Nghĩa vụ quốc tế thiêng liêng

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Hiện thực chiến tranh trong Miền hoang của Sương Nguyệt Minh và Mùa chinh chiến ấy của Đoàn Tuấn (Trang 51 - 57)

5. Cấu trúc luận văn

2.1.2. Cuộc chiến đấu vì Tổ quốc và nghĩa vụ quốc tế

2.1.2.1. Nghĩa vụ quốc tế thiêng liêng

Miền hoang của Sương Nguyệt Minh và Mùa chinh chiến ấy của Đoàn Tuấn là những tác phẩm viết về cuộc chiến đấu của quân tình nguyện Việt Nam giúp đỡ lực lượng cách mạng Campuchia đánh đuổi đám quân phản loạn Pol Pot trên đất nước bạn, đồng thời củng cố hậu phương, bảo vệ vững chắc biên giới Tây Nam. Sống và chiến đấu ở đất người, như cá bơi lạc vào dòng nước lạ, người lính phải đối diện với muôn vàn những khó khăn, thử thách, với những mất mát, hi sinh. Song điều quan trọng hơn cả là những người chiến sĩ ấy đã vượt qua muôn vàn những

gian khổ, hiểm nguy, họ vẫn bám đất, bám dân, dũng cảm chiến đấu chống lại sự hủy diệt của kẻ thù. Mỗi người lính Việt Nam khi cầm súng chiến đấu đều đặt trên vai nghĩa vụ thiêng liêng: bảo vệ biên giới Tây Nam, giúp nước bạn thoát khỏi họa diệt chủng do Pol Pot gây ra. Lật giở từng trang viết, người đọc cảm phục và trân trọng sự hi sinh của những người lính tình nguyện Việt Nam. Cả Miền hoang

Mùa chinh chiến ấy đều thể hiện vẻ đẹp của những người lính chiến đấu vì Tổ quốc và nghĩa vụ quốc tế.

Nghĩa vụ quốc tế thiêng liêng đặt trên đôi vai của những người lính tình nguyện Việt Nam không chỉ thể hiện ở việc xông pha nơi hòn tên mũi đạn mà ngay trong ý thức, trong suy nghĩ, họ đã luôn tâm niệm sâu sắc về vai trò, trách nhiệm của mình. Trong câu chuyện của anh Du và Tùng ở Miền hoang, Tùng đã từng thắc mắc, giày vò vì sao những người như anh Du - hứng chịu đạn mìn gần mười năm rồi vẫn chưa về cố hương. Và anh Du đã có lời giải đáp vô cùng giản dị, thấm thía và chân thành: “Định mệnh hai dân tộc. Định mệnh gắn kết số phận hai nước, hai dân tộc ở bên nhau, lúc khó khăn hoạn nạn không thể đừng giúp nhau. Cũng y như cháy nhà hàng phố, không thể bình chân như vại. Không chữa giùm, nó thiêu hủy cả di sản gia sản nhà người ta, mình có đang tâm đứng nhìn không? Vả lại hàng xóm cháy, không chữa giùm nó cháy lan sang cả nhà mình ấy chứ. Cứ nghĩ một cách bình dị như thế thôi Tùng ạ. Chúng ta đi từ đạo lí làm người trước, rồi mới đi cùng lý tưởng…” [52, tr.238]. Không ai đòi, ai bắt, không nặng nề trong hai chữ “nhiệm vụ”, anh Du đã thay lời anh em lính tráng nói lên những điều giản dị từ trong chính cuộc chiến gian khổ ấy. Họ chiến đấu vì nhân dân hai nước, họ chiến đấu vì tình thương yêu đối với nhân dân Campuchia. Đó cũng là lí do mà anh Du quyết đi đến tận cùng của cuộc chiến tranh: “Nghĩ cũng tội: Chẳng lẽ anh mày xin về nước, rồi tất cả mọi người lính Việt Nam ai cũng muốn trở về nhà thì bọn Pol Pot quay trở lại Phnom Pênh ngay. Người Khmer sẽ sống ra sao với bọn man rợ ấy. Bỏ thì thương, vương thì tội. Bỏ cuộc chiến nửa chừng đồng nghĩa với...trắng tay” [52, tr.231]. Người đại đội trưởng của quân tình nguyện Việt Nam ấy đã gắn bó với chiến trường 10 năm, vẫn muốn dấn thân trên mảnh đất Campuchia vì một lí do vô cùng giản dị như thế. Cốt lõi vẫn là tình yêu thương, cốt lõi vẫn ở tình quốc tế

thiêng liêng mà anh từng nói với Tùng: “Tùng ạ! Các nhà chính trị vẫn nói với chúng ta đó là: Nghĩa vụ quốc tế cao cả. Là: lương tâm thời đại. Không sai!” [52, tr.238]. Hành động của Việt Nam xuất phát từ nhu cầu tự vệ chính đáng, trách nhiệm quốc tế cũng như lương tâm của một dân tộc chịu nhiều áp bức và ngoại xâm. Sự đóng góp hi sinh của Việt Nam tại Campuchia vừa vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc vừa với tinh thần quốc tế trong sáng và cao cả.

Trong Mùa chinh chiến ấy, bản thân mỗi người lính trên trang viết của Đoàn Tuấn đều ý thức được vị trí và trách nhiệm của mình khi chiến đấu trên đất bạn. Họ đối đãi với nhân dân Campuchia bằng tấm chân tình, coi nhân dân như người trong gia đình của mình nhưng lại không dám nhận bất kì ơn huệ nào của dân. Khi đón dân trở về, một ông già “quỳ xuống, dùng cả hai tay, nâng lên trước mặt” [96, tr.60] người lính Việt Nam trái dừa để thể hiện lòng biết ơn. Dù rất thèm vì “Từ bé đến giờ, mình đã được ăn trọn vẹn trái dừa bao giờ đâu”. Thế nhưng, vì là đất bạn, vì “Dân họ nghèo lắm. Mình đang làm nghĩa vụ quốc tế, làm sao dám ăn” [96, tr.60] - một phần vì sợ kỉ luật, nhưng quan trọng nhất là họ ý thức được rằng “người dân Campuchia hiện nay không còn bất cứ tài sản gì. Họ chỉ còn mỗi cái khố mặc trên người” [96, tr.49]. Lính tình nguyện Việt Nam luôn thương dân Khmer như chính đồng bào ruột thịt của mình. Đó là những tình cảm lớn lao trong tình hữu ái thiêng liêng. Thậm chí, ngay trong chuyện tình cảm lứa đôi, họ giữ gìn hình ảnh của người lính Việt, làm sao để luôn được nhân dân Campuchia tin tưởng. Quả thực, lính tình nguyện Việt Nam rất đẹp. Vẻ đẹp ấy được tạo nên bởi tình hữu ái dân tộc, bởi nghĩa vụ quốc tế thiêng liêng.

Không chỉ là cầm súng chiến đấu, hi sinh xương máu trên chiến trường chống lại kẻ thù Pol Pot, những người lính tình nguyện Việt Nam luôn giữ tinh thần đoàn kết, chăm lo cho cuộc sống của nhân dân, sẵn sàng nhường cơm sẻ áo:“Quân giải phóng Việt Nam viện trợ gạo muối, vũ khí, đạn dược, huấn luyện tác chiến cho quân Khmer Đỏ củ sắn chia đôi ca nước uống cùng” [52, tr.117]. Dù quân Khmer Đỏ “lừa thầy phản bạn”, nhưng với nhân dân Campuchia, lính tình nguyện Việt Nam vẫn luôn yêu thương, bảo vệ và san sẻ với những người dân bất hạnh. Hành động giúp đỡ được thể hiện từ những việc tưởng chừng rất đơn giản như người lính

Việt Nam tặng ông cụ người Campuchia một đôi giày: “Tôi chạy vào, kêu gọi sự giúp đỡ của Quốc. Tìm mãi trong cái nhà chứa gạo, Quốc cũng moi được đôi giày cũ. Tuy rách, nhưng vẫn còn dùng được. Chúng tôi ái ngại đưa cho ông. Ông già mừng rơn” [96, tr.83]. Hành động nhỏ bé, bình dị nhưng vô cùng ấm áp mà những người lính Việt Nam trao tặng cho người dân Campuchia. Người đọc cũng không khỏi xúc động, mến phục trước hành động làm bảng đen bằng cách “lấy ruột pin, trộn lá khoai lang, chà lên mặt gỗ [96, tr.97] của bộ đội ta giúp cô giáo Campuchia dạy các em bé học giữa hoang tàn đổ nát. Không ít lần, bộ đội Việt Nam chữa bệnh cho dân, không ít lần bộ đội Việt Nam cứu giúp người dân gặp nạn. Chẳng hạn, đó là câu chuyện ở biển Hồ, khi Sa Ly - người thiếu nữ Campuchia được lính quân tình nguyện Việt Nam cứu giúp. Trong câu chuyện của cuộc đời mình, Sa Ly luôn nghĩ đến hình ảnh hai người lính tình nguyện Việt Nam đã cứu cô ở Biển Hồ. Hình ảnh người lính tình nguyện Việt Nam như vầng sáng lung linh trong kí ức của người con gái Khmer. Rơi vào hoàn ảnh tuyệt vọng, bị hãm hiếp, tủi nhục cay đắng giữa rừng hoang, nhưng trong kí ức của cô gái Khmer, hình ảnh người lính tình nguyện Việt Nam vẫn luôn hiện hữu: “Tui sục vào kí ức… Kí ức được quân tình nguyện Việt Nam „nhặt‟ tui dọc đường đem về nuôi, đưa vào đội phiên dịch của Ban dân vận làm công tác vận động quần chúng” [52, tr.115]. Đó là kí ức đẹp đẽ của Sa Ly về bộ đội Việt Nam. Cô gái người Khmer ấy luôn cảm thấy biết ơn: “Dù sao thì tui cũng mang ân nghĩa của những người lính Việt Nam cứu sống tôi giữa đường lạc mẹ.” [52, tr.115]. Hình ảnh người lính quân tình nguyện Việt Nam đẹp tới mức được nhân dân Khmer gọi là “bộ đội nhà Phật”.

Nhà văn Đoàn Tuấn đã từng tâm niệm: “Chiến đấu ở chiến trường bạn, đất bạn, phải làm sao thể hiện là những người lính rất đàng hoàng, tử tế, giúp dân tận lòng và không làm điều gì ảnh hưởng đến đất nước của họ. Bởi vì đây là danh dự đất nước, dân tộc. Cho nên mình đối xử với người dân, tù binh quân đội nước họ mình phải luôn giữ được vẻ đẹp, truyền thống văn hiến của người Việt Nam mình”

[91]. Đó chính là tính thần chung của người lính Việt Nam khi chiến đấu trên chiến trường K. Họ đã làm tròn sứ mệnh cao cả - một sứ mệnh không chỉ đến từ quân

lệnh như sơn mà xuất phát nhiều hơn từ trái tim yêu hòa bình, từ lòng nhân ái bao dung của người chiến sĩ Việt Nam nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung.

2.1.2.2. Sống và chiến đấu hết mình

Ở nơi chiến trường Campuchia, người lính tình nguyện Việt Nam phải đối diện với bao khó khăn, gian khổ, phải đánh đổi bằng chính tính mạng của mình. Sự hiểm nguy không chỉ đến từ bom mìn của kẻ thù, mà còn đến từ thiên nhiên, từ những sinh bật nhỏ bé nhất như ruồi, đỉa, kên kên…Có nghĩa là ở bất kì đâu, trong bất kì khoảng thời gian nào sự nguy hiểm cũng luôn bủa vây lấy họ. Thế nhưng, điều đáng quý là họ không bỏ đội hình đội ngũ, không bỏ mặc nhân dân Campuchia phải tự chống chọi với nạn diệt chủng do Pol Pot gây ra. Trong mỗi người chiến sĩ, trong mỗi giây phút của cuộc đời họ, họ luôn chiến đấu hết mình. Họ chiến đấu vì tinh thần trách nhiệm của người lính, sẵn sàng đối diện với kẻ thù, anh dũng, kiên cường,…Họ chiến đấu vì tinh thần chính nghĩa, vì tình yêu với mảnh đất láng giềng. Hiện thực chiến trường là những khó khăn, gian khổ, mất mát, hi sinh nhưng hiện thực ấy chính là cách để Sương Nguyệt Minh và Đoàn Tuấn ngợi ca tinh thần chiến đấu quả cảm, bất chấp hiểm nguy, sẵn sàng hi sinh của quân giải phóng.

Họ kiên cường quả cảm trong những trận đánh ác liệt một mát một còn với kẻ thù tàn bạo. Họ không bao giờ cúi đầu trước kẻ thù, dù trong lúc hiểm nguy nhất, dù địch mạnh hơn nhiều lần. Chẳng hạn, trong trận đánh trên cao điểm 547, gặp phục kích của kẻ thù, nhưng những người lính không đầu hàng, không tháo lui, lính tráng vẫn “căng mình ra bắn”. Trong hiểm nguy, những người lính ấy vẫn bình tĩnh: “Bình lại ra lệnh dựng cối lên. Bắn thẳng. Chứ không nghiêng 45 độ như lí thuyết nữa. Những viên đạn lao thẳng lên trời, rơi xuống phía trước, cách vài chục mét. Đạn cối nổ mà người bắn còn bị văng xuống đất. Bắn tiếp! Nghe tiếng bọn địch kêu ré lên. Hốt hoảng. Không dám xông vào trạm phẫu nữa. Chết chưa các con. Đừng đùa với cối 82 của quân đội Việt Nam” [52, tr.345]. Họ sẵn sàng giành giật với kẻ thù từng mảnh đất, tiêu diệt kẻ thù đến tận sào huyệt để giải phóng đất nước Campuchia. Những lần quân đội ta thăm dò, gỡ mìn đến nghẹt thở, sự sống và cái chết cách nhau trong gang tấc nhưng người lính vẫn can trường vượt qua. Dù tổn thất nặng nề, dù chưa đâu và chưa bao giờ lính ta lại hi sinh nhiều như trên chiến

trường Campuchia, nhưng lính tình nguyện Việt Nam đã sống và chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, đã hoàn thành nghĩa vụ quốc tế thiêng liêng. Họ không bao giờ cúi đầu trước kẻ thù, dù trong lúc hiểm nguy nhất, dù địch mạnh hơn nhiều lần.

Vẻ đẹp hào sảng, bi tráng không chỉ thể hiện trong các trận chiến, vẻ đẹp ấy còn được cụ thể hóa trong hình ảnh mỗi người lính tình nguyện Việt Nam. Có thể thấy, chiến tranh là bản anh hùng ca mà trong đó, hình ảnh những người chỉ huy của quân đội nhân dân Việt Nam hiện lên đẹp đẽ nhất, đầy khâm phục và ngưỡng mộ. Đó là hình ảnh anh Du trong Miền hoang, một người đồng đội, người chỉ huy, cũng là một người anh đã dẫn dắt Tùng từ những ngày đầu tiên vào quân ngũ. Chiến đấu 10 năm ở chiến trường K, chịu đủ mùi vất vả gian truân của cuộc chiến nhưng anh Du vẫn động viên đồng đội tiến bước và không bao giờ thoái lui trước kẻ thù. Đó là hình ảnh của phó trung đoàn trưởng, trung tá Võ Sỹ Lực - một vị tướng tài với “phong cách chỉ huy mạnh mẽ và thuyết phục” và đồng thời là chỗ dựa tinh thần lớn cho đồng đội; “Ông đã thổi vào chúng tôi, mỗi người lính, tinh thần chiến đấu dũng cảm, khí phách của người lính trận, tác phong của người lính luôn đi đầu, lối sống của người lính đích thực là lính. Chỉ cần nhìn dáng ông đi dẫn đầu đoàn quân, lững thững giữa rừng, là anh em D8 có điểm tựa tinh thần, có ý chí đi tiếp” [96, tr.295]. Đó là tiểu đoàn trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, một “vị chỉ huy mẫu mực” luôn hiên ngang trước kẻ thù, bất chấp hiểm nguy, là người tiếp thêm sức mạnh cho lính “một loại sức mạnh tinh thần vô giá”. Họ đều là những người anh hùng, là linh hồn của cuộc chiến đấu. Có họ, hình ảnh người lính quân đội nhân dân Việt Nam đẹp hơn bao giờ hết!

Họ chiến đấu hết mình trong trận chiến, và họ sống hết mình nơi trận mạc. Cuộc sống của họ là những khó khăn, gian khổ, mất mát hi sinh nhưng những người lính vẫn lựa chọn tư thế sống đẹp đẽ. Người chiến sĩ đã lấy niềm vui, sự phấn chấn làm điểm tựa. Họ thương yêu những người dân Campuchia như người thân của mình. Họ sống đầy nhiệt thành và lạc quan. Những lá thư, những bài hát, những điệu nhảy…tạo nên một tinh thần lạc quan cách mạng. Chiến tranh với họ không chỉ là mất mát, hi sinh. Chiến tranh là khi họ được sống với những cảm xúc thực của mình, nhận ra những giá trị đích thực, trân quý những phút giây hạnh phúc, những

niềm vui dù là nhỏ nhoi nhất. Tất cả những điều đó đều trở thành hành trang của người chiến sĩ.

Chiến tranh còn là bản anh hùng ca của tình đồng đội thiêng liêng. Trong lửa đạn, chết chóc, những người lính vẫn luôn sát cánh bên nhau. Họ nhường nhau từng hớp nước, miếng ăn, họ chia nhau cái chết, nhường nhau sự sống. Đồng đội nằm xuống, những người còn sống giữ trọn vẹn nghĩa tình. Họ an táng cho đồng đội mình bằng nghi thức thiêng liêng nhất có thể. Họ trân quý từng di vật đồng đội để lại. Họ không bỏ nhau lúc còn sống, và cả khi những người đồng đội đã nằm xuống nơi xứ người. Chiến tranh là đau thương, nhưng trong đau thương ấy vẫn ngời sáng vẻ đẹp tình người. Đó cũng chính là vầng sáng trong cuộc chiến tranh đầy khốc liệt.

Quả thực, chiến tranh là bản anh hùng ca về người lính. Những người lính được khắc hoạ với vẻ đẹp quả cảm, kiên cường. Khi chiến đấu, họ không lùi bước trước kẻ thù. Hình ảnh của họ đẹp đẽ, hiên ngang, bất khuất. Họ ý thức được trọng trách trên vai mình, ý thức về nghĩa vụ quốc tế thiêng liêng mà mỗi người lính mang trên mình, về lí tưởng cách mạng mà họ mang theo khi chiến đấu ở đất bạn. Trận chiến dù là những gian khổ, vất vả, mất mát, hi sinh, nhưng những người lính ấy vẫn mang tinh thần lạc quan cách mạng. Họ không lùi bước, không thoái lui, không đầu hàng. Ở họ sáng ngời phẩm chất cách mạng của quân tình nguyện Việt Nam.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Hiện thực chiến tranh trong Miền hoang của Sương Nguyệt Minh và Mùa chinh chiến ấy của Đoàn Tuấn (Trang 51 - 57)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(146 trang)