5. Cấu trúc của luận văn
2.2. Hồi ức và giấc mơ gắn với nhân vật
2.2.3. Hồi ức và giấc mơ của Kiên về những ngƣời phụ nữ
Trong những hồi ức và giấc mơ của Kiên, còn có sự xuất hiện một tuyến các nhân vật nữ gắn với cả ba thời kỳ trước, trong và sau chiến tranh. Đó là Phương, Hiền, Liên, Hòa, Hạnh, người đàn bà câm…. Người phụ nữ là hiện thân cho cái đẹp, cái thiện trong tác phẩm. Nếu như chiến tranh đánh thức trong Kiên phần tàn tạo, biến anh thành một cỗ máy, giết chóc thì những người phụ nữ từ Hạnh cho đến Phương, đến người nữ y tá trong Điều trị 8 (một hóa thân của Phương) lại đánh thức trong anh tình yêu, một tình yêu mà cho đến tận cuối cuộc đời anh, vĩnh viễn không trọn vẹn.
Phương xuất hiện ở cả ba giai đoạn. Trước chiến tranh, trong hồi ức và giấc mơ của Kiên, Phương là cô gái đẹp cả về thể xác lẫn tâm hồn, đẹp như một thánh nhân với “Khuôn mặt trắng mịn, đôi chân đẹp như tạc, dài và chắc mềm mại với làn da như sữa đặc”, “Dáng đi thong dong uyển chuyển, đung đưa toàn thân”. Đó không phải là vẻ đẹp bình thường mà là vẻ đẹp “kì dị”. Sắc đẹp của cô được nhìn qua cái nhìn của các nhân vật khác. Khi Phương mười sáu tuổi, cha Kiên đã thấy:"Cháu rất đẹp!... Sắc đẹp của cháu không bình thường... vẻ đẹp lạc thời và lạc loài... sẽ đau khổ đấy. Khổ lắm"[39, 149]. Mẹ Phương cho rằng con gái mình"là một dạng thánh nhân, một tiên
nữ" nhưng bà cũng biết"sự hoàn mỹ này là mong manh vô cùng"[39, 248]. Người cảm nhận được đầy đủ nhất giá trị của Phương là Kiên. Qua hồi ức của Kiên, ta thấy Phương là người phụ nữ đẹp - "đẹp một cách đau lòng, đẹp như thể một sắc đẹp bị chấn thương, như thể một sắc đẹp lâm nguy, mấp mé bên bờ vực"[39, 288]. Phương trong anh là Phương của xót thương và tiếc nuối, nàng"vĩnh viễn trẻ trung, vĩnh viễn ở ngoài thời gian, vĩnh viễn bên ngoài mọi thời buổi. Vĩnh viễn nàng tuyệt đẹp, đẹp không chung một nét với bất kỳ kiểu người đẹp nào mà đời từng được biết. Nàng như là thảo nguyên vừa qua mùa mưa lướt vào mùa gió cuốn, cuồn cuộn sóng cỏ xô bờ, rợp trời hoa cúc tơ hồng bay. Nàng xinh đẹp, mê dại và bất kham, hấp dẫn đến lịm người bởi sắc đẹp kỳ ảo và khôn lường"[39, 288]. Phương là nhân vật phụ nhưng lại có chỗ đứng chính trong tác phẩm. Phương là người Kiên yêu trọn kiếp. Phương là một hiện tượng kỳ ảo: chinh phục con người bằng tình yêu và sống bằng tình yêu. Phương là biểu tượng của tự do, thiết tha, duy cảm, sống hết mình, phung phí sinh lực, không chút tính toan. Phương miệt mài yêu đương, đau thương và nhục cảm. Từ tuổi mười ba, Phương đã tìm hạnh phúc trong tự do tuyệt đối, tự giải phóng mình khỏi mọi thành kiến, mọi lo âu, mọi ràng buộc, mọi quy luật của xã hội loài người. Tất cả là “kệ”, là “mặc kệ”. Những hồi ức của Kiên về vẻ đẹp của Phương thể hiện giọng điệu xót xa của một con người vừa đau, vừa nuối tiếc. Người con gái đẹp đến vậy mà chiến tranh nỡ dày vò, nỡ vùi dập nàng khiến cho sau này Phương phải sống một cuộc đời hoang phế. Qua cảnh nàng tắm bên hồ sau biến cố phũ phàng ở nhà ga Thanh Hoá, ta thấy rõ điều này:"Phương ngước nhìn máy bay, nhìn trận mưa bom những cột lửa và những cồn khói sánh đặc, bốc dựng lên, song hầu như chẳng mảy may hoảng sợ. Chỉ nhìn. Rồi không nhìn nữa, không để ý nữa, đàng hoàng bình thản tiếp tục tắm táp"[39, 281].
Trong chiến tranh, Phương đã xuất hiện trong giấc mơ của Kiên, đã giúp Kiên vượt qua nỗi đau thể xác khi nằm ở Điều trị 8. Dù chỉ là mơ, chỉ là nhầm lẫn thì hình bóng của Phương vẫn có vai trò đặc biệt quan trọng. Phương còn xuất hiện trong mơ lúc Kiên cô đơn với những đêm ân ái ngọt ngào giúp anh vượt qua nỗi cô đơn và sợ hãi của chiến tranh. Sau chiến tranh, Phương lại xuất hiện mang theo niềm hy vọng của Kiên về hạnh phúc. Nhưng cuối cùng, như một định mệnh một lần nữa cho vết thương của anh lại đau thêm.
Về Phương, Kiên hiểu rằng cô chính là niềm hy vọng của cuộc đời mình. Trong tác phẩm, Phương không xuất hiện một lần liên tục mà như những mảnh đứt gãy ghép lại với nhau trong giấc mơ và sự hồi tưởng của Kiên. Chính việc xuất hiện không liên tục của Phương cho thấy tâm trạng và nỗi đau của Kiên, cho thấy việc hồi ức và mơ của Kiên là hoàn toàn tự nhiên do cảm xúc đem lại chứ hoàn toàn không phải chủ ý.
Không chỉ Phương, những người phụ nữ khác được Kiên hồi ức lại đều mang theo trong anh sự cảm thông và trân trọng. Họ chỉ thoáng qua đời Kiên nhưng đã để lại những điều vô giá cho một tâm hồn thương tật. Kiên gặp Hạnh trước ngày chiến tranh, khi Hạnh nhờ anh đào giúp “một cái tăng xê”, gặp Hòa trong những ngày “thoái trào của tấn công Mậu Thân”, gặp Hiền trên chuyến xe về quê nhà ngày chiến thắng, gặp Lan khi ghé thăm thị trấn Đồi Mơ. Mọi cuộc gặp gỡ đều chỉ thoáng qua nhưng lại có sức ám ảnh kỳ lạ đối với Kiên. Từ Hơ-bia, Mây, Thơm, ba người con gái trong căn nhà nhỏ giữa rừng khơi dậy tình yêu của toàn tiểu đội, đến Hòa, gốc Hải Hậu - con gái miền biển làm giao liên đường rừng - hy sinh năm 1968. Từ Hiền, cô gái phế binh quê Nam Định Chợ Rồng Kiên gặp trong chuyến tàu ngày trở về, đến Lan, người goá phụ trẻ của Đồi Mơ.
Một điều dễ nhận thấy trong những hồi ức và giấc mơ của Kiên, đó là tính chất bi kịch của các nhân vật. Chiến tranh đã cướp đi tất cả những gì là tốt đẹp nhất của người phụ nữ. Phương càng trẻ trung, xinh đẹp, thanh tân bao nhiêu thì cái đêm định mệnh ấy càng cay đắng với cô bấy nhiêu. Nó đã cướp đi tất cả để lại trong Phương vẻ hoang tàn với “bộ dạng tơi tả, tàn tã, quần áo rách nát hở hang”, “vẻ mặt đờ dẫn như bị yểm bùa”, “cặp môi bầm dập, và không nói, nhìn, cái nhìn trừng trừng nhưng vô cảm, lững lờ, xa lạ”, “nước mắt cứ tự nhiên ứa ra, ròng ròng ướt má, mặn chát… cổ như nghẹn thắt lại, môi lẩy bẩy” [39, 277]. Nỗi đau đớn trong tâm hồn Phương không lời nào có thể tả xiết. Cô còn đau hơn cả Kiên. Chiến tranh đã cướp đi sự trong trắng, trinh nguyên của một người con gái đẹp. Để rồi cuối cùng Phương sống cuộc đời phóng túng, phù phiếm mà vẫn không thoát được sự cô đơn, tủi nhục.
Dù chỉ xuất hiện thoáng qua trong hồi ức của Kiên, số phận của Lan (Con mẹ Lành) cũng chất chứa đầy những bi kịch. Hai anh trai, chồng, mẹ, con trai của chị đều lần lượt bỏ chị mà đi. Chiến tranh đã cướp đi của chị tất cả. Rồi cuối cùng “mỗi năm một xiêu đi”, chị sống cảnh “quanh quẩn trong nhà ngoài đồi… chẳng để ý tới ai, chẳng ai để ý tới…”
Có thể thấy rằng, ai, cái gì làm cho Kiên đau nhất thì đều không xuất hiện một lần liên tục trong ký ức mà nó rời rạc, chắp nối đoạn nọ đoạn kia. Có lẽ vì quá đau nên Kiên không muốn những con người đó, những chuyện đó diễn ra một loạt bởi như thế anh sẽ không chịu đựng được. Vả chăng, cũng vì quá đau nên anh không muốn nhớ và mơ lại, tất cả chỉ thuận theo cảm xúc mà tuôn ra.