Không gian nghệ thuật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hồi ức và giấc mơ trong nỗi buồn chiến tranh dưới góc nhìn thi pháp học (Trang 27 - 29)

5. Cấu trúc của luận văn

1.2. Thi pháp tiểu thuyết

1.2.2.4. Không gian nghệ thuật

Trong tác phẩm văn học, sự miêu tả, trần thuật bao giờ cũng xuất phát từ một điểm nhìn, diễn ra trong một trường nhìn nhất định, qua đó thế giới nghệ thuật cụ thể, cảm tính bộc lộ toàn bộ quảng tính của nó: cái này bên cạnh cái kia, liên tục, cách quãng, gần, xa, dài, rộng… Không gian nghệ thuật luôn mang tính chủ quan của nhà văn bởi nó là không gian mang tính quan niệm, gắn với sự cảm thụ không gian.

Không gian nghệ thuật là sản phẩm sáng tạo của nghệ sĩ nhằm biểu hiện con người và thể hiện một quan niệm nhất định về đời sống. Trong tác phẩm nghệ thuật, ta thường bắt gặp sự miêu tả con đường, ngôi nhà, dòng sông… Nhưng bản thân các sự vật ấy chưa phải là không gian nghệ thuật. Nó chỉ là không gian nghệ thuật khi nó mang tính quan niệm của người sáng tác.

Không gian nghệ thuật trong tác phẩm là sự mô hình hóa những mối liên hệ về thời gian, xã hội, đạo đức của bức tranh thế giới thể hiện quan niệm về trật tự thế giới và sự lựa chọn của nhà văn.

Có rất nhiều kiểu không gian nghệ thuật. Theo Iu. Lốtman, không gian nghệ thuật có thể là không gian điểm, không gian tuyến, không gian mặt phẳng (hoặc là không gian khối). Không gian tuyến, không gian mặt phẳng có hướng vươn ra chiều rộng hay chiều thẳng đứng. Không gian tuyến có chiều dài không liên quan đến chiều rộng như con đường có tính thời gian như: “đường đời”… Có rất nhiều tác phẩm văn học sử dụng không gian con đường: con đường mười lăm năm lưu lạc của Thúy Kiều (Truyện Kiều), con đường cách mạng trong thơ Tố Hữu, đường đi cứu nước của Bác Hồ trong thơ Chế Lan Viên v.v… Thậm chí có cả một con đường tưởng tượng là đường sắt lên Tây Bắc trong bài Tiếng hát con tàu của ông.

Không gian điểm (địa điểm) được xác định bằng các giới hạn và tính chất chức năng của nó, tính đối lập của nó: không gian quảng trường, bãi chiến trường, ngôi nhà… Quảng trường có tính chất công cộng, chiến trường là nơi chiến đấu, ngôi nhà là nơi sinh hoạt riêng tư. Không gian trong một số bài thơ như Qua đèo Ngang, Thăng Long thành hoài cổ… không gian trong truyện Đôi mắt (Nam Cao) là không gian điểm, không gian quảng trường rất tiêu biểu trong Tội ác và trừngphạt của Đôxtôiepxki.

Không gian nghệ thuật còn có thể chia thành không gian bên ngoài và không gian bên trong. Không gian bên trong thì phi thời gian, không biến đổi, còn không gian bên ngoài thì đổi thay vô thường. Ngoài ra, không gian nghệ thuật còn có thể được chia ra không gian hành động và không gian phi hành động… Kiểu không gian này được thể hiện khá rõ trong Truyện Kiều. Trong khi không thay đổi không gian hành động của nhân vật, Nguyễn Du đã thêm vào không gian vũ trụ trữ tình, làm thay đổi cách cảm thụ về thế giới và nhân vật.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hồi ức và giấc mơ trong nỗi buồn chiến tranh dưới góc nhìn thi pháp học (Trang 27 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)