5. Cấu trúc của luận văn
3.1. Hồi ức và giấc mơ gắn với thời gian nghệ thuật
Lịch sử văn học thế giới đã cho thấy nhiều cách chiếm lĩnh thời gian và nhiều hình thức thời gian khác nhau. Chủ nghĩa cổ điển thiên về đồng nhất thời gian văn học vào thời gian khách quan của diễn xuất. Chủ nghĩa lãng mạn phủ nhận trật tự thời gian khách quan để xây dựng một thời gian lý tưởng.
Văn học thế kỷ XX gắn liền với tư duy lý tưởng, chiều sâu văn hóa và ý thức về quá trình lịch sử sôi động của thế kỷ trên lĩnh vực cách mạng xã hội và khoa học công nghệ, cho nên thời gian trong văn học đã có những quan điểm hình thức đặc thù: sự xáo trộn của các bình diện thời gian, tăng cường vai trò của người trần thuật, hồi tưởng, thời gian tâm lý… Trong văn học phương Tây, người ta có thể cắt bỏ quá khứ và tương lai. Rút gọn thời gian vào khoảnh khắc trực giác, có người còn tước bỏ tương lai của con người….
Thời gian nghệ thuật trong tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh nằm trong quỹ đạo của văn học thế kỷ XX, đặc biệt là khoảng chục năm cuối thế kỷ khi nhu cầu khám phá tâm lý, đời sống nội tâm của con người ngày càng trở nên cấp thiết. Văn học Việt Nam sau khi đổi mới (từ Đại hội VI năm 1986 trở đi) đã đưa ra quan điểm “nhìn thẳng vào sự thật”. Trong đó có sự thật về cuộc chiến tranh chống Mỹ.
Trong thơ cổ, với ưu thế của thời gian tuần hoàn vũ trụ, thời gian nghệ thuật thường là thời gian vạn năm, ngàn đời, thời gian hầu như không có sự vận động, biến đổi về mặt xã hội. Người ta thường quý trọng, đề cao thời gian trong quá khứ với nỗi niềm hoài cổ hơn là thời gian hiện tại. Thơ cổ thường
được thể hiện một cách tĩnh tại qua khoảnh khắc của “tức hứng”, “tức sự”, “ngẫu hứng”… không có sự vận động về mặt thời gian.
Thơ mới lãng mạn chỉ tập trung thể hiện thời gian cá nhân của đời người, khép kín, không gắn với thời gian lịch sử xã hội. Theo đó thời gian chỉ gắn với những tâm trạng cá nhân, ở một thời điểm cụ thể. Thậm chí là sự thù địch đối với tuổi xuân con người, dẫn đến tâm trạng lo sợ thời gian trôi (tiêu biểu là Xuân Diệu).
Thời gian trong tiểu thuyết hiện đại sau năm 1975 (Đặc biệt là sau năm 1986) có những điểm khác biệt. Thời gian đã gắn sự vận động của xã hội, với các quan điểm và cách nhìn nhận vẫn còn nhiều tranh cãi. Không chỉ là thời gian cá nhân của đời người, thời gian trong tiểu thuyết đương đại còn mang bóng dáng của không khí xã hội gắn với tâm lý và những số phận đời tư của con người.
Bảo Ninh xây dựng tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh với thời gian nghệ thuật đặc biệt. Ta có thể nhận thấy thời gian hiện tại trong đời sống của nhân vật rất hạn chế để nhường chỗ cho sự hồi tưởng và những giấc mơ.
Điều dễ nhận thấy của Nỗi buồn chiến tranh là tác phẩm có một thời gian trong tâm lý con người gắn với xã hội cụ thể là cuộc chiến tranh chống Mỹ. Với chiều dài tác phẩm gần 400 trang sách, cuộc đời Kiên trải qua 3 thời đoạn: trước, trong và sau cuộc chiến tranh. Sau chiến tranh, tức là ở thời điểm hiện tại thì hiện tại trong cuốn tiểu thuyết này chỉ chiếm một phần rất nhỏ và chủ yếu là hồi tưởng lại những ký ức và kỉ niệm trong quá khứ. Chủ yếu trong tác phẩm là thời gian trước và trong cuộc chiến tranh với những sự kiện và con người khiến Kiên đến hết đời vẫn không thể quên được. Bảo Ninh đã không chỉ tái hiện thời gian xã hội, mà ông còn nhìn nhân vật từ phía nhân vật, từ phía những khát vọng và sự nuối tiếc của chúng.
Thời gian trong Nỗi buồn chiến tranh chủ yếu là thời gian hoàn cảnh đối với con người. Trong hoàn cảnh cuộc chiến tranh chết chóc, ác nghiệt, thời gian riêng tư của con người trở nên vô cùng ngắn ngủi. Xem xét những hồi ức và những giấc mơ của Kiên, có thể thấy thời gian riêng tư của con người ít tới mức chỉ được tính bằng một đêm, những phút giây cuối cùng, đêm cuối cùng trước khi bước vào cuộc chiến…Đó là những phút giây hạnh phúc cuối cùng của Kiên và Phương trong đêm định mệnh trên chuyến tàu vào B trước khi bất hạnh ập xuống. Đó cũng là những phút giây sống gấp với Hiền còn vương lại của tuổi thanh xuân chiến hào… Trong thời buổi chiến tranh, con người không có thời gian để sống với hạnh phúc với tình yêu của mình.
Khảo sát những hồi ức và giấc mơ của Kiên, thời gian thường có những chỉ dẫn cụ thể: cuối mùa khô năm 69, mùa mưa năm 74, cuối tháng chín, tháng tám, Mậu Thân những năm 68, 69… và những từ ngữ chỉ thời gian xác định: tối hôm ấy, bữa ấy, đêm ấy, hôm sau, một thời gian sau, bấy giờ, hồi đó… làm cho câu chuyện về cuộc chiến tranh gắn với sự hi sinh và hiểm nguy của những người lính như hiện ra ngay trước mắt người đọc, đồng thời góp phần làm tăng tính chân thực cho hiện thực chiến tranh được Kiên kể lại.
Ngoài ra, thời gian trong những hồi ức và giấc mơ của Kiên đã có sự sai biệt giữa thời gian của chuyện (thời gian niên biểu của các sự kiện tạo ra truyện) và thời gian của truyện (thời gian là do người kể sáng tạo từ ý thức chủ quan để đạt được hiệu quả nghệ thuật của tác phẩm). Nhìn tổng thể, Nỗi buồn chiến tranh được chia làm 8 chương. Tuy không đánh số chương, nhưng kết thúc một phần, chuyển sang phần sau thường cách nhau khoảng một trang giấy.
Chương 1: Mở đầu bằng Mùa khô đầu tiên sau chiến tranh… Kết thúc là những lời độc thoại nội tâm của nhân vật: “Hẵng cứ biết rằng anh sẽ còn được sống và giờ đây sự sống ấy tùy thuộc vào anh. Hẵng cứ biết rằng không
chỉ là một cuộc đời mới đang đến cùng anh phía trước” [39, 55]. Ở chương này, hầu hết các sự kiện trong cốt truyện đều nằm trong ký ức của Kiên. Sự sai trật tự niên biểu được thể hiện khá rõ. Hành trình đi tìm đồng đội của Kiên diễn ra khi cuộc chiến tranh đã kết thúc khoảng 10 năm nhưng đã được đưa lên đầu chương 1, sau đó được trở lại ở cuối chương. Phần ở giữa cũng là sự sắp xếp sai biệt về thời gian. Nếu theo thời gian của chuyện thì các sự kiện: cuộc sống của những người lính trinh sát, Can bỏ trốn, cuộc tình vụng trộm với 3 cô gái và cuộc đụng độ với bọn thám báo trả thù cho 3 cô gái phải diễn ra trước khi tiểu đoàn 27 bị xóa sổ, nhưng tác giả đã để cho sự xóa sổ vĩnh viễn của tiểu đoàn 27 lên trước, sau đó mới ngoái lại các sự kiện đã diễn ra trước đó.
Chương 2: … Nhưng mà tâm hồn tôi thì đã ngưng… và kết thúc chương này bằng: ký ức xa vời, trập trùng và lặng lẽ khắc nghiệt và thẳm sâu như rừng, như núi trong lòng anh chiều ấy… trên cõi không cùng của quá khứ. Chương này cũng thể hiện khá rõ sự sai trật tự niên biểu. Nếu theo thời gian của chuyện thì những kỉ niệm về thời ấu thơ với cha mẹ và những người bạn phải diễn ra trước chiến tranh, phải được Kiên kể trước. Nhưng ở đây, người kể chuyện lại để cho các sự kiện diễn ra trong chiến tranh lên trước như: trung đội tập hợp trước mộ Thịnh “con” trước lúc xuống cánh Bắc, kí ức về Hòa… Sau đó lại có sự đan xen lẫn lộn giữa những sự việc trong và sau chiến tranh.
Các chương sau cũng tương tự như vậy. Trong từng chương đều có sự sai biệt giữa thời gian của chuyện và thời gian của truyện. Không chỉ diễn ra trong phạm vi từng chương, sự sai biệt đó còn diễn ra trên phạm vi toàn tác phẩm. Có nhiều sự kiện đã diễn ra ở chương này lại tiếp tục lặp lại ở chương sau. Có sự sai biệt đó là bởi tác phẩm là sự nhớ lại, hồi ức lại những kỉ niệm đau thương một cách lộn xộn và ngẫu nhiên của Kiên – nhân vật chính. Hình
thức dùng hồi ức, giấc mơ và dòng ý thức cho thấy tâm trạng rối bời, dằn vặt, khổ đau trong tâm hồn người lính hậu chiến. Anh sống giữa thời bình mà như đã chết, chết trong sự sống, lạc kênh hoàn toàn với mọi người.
Thủ pháp này cũng được Nguyễn Trí Huân sử dụng để viết Chim én bay (2007) và Chu Lai viết Ăn mày dĩ vãng (1991). Hai tác phẩm đều tái hiện lại từng chặng đường đời của nhân vật được lần tìm qua hồi ức. Nhưng những sự kiện trong hồi ức của nhân vật có trình tự thời gian hơn, không lộn xộn như ký ức của Kiên.
Thời gian tâm lý của Nỗi buồn chiến tranh là một cách tân về nghệ thuật tự sự của Bảo Ninh bởi vì thời gian tâm lý là một yếu tố quan trọng trong nghệ thuật kể truyện của tiểu thuyết sau đổi mới.
Thời gian hiện tại của Kiên trong những ngày hòa bình được tác giả miêu tả rất ít, mà thời gian lúc này chủ yếu là dồn về đêm. “Ở chặng cuối đời này, đời Kiên hầu như đã thu hết về đêm. Ngọn đèn trên bàn viết chong từ đầu tối tới hừng đông” bởi vì với Kiên thì “trong bóng đêm khi vạn vật xung quanh chỉ còn là những cái bóng, Kiên thấy mình gần gũi hơn với đời. Dường như bóng tối của trời đất khẳng định bóng tối trong tâm hồn anh”. Ban đêm là thời gian con người dễ trở về với những nỗi đau từ thẳm sâu trong tâm hồn. Hình thức thời gian ban đêm cho phép người đọc liên tưởng tới sự tối tăm trong cuộc đời Kiên qua cách nhìn của chính anh. Cuộc sống thời bình tưởng chừng tươi sáng, hạnh phúc lại là cái chết kéo dài. Từ ngày Phương bị làm nhục trên chuyến tàu định mệnh, Kiên như đã chết. Thêm vào đó, những ngày lửa đạn, chết chóc của chiến tranh đã trở thành nỗi kinh hoàng trong anh để rồi trở về sau cuộc chiến ấy là nỗi đau dập vùi cả thể xác lẫn tâm hồn. Tưởng rằng, những phút giây sống gấp với Hiền trên những cây số cuối cùng của tuổi thanh xuân chiến hào và việc được gặp lại Phương sau mười năm xa cách có thể xoa dịu nỗi đau chiến tranh trong Kiên. Nhưng không, một lần nữa vết
thương ấy lại thêm nhói buốt bởi chính nó chứ không phải cái gì khác đã chia cắt vĩnh viễn tình yêu của anh và Phương.
Trở về với cuộc sống vô nghĩa, vô vị, tất cả đối với Kiên chỉ như nấm mồ. Hy vọng cuối cùng của anh đã bị dập tắt. Kiên hai lần nghĩ đến cái chết. Đã có lúc, tâm hồn như lìa khỏi xác anh nhưng cuối cùng Kiên vẫn không thể chết được bởi anh còn có một sứ mệnh đó là kể lại cuộc chiến tranh cho thế hệ sau.
Rõ ràng, cuộc sống của Kiên thể hiện một thái độ lạc thời, không nhìn thấy lối thoát trong tương lai. Trong tác phẩm, không có bất cứ một tia sáng nào cho tương lai của anh mà nó chỉ là những sự kiện, cuộc sống, trải nghiệm, hạnh phúc và khổ đau gắn với quá khứ. “Kiên hiểu rằng con đường đời thực sự dành cho anh, con đường hướng tới tương lai tốt đẹp, con đường ấy nó đã lùi lại ở đâu đó phía sau xa trong khoảng tối mù mịt trên những cánh đồng thời gian mà đất nước đã vượt qua” [39, 264] và “có vẻ như anh đã tìm ra cuộc đời mới của mình: đấy chính là cuộc đời đã qua, là tuổi trẻ đã mất đi trong nỗi đau buồn chiến tranh” [39, 105]. Quan niệm không có tương lai cho những người lính bước ra khỏi cuộc chiến tranh dù nó cũng chỉ là từ một phía của hiện thực nhưng vẫn có ý nghĩa xã hội sâu sắc.
Xây dựng thời gian trong tương quan với sự kiện tạo thành nhịp điệu nhanh, chậm trong tác phẩm là một sự sáng tạo của Bảo Ninh. Trước chiến tranh, cuộc sống diễn ra khá chậm rãi. Còn thời gian khi diễn ra cuộc chiến thì được miêu tả rất nhanh. Con người cũng luôn trong tư thế vội vàng. Khi được về lại phố nhà trước giờ lên tàu vào B, Kiên “chạy lao ra đường”, khi đi tìm Phương thì Kiên “xồng xộc đâm bổ ra ga”.
Cái chết và sự mất mát cũng diễn ra rất bất ngờ, nhanh chóng. Mới đó, Phương vẫn là cô gái trong trắng, thanh tân Kiên yêu hết mực. Vậy mà chỉ sau một trận bom đã thay đổi tất cả cuộc đời cô.
Kiên hồi ức lại những biến cố của cuộc chiến tranh gắn với tâm trạng và suy nghĩ, cách nhìn của anh về xã hội, về cuộc đời. Những ngày vui thì “ngắn chẳng tày gang”, luôn phải sống trong sự âu lo, thấp thỏm còn những ngày thương đau thì dài đến vô tận. Đọc tác phẩm, ta thấy phần hồi tưởng về những ký ức đau buồn chiếm phần lớn số trang và thời lượng kể chuyện.
Những ngày vui vẻ, hạnh phúc chiếm số lượng rất khiêm tốn và nếu được Kiên nhớ lại, mơ lại cũng chỉ là để thể hiện sự nuối tiếc, xót xa mà thôi.
Thời gian nghệ thuật trong Nỗi buồn chiến tranh còn mang tính chất dự báo. Tính chất dự báo diễn ra từ đầu đến cuối tác phẩm và sự dự báo đó được tác giả trao cho nhiều người.
Can chỉ được nhắc đến trong tác phẩm một lần duy nhất. Nhưng sự xuất hiện của Can và cái chết của anh có ý nghĩa cho cả một thời. Giấc mơ của Can mang đến sự báo hiệu cuộc đời tăm tối. “Dạo này, đêm nào tôi cũng mộng thấy mình chết và bơi ra khỏi xác biến thành con ma cà rồng đi hút máu người…”, “Thành thật đấy. Còn nhục?” Và rồi, số phận của Can đúng như những gì được dự báo, anh chết trong sự nhục nhã, thảm hại, lãng quên.
Cái chết của cha Kiên và số phận những bức tranh của ông báo hiệu cho sự hết thời của tầng lớp họa sĩ cuối mùa nhường chỗ cho một thời kỳ đau thương đầy lửa đạn. Như biết trước tất cả, ông đã dự báo số phận của Phương với sắc đẹp “lạc thời” của cô.
“- Cháu rất đẹp!
- Sắc đẹp của cháu không bình thường… - Vẻ đẹp lạc thời và lạc loài… sẽ đau khổ đấy. Khổ lắm”.
Mẹ Phương cũng vô cùng lo lắng cho những ham mê ca xướng của cô. Từ thiên hướng, tài năng và sự cá tính của Phương, mẹ cô lo sợ cho một tương lai không mấy tốt đẹp của con gái. Bà cho rằng ở Phương “bất kỳ phẩm chất gì cũng đạt tới mức hoàn hảo trọn vẹn, đến nỗi bác phải tin con gái bác
là một dạng thánh nhân, một tiên nữ. Nhưng sự hoàn mỹ này là mong manh vô cùng, vì là sự hoàn mỹ do bẩm sinh chứ không phải do trường đời… Trượt ra khỏi cây đàn, những tâm hồn như con gái bác sẽ bị trường đời vò nát…. Bác lo lắm. Bác lo đủ điều” [39, 270-271]. Sau này, Kiên nghĩ lại mới hiểu rằng khi xưa dường như mẹ Phương đã linh cảm được nhiều điều.
Dượng của Kiên cũng là người mang đến sự dự báo. Ông đã thấy được sự tàn khốc của chiến tranh và rồi khuyên Kiên “nghĩa vụ của con người trước Trời Đất là sống chứ không phải là hy sinh nó, là nếm trải sự đời một cách đủ ngành ngọn chứ không phải là chối bỏ… mong con hãy cảnh giác với tất cả những sự thúc giục con người lấy cái chết để chứng tỏ một cái gì đấy”
[39, 72].
Vẻ đẹp của Phương được tác giả miêu tả cũng rất đặc biệt. Không giống như vẻ đẹp bình thường của một người con gái, vẻ đẹp của cô là vẻ đẹp
“lồ lộ”, “hừng hực”, vẻ đẹp “rực cháy”, “đẹp một cách liều lĩnh, nổi trội, đã chẳng lẫn đi đâu được lại chẳng có ý thức nép mình” [39, 166]. Vẻ đẹp tuyệt mỹ của Phương báo hiệu những điều “bạc mệnh”.