Ngôn ngữ dung tục, đời thường

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Hiện thực chiến tranh trong Miền hoang của Sương Nguyệt Minh và Mùa chinh chiến ấy của Đoàn Tuấn (Trang 120 - 124)

5. Cấu trúc luận văn

3.3. Ngôn ngữ trần thuật

3.3.2. Ngôn ngữ dung tục, đời thường

Một trong những đặc điểm nổi bật của văn học sau năm 1975 là các nhà văn chú ý sử dụng ngôn ngữ mang sắc thái dung dị, tự nhiên, dân dã, đậm chất khẩu ngữ, quen thuộc, gần gũi với đông đảo quần chúng nhân dân. Lối sử dụng ngôn ngữ này khiến hiện thực hiện lên đúng như chính nó với tất cả nét xù xì, thô mộc. Đặc biệt, ở các tác phẩm viết về đề tài chiến tranh, các nhà văn đã sử dụng lớp ngôn ngữ đời thường làm cho cuộc sống của người lính thật hơn, gần gũi hơn với người đọc. Ngôn ngữ nghệ thuật “tăng dần chất thô mộc, góc cạnh của đời thường, suồng sã trong giọng điệu, riết róng trong từ ngữ” [10, tr.172] có khả năng lột tả, khai thác và phản ánh chân thực về cuộc chiến và hình tượng người lính trở nên đa diện và chân thực hơn.

Với bản lĩnh và tài năng của người nghệ sĩ, Sương Nguyệt Minh đã sử dụng lớp từ ngữ thô tục rất đúng với từng đối tượng, sự kiện và hoàn cảnh nên trong mỗi trang viết của ông đều thể hiện một mạch ngầm tư tưởng của người viết. Cụ thể, thằng Rô xuất hiện trong 9 chương truyện của Miền hoang và trong hầu hết các chương dành cho thằng Rô đều là ngôn ngữ tục tĩu. Ngôn ngữ tục tĩu xuất hiện liên tục trong lời thoại của thằng Rô. “Đ.mẹ! Bọn chó chết!...”; “Đ.mẹ! Đích thực là con mụ Dên rồi”; và nói với bất kì ai hắn cũng thêm vào đó “Đ.mẹ”, “Đéo”. Khi hắn nói với Tùng: “Đ**mẹ cái thằng Duol học đòi, ra trận, đánh nhau tanh bành, thời gian đéo đâu mà đàn với hát… cho bọn lợn bò nghe và nhảy nhót à? [52, tr.135]. Thậm chí khi nói với cấp trên của hắn là Lục Thum, hắn vẫn sử dụng những từ ngữ tục, câu chửi thề: “Ông lớn. Tao chỉ nghe thấy tiếng âm âm, rồi rộn rịch như tiếng thú vật chạy hốt hoảng. Đ.mẹ! Y như động rừng!” [52, tr.330]. Ngôn ngữ thô tục gắn với thằng Rô đã thể hiện bản chất vô học, vô văn hóa của nhân vật này, đồng thời tạo ra sự khác biệt đối với hình tượng người lính Việt Nam. Nói như Sương Nguyệt Minh: “Nhân vật tên lính áo đen là một kẻ vô học, thô lỗ, cục cằn, đen tối,… nó chửi bậy và nói tục là chuyện đương nhiên, là thuộc tính. Vả lại bị đẩy đến tận cùng hoang dại, ở quá xa loài người văn mình, lại bức xúc, chán nản, tuyệt vọng… lời lẽ thô tục phù hợp với hoàn cảnh và tính cách nhân vật” [48].

Không chỉ khai thác lớp ngôn ngữ thô tục, Sương Nguyệt Minh còn viết về những vấn đề nhạy cảm hết sức tự nhiên. Chẳng hạn khi nhà văn nói về những phản ứng bản năng, sinh học của con người. Hoặc khi Sa Ly hồi tưởng lại chuyện bị hãm hiếp: “Vẫn ghì chặt, ôm tui rồi đột ngột thằng béo kêu rống lên ồi...ồi...ồi như con min bị chọc tiết. Tui nhận ra một dòng nước âm ấm tràn vào cửa mình” [52, tr.47]. Ngôn ngữ nhạy cảm xuất hiện dày đặc trong tác phẩm song không hề mang đến cho người đọc cảm giác khó chịu. Khi sử dụng lớp ngôn ngữ này, một mặt tác giả đã phơi trần bộ mặt của chiến tranh, miêu tả chân thực bản chất hoang dã man rợ; mặt khác giúp người đọc cảm nhận sâu sắc hệ lụy đau lòng của cuộc chiến tranh.

Mặt khác, trong Miền hoang, Sương Nguyệt Minh còn khai thác khá thành công ngôn ngữ đời thường để khắc họa tính cách nhân vật. Ngôn ngữ cá tính hóa là một đặc điểm thể hiện sinh động chân dung nhân vật. Chính bởi vậy, mỗi nhân vật trong Miền hoang mang một đặc điểm ngôn ngữ riêng: Lục Thum có lối nói uy lực, mưu mẹo; tên lính áo đen vô học, man rợ, sử dụng lối nói nhát gừng, khẩu ngữ và từ lóng thô tục; anh lính Việt Nam khuôn phép, nhẹ nhàng; Sa Ly phát ra những tiếng nói cảnh báo, khiếp sợ trong tình huống khẩn cấp. Ngôn ngữ đời thường đã thể hiện được thói quen và tính cách nhân vật, từ đó chân dung nhân vật trở nên gần gũi hơn, chân thực hơn.

Ở hồi ký văn học, người trần thuật chính là tác giả. Tác giả và nhân vật xưng “tôi” là một nên ngôn ngữ trần thuật còn là lời của nhân vật. Song hồi ký văn học không chỉ là câu chuyện của tác giả mà còn là một tác phẩm văn học, vì vậy mỗi nhà văn đều có ý thức lựa chọn ngôn ngữ phù hợp cho tác phẩm của mình. Với hồi ký văn học, đặc biệt từ sau năm 1975, các nhà văn luôn có ý thức chọn lọc một hình thức ngôn từ phù hợp, dễ lôi cuốn, hấp dẫn người đọc. Có thể thấy, một trong những nét đặc trưng riêng của ngôn ngữ hồi ký giai đoạn này là tác giả sử dụng ngôn ngữ người kể chuyện theo lối nói dung dị, tự nhiên, dân dã, đậm chất khẩu ngữ, gần gũi với đông đảo quần chúng nhân dân. Đồng thời, lối sử dụng ngôn từ này tạo ra cái tươi nguyên cho quá khứ, gây hiệu quả nhận thức, thẩm mĩ cao.

Trong mỗi trang văn của Mùa chinh chiến ấy, ngôn ngữ đời thường đã ùa vào trong tác phẩm, qua lời thoại của lính tráng. Họ nói chuyện với nhau không

kiểu cách, thậm chí bỗ bã qua cách đối đáp xưng hô mày - tao, ông - tôi, thằng này - thằng kia,… Cách sử dụng ngôn ngữ ấy khiến cho mỗi nhân vật của Đoàn Tuấn hiện lên chân thực, sống động, người đọc bị cuốn hút theo câu chuyện của họ. Đặc biệt “chất lính” cũng vì thế mà toát ra, không lẫn vào đâu được. Qua ngôn ngữ, Đoàn Tuấn đã thổi hồn vào tác phẩm của mình, chất lính tráng lan tỏa trong toàn bộ tác phẩm. Người đọc thấy được sự trẻ trung, hài hước, tếu táo, cũng như những cung bậc cảm xúc, suy nghĩ của những chàng thanh niên tuổi đời khá trẻ. Ngôn ngữ ấy được cụ thể hóa trong câu chuyện của Vinh “gạo mốc” và “tôi”:

“Một buổi trưa, Vinh rủ tôi ra bãi tráng, trước cửa tiểu đoàn, chỗ trực thăng hay đỗ. Vinh tâm sự:

- Mẹ, tao vừa nhận thư ông già. Đếch thèm đọc. - Sao vậy?

- Thư nào cũng như xã luận báo Nhân dân. Chán chết. - Đưa tao xem thư ông già mày viết thế nào?

Vinh lấy trong túi ra lá thư. Đúng là chưa bóc. [ 96, tr. 307]

Lớp từ của người lính được Đoàn Tuấn khai thác: ông già, đếch, chán chết… giúp người đọc hình dung ra những con người trẻ tuổi, vô tư, tếu táo. Người đọc như được chứng kiến cuộc nói chuyện tâm tình giữa hai người lính cùng trang lứa. Không cầu kì kiểu cách, không hoa mĩ, không bóng bẩy, ngôn ngữ của các nhân vật dung dị như chính cuộc sống của họ. Người đọc không chỉ thấy tâm thế của họ, thấy “chất lính” qua lớp ngôn từ mà còn có cơ hội khám phá đời sống tâm hồn của những người lính trẻ. Quả thực, ngôn ngữ đã giúp Đoàn Tuấn kéo những người lính về gần hơn với đời thực và người đọc có cơ hội trải nghiệm về cuộc chiến như chính người trong cuộc.

Có khi, tác giả còn gán vào lời thoại của nhân vật những từ ngữ thô tục: “Thằng Kháng, vận tải, người Quảng Nam, trề môi:Thử tính xem, từ 5 giờ chiều đến 12 giờ đêm là 8 tiếng. Từ 12 giờ đêm đến 12 giờ trưa hôm nay là 12 tiếng. Tổng cộng là 20 tiếng mới đi được hơn cây số. Đ.mẹ, các anh là rùa à? Đếch bằng con nít”. Thằng Thành “hấp”, dân Đà Nẵng, nổi tiếng chập cheng, cũng gằn giọng: “Đ.má, chỉ huy như thế thì chủ huy cái đ.gì”. Nói xong, nó song phi vào gốc cây,

ngã chổng vó. Không kêu đau, lại vùng dậy ngay” [96, tr.294]. Những câu chửi thể, chửi tục được sử dụng đã thể hiện được sự thoải mái, suồng sã của người lính. Cứ ngồi bên nhau, nói chuyện với nhau, họ đều sử dụng lối nói tếu táo, thân mật, đậm chất lính.

Hoặc nhà văn khai thác lớp từ ngữ dân gian như trong đoạn hội thoại giữa anh Khai và lính:

- Này các cậu hát linh tinh gì thế?

- Dạ, bọn em nghe nói, hướng quân khu 7 và quân khu 9, địch chống trả rất quyết liệt nên quân khu 5 mình có thể tiến thẳng đến Phnom Phênh? - Minh “sứt” mắt sáng bừng bừng, trả lời.

- Thôi đi các bố, không có chuyện ấy đâu. - Sao hướng mình địch bỏ chạy hết, thủ trưởng?

- Tôi hỏi, hai cái tỉnh Mondulkiri và Ratanakiri, các cậu đi qua, có cái vị gì. Bọn địch chỉ tập trung giữ thành phố, thị xã. Mai đánh vào sân bay Stung Treng, các cậu sẽ biết thế nào là lễ độ với chiến tranh! Tôi nhắc thế để các cậu không được chủ quan khinh địch.

- Thủ trưởng yên tâm. Đánh nhau với bọn ăn bốc đái đứng, mình luôn trên cơ! Anh Sắc, vẫn đeo gùi B41, cười nói.

- Nhưng phải luôn nhớ câu: “Chó cùng dứt giậu!” - anh Khai cảnh báo rồi bỏ đi” [96, tr 42].

Lớp ngôn ngữ dân gian được sử dụng triệt để như “ăn bốc đái đứng” , “chó cùng dứt dậu”… khiến cho cuộc hội thoại tự nhiên, dung dị, mang đậm dấu ấn của người Việt qua lời ăn tiếng nói. Qua ngôn ngữ trần thuật tự nhiên, dân dã và đậm chất khẩu ngữ, nhà văn không chỉ tái hiện cuộc sống dung dị mà còn tô đậm cái hồn nhiên, tếu táo của những chàng trai tuổi đôi mươi. Những sự thật về con người, về cuộc sống một thời hiển lộ trong những trang hồi ký có sức lay động người đọc.

Sử dụng ngôn ngữ đậm chất sống, chất đời thường, Sương Nguyệt Minh và Đoàn Tuấn đã tạo dựng một quá khứ gần gũi, chân thật, một hiện thực cuộc sống đúng như chính nó. Mặt khác, ngôn ngữ đậm chất hiện thực đời thường không làm mất đi vẻ đẹp cao cả của người lính mà đưa vẻ đẹp của họ bình dị hơn, gần gũi hơn.

Ngôn ngữ ấy chứng minh: họ là những con người bình thường mà phi thường, chứ họ không phải là thánh nhân.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Hiện thực chiến tranh trong Miền hoang của Sương Nguyệt Minh và Mùa chinh chiến ấy của Đoàn Tuấn (Trang 120 - 124)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(146 trang)