Sự hi sinh, mất mát

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Hiện thực chiến tranh trong Miền hoang của Sương Nguyệt Minh và Mùa chinh chiến ấy của Đoàn Tuấn (Trang 47 - 51)

5. Cấu trúc luận văn

2.1.1. Hoàn cảnh chiến trường

2.1.1.2. Sự hi sinh, mất mát

Trong Mùa chinh chiến ấy Miền hoang, sự khốc liệt và bi thương của cuộc chiến được miêu tả bằng sự hi sinh của người lính. Chiến đấu với kẻ thù hiểm ác, trong hoàn cảnh gian khổ như vậy, hi sinh mất mát là điều không thế tránh khỏi đối với những người chiến sĩ tình nguyện Việt Nam. Nhưng ở chiến trường Campuchia này, người lính Việt Nam hi sinh với muôn ngàn cách khác nhau:

“Những người lính chúng tôi hi sinh. Vì mìn dưới đất. Vì đạn bắn ngang tầm. Vì nước lũ. Vì sốt rét. Vì khát…Và còn vì sét đánh nữa. Tôi đã được chứng kiến những trận sét đánh trong chiến trường Campuchia dữ dội ra sao” [96, tr.339]. Có những sự hi sinh đẹp đẽ, bi tráng, nhưng cũng có những cái chết phi lí, đau đớn đến nghẹn lòng. Và dù hi sinh theo cách nào đi nữa cũng đều phản ánh chân thực những khốc liệt và bi tráng của cuộc chiến nơi đất khách quê người. Có lẽ, chưa ở đâu và chưa bao giờ, lính Việt Nam lại hi sinh nhiều đến thế, phi lí và nghẹn ngào đến thế. Trong những trang văn của Đoàn Tuấn, những người đồng đội của ông buổi chiều còn cười nói vui vẻ, đêm đến đã không còn quay về. Những người lính ấy còn chưa kịp nghe hết một bản nhạc, đã chấm dứt tuổi thanh xuân theo tiếng nhạc. Trong

Miền hoang, Sương Nguyệt Minh cũng không hề né tránh những hiện thực đau lòng ấy. Có những người hi sinh vì bom đạn, có người bị thú dữ ăn thịt, nhưng cũng có

những người lính chết vì những lí do như rơi từ độ cao 30m vì lấy nước thốt nốt, có người chết vì điện giật khi đánh cá…Quả thực “Có hàng trăm, hàng ngàn kiểu chết khác nhau ở chiến trường K” [52, tr.181], và cái chết nào cũng phản ánh vô cùng chân thực sự đau thương ở chiến trường Campuchia.

Tuy nhiên, trong bom đạn của kẻ thù, cũng có những sự hi sinh vô cùng đẹp đẽ, bi tráng. Trong Mùa chinh chiến ấy, Đoàn Tuấn đã ghi chép lại nhiều sự hi sinh đẹp đẽ và bi tráng, như trường hợp của anh Nguyễn Mạnh Hùng: “Anh Hùng đã bắn viên đạn cuối cùng. Đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng theo nghĩa chính xác nhất của từ này” [96, tr.360]. Viên đạn bắn ra từ giây phút cuối cùng, và cũng ở những khoảnh khắc cuối cùng của cuộc đời, người chỉ huy ấy đã chiến đấu trọn vẹn cho lí tưởng, cho cách mạng. Người con của Hải Dương ấy đã không hề chùn bước, không hề run sợ trước kẻ thù. Sự hi sinh của anh bi thương nhưng không hề bi lụy. Quả thực, chiến tranh là nơi tô đậm vẻ đẹp của những anh hùng sẵn sàng xả thân, sẵn sàng xông pha nơi đầu tên mũi đạn để chiến đấu với quân thù.

Mỗi người nằm xuống nơi chiến trường theo một cách riêng. Nếu sự hi sinh của tiểu đoàn trưởng Nguyễn Mạnh Hùng mang vẻ đẹp bi tráng thì sự hi sinh của anh Hà Huy Lan là một khoảnh khắc đẹp đến ám ảnh: “Anh Lan nằm nghiêng. Áo vẫn bỏ trong quần. Đầu gối lên khẩu M79. Một chiếc khăn mặt trắng được anh phủ lên vết thương trên đầu. Dưới chân anh, đôi dép cao su được xếp ngay ngắn” [96, tr.165]. Sự hi sinh ấy khiến Đoàn Tuấn “sững sờ, kinh ngạc” trước “cái chết rất đẹp, rất gọn, rất sạch” của người sỹ quan quân đội anh hùng. Đau đớn, ám ảnh nhưng dường như sự hi sinh ấy là một lời khẳng định chắc chắn nhất cho vẻ đẹp của những người chiến sĩ đã sống, chiến đấu và hi sinh trên đất bạn. Thậm chí, ngay trong thời khắc cuối cùng của cuộc đời, họ cũng chọn cho mình cái chết thanh sạch nhất, đẹp đẽ nhất như khi họ còn sống. Đó là những khoảnh khắc đẹp đẽ vô ngần! Hoặc như sự hi sinh của “Duy Khánh” - Nguyễn Trận. Không hi sinh vì bom đạn, nhưng chàng trai ấy đã hát cho đến khi tàn sức kiệt hơi khi mắc phải sốt rét ác tính. Sự hi sinh đặc biệt và“ai cũng phải công nhận đó là một cái chết bi tráng. Hát. Và hát. Hát đến hơi thở cuối cùng. Mấy cuộc đại chiến thế giới đã qua, có cái chết nào kiêu hãnh, bi hùng đến thế chưa?” [96, tr.329]

Đành rằng có những sự hi sinh đẹp đẽ và bi tráng đến thế, nhưng những trang viết của Đoàn Tuấn, Sương Nguyệt Minh vẫn không khiến người đọc tránh khỏi những đau đớn, xót xa. Bằng những trải nghiệm của bản thân, họ nhìn thẳng vào sự thật, viết lên sự thật và viết bằng tất cả những đớn đau uất nghẹn của mình trước sự hi sinh của đồng đội. Từng làm công việc chăm lo cho tử sĩ, từng đi “nhặt nhạnh” từng bộ phận cơ thể của đồng đội mình, từng trân trọng, nâng niu từng di vật khi đồng đội nằm xuống, Đoàn Tuấn đã viết những trang văn bằng cảm xúc chân thực nhật. Và sự hi sinh của đồng đội vì thế mà hiện hữu trên mỗi trang viết đầy ám ảnh. Chính vì thế, Đoàn Tuấn đã không hề ngần ngại, né tránh khi đề cập đến những cái chết uất nghẹn, phi lí. Chẳng hạn trường hợp của anh Cương. Khi sống, anh đã cống hiến hết mình cho chiến tranh, đã dành tuổi thanh xuân của mình cho quân ngũ, ngày trở về, khi nán lại một chút nơi chiến trường anh từng gắn bó thì “Ầm!”. Một trái mìn K58 bất ngờ nổ. Anh Cương ngã vật ra. Hai ống chân nát tươm. Máu tuôn xối xả. Nhiều người nhảy xuống xe. Phải rất thận trọng mới đến gần chỗ anh, băng bó rồi khiêng anh lên xe. Chuyến xe đưa anh về nước phải quay đầu trở lại trạm phẫu trung đoàn để cấp cứu cho anh. Nhưng trong đêm đó, anh đã trút hơi thở cuối cùng trên đất K” [96, tr.357]. Đó là sự hi sinh bên lề cuộc chiến, không đối diện trực tiếp với kẻ thù, nhưng anh Cương đã ngã xuống ngay cái nơi mà anh gắn bó, chiến đấu để bảo vệ. Còn gì đau xót hơn khi sắp được đoàn tụ với gia đình, được trở về với quê hương thì anh lại nằm xuống ở nơi chiến trường hoang lạnh. Sự hi sinh của anh Cương đầy ám ảnh, bởi lẽ tình sâu nghĩa nặng, sự lãng mạn cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến cái chết ở trên chiến trường K dữ dội ấy.

Hoặc người đọc cũng không khỏi đau đớn trước sự hi sinh của Tô Văn Phán - “anh chàng lính mới quê Phú Khánh”. Phán hi sinh bất ngờ nhưng cũng đầy ám ảnh: “Về đến đúng đồi Con Cá thì thằng Phán vấp mìn… Ầm một cái! Nó ngồi bệt xuống. Nhìn hai chân của mình nát bươm, máu tuôn lênh láng. Nhưng thằng Phán, không kêu một tiếng, mắt nó mở to, nhìn trân trân vào hai ống chân đỏ lòm, gần như vỡ toác, đứt đi. Nó cứ nhìn như vậy. Không kêu la. Mặt nó vẫn bình thường, không lộ vẻ đau đớn. Nó cảm nhận cái chết hết sức điềm nhiên. Hình như nó đã linh cảm thấy cái chết này. Nó đón nhận. Và chấp nhận. Khi nghe tiếng mìn, anh em vội

nằm xuống, chuẩn bị nổ súng. Nhưng không thấy động tĩnh gì. Khi anh em bò lên, thấy thằng Phán vẫn còn ngồi nhìn đôi chân mình. Tay trái chống đất. Tay phải giữ khẩu AK. Anh em bò lại, đỡ nó. Lúc ấy nó mới từ từ ngả xuống. Và mắt, dần khép lại…” [96, tr.449].

Dẫu biết bước vào cuộc chiến là phải đối diện với chết chóc, đau thương, thế nhưng người đọc vẫn không khỏi bất ngờ và đau đớn trước những sự thật mà Sương Nguyệt Minh và Đoàn Tuấn đã thể hiện trên trang viết của mình, đặc biệt khi viết về sự hi sinh của người lính. Có những cái chết trong trận đánh, nhưng thậm chí còn có những cái chết “không trong trận đánh” và “bên lề cuộc chiến”. Họ có thể chết vì đỉa, vì sét đánh, vì yếm khí,… vì muôn ngàn lí do khác nhau nhưng sự hi sinh nào cũng không tránh khỏi những đau đớn và ám ảnh.

Nhưng đau đớn nhất chính là những cái chết không vẹn toàn thân xác. Đây chính là sự thảm khốc của chiến trường Campuchia mà người lính rơi vào. Người lính hi sinh có thể vì bom mìn, vì thú dữ ăn thịt…nhưng phần lớn họ đều mất đi một phần cơ thể. Trong Miền hoang, chính mắt Tùng đã nhìn thấy đồng đội mình “chỉ còn một ống chân trong chiếc giày thêu chữ Du”. Hay trong góc nhìn của thằng Rô - bên phía kẻ thù: “Trước mắt bọn tao là gốc cây dầu, cỏ bị quật nát, hai đoạn xương ống bị róc hết thịt như chui ra từ đôi giầy vải bộ đội Việt Nam ở trong đó có hai cái bàn chân. Chung quanh các dóng xương vương vãi và vết chân con kh‟la quần tanh bành dập nát cả một vùng cỏ cây. Cọp chưa kịp ăn hai bàn chân còn sót lại trong giày vải màu cứt ngựa, hay nó đã no bụng nên bỏ đi…” [52, tr.148]. Ở

Mùa chinh chiến ấy, Đoàn Tuấn cũng không né tránh hiện thực đau lòng này. Bao nhiêu người lính đã nằm xuống, bao nhiêu người đồng đội đã ở lại nơi đất khách quê người. Nhưng đau đớn nhất, cả khi đã nằm xuống họ vẫn phải “chịu đựng” những đớn đau của một thân xác không vẹn toàn. Có những người bị “bay mất” cả thân trên khi bị dính mìn, “người mất tay, người mất thân, người mất đùi” [96, tr.213]. Đau thương chồng chất đau thương. Và những người còn sống lại cẩn thận “nhặt từng miếng thịt, từng mẩu xương, từng chiếc giày về xếp lại cho đồng đội”

[96, tr.213], “Hai ba lô xương thịt vụn, chúng tôi cũng rửa sạch đất cát. Tìm xem ai thiếu gì thì xếp vào” [96, tr.215]. Chiến trường hiện lên với chi tiết tả chân đến trần

trụi, đến đau lòng. Có lẽ, đây mới chính là những hình ảnh đau đớn, ám ảnh nhất của chiến tranh.

Thậm chí có những người hi sinh đến hai lần như trường hợp của anh Sơn. Anh Sơn hi sinh vì mìn. Đồng đội không bỏ mặc anh nên khiêng anh về Cam-tuất nhưng gặp phục kích của kẻ thù: “Trong số 8 người đó, có Lưu Thanh Sơn - người đã chết hai lần. Cầu mong không có lần thứ ba” [96, tr.216]. Điều này có lẽ không hiếm ở chiến trường Campuchia. Còn sống, người lính đã phải đối diện với muôn ngàn khó khăn, thử thách, với muôn ngàn “kẻ thù” nơi chiến trường. Đến khi hi sinh, họ không những phải nằm lại nơi đất khách quê người, thậm chí còn “hồn siêu phách lạc” khi chết đi chết lại, không biết có tìm nổi đường về quê hương. Sự thực ấy là một nỗi đau không thể nào nguôi ngoai!

Người lính hi sinh theo muôn ngàn cách khác nhau, có những sự hi sinh đẹp đẽ, bi tráng trong cuộc chiến, cũng có những cái chết bên lề cuộc chiến nhưng đều mang đến sự đau đớn, xót xa cho người đọc bởi họ đều hi sinh khi còn rất trẻ, hi sinh ở phần đời đẹp đẽ nhất của mình. Họ nằm xuống nơi xứ lạ quê người, chết xa Tổ quốc và không biết có tìm được đường về với đất Mẹ. Sự hi sinh mất mát trong cuộc chiến được soi chiếu cận cảnh. Sương Nguyệt Minh và Đoàn Tuấn đã không né tránh sự thực, không ngần ngại, không thêm bớt. Họ viết trong nỗi đau, trong sự ngưỡng mộ, cảm phục, chua xót…nhưng quan trọng nhất là họ viết lên sự thật về chiến trường. Viết về sự hi sinh của đồng đội, hai nhà văn đã đi đến tận cùng sự tàn bạo của chiến tranh, sự khốc liệt của chiến trường.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Hiện thực chiến tranh trong Miền hoang của Sương Nguyệt Minh và Mùa chinh chiến ấy của Đoàn Tuấn (Trang 47 - 51)