Những góc khuất tâm hồn người lính

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Hiện thực chiến tranh trong Miền hoang của Sương Nguyệt Minh và Mùa chinh chiến ấy của Đoàn Tuấn (Trang 70 - 76)

5. Cấu trúc luận văn

2.2. Hình tƣợng ngƣời lính Việt Nam

2.2.1.2. Những góc khuất tâm hồn người lính

Về văn học chiến tranh, nhà phê bình Phạm Xuân Thạch đã nhận định: “Văn học chiến tranh bước sang một chặng đường mới. Chúng ta đã tái hiện những con người, khoảnh khắc của cuộc chiến đó rất con người. Có cái xấu, có cái tốt, có con người vĩ đại nhưng cũng có con người tầm thường, hèn nhát, đúng như chúng ta đang sống” [41]. Văn học mang tính nhân bản hơn khi quan tâm đến những phận người trong cuộc chiến khốc liệt. Nhà văn đã đi sâu vào tâm tư, tình cảm, niềm vui, nỗi đau của nhân vật để tái hiện lại những năm tháng chiến tranh dữ dội trên chiến trường K. Có thể nói, tác phẩm không dựng lại chiến tranh bằng máu, bằng chết chóc mà bằng nước mắt, bằng đau thương, bằng sự thật về con người. Và Sương Nguyệt Minh, Đoàn Tuấn đã mang tất cả những nỗi niềm ấy vào trang viết của mình. Người lính hiện lên không chỉ có sự dũng cảm, không chỉ có lí tưởng cao đẹp, không chỉ có nghị lực sống phi thường, họ còn có những giây phút yếu lòng, những khoảnh khắc bản năng nguyên sơ trỗi dậy, thậm chí cả những thói xấu như ích kỉ, nóng nảy, thù hận… Nói như Đoàn Tuấn “Ở đây có những người đẹp nhất, dũng cảm nhất, cao cả nhất, song cũng có những người rất tệ. Tất cả tồn tại bên nhau, cùng nương tựa vào nhau” [96, tr.45].

Bước chân vào cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, cầm súng chiến đấu để bảo vệ biên giới Tổ quốc và thực hiện nghĩa vụ quốc tế thiêng liêng, khi xông pha chiến trận họ là những người anh hùng, nhưng đằng sau họ vẫn là những nỗi niềm sâu lắng, là gia đình, là quê hương, là những dở dang... Đó là hình ảnh của những

con người “Người ra đi đầu không ngoảnh lại/ Sau lưng thềm, nắng lá rơi đầy”, vẫn còn những day dứt, vẫn còn những trăn trở… trong sâu thẳm tâm hồn của họ. Đó không phải là sự thoái lui, đó không phải là cái “mộng rớt” tiểu tư sản. Họ cũng là những con người bình thường, họ cũng có gia đình vợ con nhưng họ phải “nén lòng” để lại phía sau để lên đường chiến đấu. Đó là câu chuyện của anh Tại qua lời kể của Hoàng: “Con ông Tại đi học về. Qua cầu, trượt chân. Bị lũ cuốn. Mất xác. Ông ấy đóng quan tài ở đây chôn anh em, đồng đội. Nhưng ở quê, con ông ấy vẫn chìm đâu đó trong bùn. Không có quan tài mà chôn” [96, tr.246]. Câu chuyện về người lính ấy khiến người đọc không khỏi xót xa.

Đó cũng có thể là câu chuyện của anh Lê Quỳnh Lang - trung đội trưởng thông tin. Anh được đơn vị cho về phép, nhưng sau đó không sang lại nữa vì “Nghèo khổ. Khó khăn. Đói kém. Ai có thể vác ba lô trở lại chiến trường khi bố nằm chờ chết? Khi mẹ già hàng ngày vào núi, đội từng bó củi trên đầu, còng lưng cõng về? Khi những đứa em nheo nhóc, bỏ học, làm thuê, quắt queo bệnh tật? Và mình đi thì không biết sống chết thế nào?” [96, tr.259]. Làm sao người lính có thể yên tâm khi ra chiến trận. Họ cũng có cuộc đời riêng, họ còn có gia đình ở phía sau. Đọc thư của anh Lang, mỗi người đọc không khỏi xót xa: “Mình đã cống hiến cho quân đội 5 năm. Như thế tạm đủ. Giờ mình phải có nghĩa vụ của người con đối với mẹ cha. Mình phải hi sinh danh dự để cứu gia đình. Mình biết, đơn vị sẽ kỷ luật mình. Đồng đội sẽ nghĩ rất xấu về mình. Nhưng mình không còn con đường nào khác. Tái bút: Nếu có thể, Tuấn xin giùm mình tấm thẻ Đảng viên dự bị. Để minh chứng cho một thời tuổi trẻ…” [96, tr.259]. Những người lính ra trận nhưng trong họ luôn là khao khát được quay trở về. Lúc họ cầm súng ra trận là vì nghĩa vụ quốc tế, cũng là vì trách nhiệm đối với Tổ quốc, nhưng họ luôn đau đáu hướng về gia đình, về quê hương. Như trường hợp của T, quê Hà Bắc, nhập ngũ trước 75, đã nổi loạn. Nhưng đằng sau câu chuyện nổi loạn của T, nguyên nhân cũng khiến người ta đau lòng: “T thường trăn trở về gia đình. Hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Mẹ mất, em gái đau ốm, bệnh tật, không có tiền cứu chữa. Xin về phép, không được giải quyết, T nảy sinh tiêu cực” [96, tr.254]. Chiến đấu ở “đất bên ngoài Tổ quốc”, họ không tránh khỏi những cô đơn, những nhớ nhung, những khao khát được trở về đoàn tụ,

thậm chí có thể trở thành những sai lầm. Tuy nhiên, xét cho cùng, đó cũng chính là nỗi lòng, là những đau đáu nhớ thương của những người con chiến đấu xa nhà, chiến đấu mà không có nhân dân mình ở phía sau, ở bên cạnh. Đúng là, sau mỗi gương mặt là một cuộc đời. Người lính trong tác phẩm của Đoàn Tuấn, không chỉ mang dáng vóc của những người anh hùng: “Chúng tôi nhập vào những đoàn quân thẳng tắp. Súng trên vai. Ba lô sau lưng. Lá ngụy trang rung rinh. Mũ cối sao vàng trên đầu. Vừa bước nhịp nhàng vừa cất cao giọng hát:

Vừng đông đã hừng sáng Núi non xanh ngàn trùng xa Tổ quốc bao la hiền hòa Tươi thắm bóng cờ Vờn bay trên cao

Muôn trái tim bày hòa nhịp cùng lời ca trong sóng lúa Lấp lánh sao bay trên quân kỳ… [96, tr.255]

mà phía sau họ còn là những trăn trở, những nỗi niềm, là quê hương, là gia đình, là giấc mơ còn gác lại. Nói như Đoàn Tuấn: “Nhưng ai biết, sau mỗi gương mặt ấy, sau mỗi giọng ca ấy là bao nhiêu cuộc đời. Dũng, Khánh, Hợp...bỏ dở dang trường Đại học Kinh tế. “Chim cu” đang học dở lớp 9. Tốt nghiệp phổ thông chắc chỉ còn là giấc mơ. Lê Minh Quốc đang học dở lớp 11 ( hệ 12 năm của chế độ cũ). Liệu ngày về còn khả năng học tiếp được không? Nguyễn Trần Hỉa, Dương Công Hạm, Đoàn Văn Điệp, nếu không phải đi lính, giờ này chắc đang ngồi trên giảng đường đại học. Rồi khi vào bộ đội, bị xếp vào thành phần “Thanh niên đường phố”,.. Chúng tôi, những thanh niên 18 tuổi ấy, đang là cả niềm hi vọng lớn lao của gia đình” [96, tr.255].

Trong Miền hoang của Sương Nguyệt Minh, nhân vật Tùng cũng đau đáu hướng về gia đình, về Hà Nội, về Thùy… Tùng thèm được trở về quê hương, được về với Hà Nội, được ăn bữa cơm gia đình, được ấp ôm trong lòng mẹ, được chạy nhảy nô đùa cùng đám bạn. Bao nhiêu kí ức ùa về trong tâm trí người lính trẻ. Bao nhiêu kỉ niệm ngọt ngào hiện về trong những ngày tháng khổ cực, bất hạnh của Tùng. Thậm chí, trong lúc kiệt quệ nhất, khi được chăm sóc bởi một người phụ nữ

khác thì Tùng vẫn thèm cảm giác trong lòng mẹ: “Mẹ nhân từ và tảo tần vòng tay trái ôm choàng lấy vai lưng tôi. Vòng tay phải mềm mại luồn qua cổ kéo đầu tôi ép chặt khuôn ngực đang căng đầy. Bỗng chốc, tôi thấy mình bé nhỏ và đang chui vào nằm gọn thòn lỏn trong lòng mẹ. Cảm giác được bế ẵm, chở che, bao bọc ngập tràn trong hạnh phúc tình mẫu tử” [52, tr.249]. Hình ảnh người mẹ trở đi trở lại như một cách Tùng tìm sự cứu rỗi cho tâm hồn. Tuy nhiên, đối diện với hoàn cảnh một mình, cơ cực và tuyệt vọng, Tùng đều có thể vượt qua bởi anh biết đằng sau anh có gia đình, có quê hương, có những người đang ngóng đợi. Đường về còn gian nan, đường về mù mịt nhưng Tùng vẫn cứ bám víu vào mọi cơ hội sống để được trở về.

Chiến đấu nơi đất bạn, nên họ phải bỏ lại người mẹ già, người vợ ngóng trông chồng và những đứa con bơ vơ. Đằng sau họ là bao nỗi niềm, suy tư và trăn trở. Nhà văn đã không hề giấu đi những cảm xúc ấy. Mỗi cuộc đời, mỗi số phận của họ trong trang viết của nhà văn khiến người đọc thấm thía hơn về hiện thực chiến tranh, trân trọng hơn, cảm phục hơn những người lính trên mặt trận Tây Nam thuở ấy.Có thể nói,người lính hiện lên qua những trang viết của Sương Nguyệt Minh và Đoàn Tuấn không chỉ là những người cầm súng lạnh lùng, chỉ biết đến lí tưởng, nhiệm vụ mà họ còn có những nỗi niềm riêng, những góc khuất tâm hồn, những nhớ thương, buồn giận…Những nỗi niềm ấy dễ bị coi là ủy mị, yếu đuối nhưng đó mới chính thực là những con người bằng xương bằng thịt với cảm giác đời thường không hề bị che giấu.

Mặt khác, Sương Nguyệt Minh và Đoàn Tuấn còn chạm vào góc khuất nhân tính, nơi tiếng gọi bản năng nguyên sơ luôn giày vò con người. Đó là tiếng gọi của bản năng, dục vọng trong mỗi người lính. Thực chất, lính tráng là những cậu học trò vừa rời ghế nhà trường khoác ba lô vào chiến trận. Ở cái tuổi hừng hực sức sống, khao khát trải nghiệm thì cuộc sống nơi chiến trường quả thực là một thách thức nghiệt ngã. Họ không đủ sức mạnh để vượt qua tiếng gọi của bản năng, họ bị dục vọng trong chính mình giày vò. Trong Mùa chinh chiến ấy của Đoàn Tuấn, người lính không thể giữ mình trong hoàn cảnh thiếu thốn tình cảm, bởi vậy họ đắm mình trong những cơn say và nhục cảm khi ngửi thấy “mùi đàn bà”. Đó là lí do khiến họ phải “bốc thăm” để được ở nơi những em văn công từng ngủ lại, chí chóe tranh

nhau chiếm hữu tấm ảnh cô tóc vàng làm của riêng. Những chi tiết ấy được Đoàn Tuấn trân trọng kể lại, bởi xét cho cùng nó cũng chính là tiếng gọi bản năng nguyên sơ nhất của con người. Họ cũng có những giây phút rất người, những cảm xúc rất thực, những khát khao rất chân thành. Và Tùng trong Miền hoang cũng vậy, cũng không tránh khỏi những phút yếu lòng, những khát vọng bản năng của một chàng trai trẻ. Tùng cũng khao khát yêu thương như bất kì chàng trai trẻ nào, sự tiếp xúc xác thịt cũng khiến anh thổn thức… Tuy nhiên, chính tiếng gọi bản năng ấy khiến họ đời hơn, người lính được khám phá chân thực hơn, nhưng bi kịch của họ cũng trở nên trớ trêu hơn.

Sương Nguyệt Minh và Đoàn Tuấn cũng đã nhìn thẳng vào chiều sâu nhân tính của họ để cho người đọc thấy trong cuộc chiến khốc liệt ấy, không phải lúc nào họ cũng là những người can trường, dũng cảm. Nơi đất khách, đối chọi không chỉ với bom đạn, bao nhiêu những nguy hiểm rình rập và người lính đã không tránh khỏi những lúc yếu lòng. Nỗi nhớ nhà, sự sợ hãi, thậm chí cả những hoài nghi bủa vây lấy họ. Đó là câu chuyện của Tùng - một người lính trẻ rơi vào hoàn cảnh trớ trêu: lạc rừng, trở thành tù binh của kẻ thù. Trong hoàn cảnh ấy, Tùng không tránh khỏi những sợ hãi, lo lắng, những bất lực và tuyệt vọng. Những ngày đầu khi bị lạc đường, Tùng sống giữa bọn người độc ác, lạc lõng giữa rừng Miên hoang dại, hiểm nguy, luôn phải đối diện với nỗi sợ hãi. Nỗi nhớ nhà, nhớ người yêu ập đến. Những kỉ niệm ngọt ngào hiện hữu trong hoàn cảnh trớ trêu nhất. Rồi khi bỏ trốn khỏi kẻ thù, một mình trơ trọi giữa rừng hoang, bị cái đói quật ngã, Tùng đã sợ: “Sợ hãi quá! Cực thân quá. Bỗng dưng anh ôm mặt khóc tu tu. Khóc mà nước mắt không chảy ra, anh biết tính mạng mình đã đến lúc nguy kịch. Chính lúc khóc thảm thiết không ra nước mắt vì cơ thể mất nước ấy cũng chính là lúc lòng anh hoang vắng nhất” [52, tr.242]. Đó là những giây phút Tùng không kìm nén được cảm xúc của mình, là giây phút yếu đuối nhất của người lính trong hoàn cảnh khắc nghiệt. Nhưng cũng chính ở những giây phút ấy, người đọc thấu hiểu hơn, cảm thông hơn và trân trọng hơn những người lính tình nguyện Việt Nam.

Chiến tranh cũng là nơi người lính phải đối diện với thách thức về phẩm chất, đạo đức, nhân tính. Đôi khi, họ không chiến thắng được những dục vọng bên

trong mình, không chiến thắng được những ích kỉ, thù hận, … và bởi thế, họ hiện lên với cả những thói hư, tật xấu trong chiến đấu cũng như trong cuộc sống đời thường. Trong Mùa chinh chiến ấy, Đoàn Tuấn đã khắc họa sinh động cuộc sống đời tư của người lính. Ông đã không hề giấu giếm cả những hiện tượng tiêu cực như ăn trộm vặt, đào ngũ, tự thương, dục vọng… của người lính trên mặt trận, cả những thói ích kỉ, nóng nảy, hèn nhát… cũng được thể hiện trên trang văn một cách chân thực. Họ có thể xông pha nơi lửa đạn nhưng lại không tránh những lúc ăn trộm vặt trong quân ngũ. Họ có thể nhường sự sống cho đồng đội, nhưng cũng có lúc ích kỉ và nóng nảy với chính những người đồng đội của mình. Họ có thể bảo vệ che chở cho anh em nhưng có khi lại không tiếc lời mắng chửi đồng hương, buông những lời cay nghiệt trên nỗi đau của người khác. Những chuyện lính đào ngũ, lính tự thương cũng được nhắc đến khiến hình tượng người lính hiện lên chân thực hơn, toàn diện hơn. Có thể thấy, chiến tranh quả là nơi hung bạo khi tàn nhẫn triệt tiêu mọi nguồn sống của con người, bao gồm cả cảm xúc, khát vọng. Chiến tranh không chỉ là bom đạn, chết chóc, nghiệt ngã, tan nát mà đáng buồn hơn chiến tranh còn hủy diệt nhân tính của con người.

Còn trong Miền hoang của Sương Nguyệt Minh, Tùng liên tục phải đối thoại với mình, liên tục phải đấu tranh với chính mình. Và trong những trạng huống ấy, những khuất lấp của tâm hồn được phơi bày một cách trần trụi nhất trước hiện thực chiến tranh. Không ít lần, Tùng tự vấn bản thân: “Vì sao mình phải có mặt ở cái đất nước xa xôi man rợ, tối tăm này”; “Vì sao bọn Pol Pot lại diệt chủng đồng bào họ một cách tàn độc như vậy”; “Vì sao những người lính như anh và Du lại „mắc kẹt‟ ở cuộc chiến tranh này”… và Tùng coi mình chính là nạn nhân của chiến tranh. Trong cuộc chiến sinh tồn, người lính Việt đồng thời cũng bộc lộ những trạng huống tâm lí, những đau đớn, lầm lạc…Tùng cũng có những sợ hãi, những ích kỉ, những nóng nảy khi sa chân vào cuộc chiến, cô độc trong cảnh lạc rừng. Chính trong hoàn cảnh ấy, người lính trẻ không chỉ đối diện với hiểm nguy từ phía kẻ thù, mà còn đối diện với thách thức về phẩm chất, nhân tính.

Hình tượng người lính được Đoàn Tuấn và Sương Nguyệt Minh soi rọi dưới góc nhìn đa chiều: ánh sáng và khuất lấp, anh hùng và hèn nhát, ý thức và vô thức,

hiện thực và tâm linh, khát vọng và dục vọng, yêu thương và thù hận, cống hiến và tự mãn, cao thượng và ích kỉ. Suy cho cùng, họ cũng chỉ là những con người rất đỗi bình thường, và cần hơn bao giờ hết sự sẻ chia. Tuy nhiên những sự thật ở “bề sau, bề sâu, bề xa” của cuộc chiến được Đoàn Tuấn, Sương Nguyệt Minh thể hiện trực diện không làm mất đi hình ảnh cao đẹp của người chiến sĩ và ý nghĩa lớn lao của cuộc chiến mà còn mang lại giá trị hiện thực và tinh thần nhân văn cho tác phẩm.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Hiện thực chiến tranh trong Miền hoang của Sương Nguyệt Minh và Mùa chinh chiến ấy của Đoàn Tuấn (Trang 70 - 76)