Ngôn ngữ nhân vật

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Hiện thực chiến tranh trong Miền hoang của Sương Nguyệt Minh và Mùa chinh chiến ấy của Đoàn Tuấn (Trang 96 - 100)

5. Cấu trúc luận văn

3.1.2. Ngôn ngữ nhân vật

Theo Từ điển thuật ngữ văn học,“ngôn ngữ nhân vật là lời nói của nhân vật trong tác phẩm thuộc các loại hình tự sự và kịch” [29, tr.183]. Ngôn ngữ đóng vai trò đặc biệt trong việc khắc hoạ hình tượng nhân vật, “là một trong những phương tiện quan trọng được nhà văn sử dụng nhằm thể hiện cuộc sống và cá tính nhân vật”. Trong tác phẩm của mình, nhà văn có thể cá thể hoá ngôn ngữ nhân vật bằng nhiều cách khác nhau, song điều quan trọng nhất là qua hệ thống ngôn ngữ, nhân vật được thể hiện một cách rõ nét nhất.

Trong Miền hoangMùa chinh chiến ấy, Sương Nguyệt Minh và Đoàn Tuấn đã khai thác khá thành công ngôn ngữ nhân vật, từ đó giúp người đọc tiếp cận nhân vật một cách toàn vẹn hơn và có thể đi sâu tìm hiểu chiều sâu tư tưởng của tác phẩm. Trong đó, các nhà văn đã chú ý khai thác ngôn ngữ đối thoại và ngôn ngữ độc thoại. Tùy theo chủ đích thể hiện nội dung của tác phẩm mà các tác giả cho nhân vật dùng ngôn ngữ đối thoại hay độc thoại.

Về đối thoại, trong tác phẩm của mình, Sương Nguyệt Minh đã sử dụng một dung lượng đối thoại khá lớn giữa các nhân vật. Các đoạn đối thoại giữa bốn nhân vật khiến cho cốt truyện thêm liền mạch, làm cho mạch truyện không đơn diệu. Mặt khác, qua ngôn ngữ đối thoại, tác giả có thể tạo nên những tình huống bất ngờ vừa khắc họa được tính cách nhân vật. Trong Miền hoang, qua các đoạn đối thoại, bốn nhân vật hiện lên với bốn tính cách khác nhau. Lục Thum có lối nói uy lực “Nghe rõ chưa” thể hiện bản chất của một kẻ thâm độc những luôn nắm được uy quyền trong tay. Hắn bao giờ cũng xưng “Ta”: “Ta nằm một lúc thì cơn nhức buốt lại

hành hạ, không ngủ được”, “Ta nhìn sâu vào mắt con y tá câm, dồn tinh lực áp đảo nó khiến thần khí phải bạc nhược khuất phục” [52, tr.89, 93].

Thằng Rô cũng được khắc họa với phong cách ngôn từ cá nhân riêng. Hắn luôn xuất hiện trong danh xưng “Tao”: “Tao nghĩ, phải phang toác đầu nó bằng xẻng bộ binh”, “Tao trừng mắt nhìn con câm”… [52, tr.23, 25]. Cách xưng hô đã thể hiện rõ bản chất vô học cũng như địa vị xã hội của hắn. Thằng Rô được khắc họa với lớp ngôn ngữ thông tục, gần như lời thoại nào của hắn cũng là chửi thề, văng tục, gắn với những chuyện chém giết: “Đ**mẹ! Có cái hố phòng thân đào không nổi. Chả trách bọn tao đánh du kích phải chạy tụt quần. Nghe rõ chưa” [52, tr.82] đã lột tả sự cục cằn, thô lỗ, độc ác. Mặt khác, lớp ngôn ngữ của hắn gắn liền với các nhu cầu của đời sống hoang dã, thể hiện bản chất của con người bản năng, ngu dốt. Hắn không thấy gì khác ngoài những nhu cầu bức thiết của đời sống bản năng tăm tối. Thế nhưng, trong vai người kể chuyện, hắn luôn là người phát ngôn cho lí tưởng: “Trong số 5 triệu người Khmer, chỉ cần một triệu người xây dựng xã hội. Dứt khoát tao phải đứng trong số một triệu người còn lại, chứ không thể nằm trong số bốn triệu như bọn bác sĩ, kĩ sư, giáo viên, nghệ sĩ,… bị coi là thừa ra” 52, tr.145]. Lớp ngôn ngữ ấy đã lột tả tự ngu muội, trung thành một cách mù quáng của tên lính áo đen.

Còn Tùng - một người lính tình nguyện Việt Nam chủ yếu được khắc hoạ bằng ngôn ngữ nhẹ nhàng, có văn hoá. Trong ngôi kể thứ nhất, bao giờ Tùng cũng xưng “Tôi”, “Chúng tôi”: “Tôi loay hoay không tài nào ra khỏi tầm đạn bắn thẳng của bọn lính áo đen” [52, tr.11]; “Bọn lính áo đen tàn quân Pol Pot, chúng tôi hay gọi là lính Pốt” [52, tr.8]. Đó là cách xưng hô của một con người ý thức rõ vị thế của mình trong cuộc chiến. Mặt khác, Tùng luôn được được đặt vào vùng ngôn ngữ văn hóa. Đó có thể là ngôn ngữ đậm chất thơ về Hà Nội, về tình yêu, về tuổi trẻ hoặc lớp ngôn ngữ khi nói đến các lĩnh vực y học, lịch sử, địa lí… Lớp ngôn ngữ ấy gợi tả vẻ đẹp tâm hồn của chàng trai Hà Nội vô cùng tinh tế, lãng mạn và trí thức. Cũng có khi Tùng được khắc họa trong lớp ngôn ngữ xù xì, thô ráp, đậm chất chiến trường: “Đéo phải ẩn nấp thì tao đéo đào nữa” [52, tr.84]; “Chuột chù chê khỉ rằng hôi. Mẹ kiếp! Đúng là cái loại chuột chù” [52, tr.84]; “Tôi tỏ ra láu cá, sợ hãi,

cố đi thụt lùi lại bốn năm mét. Bàn chân tôi đặt lên vết chân thằng Rô đen in rõ trên tro than, nó bị tan thây thì mình cũng chỉ bị thương là cùng” [52, tr.350]. Ở lớp ngôn ngữ này, người đọc thấy được sự từng trải và trưởng thành của Tùng trong chiến tranh. Và như vậy, qua lớp ngôn ngữ nhân vật, người lính Việt Nam hiện lên một cách chân thực và toàn diện hơn, đối lập với kẻ thù bên kia chiến tuyến trong tính cách cũng như vẻ đẹp tâm hồn.

Cô gái Sa Ly là người được khắc họa qua ngôn ngữ ít nhất, tiếng nói của cô chỉ cất lên trong những trường hợp đặc biệt khẩn cấp nhưng lại thâu tóm được những nỗi ám ảnh kinh hoàng, sự tuyệt vọng của con người trong hoàn cảnh trớ trêu. Mỗi lớp ngôn ngữ của nhân vật lại phản ánh một trạng thái tâm lí, tính cách, một số phận khác nhau. Qua ngôn ngữ, các nhân vật được cá tính hóa trong ý đồ nghệ thuật của nhà văn.

Trong Mùa chinh chiến ấy, Đoàn Tuấn cũng đặc biệt chú ý khai thác ngôn ngữ giàu tính đối thoại. Trong tác phẩm của Đoàn Tuấn, ông chủ tâm khai thác những cuộc đối thoại ngắn của người lính để những trang viết trở nên sinh động hấp dẫn, người đọc vừa có thể phát hiện đặc điểm tính cách nhân vật đồng thời nhận ra những thông điệp nghệ thuật mà nhà văn muốn gửi gắm đến tác giả. Tuy nhiên, một điểm đặc biệt quan trọng trong Mùa chinh chiến ấy là Đoàn Tuấn đã tạo ra một lớp ngôn ngữ giàu tính đối thoại. Có nghĩa là sự đối thoại không chỉ dừng lại ở việc chuyện người này đối thoại, trao đổi thông tin, bày tỏ quan điểm, bộc lộ cảm xúc giữa người này với người kia một cách ngẫu nhiên, nhất thời mà quan trọng là đối thoại về tư tưởng, quan điểm, cách nhìn về thế giới và con người ẩn đằng sau những phát ngôn của họ. Đó là lúc nhân vật cất lên tiếng nói của mình, vừa hướng vào bản thể để chất vấn, suy nghiệm, tự thú, vừa hướng ra bên ngoài để đối thoại, tranh biện, phê phán. Trong Mùa chinh chiến ấy, Đoàn Tuấn đã lắng nghe biết bao những cuộc đối thoại của đồng đội để hiểu hơn đời sống bên trong của những người lính ấy.

Nhằm khắc họa toàn vẹn nhân vật, bên cạnh đối thoại, Sương Nguyệt Minh và Đoàn Tuấn còn rất chú trọng đến độc thoại nội tâm, bởi đó là “ngôn từ trực tiếp không diễn tả thành lời của nhân vật” [34, tr.114]. Độc thoại nội tâm chính là hình thức để người lính nói lên những suy tư thầm kín của mình. Độc thoại nội tâm hay

tiếng nói bên trong của nhân vật mở ra đời sống tâm hồn của con người với đầy đủ những cung bậc khác nhau: vui, buồn, hạnh phúc, hi vọng, thất vọng… Nhờ độc thoại, hình tượng người lính hiện lên toàn diện hơn và người đọc có cơ hội hiểu sâu sắc hơn về những người lính tham chiến tại chiến trường Tây Nam.

Trong Miền hoang, nhân vật Tùng nói nhiều suy nghĩ của mình về kẻ thù, về sự hi sinh mất mát, về sự phi lí của chiến tranh và về chính bản thân mình với cả những đau đớn, tuyệt vọng, cô đơn. Tùng được đặt trong mối quan hệ với kẻ thù và những dòng suy tư của anh hướng về phía kẻ thù. Ở đó không hẳn là sự căm ghét, anh bộc bạch những suy nghĩ nhân đạo cũng như suy tư sâu sắc về cuộc sống: “Tất cả đều là sản phẩm của môi trường, hoàn cảnh sống. Thằng Rô áo đen cũng chỉ là nạn nhân của một đời sống mù quáng, tăm tối”;anh cho Sa Ly cũng chỉ là nạn nhân

“của một cuộc nội chiến đẫm máu từ những cái đầu không tưởng về một xã hội cộng sản Khmer chẳng cần trí thức” [52, tr.536 - 540]. Nếu như không có chiến tranh, cuộc đời của họ sẽ không u tối, mù quáng, không bị ức hiếp, tủi nhục. Những suy nghĩ ấy là những chiêm nghiệm của người lính về chiến tranh và con người trong chiến tranh, giúp người đọc có cái nhìn thấu đáo hơn về chiến tranh. Qua việc miêu tả nội tâm nhân vật, toàn bộ trạng thái, suy nghĩ, cảm xúc đều được bộc lộ một cách cụ thể. Sương Nguyệt Minh đã thành công trong việc sử dụng độc thoại nội tâm như một thủ pháp nghệ thuật có hiệu quả trong quá trình nhận thức của nhân vật. Ông đi sâu vào thế giới nội tâm đầy bí ẩn để khám phá và hiểu nhân vật. Bởi thế nhân vật của Sương Nguyệt Minh trở nên chân thực và toàn diện hơn.

Trong Mùa chinh chiến ấy, ngôn ngữ độc thoại cũng được Đoàn Tuấn sử dụng khá hiệu quả. Ở điểm nhìn của nhân vật “tôi”, không ít lần Đoàn Tuấn bộc lộ những suy nghĩ, những trăn trở về cuộc chiến, về con người… Đó có thể là những đau đớn khi chứng kiến sự hi sinh của đồng đội: “Trên bộ quân phục còn mới của em, có mùi mồ hôi, mùi máu, mùi thuốc nổ, mùi khói và mùi đất Anlong Veng, tôi còn thấy vài cánh hoa nhỏ bám vào. Chắc khi vấp mìn, em đã nhìn thấy những cánh hoa này? Nếu không có chiến tranh, không có mìn, chắc em sẽ cầm những bông hoa này đi tặng cô gái nào đó, phải không Lũy? Giá không có người, tôi đã cúi xuống hôn lên gương mặt em. Sao lại ra đi sớm thế Lũy ơi? Chói trong lòng tôi, đôi má

phính hồng dưới nắng mai rừng khộp. Ánh nắng ấy, những sợi lông tơ trên má hồng ấy sao cứ in đậm mãi trong tôi? Sao tôi thấy thương cho tuổi trẻ của các em? Sao tôi thấy tiếc cho cuộc đời các em?” [96, tr.299]. Đó là tiếng lòng, là tiếng nấc nghẹn ngào đau đớn, là sự hòa quyện của nhiều cung bậc cảm xúc khi chứng kiến người đồng đội trẻ của mình hi sinh.

Không chỉ hướng về đồng đội, Đoàn Tuấn cũng bộc lộ những suy tư, trăn trở về cuộc chiến, về người lính, về hiện thực chiến trường. Trong suy nghĩ của Đoàn Tuấn, cuộc sống của nhân dân Campuchia dưới thời Pol Pot hiện ra trong những mất mát: “Họ cũng chẳng biết nhà mình giờ ra sao. Còn hay mất? Chiến tranh. Phận người như chiếc lá. Cuốn bay, vui dập theo cơn gió thời cuộc” [96, tr.82]. Đó là hậu quả nặng nề của chiến tranh, của họa diệt chủng mà Pol Pot gây ra. Trong suy nghĩ của Đoàn Tuấn, chiến tranh luôn là những mất mát, đau thương và chuyện sinh tử ở chiến trường luôn ám ảnh ông: “Cái chuyện sinh tử ở chiến trường, đúng là từng giây. Giây trước sống, giây sau đã chết. Thoáng qua. Đơn giản. Ai nhớ thì nhớ. Ai quên thì quên” [96, tr.286]. Không chỉ chiêm nghiệm về chiến tranh, mỗi số phận người lính trong cuộc chiến ấy cũng khiến Đoàn Tuấn trăn trở. Mỗi sự kiện cũng được Đoàn Tuấn mổ xẻ, phân tích, đánh giá theo quan điểm cả nhân của mình. Có thể nói, qua dòng độc thoại nội tâm của nhân vật, người đọc có cơ hội được nhìn sâu vào cuộc chiến. Chiến tranh hiện ra trong đủ mọi cung bậc, đủ mọi cảm xúc, đủ mọi góc nhìn… chứ không chỉ là những lời kể mờ nhạt, những mô phỏng trên lí thuyết. Hiện thực chiến tranh là hiện thực của những cảm nhận riêng, của những con người đã và đang sống trong chiến tranh, chính vì vậy đó là hiện thực khốc liệt và bi tráng nhất của cuộc chiến nơi “đất khách quê người”.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Hiện thực chiến tranh trong Miền hoang của Sương Nguyệt Minh và Mùa chinh chiến ấy của Đoàn Tuấn (Trang 96 - 100)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(146 trang)