Hành trình sáng tạo

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Hiện thực chiến tranh trong Miền hoang của Sương Nguyệt Minh và Mùa chinh chiến ấy của Đoàn Tuấn (Trang 28 - 32)

5. Cấu trúc luận văn

1.2. Sáng tác của Sƣơng Nguyệt Minh, Đoàn Tuấn

1.2.1.2. Hành trình sáng tạo

Sương Nguyệt Minh là hiện tượng độc đáo và đặc biệt của văn học Việt Nam đương đại. Tuy nhiên, con đường văn chương với Sương Nguyệt Minh không mấy suôn sẻ. Ông thích viết, yêu viết và ông bắt đầu sự nghiệp viết văn của mình từ cuối thời bao cấp, ông chăm chỉ, chịu khó “cày cuốc” trên địa hạt văn chương, bắt đầu từ những bài bút kí, hồi ký, phóng sự dài kì. Tuy nhiên, giấc mộng văn chương đã có lúc tạm gác lại vì gánh nặng kinh tế cơm áo gạo tiền. Song, càng lăn lộn với cuộc đời, Sương Nguyệt Minh càng nhận ra rằng nghề văn mới là con đường đúng đắn nhất của ông. Đến năm 34 tuổi, ông mới in truyện ngắn đầu tay. Sự nghiệp văn chương của Sương Nguyệt Minh muộn hơn đồng nghiệp đến 15 năm. Tuy nhiên, Sương Nguyệt Minh đã sớm khẳng định được dấu ấn của mình trên văn đàn.

Sương Nguyệt Minh là một nhà văn hoạt động lao động sáng tạo nghệ thuật cần mẫn. Ông luôn khát khao viết và viết, luôn muốn thử sức mình ở những địa hạt văn chương mới để mang đến cái đẹp cho cuộc đời. Thậm chí có lúc ông từng từ chức Trưởng ban văn xuôi vì “Làm biên tập chiếm mất nhiều thời gian, không có lúc nào mà sáng tác”, nhưng điều quan trọng nhất là ông muốn dành toàn bộ thời gian và tâm huyết của mình cho những trang văn. Ông không muốn những trang viết của mình bị ảnh hưởng bởi phong cách của một nhà biên tập. Những trang viết phải thực sự chân thành, phải xuất phát từ cảm xúc, từ những trải nghiệm nóng hổi của bản thân - đó là điều Sương Nguyệt Minh mong muốn.

Sương Nguyệt Minh là người luôn cầu toàn trong sáng tác và nghiêm túc với chữ nghĩa. Ông luôn nghiêm khắc với bản thân trong hoạt động lao động nghệ

thuật. Mỗi tác phẩm ra đời không chỉ là tâm huyết, nó còn trải qua một quá trình nghiền ngẫm, chọn lọc, cân nhắc sao cho phù hợp. Chẳng hạn khi viết một cuốn tiểu thuyết về chiến tranh, ông tâm sự: “Tôi viết hơn 10 năm rồi chưa xong. Thật là nhọc nhằn. Nhọc nhằn bởi nghĩ ngợi nhiều quá, nên viết thế nào để khác người đi trước? Mới là khác luôn là thách thức đối với bất cứ nhà văn nào. Nhưng văn chương là cái nghiệp rồi. Không bỏ được. Cứ theo mãi” [44].

Sương Nguyệt Minh không chỉ là một nhà văn nghiêm túc với chữ nghĩa mà ông còn luôn đề cao sự sáng tạo trong quá trình sáng tác. Với Sương Nguyệt Minh, “Mỗi lần viết là một lần làm mới, không chỉ mình khác với người khác, mà còn phải khác với chính mình trước đây. Có lẽ cái „tạng‟ của tôi phải cựa quậy, luôn luôn thay đổi, để đa giọng điệu, đa phong cách” [12]. Chính vì vậy, giữa “siêu đề tài” - chiến tranh, Sương Nguyệt Minh vẫn tìm được hướng đi riêng của mình, đưa người đọc đến những “địa phận” khác của chiến tranh để người đọc có cái nhìn chân thực và sâu sắc hơn. Quả thực, ở Sương Nguyệt Minh là vẻ đẹp của một nhà văn tâm huyết và đầy tự trọng nghề nghiệp.

Điểm nổi bật trong sự nghiệp sáng tác của Sương Nguyệt Minh là những tác phẩm viết về chiến tranh. Ông tự nhận mình là một nhà văn chiến tranh. Là người lính từng cầm súng chiến đấu ở chiến trường Campuchia chống quân Pol Pot, những trải nghiệm sâu sắc về cuộc đời đã cho nhà văn vốn sống phong phú và quý giá. Xuất thân là một người lính, Sương Nguyệt Minh thấm thía cảm xúc của một người lính trực tiếp cầm súng. Ông tâm sự: “Tôi là nhà văn chiến tranh. Thời trai trẻ cũng là thời ước mơ, khát vọng, hành động ở rừng và chiến trận. Nhà văn chiến tranh có ba loại: một là, nghe người từ chiến trường kể về rồi viết; hai là „đi xem‟, thực ra là chứng kiến người ta chiến đấu rồi viết; ba là, vừa chiến đấu vừa viết hoặc chiến đấu xong rồi viết. Tôi thuộc loại nhà văn thứ ba. Và như vậy, tôi viết bằng sự tưởng tượng, hư cấu nhưng cũng viết bằng kí ức chiến trận. Không gian sông Vàm Cỏ Đông, Đồng Bưng, Cánh đồng chó ngáp, những cây thốt nốt và tiếng đại bác từ phía bên kia biên giới bắn sang…cứ lặp lại trong sáng tác của tôi. Rồi không gian sông Tonlé Sap, những cánh rừng Âm Leng, U Đông, những ngày đói khổ, những sự hi sinh thầm lặng của đồng đội…luôn ám ảnh và đi vào sáng tác của

tôi” [12]. Từ những kí ức, những ám ảnh ấy mà những trang viết của Sương Nguyệt Minh trở nên chân thực và sâu sắc, đặc biệt khi Sương Nguyệt Minh viết về cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam.

Mặt khác, những trang văn của Sương Nguyệt Minh mang nét hồn hậu, bình dị bởi cảm hứng nghệ thuật của ông gắn với quê hương, gia đình, gắn với những con người của quê hương đất nước thân yêu. Những trang viết của Sương Nguyệt Minh vì thế luôn chân thành và xúc cảm, lôi cuốn người đọc trên tất cả các thể loại sáng tác.

Sương Nguyệt Minh có sở trường viết truyện ngắn. Tuy nhiên, khi viết truyện ngắn đầu tay, Sương Nguyệt Minh gửi đến một số tờ báo nhưng đều bị từ chối. Đến năm 1992, lần đầu tiên truyện ngắn Nỗi đau dòng họ của ông được đăng trên tạp chí

Văn nghệ Quân đội. Truyện ngắn đầu tiên đã thể hiện được chất riêng của nhà văn, được đánh giá là những trang văn “có mùi có vị, rõ ra tư chất nhà văn”.

Cho đến nay, ông đã cho ra đời bảy tập truyện ngắn: Đêm làng Trọng Nhân (1988), Người ở bến sông Châu (2001), Đi qua đồng chiều (2005), Mười ba bến nước (2005), Chợ tình (2007), Dị hương (2009). Mỗi tập truyện ngắn của Sương Nguyệt Minh mang một màu sắc riêng, thể hiện những chuyển biến về phong cách của Sương Nguyệt Minh. Tuy nhiên, khi tiếp cận sáng tác của Sương Nguyệt Minh, người đọc dễ dàng nhận ra một lối viết giản dị, gần gũi, không hề phô trương, cầu kì của nhà văn. Có thể nói, chất riêng và lạ ở văn chương Sương Nguyệt Minh đã làm rung động rất nhiều những tâm hồn đồng điệu. Năm 2010, tập truyện ngắn Dị hương của Sương Nguyệt Minh được nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. Điều này đã khẳng định tài năng và tên tuổi của Sương Nguyệt Minh ở thể loại truyện ngắn nói riêng.

Dù thành công ở thể loại truyện ngắn nhưng Sương Nguyệt Minh vẫn “rẽ ngang” sang viết tiểu thuyết và tạo được ấn tượng trong lòng bạn đọc. Ở thể loại này, Sương Nguyệt Minh cũng tạo cho mình một dấu ấn riêng.Theo ông, “Tiểu thuyết cần sự chiêm nghiệm sáng tác bằng độ chín nhất định, cần thời gian và thời gian của đời nhà văn phải ở lúc sung sức nhất cả sức khỏe và nội lực sáng tạo. Tôi viết tiểu thuyết lúc tôi đang tràn trề năng lực sáng tạo, tìm kiếm được cách viết mới,

không giẫm lên con đường sáng tạo của thế hệ cha anh” [12]. Chính vì thế, cuộc chiến với Khmer Đỏ Pol Pot lùi xa đã 25 năm và trong hơn hai mươi năm ấy, Sương Nguyệt Minh đã viết khá nhiều truyện ngắn nhưng đến tận 2014 tiểu thuyết Miền hoang mới được ra mắt độc giả. Cuốn tiểu thuyết đã gây được sự chú ý của dư luận bởi cách nhìn về chiến tranh trong vai trò là một người lính từng chiến đấu ở biên giới Tây Nam. Tác phẩm viết về bốn con người ở hai chiến tuyến bị lạc trong rừng hoang dã: một cô y tá câm, một lính áo đen, một Ông Lớn - Trung đoàn trưởng bị thương dập nát một ống chân trong nhóm tàn quân Pol Pot, một chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam bị bắt làm tù binh, và thêm một gã người rừng - dã nhân mắt một mí bị mất nửa bàn chân, lạc rừng lang thang, lòng vòng, quẩn quanh,…đói khát, bất lực, tuyệt vọng trong cái nắng nóng mùa khô khắc nghiệt, thú dữ rình rập, bom mìn ẩn khuất dưới đất…luôn luôn đe dọa tính mạng. Họ đói khát tơi tả, vết thương còn hơi sực mùi thuốc súng, lê lết trong rừng…luôn là miếng mồi béo bở của lũ kên kên, chó sói. Miền hoang còn là số phận cô y tá câm người Khmer xinh đẹp trước ba gã đàn ông nơi hoang dã trần trụi - nơi mà khái niệm đạo đức và pháp luật là thứ xa xỉ, chỉ còn sức mạnh cá thể hoang dã làm bá chủ. Tiểu thuyết Miền hoang cũng là câu chuyện sinh tồn khi bị đẩy vào nơi hoang dã. Con người trong chiến tranh đi qua miền hoang dã, lại đối mặt với một miền hoang dã mới.

Đọc Miền hoang của Sương Nguyệt Minh, chúng ta thấy nỗi ám ảnh về chiến tranh không chỉ dừng lại ở bom rơi, đạn lạc, đó còn là nỗi ám ảnh về những cảm giác, về sự sinh tồn, về hoàn cảnh sống khắc nghiệt do chiến tranh gây ra. Trong những ngày tháng lạc giữa rừng hoang, chống chọi với đói khát, với sợ hãi, tuyệt vọng, không ít lần Tùng đã nhớ khôn nguôi về thời thơ ấu. Những kí ức ngọt ngào ấy trở thành chất liệu để phản ánh hiện thực khốc liệt của chiến tranh trong sáng tác của Sương Nguyệt Minh. Có thể nói, với hơn 600 trang tiểu thuyết, Sương Nguyệt Minh đã thể hiện một cách sâu sắc và toàn diện về chiến tranh. Chất hiện thực ngồn ngộn trong tác phẩm được viết ra từ chính những trải nghiệm của Sương Nguyệt Minh trong những năm chiến đấu trên chiến trường Tây Nam. Cuốn tiểu thuyết không chỉ thể hiện quá trình lao động nghệ thuât công phu, đầy tâm huyết của nhà văn với những tìm tòi sáng tạo ở thể loại tiểu thuyết, cuốn sách còn là tiếng

nói tự trái tim của người lính - nhà văn, ông viết về chiến tranh với tất cả những gì sâu sắc và chân thực nhất trong cảm nghiệm của mình.

Có thể thấy, là thế hệ nhà văn của thời kì Đổi mới chuyên viết về chiến tranh song Sương Nguyệt Minh đã tìm ra được hướng đi riêng, thể hiện tài năng và phong cách của mình. Sương Nguyệt Minh đã vượt ra sự giới hạn của đề tài, của thế giới hiện thực trong nền văn học cách mạng mà khám phá và thể hiện hiện thực đời sống trong tính muôn mặt, muôn vẻ của nó. Ông đã đi sâu vào đời sống hiện thực để tìm tòi, khám phá, từ đó có những cách tân làm nên thành công to lớn trên hành trình nghệ thuật của mình. Có thể nói, Sương Nguyệt Minh là người không chịu dừng lại, thỏa mãn nhấm nháp hoa thơm trái ngọt của vụ mùa cũ mà luôn tiếp tục sáng tạo trên hành trình tìm kiếm cái đẹp cho cuộc đời. Ông sẽ tiếp tục dấn thân không mệt mỏi và thể hiện những dấu ấn riêng trên con đường văn nghiệp của mình.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Hiện thực chiến tranh trong Miền hoang của Sương Nguyệt Minh và Mùa chinh chiến ấy của Đoàn Tuấn (Trang 28 - 32)