Thời gian nghệ thuật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hồi ức và giấc mơ trong nỗi buồn chiến tranh dưới góc nhìn thi pháp học (Trang 25 - 27)

5. Cấu trúc của luận văn

1.2. Thi pháp tiểu thuyết

1.2.2.3. Thời gian nghệ thuật

Trong Triết học, người ta xem thời gian là hình thức (phương thức) tồn tại của vật chất. Đó là hình thức tồn tại có tính liên tục, độ dài, hướng, nhịp độ, có ba chiều quá khứ, hiện tại và tương lai và có tính chất không thể đảo ngược. Không một vật chất nào có thể tồn tại ngoài thời gian. Tác phẩm nghệ thuật cũng tồn tại trong thời gian vật chất: xem bộ phim, đọc bài thơ, cuốn tiểu thuyết… cũng phải mất một thời gian nhất định. Nhưng thời gian khách quan đó chưa phải là thời gian nghệ thuật.

Thời gian nghệ thuật là một phạm trù của hình thức nghệ thuật, thể hiện phương thức tồn tại và triển khai của thế giới nghệ thuật. Mọi hiện tượng đều tồn tại trong thời gian. Thời gian trong tác phẩm nghệ thuật tồn tại trong thế giới vật chất. Tuy nhiên, nhà văn không thể hiện đời sống theo kiểu thời gian vật lý mà thời gian nghệ thuật là sự tập hợp của nhiều thời gian cá biệt, nó là một nhân tố cấu trúc của truyện: Thời gian nghệ thuật được đo bằng nhiều thước đo khác nhau, bằng sự lặp lại đều đặn của các hiện tượng đời sống được ý thức: sự sống, cái chết, gặp gỡ, chia tay, mùa này, mùa khác… tạo nên nhịp điệu trong tác phẩm.

Theo Genette, trong truyện kể có 3 loại thời gian khác nhau, bao gồm: thời gian của chuyện, thời gian của truyện và thời gian phát ngôn. Thời gian của chuyện chính là thời gian niên biểu của các sự kiện tạo ra truyện. Còn thời gian của truyện là do người kể sáng tạo từ ý thức chủ quan của mình để đạt được hiệu quả nghệ thuật tối đa của tác phẩm. Theo đó, người kể chuyện có thể đảo lộn trật tự thời gian trong truyện không trùng với thời gian của chuyện bằng cách đan xen giữa quá khứ, hiện tại và tương lai theo tâm lý của

người kể. Thời gian phát ngôn, tức là thời gian kể. Nó có khả năng làm cho cái được để hiển hiện ra trước mắt người đọc như đang xảy ra trong hiện tại.

Trật tự thời gian có thể bị xáo trộn. Có khi hiện tại được kể trước, tương lai kể sau. Nhưng cũng có khi tương lai đan xen giữa hồi ức và quá khứ. Thời gian nghệ thuật là biểu tượng biểu hiện quan niệm của nhà văn về cuộc đời. Đồng thời, nó thể hiện ý thức sáng tạo độc đáo của tác giả: “Một cuộc đời có thể trôi nhanh như giấc mộng, một phút chờ đợi có thể dài như trăm năm, có kẻ say sưa quên năm tháng, có người mãi mãi thiếu thời gian, lịch sử có khi hàng nghìn năm giẫm chân tại chỗ, có khi vùn vụt một ngày bằng hai mươi năm” [47, 208].

Thời gian nghệ thuật có thể được kéo dài ra hay làm dừng lại, có thể đưa ta vào rất nhiều những sự biến dồn dập để ta thấy cái nhịp bão táp của cuộc đời. Nó lại cũng có thể trộn lẫn, làm đồng hiện giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Tất cả nhằm thể hiện quan niệm chủ quan của nhà văn về cuộc đời và con người. Cuộc đời có thể nhanh như chớp, như giấc mộng trong đêm. Cuộc đời có thể là sự đày ải khổ đau và tuyệt vọng. Cuộc đời vô nghĩa. Cuộc đời là hành trình đi tới tương lai…

Trần Đình Sử cho rằng: “Thời gian nghệ thuật là hình tượng nghệ thuật, sản phẩm sáng tạo của tác giả bằng các phương tiện nghệ thuật nhằm làm cho người đọc nhận thức, cảm nhận được” [44, 62]. Và “Thời gian nghệ thuật trong văn học không giản đơn chỉ là quan điểm của tác giả về thời gian mà là một hình tượng thời gian sinh động, gợi cảm, là sự cảm thụ, ý thức về thời gian được dùng làm hình thức nghệ thuật để phản ánh hiện thực, tổ chức tác phẩm” [50, 207].

Lê Bá Hán cho rằng thời gian nghệ thuật được đo bằng nhiều thước đo khác nhau, bằng sự lặp lại đều đặn của một hiện tượng đời sống được ý thức. Thời gian nghệ thuật phản ánh sự cảm thụ thời gian của con người trong từng

thời kỳ lịch sử, từng giai đoạn phát triển, nó cũng thể hiện sự cảm thụ độc đáo của tác giả về phương thức tồn tại của con người trong thế giới nghệ thuật.

Văn học không thể hiện đời sống theo kiểu thời gian vật lý mà đối tượng chiếm lĩnh của văn học là đời sống của con người: sự phát triển của tính cách, số phận, sự vận động của các quan hệ giữa người và người, quá trình tự ý thức, tự phát hiện ra mình trong lịch sử, sự trở về với quá khứ, sự bay vượt lên trước vào tương lai. Thời gian nghệ thuật chính là một hình tượng nghệ thuật. Nó được tạo ra để đưa đến cho người đọc nhận thức về cuộc đời, về số phận của con người. Thời gian nghệ thuật chính là thời gian tâm lý, diễn ra trong tưởng tượng nhưng lại tồn tại khách quan trong chất liệu ngôn ngữ của tác phẩm văn học. Khi xây dựng một tác phẩm văn học, bao giờ nhà văn cũng có ý thức xây dựng thời gian như một công cụ phục vụ đắc lực cho ý đồ triển khai thời gian nghệ thuật của mình.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hồi ức và giấc mơ trong nỗi buồn chiến tranh dưới góc nhìn thi pháp học (Trang 25 - 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)