Người kể chuyện

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Hiện thực chiến tranh trong Miền hoang của Sương Nguyệt Minh và Mùa chinh chiến ấy của Đoàn Tuấn (Trang 100 - 109)

5. Cấu trúc luận văn

3.2. Ngƣời kể chuyện và điểm nhìn trần thuật

3.2.1. Người kể chuyện

Thuật ngữ người kể chuyện có từ năm 1940 nhưng đến cuối thế kỉ XX lý luận về người kể chuyện mới phát triển. Đây là vấn đề được nhiều người quan tâm nhưng cho đến nay khái niệm người kể chuyện vẫn chưa được thống nhất hoàn toàn.

Theo Lê Bá Hán: “Người kể chuyện là hình tượng ước lệ về người trần thuật trong tác phẩm văn học, chỉ xuất hiện khi câu chuyện được kể bởi một nhân vật cụ

thể trong tác phẩm. Đó có thể là hình tượng của chính tác giả ngoài đời, có thể là một nhân vật đặc biệt do tác giả sáng tạo ra, có thể là một người biết câu chuyện nào đó. Một tác phẩm có thể có nhiều người kể chuyện” [29, tr.221]. Giáo sư Lê Ngọc Trà cho rằng: “Người kể chuyện là thuật ngữ chỉ nhân vật đóng vai trò là chủ thể của lời kể chuyện, là người đứng ra kể trong tác phẩm văn học” [93, tr.153]. Từ những khái niệm trên, ta có thể hiểu người kể chuyện hay còn gọi là người trần thuật là một nhân vật được hư cấu hoặc có thật; văn bản tự sự được thể hiện thông qua hành vi ngôn ngữ mà anh ta tạo thành; người trần thuật thực hiện nhiệm vụ trần thuật, truyền đạt, chỉ dẫn, bình luận,… những vấn đề được mô tả hoặc bình luận trong tác phẩm.

Trong nghệ thuật tự sự, người kể chuyện đóng vai trò vô cùng quan trọng. Người kể chuyện là sản phẩm của sáng tạo nghệ thuật, là công cụ do nhà văn hư cấu nên để kể chuyện. Việc nhà văn lựa chọn hình thức kể chuyện nào có vai trò đặc biệt quan trọng trong tác phẩm, quyết định sự thuyết phục và thành công của câu chuyện.

Người kể chuyện trong tác phẩm tự sự có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau: người kể chuyện kể theo “kiểu khách quan hóa” với ngôi kể thứ ba và người kể chuyện kể theo kiểu “chủ quan hóa” với ngôi kể thứ nhất. Với ngôi kể thứ ba chủ thể hoàn toàn ở ngoài cốt truyện, không thuộc vào thế giới của các nhân vật truyện mà chỉ thực hiện nhiệm vụ theo dõi nhân vật, dẫn dắt, đứng sau hành động để quan sát và kể lại, không trực tiếp tham gia vào sự kiện, biến cố truyện. Chủ thể kể chuyện chi phối toàn bộ tác phẩm từ lời dẫn chuyện, cách kể, cách tả đến cả lời trữ tình ngoại đề. Người kể tuy ẩn tàng giấu mặt nhưng “biết tuốt” mọi chuyện diễn ra với nhân vật. Ngược lại, với ngôi kể thứ nhất, câu chuyện được kể lại bởi một người kể chuyện hiện diện như một nhân vật trong truyện. Người kể chuyện là một nhân vật ở cấp độ hành động, tham gia vào mọi biến cố, sự kiện của câu chuyện. Đó là câu chuyện mà chính người kể chuyện đã từng “nếm trải”, “trải nghiệm” hoặc chứng kiến, quan sát. Với đặc trưng đó, người kể chuyện ở ngôi thứ nhất có khả năng khám phá chiều sâu tâm hồn, khai mở những vùng bí mật ẩn tiềm trong tâm thức con người. Khi đó, người kể chuyện tham gia vào câu chuyện không chỉ với tư cách là người kể lại câu chuyện từng chứng kiến và “trải nghiệm” mà qua đó, người

kể chuyện cũng chính là người bày tỏ một thái độ, quan điểm hoặc lập trường diễn ngôn hướng tới nhân vật và sự kiện.

Điểm đặc sắc trong Miền hoang của Sương Nguyệt Minh là tác giả đã khai thác triệt để ưu thế của người kể chuyện ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba. Ở ngôi kể thứ ba, Sương Nguyệt Minh đã sử dụng 25/88 chương truyện. Người kể chuyện ngôi thứ ba đã thâu tóm toàn bộ cuộc chiến tranh cứu nước Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng cũng như kết nối cuộc đời của bốn nhân vật lạc rừng. Sương Nguyệt Minh đã đan cài khéo léo người trần thuật ngôi thứ ba vào những chương mang cái nhìn khách quan về cuộc chiến tranh và nhân vật. Tuy nhiên, điểm đặc biệt của cuốn tiểu thuyết là Sương Nguyệt Minh đã lồng ghép năm điểm nhìn khác nhau qua bốn người kể chuyện ngôi thứ nhất và người kể chuyện ngôi thứ ba. Trong 88 chương của cuốn tiểu thuyết, các nhân vật luân phiên nhau giữ vai trò người kể chuyện. Trong đó, người kể chuyện ngôi thứ nhất đóng vai trò chủ yếu. Cụ thể: Tùng 33/88 chương, Rô 10/88 chương, Sa Ly 8/88 chương và Lục Thum 6/88 chương, các chương còn lại dành cho người kể chuyện ngôi thứ ba. Ở đây, với lối trần thuật ngôi thứ nhất, nhà văn đã để cho nhân vật tự nói lên tiếng nói của họ. Đó là những câu chuyện về cuộc đời, số phận của chính họ với những tâm tư, cảm xúc riêng. Và chính tiếng nói bên trong gắn với ngôi kể thứ nhất ấy, cuốn tiểu thuyết của Sương Nguyệt Minh đã lôi cuốn người đọc, đưa người đọc vào những trải nghiệm mới, những nhận thức mới về cuộc chiến.

Nhân vật xuất hiện đầu tiên với vai trò người kể chuyện xưng “tôi” là Tùng - anh lính tình nguyện Việt Nam bị bắt làm tù binh. Qua lời kể của Tùng, chiến tranh và số phận người lính hiện lên chân thực nhất. Trong những trang đầu tiên của tác phẩm, qua lời kể của Tùng, người đọc đã thấy ngay bộ mặt của chiến tranh: “Lính tráng trên chiếc xe quân sự thứ hai còn đang bàng hoàng thì… đánh uỳnh một phát. Bánh ô tô đằng sau dính mìn, sức ép hất tung cái thùng xe và lính tráng lên trời. Một bánh cao su và thằng Huy “đen” bị lực đẩy ném lên vòm cây cổ thụ cao đến chục mét rồi mắc luôn trên đó. Lạ kỳ! Thằng Huy “đen” nằm vắt bụng lên cành cây, chân và đầu gục rũ, mà vẫn không chịu rơi xuống. Đất đá, mảnh gỗ, mảnh sắt, xác người, cánh tay, cẳng chân và thịt người rơi kêu… bịch bịch… xào xào…” [52,

tr.10]. Sự ác liệt, cam go của cuộc chiến hiện hữu ngay trước mắt Tùng, xâm lấn vào từng cơ quan cảm giác của người lính tình nguyện Việt Nam: “Bỗng chốc, lòng tôi hoang hoải, và rét lạnh thân thể. Những hình ảnh bắn, giết, tàn sát, chết chóc, cái bụng xổ ruột gan cả đống của tên lính áo đen cầm “ống thổi” viên đạn ghim vào trán thằng Tuấn B40, và những cái đầu đồng đội thành bãi thịt xương lẫn mảnh mũ cối lổn nhổn… hiện lên liêu xiêu, dật dờ nhẩy múa trước mắt. Rùng cả mình” [52, tr.42]. Và cũng trong chính lời kể ấy, người đọc thấy rõ được tính chất của cuộc chiến cũng như tình thế bất lợi của quân tình nguyện Việt Nam: “Cuối cùng thì quân áo xanh chúng tôi hết đạn trước. Lính quân tình nguyện chúng tôi tựa hồ những con hổ bị cạy hết nanh, nhổ sạch móng vuốt. Thằng bị thương, thằng chết, thương vong gần hết” [52, tr.17]. Chiến tranh đã đi đến hồi kết thúc, nhưng hiện thực chiến trường vẫn khốc liệt, vẫn chất chứa đầy những mất mát, đau thương. Ở đó, Tùng ý thức rõ hoàn cảnh của mình: “Tôi là một tên tù binh thực thụ? Phải làm gì đây để tồn tại giữa bầy sói hoang đói khát và sinh tồn ở núi rừng hoang này?” [52, tr.32]. Tùng bị đặt trong tình cảnh lạc đường - mong manh giữa sự sống và cái chết, giữa rừng Miên chứa đầy hiểm nguy và bọn người mông muội, ngu xuẩn và độc ác. Trong những ngày tháng lạc lõng ấy, Tùng đã không giấu giếm nổi cảm xúc của một chàng thanh niên vừa rời ghế nhà trường tham gia chiến trận. Ở Tùng, mọi cung bậc cảm xúc được hiện lên rõ nét. Người tù binh ấy không giấu nổi sự tức giận vói kẻ thù: “Chết cha mày đi! Tôi lẩm bẩm chửi thầm”, “Một lũ rị mọ mê tín. Tôi chửi thầm trong bụng” và cũng có lúc, nỗi sợ hãi, đơn độc xâm chiếm lấy anh:

“Nước mắt tôi chảy ròng trên má. Nỗi lo và sợ hãi đan xen. Không kịp nghĩ đến đồng đội, đơn vị hay nỗi nhớ nhà nữa. Chỉ cảm thấy hơi lạnh toát tỏa ra từ cái lưỡi lê tuốt trần… xa gần sau lưng” [52, tr.79]. Không ít lần, nỗi nhớ người yêu, nhớ gia đình ùa về khiến Tùng rưng rưng cảm xúc: “Tầm này ở nhà mẹ tôi đã dọn cơm. Không khí xã hội bao cấp vẫn còn len lỏi vào từng bữa cơm. Cơm độn ngô vàng ươm. Rau muống luộc. Bát nước được chắt ra, vắt nửa quả chanh, vị thanh thanh. Chan vào cát cơm độn, rồi lùa vào miệng vẫn cứ thấy ngon lành… Tôi còn ước ao có đĩa đặc sản bánh tôm Hồ Tây. Gọi là bánh tôm Hồ Tây, nhưng lại bán trong Quán Gió ở bán đảo nổi nhô giữa hồ Trúc Bạch. Đôi khi cuối tuần, tan học đói

meo, Thùy và bọn con gái phóng xe vù vù ra nhận chỗ ngồi trước ở sát mép hồ…” [52, tr.225]. Lời kể như thước phim quay chậm về quá khứ với những kỉ niệm ngọt ngào. Giữa hiện thực khốc liệt của cuộc chiến, người lính Việt Nam vẫn luôn hướng về những kỉ niệm ở Hà Nội, vẫn luôn mong muốn được trở về với quê hương, gia đình. Đó chính là vầng sáng lung linh trong tâm hồn người lính, giúp họ vượt qua những khó khăn, khốc liệt của cuộc chiến để được trở về.

Qua lời kể của Tùng, người đọc thấy được quá trình đấu tranh của anh lính trẻ để được trở về. Ngay từ lúc rơi vào tay địch, Tùng đã học được cách nhẫn nhịn, chịu đựng từ anh Du: “Nếu không may rơi vào tay bọn Khmer Đỏ, bị chúng giết ngay thì “chó chết hết chuyện” không nói làm gì, còn chúng bắt giữ phải tuyệt nhiên: Nhẫn nhục. Chịu đựng. Không trêu tức. Không chống đối. Chấp hành lệnh của chúng một cách khôn khéo, làm tan chảy lòng hận thù. Vì bọn thô lỗ man rợ ấy rất hay nổi nóng, xọc cho một lưỡi lê, hoặc bổ cho nhát dao quắm là đi đời nhà ma” [52, tr.82]. Nhận thức ấy đánh dấu sự trưởng thành, bản lĩnh trong tính cách của anh lính tình nguyện Việt Nam. Thời gian khiến anh biết nhẫn nhịn, chịu đựng và khéo léo hơn trong cách ứng xử với kẻ thù để tìm con đường sống, con đường trở về.

Người kể chuyện ngôi thứ nhất xưng “tui” là Sa Ly, nạn nhân của bọn Khmer Đỏ. Ngôi kể xưng “tui” của Sa Ly chỉ xuất hiện trong 8/88 chương truyện của tiểu thuyết Miền hoang, nhưng lại thể hiện đầy đủ nhất sự khốc liệt của chiến tranh qua số phận của người phụ nữ ở phía bên kia chiến tuyến. Sa Ly kể câu chuyện của cuộc đời mình bắt đầu từ thực tại “Chỉ còn tui với ba người đàn ông”

[52,tr.45] với cảnh sống ê chề: “Nỗi bất hạnh khi tuổi thơ lên sáu là nỗi đau thương mất mát người thân ruột thịt; còn nỗi khốn khổ bị ném vào giữa đám đàn ông như một bầy lang sói đói khát là nỗi đau bẽ bàng, ê chề lại bắt đầu từ một năm trước, tui cố quên đi mà lúc nào cũng hiện ra ám ảnh” [52, tr.45]. Từ giây phút ấy, Sa Ly trở thành nạn nhân của chiến tranh. Một người phụ nữ yếu đuối giữa bầy lang sói không thể bảo vệ chính bản thân mình. Sa Ly tận mắt chứng kiến cảnh gia đình mình bị hành sát, bản thân chịu đựng những đau đớn giày vò và thực tại trong hoàn cảnh lạc rừng phải đồng hành cùng ba người đàn ông, hai người cùng màu da nhưng lại biến cô thành “công cụ” để thỏa mãn sự dâm dục thú tính, một người đàn ông

khác chủng tộc, tri thức và hiền lành lại không thể bảo vệ, cưu mang cô. Trong câu chuyện về chính mình, Sa Ly đã lột tẩy bản chất của chiến tranh và sự khốc liệt của nó đối với số phận của từng con người. Chiến tranh không chừa một ai và cuộc sống của những người bên kia chiến tuyến cũng là những đau khổ, là mất mát, là những ám ảnh, day dứt và tuyệt vọng. Tuy nhiên, trong hành trình tìm đường ra khỏi rừng Miên, Sa Ly luôn là người bảo vệ, chở che cho Tùng. Cô luôn giữ trong mình những ý nghĩ, những tình cảm đẹp nhất về người lính tình nguyện Việt Nam. Trong cô hoàn toàn không có sự hằn thù với người phía bên kia chiến tuyến, ngược lại rất nhiều lần Sa Ly cứu Tùng khỏi sự độc ác, man rợ của kẻ thù, cũng như nhiều lần tìm cơ hội cho anh trốn thoát. Cô chia sẻ với anh cả những giọt nước quý hiếm cuối cùng, chăm sóc anh như một người mẹ lúc đau ốm, chia sẻ gánh nặng trên vai người lính tình nguyện Việt Nam… Qua những trang viết mà Sa Ly đóng vai trò là người trần thuật, người đọc nhận thấy ánh sáng lấp lánh của vẻ đẹp nhân văn. Cô gái ấy là nạn nhân của chiến tranh, là người bên kia chiến tuyến, nhưng biết tôn trọng lẽ phải và có một trái tim nhân hậu, chan chứa yêu thương. Chính Sa Ly đã mang đến vẻ đẹp nhân văn cho tác phẩm, mang đến niềm tin về bản chất tốt đẹp của con người.

Người kể chuyện tiếp theo ở ngôi thứ nhất là thằng Rô với lối xưng “tao” cộc cằn, thô lỗ. Nếu Sa Ly là nạn nhân của Pol Pot thì thằng Rô chính là sản phẩm mà bọn chúng tạo ra. Ngay từ lần xuất hiện đầu tiên, bản chất độc ác của hắn đã được bộc lộ: “Tao nghĩ, phải phang toác đầu nó bằng lưỡi xẻng bộ binh. Không! Phải băm vằm…” [52, tr.23]. Và trong suốt hành trình, hắn đã nói lên những suy nghĩ man rợ, tối tăm trong con người hắn. Ở con người này, ban đầu vẫn tồn tại với bản chất của con người, nhưng sống trong hoàn cảnh, môi trường tàn bạo của bọn Pol Pot hắn dần bị tha hóa, hình hài biến dạng, phần “con” lấn át phần “người” trong hắn để rồi bản chất thú tính luôn hiện hữu trong hắn. Hắn được đào tạo để phục tùng, để xây dựng một xã hội lí tưởng. Chính vì vậy, trong vai người kể chuyện, hắn trở thành nhân vật phát ngôn “sáng giá” cho lí tưởng chủ nghĩa xã hội “không cần sách vở nhảm nhí của bọn trí thức ăn bám” [52, tr.159]. Hắn luôn tôn sùng lãnh tụ một cách ngu muội “quyết noi gương học theo Lục Thum, để được đứng vào hàng ngũ tinh hoa” như lãnh tụ Pol Pot quán triệt: “Trong số 5 triệu người Khmer, chỉ

cần 1 triệu người xây dựng chủ nghĩa xã hội. Dứt khoát, dứt khoát tao phải đứng trong số một triệu người còn lại, chứ không thể nằm trong số bốn triệu như bọn bác sĩ, kĩ sư, giáo viên, nghệ sĩ… bị coi là thừa ra” [52, tr.145]. Những suy nghĩ ấy khiến hắn trở thành một công cụ, một cỗ máy giết người của bọn Pol Pot. Trong suốt hành trình, hắn đã bộc lộ tất cả sự tàn ác, mông muội, ngu xuẩn của mình. Có thể nói, thằng Rô là nhân vật được đào xới tận cùng chiều sâu nhân cách, qua đó những câu văn càng có tính chân thực và thuyết phục bạn đọc hơn nhiều lần.

Nhân vật cuối cùng kể chuyện ở ngôi thứ nhất là Lục Thum - kẻ chỉ huy. Bản chất lọc lõi, khôn ngoan nhưng vô cùng tàn ác được thể hiện rõ qua nhân vật này. Lục Thum xuất hiện trong hoàn cảnh bị thương ở chân: “Cái chân đau buốt và lan lên óc, tỏa vào nội tạng” [52, tr.89]. Bản thân hắn chịu đựng những giày vò, đau đớn do chiến tranh gây ra. Hiện thực chiến trường hiện hữu ngay ở hình ảnh cái chân của hắn, ở vết thương ngày đêm hành hạ hắn đến kiệt quệ. Và có lúc hắn phải thốt lên: “Thà đánh nhau tanh bành chết mẹ nó đi còn nhẹ nợ. Thà rằng tự nguyện cột chân vào chân súng 12ly7, chết oanh liệt giữa chiến trận còn cảm thấy vẻ vang. Thà rằng, đánh trận thua, bị xử bắn còn được tiếng oai hùng. Thà rằng, nằm trên bụng gái đẹp bị phạm phòng chết ngắc rồi người đời nguyền rủa còn được tiếng chết vì gái xinh… Đằng này, ta chẳng khác gì con thú hoang bị trúng tên, sống không xong chết chẳng nổi” [52, tr.269]. Tuy ở phía thắng, nhưng hắn cũng nếm trải đủ mùi khổ cực, đau đớn do chiến tranh gây ra. Đó là cái giá phải trả cho chiến tranh. Từ một kẻ được quân đội Việt Nam đào tạo bài bản chính quy, hắn trở thành

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Hiện thực chiến tranh trong Miền hoang của Sương Nguyệt Minh và Mùa chinh chiến ấy của Đoàn Tuấn (Trang 100 - 109)