Vài nét về Đoàn Tuấn

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Hiện thực chiến tranh trong Miền hoang của Sương Nguyệt Minh và Mùa chinh chiến ấy của Đoàn Tuấn (Trang 32 - 39)

5. Cấu trúc luận văn

1.2. Sáng tác của Sƣơng Nguyệt Minh, Đoàn Tuấn

1.2.2.1. Vài nét về Đoàn Tuấn

Đoàn Tuấn sinh năm 1960, tại Hà Nội. Ông tham gia vào cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam khi tròn 18 tuổi. Lúc đó, Đoàn Tuấn vừa học xong phổ thông, biết tin mình đỗ vào khoa Ngữ văn của Đại học Tổng hợp Hà Nội thì đồng thời có giấy gọi tham gia nghĩa vụ quân sự. Giống như bao chàng trai Thủ đô hồi đó, Đoàn Tuấn đi khám sức khỏe, thấy đủ tiêu chuẩn thì sẵn sàng xếp bút nghiên lên đường ra mặt trận.

Từ năm 1978 - 1983 ông tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia. Trong thời gian 5 năm quân ngũ, Đoàn Tuấn công tác tại trung đội thông tin, tiểu đoàn 8, trung đoàn 29, sư đoàn 307. Ba năm đầu Đoàn Tuấn đi phối thuộc chiến đấu ở các đơn vị khác. Khi tiểu đoàn 8 chuyển lên Anlong Veng, được bổ sung quân, Đoàn Tuấn lại chuyển về ban tác chiến tiểu đoàn. Ở đây, ông làm nhiệm vụ quản lí quân số cùng một số trang thiết bị của đơn vị. Ngoài ra, Đoàn Tuấn còn làm một nhiệm vụ rất thiêng liêng là chăm sóc cho thương binh, tử sĩ. Đoàn Tuấn luôn hết lòng vì đồng đội, những người còn sống và cả những người đã hi sinh: “Tôi hiểu. Và làm hết sức mình. Đun nước. Nhặt thịt xương. Rửa ráy. Chắp lại. Xếp cho đủ các bộ phận cơ thể. Mặc quần áo. Quấn vải liệm. Gác đêm, canh thú rừng khỏi mò

đến ăn xác. Đào huyệt. Tổ chức đội vệ binh đứng bên bờ huyệt. Đọc lời điếu và bắn súng tiễn biệt đàng hoàng. Sau đó mới chôn. Hết sức „oách‟ theo kiểu nhà binh”

[62].Đây là khoảng thời gian có ý nghĩa to lớn đối với Đoàn Tuấn.

Trở về sau chiến tranh, Đoàn Tuấn công tác ở nhiều lĩnh vực và gặt hái được nhiều thành công trong sự nghiệp. Ông tốt nghiệp khoa Ngữ văn tại Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1991, ông tốt nghiệp Đại học Điện ảnh Liên Xô. Đoàn Tuấn thành công trong nhiều kịch bản phim truyền hình, trở thành nhà lí luận phê bình điện ảnh, giảng dạy ở Đại học Sân khấu Điện ảnh và tiếp tục tham gia làm báo. Hiện nay Đoàn Tuấn đang công tác tại tạp chí Thế giới điện ảnh. Ông như con ong cần mẫn, viết từng ngày, đi dạy, làm báo rồi lại viết. Ở lĩnh vực nào, Đoàn Tuấn cũng gặt hái được thành công nhưng ông vẫn đau đáu với nghiệp văn chương, với những trang viết tri ân quá khứ.

1.2.2.2. Hành trình sáng tạo

Đoàn Tuấn được biết đến ở nhiều “vai”, ông viết văn, làm thơ, viết kịch bản điện ảnh, viết lí luận phê bình điện ảnh, giảng dạy ở trường Đại học Sân khấu Điện ảnh và làm báo…Ông có nhiều đóng góp cho văn học đương đại, đặc biệt là văn học chiến tranh. Nhắc đến ông là nhắc đến những câu thơ, những trang văn thấm đẫm tình yêu Tổ quốc, tình yêu và món nợ nghĩa tình với đồng đội, với những người lính không trở về sau chiến tranh.

Đầu những năm thập niên 1980, Đoàn Tuấn đoạt giải thơ sáng giá của tạp chí

Văn nghệ Quân đội. Những bài thơ viết từ chiến trường K đã khiến công chúng tìm thấy một tiếng nói mới, thủ thỉ, thân tình và chân thật:

Những dãy núi con đường và vị trí các C Như đồ vật trong nhà, tôi nhớ

Bao đồng đội thành cây rừng ở đó

Mỗi gương mặt bạn bè một địa chỉ không quên Dũng đi phục mùa hè mưa xé túi quần hun muỗi Cởi áo ra mình đắp chóng sáng hơn

Mạc Văn Tướng trèo cây bắn B41 Mười hai giờ đêm ăn cháo khỉ xì xòm

Lính 71 đào hầm, lính 80 nạp đạn Có điều gì tin cậy chở che nhau Bên cửa hầm dáng bạn ngồi đan rổ Lá lồ ô vàng thơm sắc rơm phơi Mùa khô ấy áo bạc theo suối cạn Ai nhắc mình vò áo nhẹ tay thôi Mặt chúng tôi gầy như gương mặt núi Hào phóng như trời xanh

Tính thẳng như sông

Đoàn Tuấn là một nghệ sĩ đa tài nhưng ông đặc biệt thành công ở hai lính vực điện ảnh và văn học. Ở lĩnh vực điện ảnh, ông đã có những tác phẩm được dựng thành phim và gây tiếng vang như: Ngõ đàn bà (Chuyện tình trong ngõ hẹp) - Hãng phim truyền hình Việt Nam; Chiếc chìa khóa vàng - Hãng phim Giải phóng - 1995;

Đi tìm chỗ ngủ - Hãng phim Giải phóng - 1999; Đường thư - Hãng phim truyền hình Việt Nam - 2000; Sống cùng lịch sử - Hãng phim truyền hình Việt Nam - 2014; Trên đỉnh bình yên - Hãng phim truyền hình Việt Nam - 2016. Bên cạnh đó, Đoàn Tuấn còn viết thêm cả phim hoạt hình như Én con và chiếc lá.

Ở lĩnh vực văn học, Đoàn Tuấn có những đóng góp không nhỏ. Các tác phẩm chính: tiểu thuyết Bùa yêu (NXB Phụ nữ, 1993); truyện ngắn Khúc dạo đầu mùa xuân (1995); tập thơ Đất bên ngoài Tổ quốc (thơ chung với Lê Minh Quốc, 1995); truyện kí Những người không gặp nữa (2006); tác phẩm dịch Thơ trữ tình X.Exenhin (1995).

Ngoài ra, Đoàn Tuấn còn cộng tác cho nhiều tờ báo trong Nam, ngoài Bắc và ký hàng loạt bút danh khác nhau. Có thể nói, Đoàn Tuấn là một trong những nhà văn có sức lao động dồi dào. Ông có nhiều đóng góp cho văn học - nghệ thuật và sân khấu - điện ảnh.

Ở phương diện văn học, Đoàn Tuấn là một trong số những nhà văn xuất sắc viết về chiến tranh, đặc biệt là những tác phẩm ra đời từ hiện thực chiến tranh biên giới Tây Nam khốc liệt. Đoàn Tuấn có 5 năm chiến đấu tại chiến trường Campuchia. Những ngày tháng chiến đấu ấy đã để lại một miền kí ức xen lẫn khổ

đau, mất mát lẫn hào hùng, trong sáng và dũng cảm để sau này khi trở về, hiện thực ấy vẫn hiện lên nguyên vẹn “buộc” Đoàn Tuấn phải viết. Ông viết không chỉ vì cái nghiệp văn chương mà còn viết để “trả nợ đồng đội”, những người đồng đội đã nằm xuống nơi chiến trường K, viết về những người đồng đội may mắn được trở về, viết cho thế hệ hôm nay - những người muốn cảm nhận một cách chân thực về sự khốc liệt, dữ dội của chiến tranh biên giới Tây Nam.

Viết về chiến tranh, Đoàn Tuấn viết bằng những cảm xúc chân thành, viết bằng những trải nghiệm quý giá trên chiến trường. Ngay từ khi bước chân vào cuộc chiến, ông đã mang theo nỗi trăn trở: “Ngay từ lúc ấy, tôi cảm thấy mình thật nhỏ bé giữa những con người vô danh. Như đất biên giới. Như cây rừng tóe máu. Làm sao để ghi lại những hình ảnh, những câu chuyện của họ?” [92, tr.28]. Những ngày sống, chiến đấu tại chiến trường K giúp Đoàn Tuấn hiểu hơn về những người đồng đội của mình, mỗi người họ là một vũ trụ bí mật mà nếu không ghi lại được, ông sẽ không cảm thấy an lòng:“Mỗi người lính là một thế giới diệu kì, một kho tàng trí thức dân gian. Nếu coi đó là một cuốn sách hay, biết cách đọc, cách kể, chúng ta sẽ có biết bao câu chuyện tuyệt vời. Nhưng cũng thật đáng tiếc. Vì chiến tranh. Những cuốn sách đó có thể sẽ không bao giờ được lật mở, có thể sẽ mãi mãi nằm sâu trong lòng đất bất cứ lúc nào. Và rồi, những câu chuyện có tuyệt vời đến mấy cũng chìm đi, lẫn vào trong bao câu chuyện đời thường. Làm sao góp nhặt để tặng cho mỗi người, cho đồng đội tôi?” [92, tr.284]

Trong quá trình viết, Đoàn Tuấn luôn tìm tòi, trăn trở và theo ông, điều cần thiết của một nhà văn đó chính là tìm ra giọng điệu cho tác phẩm của mình. Đoàn Tuấn tâm sự: “Phải mất gần 10 năm trăn trở mới tìm ra giọng điệu cho một cuốn sách. Tôi nghĩ, với người viết văn, vốn sống rất quan trọng. Nhưng cái quan trọng hơn đó là việc tìm ra giọng điệu. Giọng điệu của riêng mình. Một giọng điệu thích hợp với từng cuốn sách” [101]. Và Mùa chinh chiến ấy được hình thành sau một quá trình dài để tìm ra chất riêng của tập hồi ký, chất riêng của chiến tranh biên giới Tây Nam và chất riêng của chiến tranh biên giới Tây Nam trong kí ức của nhà văn. Ông tâm sự: “Tôi viết lần đầu, đặt tên là „Trung đoàn viễn chinh‟ nhưng thấy văn chương dài dòng quá, bỏ luôn. Lần thứ hai, tôi viết cuốn „Sư đoàn tình nguyện‟

nhưng đọc lại, thấy giọng văn giống các nhà văn viết từ hồi chống Pháp và chống Mỹ. Không khoái. Tôi cũng bỏ nốt. Bởi thế hệ chúng tôi là thế hệ thứ ba tham gia bảo vệ Tổ quốc. Khi gặp lại đồng đội, thấy họ nói chuyện, tôi quan sát và nghĩ: Đây mới chính là giọng kể mà mình đang tìm kiếm. Đầy chất lính tráng. Đầy giọng điệu thời nay. Và tôi lao vào viết như đúng kiểu chúng tôi trò chuyện” [101]. Sau 10 năm, Đoàn Tuấn mới tìm ra giọng điệu cho cuốn sách của mình. Và Mùa chinh chiến ấy của Đoàn Tuấn trở thành cuốn “bách khoa toàn thư” về đời lính, là một tập đại thành về số phận của những người lính trong chiến tranh biên giới Tây Nam.

Mùa chinh chiến ấy do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành, dày gần 500 trang. Tác phẩm được viết dưới dạng hồi ức chiến binh, nhớ lại và viết. Vì vậy nội dung cuốn sách được chắt lọc hoàn toàn từ những trải nghiệm xương máu, không thông qua lăng kính phóng đại hay hư cấu của thể tài văn học cố định nào. Nhân vật “tôi” - cũng chính là tác giả, người lính đã cầm súng chiến đấu trong cuộc hành quân dài hàng ngàn cây số tới những miền rừng núi heo hút của xứ sở Chùa Tháp và để lại một phần máu thịt tuổi trẻ ở đó. Những trang văn là đầy ắp những con người, những sự kiện, những cảm xúc, suy tư có thực của đời “lính K”. Với người lính trẻ Đoàn Tuấn, 5 năm chiến đấu ở nước bạn là quãng thời gian đẹp nhất, in hằn trong tâm trí ông không thể phai nhòa. Đó là nơi mà sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong nháy mắt, nơi mỗi phum làng được giải phóng, từng giây phút bình yên của người dân đều phải trả bằng xương máu của những đồng đội của ông. Có lẽ vì vậy mà nằm sâu mãi trong muôn tầng kí ức, những mẩu chuyện về biên giới Tây Nam vẫn luôn theo Đoàn Tuấn đầy ám ảnh để trong hầu hết các sáng tác của ông, dù với văn học hay điện ảnh, hình ảnh người lính luôn là mảng đề tài mà ông viết nhiều nhất. Với ông, việc được sống và kể lại giống như món nợ cần phải trả cho những người đồng đội thân yêu và ruột thịt. những người đã sống, đang sống và cả những linh hồn đang còn lẩn khuất giữa bạt ngàn rừng xanh, núi thẳm.

Chứa đựng thật nhiều tâm huyết của cuộc đời, cuốn hồi ký Mùa chinh chiến ấy được ra mắt độc giả năm 2017 sau gần 40 năm cuộc chiến tranh kết thúc. Một tác phẩm trung thành với sự thật được viết lên từ chính những kí ức về tính nhân đạo, sự hi sinh của “đoàn quân nhà Phật”. Hơn cả một tác phẩm văn học, Mùa chinh

chiến ấy còn chứa đựng những tư liệu hiện thực sâu sắc, nghiệt ngã về những gì quân tình nguyện Việt Nam từng trải qua trên chiến trường nước bạn.

Gần đây nhất, Đoàn Tuấn cho ra đời bút kí Mùa linh cảm. Cuốn sách đã lay động tâm thức người đọc vì Đoàn Tuấn không chỉ viết về những linh cảm trước cái chết không tránh khỏi của đồng đội mình, “mùa linh cảm” ấy còn là linh cảm về những nỗi đau mà người lính Việt phải chịu đựng sau khi đã kết thúc cuộc chiến này. Đoàn Tuấn đã viết: “Tôi nghĩ về người lính. Bề ngoài, ai cũng tưởng đơn giản. Đơn giản đến tận cùng. Uống chung ngụm nước. Đọc chung lá thư. Chui cùng căn hầm…Nhưng bên trong họ là những miền bí ẩn, là những chiều sâu thẳm hơn đại dương, không ai và không bao giờ khám phá nổi. Tôi nhớ câu nói nổi tiếng của một nhà văn mà tôi không nhớ tên: “Nhìn từ xa, một trăm cây bạch dương giống nhau cả một trăm; một trăm ánh nến giống nhau cả trăm. Nhưng khi đến gần, mỗi cây bạch dương lại khác nhau; mỗi ánh nến cũng khác nhau nữa”, con người cũng vậy. Và người lính, trong đời sống giáp ranh sinh tử, họ càng khác biệt bao nhiêu” [79].

Quả thật, Đoàn Tuấn là nhà văn viết về chiến tranh. Những trang viết của ông đưa người đọc về cuộc chiến diễn ra hơn 40 năm trước nhưng cho đến hôm nay vẫn còn ấm nóng tình đời tình người trong hiện thực vô cùng khốc liệt và đau thương. Viết - với Đoàn Tuấn đó là sự thôi thúc, là sự “trả ơn” với những người đồng đội. Và qua những trang viết ấy, người đọc có cơ hội chiêm nghiệm, nhìn nhận, đánh giá một cách trung thực về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc.

Tiểu kết chƣơng 1

Trong chương 1 của luận văn, chúng tôi đã đưa ra một cái nhìn tương đối khái quát về văn học phản ánh hiện thực chiến tranh sau năm 1975 và những điểm chính trong sáng tác của Sương Nguyệt Minh và Đoàn Tuấn. Có thể thấy, văn học viết về chiến tranh sau 1975 đã có những bước chuyển mình đáng kể, quan niệm về hiện thực thay đổi, chiến tranh được nhìn nhận một cách chân thực, toàn diện và sâu sắc hơn. Chiến tranh được tiếp cận từ nhiều góc nhìn, đường biên chiến tranh được mở rộng, thân phận con người trong chiến tranh được nhận thức và lí giải trên tinh thần đổi mới quan niệm về nghệ thuật và thay đổi tư duy sáng tạo. Từ đó, hiện thực chiến tranh hiện lên đa chiều hơn, sâu sắc hơn.

Sương Nguyệt Minh và Đoàn Tuấn là hai nhà văn có đóng góp không nhỏ cho văn học đương đại Việt Nam, đặc biệt là văn học viết về đề tài chiến tranh. Bằng trải nghiệm của người lính từng trực tiếp tham gia chiến đấu, họ đã nhìn thẳng vào sự thật, viết bằng sự thật về cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam. Qua lăng kính của người trong cuộc, chiến tranh được soi chiếu đa diện, sâu sắc và thấu đáo hơn. Bằng tâm huyết, bằng tài năng, bằng tấm lòng với đồng đội, Sương Nguyệt Minh và Đoàn Tuấn đã viết lên những dòng văn máu về chiến tranh biên giới Tây Nam để người đọc hôm nay có thể nhìn nhận một cách thấu đáo và toàn diện hơn về cuộc chiến đã lùi xa 40 năm.

Chƣơng 2

HIỆN THỰC CHIẾN TRANH BIÊN GIỚI TÂY NAM TRONG MIỀN HOANGMÙA CHINH CHIẾN ẤY

2.1. Bản anh hùng ca của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Hiện thực chiến tranh trong Miền hoang của Sương Nguyệt Minh và Mùa chinh chiến ấy của Đoàn Tuấn (Trang 32 - 39)