bộ đội Việt Nam không chỉ đối diện với bom mìn của kẻ thù mà ngay những như cầu thiết yếu của cuộc sống họ cũng không được đảm bảo đầy đủ trong hoàn cảnh khốc liệt của chiến trường Campuchia để rồi dẫn đến những cái chết đau lòng. Người chiến sĩ Việt Nam không dễ đầu

hàng trước kẻ thù, thế nhưng họ lại tự đầu hàng khi phải đối chọi với những thiếu thốn như Đoàn Tuấn nói: “Mọi gian lao anh đều vượt qua, nhưng anh không thể thắng nổi cơn khát”. Thật đau lòng!

Không chỉ là trường hợp của những người đồng đội, bản thân Đoàn Tuấn cũng trải qua những giày vò của cơn khát: “Tôi tuyệt vọng hoàn toàn. Nước bọt khô cong. Cổ họng cháy bỏng. Mắt nóng như hai hòn than. Làm thế nào để sống được đây? Sau ba ngày không nước, sức lực tôi đã cạn kiệt. Ngay cả mồ hôi cũng không còn mà tiết ra nữa. Mất sức chiến đấu hoàn toàn. Bây giờ mà địch ập đến đánh, chắc không thể cầm súng chiến đấu nổi” [96, tr.435]. Và nếu như không có những giọt nước mát lành của anh Đước thì có lẽ Đoàn Tuấn đã không còn sự sống. Và sau này, cái khát ám ảnh Đoàn Tuấn đến nỗi trong ngày sinh nhật năm 19 tuổi, một sinh nhật đặt biệt để lại dấu ấn trong cuộc đời, Đoàn Tuấn chỉ có một mơ ước duy nhất là có một bi đông đầy nước. Ước mơ giản dị nhưng nó lại đủ phản ánh hiện thực khốc liệt nơi chiến trường mà người lính phải đối diện.

Cùng với cái khát là cái đói. Cái đói khiến họ bất chấp mạng sống để giành thức ăn với động vật: “Lúc ấy tao hết sợ, lao đến vồ lấy giữa đoạn ruột bò, một tay cầm súng, một tay giật. Hai con kên kên bị cướp mồi bất ngờ, nhưng vẫn ngậm chặt đoạn ruột không chịu nhả ra. Lực kéo của tao dù đang đói mệt, cũng làm cho hai con điểu chuyên ăn xác chết ngã và bị lôi đi sền dệt, lăn lông lốc. Bị tước đoạt miếng ăn, lũ kên kên quyết liệt không chịu bỏ miếng mồi. Chúng tạm thời nhả đoạn ruột bò rồi lao tới bổ tới tấp vào đầu tao” [52, tr.481]. Cái đói khiến họ phải ăn thịt chính đồng loại của mình. Không ít lần, trong Miền hoang, Sương Nguyệt Minh đã để các nhân vật kể về chuyện ăn thịt người, bản thân Tùng - người lính trong trận chiến khốc liệt ấy không chỉ chứng kiến chuyện ăn thịt người của kẻ thù mà chính Tùng cũng đã ăn thịt đồng loại trong tình huống quá trớ trêu.

Và tất nhiên, họ phải đối chọi với bệnh tật - điều không thể tránh khỏi. Đầu tiên phải kể đến căn bệnh sốt rét rừng, căn bệnh cứ đeo bám người lính trong bất kì cuộc chiến nào ở nơi rừng sâu nước độc. Nhưng sốt rét ở chiến trường K thì thật đáng sợ, bởi có nhiều loại sốt rét khác nhau, đẩy người lính vào cơn nguy kịch. Thậm chí, căn bệnh sốt rét đã cướp đi phần đời đẹp đẽ nhất của người lính trẻ như

cái chết của Duy Khánh. Anh bị sốt rét ác tính “là loại sốt rét rất nguy hiểm. Cầm chắc cái chết. Có nhiều loại ác tính. Loại Duy Khánh mắc, là loại sợ nước. Cứ gặp nước là lên cơn. Trong đầu mình đang nghĩ gì, là cái đó bùng phát” [96, tr.327], và thế là Duy Khánh cứ hát cho đến khi trút hơi thở cuối cùng. Một cái chết kì lạ, một cái chết đau đớn! Còn Nga thì lại phải chống chọi với “một loại vi khuẩn yếm khí…loại vi khuẩn này nó chui vô trong vết thương. Nó sống trong điều kiện không có ôxy. Càng thiếu ôxy, nó càng khoẻ. Nó đục, nó tấn công làm cơ thể mục nát, hoại tử. Và chết một cách chầm chậm. Ngay từ bên trong cơ thể” [96, tr.336] . Và Nga hi sinh khi không thể chống chọi với thứ “kẻ thù” không hình thể, vô cùng nguy hiểm và “có rất nhiều ở Preah Vihear” [96, tr.336]. Quả thực, chiến trường Campuchia luôn là nơi đẩy con người vào hoàn cảnh bi đát. Thiếu thuốc men, thiếu phương tiện, nơi rừng sâu nước độc người chiến sĩ phải đối diện với những bệnh tật, ốm đau, cận kề với những mất mát hi sinh. Đó quả thực là một nốt nhạc trầm buồn trong bản anh hùng ca cách mạng trên chiến trường K.

Hiện thực chiến trường đầy ám ảnh trước sự hủy diệt bằng bom đạn của kẻ thù. Mìn là loại vũ khí chủ đạo mà kẻ thù dùng để chống lại quân tình nguyện Việt Nam. Chúng sử dụng hàng trăm loại mìn khác nhau, cài theo muôn vàn kiểu khác nhau ở những vị trí không ngờ tới khiến lính Việt không kịp trở tay, không kịp lường trước. Chính bởi thứ vũ khí hủy diệt này mà “quân tình nguyện Việt Nam hứng chịu cái sự tàn khốc, thiệt hại của mìn ở chiến trường K bao la là không có giới hạn” [52, tr.457], đến nỗi nó trở thành nỗi ám ảnh đối với người lính tình nguyện Việt Nam: “cái chết bởi mìn do bọn tàn quân Pol Pot gài vẫn cứ là cái chết thê thảm, khủng khiếp, sợ hãi nhất đối với tôi”. [52, tr.459]. Có nhiều cái chết do mìn, có nhiều kiểu bị thương do mìn, mìn khiến những người lính hãi hùng: “Tôi đã nhìn thấy lính bộ binh, trinh sát đang hành tiến trên đường mòn, bỗng…uỳnh một cái. Thế là…gục. Xe ô tô đang chạy trên lộ 13, lộ 68 bỗng…chớp lửa nháng lên cùng với tiếng nổ uỳnh một cái là lật tung xe, người, súng, lốp cao su, ván thành ô tô vụn ra…tung lên trời, để rồi lả tả, bịch bịch, xào xào…những đất đá, cẳng chân, khúc tay, miếng thịt,…rơi xuống đất, xuống cỏ cây” [52, tr.459]. Cái họ sợ không phải là kẻ thù, thế nhưng có lúc lính tráng ùn lại không dám đi tiếp, họ lo lắng, sợ

hãi bởi vì phía trước không phải là những tên lính áo đen đấu súng trực tiếp, phía trước họ là những bãi mìn có thể nuốt chửng bất kì đoàn quân tình nguyện Việt Nam nào nếu sơ ý. Chính vì vậy, thứ vũ khí trở thành nỗi ám ảnh hãi hùng của quân tình nguyện Việt Nam 10 năm ở Campuchia chính là mìn. Bản thân Tùng - người chiến sĩ chiến đấu trên chiến trường K ấy đã phải thốt lên: “Sợ quá! Chưa có cuộc chiến tranh nào trên thế giới mà mìn lại được sử dụng nhiều và như một loại vũ khí chủ yếu sát thương trên chiến trường như cuộc chiến triền miên, cò cưa, dai dẳng, hãi hùng ở chiến trường Campuchia”[52, tr.468]. Mìn trở thành sự khiếp đảm của người chiến sĩ trong cuộc chiến sinh tử với kẻ thù đến nỗi ám ảnh cả trong giấc mơ: “Mìn…mìn…và mìn! Suốt đêm tôi cứ luôn bị bóng ma các quả mìn đủ loại gây ám ảnh, khiếp đảm, hãi hùng…” [52, tr.468]. Sự nham hiểm của kẻ thù cộng với thứ vũ khí hủy diệt là mìn đã khiến trường K trở nên khốc liệt hơn, dữ dội hơn.

Song, người chiến sĩ không chỉ đấu tranh chống lại bom đạn của kẻ thù, đáng

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Hiện thực chiến tranh trong Miền hoang của Sương Nguyệt Minh và Mùa chinh chiến ấy của Đoàn Tuấn (Trang 39 - 47)