Ngôn ngữ giàu chất thơ

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Hiện thực chiến tranh trong Miền hoang của Sương Nguyệt Minh và Mùa chinh chiến ấy của Đoàn Tuấn (Trang 124 - 128)

5. Cấu trúc luận văn

3.3. Ngôn ngữ trần thuật

3.3.3. Ngôn ngữ giàu chất thơ

Đứng bên cạnh ngôn ngữ đời thường, trần tục, người đọc vẫn nhận ra một mạch nguồn ngôn ngữ khác - ngôn ngữ giàu chất thơ trong tác phẩm của Sương Nguyệt Minh và Đoàn Tuấn. Ngôn ngữ giàu chất thơ quyện với ngôn ngữ trận mạc đã khiến chiến tranh được phản ánh với cái nhìn đa chiều hơn, và hình tượng người chiến sĩ được khắc hoạ với vẻ đẹp trẻ trung và lãng mạn hơn trên những trang viết của nhà văn.

Trong Miền hoang của Sương Nguyệt Minh, có những đoạn văn khá lãng mạn xen giữa hiện thực chiến tranh khốc liệt. Dưới ngòi bút của nhà văn, thiên nhiên cũng mang những nét trữ tình, đầy chất thơ. Chẳng hạn, trong đoạn văn tác giả miêu tả cơn mưa hiếm hoi của rừng khô Đăng - rếck: “Cả một vùng rừng mịt mù đón mưa rơi rào rạt. Tôi há miệng đón mưa. Tôi chụm ngón đón mưa và vốc nước đọng ở lòng bàn tay đổ vào miệng. Lưỡi tôi mềm ra. Cổ họng trước đó vài giây còn cứng ngắc đã bắt đầu thun rãn, mềm mại, trơn tuột. Nước chảy vào đâu mát đến đó, nói không ngoa: nước mưa mát lạnh cả dạ dày. Cô gái câm cũng há miệng đón mưa. Có cảm giác hạt mưa như những hạt ngọc ướt long lanh trượt qua đôi môi xinh xinh lăn vào lưỡi vào vòm họng. Mưa càng dầy, càng vô vàn hạt nước đan xiên xiên. Chỉ vài ba phút sau, Sa Ly chỉ còn là một khối đứng mờ mờ sẫm nhạt nhòa, không rõ hình hài trong làn mưa bàng bạc mù mịt” [52, tr.276]. Những cơn mưa rừng luôn mang cảm xúc dội về cho người lính trẻ, tâm hồn của người thanh niên ấy như được gột rửa, trở nên thanh sạch và trong veo. Cơn mưa xóa đi những mệt mỏi, vất vả của người lính trong hành trình gian nan thoát khỏi rừng Miên.

Ngôn ngữ giàu chất thơ còn được thể hiện qua dòng kí ức của Tùng: “Tay đi hợp âm và tay gảy đàn, dần dần đầu óc Tùng cũng bứt ra khỏi cái bản mặt tối tăm của gã lính áo đen và gương mặt ranh mãnh đôi khi nhăn nhó vì đau của Ông Lớn, để tâm tưởng trôi về với Hồ Tây trong xanh năm trước. Rặng liễu xanh yểu điệu vờn trong gió. Tùng đi bên Thùy cùng học trường Chu Văn An dọc đường Thanh Niên. Chiều Hồ Tây vàng vọt. Năn lác tốt bời bời ven bờ. Những con vịt trời vô tư quẫy

nước” [52, tr.165]. Đó là mảng kí ức đẹp đẽ của Tùng về Hà Nội, về những kỉ niệm êm đẹp bên Thùy, bên bạn học. Một thế giới đầy ắp chất thơ, một phần tâm hồn sâu thẳm của chàng trai lãng mạn, mang đến nguồn cổ vũ to lớn để Tùng đi qua những bom đạn của kẻ thù.

Và trong những ngày tháng lạc lõng nơi rừng Miên, không ít lần cảm xúc ùa về trên những trang thư, rung lên theo tiếng đàn của người lính tình nguyện Việt Nam: “Ngày mai Tùng vào quân ngũ, chiến tranh mịt mù bom đạn, chẳng biết ngày nào sẽ trở lại. Hai gương mặt buồn, hai trái tim xốn xang, hai nỗi lo thảng thốt, và cả hai cái cười gượng gạo in vào ảnh hóa ra lại là kỉ niệm nhớ đời. Vài tháng sau, cô bạn gái gửi ảnh cho Tùng cùng những lời lẽ xa xôi nhớ nhung, hò hẹn… làm anh nhớ quay quắt. Nỗi nhớ sâu vợi xa xăm cứ lẫn với tiếng đàn và lời ca buồn đẹp da diết mênh mang:

Một đêm trong rừng núi

Có anh lữ khách nhìn trời xa xa Ngắm trăng say đắm

Một mình bâng khuâng… Một đêm trong rừng núi

Có anh lữ khách nhìn trời xa xa Biết đâu sơn nữ nhìn mình đăm đăm Sơn nữ ơi!

Đời ta như cánh chim chiều phiêu bạc Thời gian vun vút trời mây.

Sơn nữ ơi!

Đừng làm thắc mắc cho lòng khô cạn Từ nay nước mắt đầy vơi…

Sơn nữ ơi!

Làm chi cho đớn đau lòng

Trong một thời gian rồi thương rồi nhớ Sơn nữ ơi!

Ngôn ngữ giàu chất thơ khiến hình tượng người lính tình nguyện Việt Nam trở nên lãng mạn hơn, ở họ là sự kết tinh của vẻ đẹp văn hóa và tri thức, đối lập hoàn toàn với hình tượng kẻ thù. Mặt khác, đây cũng là một thủ pháp riêng của Sương Nguyệt Minh để tạo nên sức hấp dẫn cho tác phẩm của mình. Theo Sương Nguyệt Minh, “về mặt thủ pháp nghề thì cần phải có những “chiếu nghỉ cầu thang” trong một ngôi nhà cao. Tiểu thuyết mà chi tiết, dữ dội, khốc liệt suốt từ đầu đến cuối thì đọc rất mệt. Vỡ đầu. Nên rất cần có “dòng suối mát trong” như những cảnh yêu nhau, va chạm khác giới,…” [48]. Và sự sáng tạo ấy khiến cho tác phẩm của Sương Nguyệt Minh luôn hấp dẫn, lôi cuốn người đọc.

Có thể nói, ở những nhà văn đương đại, nhất là với những cây bút trẻ, việc sử dụng ngôn ngữ giàu hình ảnh, đầy chất thơ là một điểm nhấn đặc biệt trong tác phẩm của họ. Với Mùa chinh chiến ấy, Đoàn Tuấn cũng đã sử dụng khá thành công ngôn ngữ giàu chất thơ. Trong ngôn ngữ trần thuật của hồi ký luôn có sự kết hợp giữa kể, tả và biểu cảm khiến cho câu chuyện trong quá khứ, những sự kiện đời người trở nên sinh động. Người viết đã đắp da, đắp thịt cho cái khung sự việc của mình bằng ngôn ngữ miêu tả và bộc lộ cảm xúc. Sự kết hợp này vừa tạo được trường nhìn về hiện thực cuộc sống và con người của người viết hồi ký, vừa làm tăng thêm nét sinh động và mĩ cảm cho trang hồi ký của mình.

Bản thân Đoàn Tuấn là một nhà thơ, chính vì vậy ông có cách lựa chọn từ ngữ diễn đạt bay bổng, nhẹ nhàng. Ngôn từ của Đoàn Tuấn giàu sắc thái biểu cảm, mỗi ý đẹp như một tứ thơ. Chẳng hạn, đoạn ông miêu tả cảnh thiên nhiên bờ sông:

“Nằm trên doi cát, nghe nước chảy rì rào dưới chân, nhìn trời đất bao la, trong lành, sạch sẽ dưới ánh trăng hiền hòa, tôi cảm thấy trào dâng một niềm hạnh phúc sâu dịu. Dòng sông trong vắt. Những đàn cá nhỏ tung tăng vui đùa. Mùi cỏ cây hoa dại nồng nàn. Gió đưa hương thơm đồng lúa từ xa tràn về. Rì rào. Rì rào. Mơn man. Mơn man…” [96, tr.395]. Hệ thống tính từ được tác giả khai thác khá thành công nhằm làm nổi bật những cung bậc cảm xúc trong tâm hồn người lính. Đâu còn cái gọi là khốc liệt của chiến tranh trong những câu từ ấy. Chỉ còn lại một tâm hồn đang rung động trước thiên nhiên, gắn bó với quê hương của mình. Thả hồn mình vào thiên nhiên bình dị, người lính hiện lên với vẻ đẹp lãng mạn, tinh tế và nhạy

cảm. Họ có thể cảm nhận được những điều rất đẹp, rất ý nghĩa từ những điều rất đỗi bình dị, thân quen. Ngôn ngữ của Đoàn Tuấn bay bổng, chứa chan cảm xúc, đủ sức đưa người đọc thoát khỏi hiện thực đau lòng của chiến tranh.

Hoặc khi nghe tiếng hát của bé gái người Campuchia, trong lòng người chiến sĩ đã dâng trào xúc cảm mãnh liệt: “Tôi chợt cảm nhận, người ta hát hay nhất, say sưa nhất chính là lúc một mình giữa thiên nhiên, chính là lúc, giữa thiên nhiên chỉ có một mình. Lúc ấy, gió cũng ngân lên giai điệu của gió; lá cũng cất lên tiếng hát của lá; mây cũng điểm trang cho bầu trời thêm xanh; và nắng cũng thầm reo, cũng tung tăng bao lớp sóng đủ sắc màu. Lòng người khi ấy là âm nhạc. Hóa thành âm thanh linh diệu của đất trời. Đó là tiếng hát hay nhất trần gian mà tôi có diễm phúc được lắng nghe” [52, tr.134]. Thanh âm, ngôn ngữ, hình ảnh như hòa điệu ca vang trong tâm hồn người lính trẻ.

Cũng có khi Đoàn Tuấn không giấu giếm được cảm xúc khi nghe được thanh âm tiếng Việt nơi heo hút xứ người: “Tôi không tin vào tai mình. Trời ơi, cô bé nói tiếng Việt! Thật kinh ngạc và kì lạ, giữa chốn rừng núi hoang vu, giữa cánh đồng xa lạ thế này, tôi được nghe tiếng Việt, lại từ cái miệng xinh đẹp của một cô bé như thiên thần thốt ra. Thậm chí, cái âm r trong từ “rừng”, cô bé còn rung đầu lưỡi khi phát âm. Dễ thương làm sao! Ôi tiếng Việt thân yêu, từ ngày vào lính, từ ngày ngang dọc trên bao chiến trường đất Campuchia, tôi chỉ toàn được nghe giọng con trai, giọng đàn ông. Đêm nay, giữa nơi hoang vắng này, tôi lại được nghe tiếng mẹ đẻ từ một giọng con gái. Giọng Naryn như sợi tơ vàng ánh biếc lung linh giữa cánh đồng” [52, tr.109]. Đoạn văn gói ghém biết bao cảm xúc. Đó là những rung động tinh tế nhất của người chiến sĩ khi được lắng nghe tiếng mẹ đẻ ở nơi đất khách quê người. Bao nhiêu tình cảm, bao nhiêu mến yêu trào dâng trong trái tim người lính trẻ. Tiếng nói của Nary được cảm nhận bằng trái tim, bởi thế mà nó đẹp “như sợi tơ vàng ánh biếc lung linh giữa cánh đồng”.

Mặt khác, trong Mùa chinh chiến ấy, Đoàn Tuấn không chỉ phối hợp kể, tả, biểu cảm mà bên cạnh những lời văn xuôi còn là những vần thơ mượt mà, sâu lắng khiến trang hồi ký đượm chất trữ tình, đằm thắm. Đó là những vần thơ của Lê Minh Quốc những vần thơ viết trên cánh võng, những vần thơ lay động trái tim người

đọc được Đoàn Tuấn ghi lại: “Tôi ngửi thấy từ cánh võng bốc lên tầng tầng lớp lớp bụi đỏ dọc những con đường xuyên qua Mondulkiri, xuyên qua Ratanakiri. Tôi cảm thấy mùa mưa Tây Nguyên ầm ào đâu đây. “Con suối Đắc Đam đã trở thành kỉ niệm/ Ai thương tôi ngày mưa chiều cuối năm?”. Rồi những mùa khô cao nguyên, mênh mang trời đất, nồng nàn tuổi trẻ… Thơ Quốc viết về lần đào ngũ vì nhớ Đà Nẵng, nhớ người yêu. Khi lên đơn vị, có mẹ đi cùng. Mẹ Quốc giao lại cho đơn vị. Thơ Quốc viết về cuộc chia tay một thằng bạn: “Giã từ mày nhé, Đăng Lâm/ Mùa mưa năm ấy mưa dầm An Lung”. Thơ Quốc viết có đôi giày há mõm, mòn vẹt: “Một ngày đi ba mươi cây số chưa được nghỉ”. Thơ Quốc viết về nỗi buồn người lính chiến: “Nửa đêm thức dậy nhớ nhà/ Bỗng ôm mặt khóc như là trẻ con?/ Campuchia nhớ mỏi mòn/ Nhớ thương trong tận đáy hồn viễn chinh” [96, tr.312]. Những vần thơ ghi dấu một thời chinh chiến, những vần thơ chứa chan cảm xúc. Yếu tố kể như lắng xuống, vin vào lớp ngôn ngữ giàu hình ảnh để làm cho sắc điệu cảm xúc dâng trào. Với lối viết ấy, Đoàn Tuấn không chỉ khắc họa được hiện thực chiến trường mà còn soi rọi được vào tâm hồn người chiến sĩ. Một lối viết giàu chất thơ, giàu chất nghệ thuật khiến cho trang viết trở nên hấp dẫn với người đọc. Những vần thơ trận mạc của Lê Minh Quốc khiến những trang văn của Đoàn Tuấn khảm vào tâm thức người đọc một hình ảnh đẹp đẽ về người lính tình nguyện Việt Nam trên chiến trường K.

Khai thác lớp ngôn ngữ giàu chất thơ, Sương Nguyệt Minh và Đoàn Tuấn đã mang đến góc nhìn khác về chiến tranh. Ở đó, hiện thực không còn là những đau đớn, mất mát, người lính không phải lúc nào cũng đối diện với bom rơi lửa đạn, cũng phải gồng mình đối chọi với hiểm nguy, chết chóc. Cũng có lúc, người lính được sống với chính mình, với những cảm xúc ngọt ngào, với những rung động nhẹ nhàng, tinh tế. Mặt khác, với lớp ngôn ngữ giàu chất thơ, nhà văn đã giúp người đọc cân bằng cảm xúc, hiện thực chiến tranh cũng được nhìn nhận một cách đa diện và thấm thía giá trị nhân văn.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Hiện thực chiến tranh trong Miền hoang của Sương Nguyệt Minh và Mùa chinh chiến ấy của Đoàn Tuấn (Trang 124 - 128)