Kiên hiện lên từ chính những hồi ức và giấc mơ của bản thân mình

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hồi ức và giấc mơ trong nỗi buồn chiến tranh dưới góc nhìn thi pháp học (Trang 47 - 55)

5. Cấu trúc của luận văn

2.2. Hồi ức và giấc mơ gắn với nhân vật

2.2.1. Kiên hiện lên từ chính những hồi ức và giấc mơ của bản thân mình

Kiên là nhân vật chính trong tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh. Đây là nhân vật thể hiện rõ nhất quan niệm và cách lý giải về con người và cuộc chiến tranh của tác giả.

Hình ảnh nhân vật Kiên hiện lên khá rõ qua những giấc mơ và hồi ức của anh về quá khứ.

Hồi ức và giấc mơ của Kiên xuất hiện dày đặc trong tác phẩm, gắn với cả ba giai đoạn: trước, trong và sau chiến tranh. Trước chiến tranh, đó là ký ức về thời ấu thơ, về cha mẹ, về cái chết của cha, về những câu nói của dượng, về mối tình đầu trong sáng đẹp đẽ. Đó là thời điểm Kiên đang còn rất trẻ, mọi suy nghĩ còn ngây thơ. Anh chưa hiểu gì về chiến tranh, cho rằng

“Chiến tranh: Từ nay mới thực sự là sống”, “Chiến tranh tình yêu của tôi”.

Kiên cũng không thể hiểu được việc cha làm (đốt tranh) và những câu nói của dượng khuyên anh nên sống cho bản thân mình hơn là lao vào cuộc chiến, câu nói của Phương ở bãi biển Đồ Sơn trước ngày chiến tranh nổ ra và việc Can đào ngũ. Trong chiến tranh, đó là những giấc mơ tình yêu, những hồi ức về cái chết thương tâm của đồng đội. Sau chiến tranh là hồi ức về những phút

giây hòa bình nhưng đầy đắng cay, sự ăn mừng chiến trắng chẳng giống ai của những người lính. Và cả cái vết thương lòng thêm sâu đậm khi Phương quyết định mãi mãi ra đi.

Điều đặc biệt là những giấc mơ và hồi ức đó không tách bạch rõ ràng theo trật tự trước sau mà nó cứ hòa lẫn vào nhau cả trước, trong và sau cuộc chiến. Có những khi đang nhớ về kỷ niệm thời thơ ấu với mối tình đầu thì bất chợt chen vào đó là giấc mơ của Kiên trong những ngày lửa đạn nằm ở Điều trị 8, và sau đó lại quay trở về với thực tại sau chiến tranh là nỗi đau khi Phương đã đi rồi. Cũng không có ranh giới rõ ràng giữa sự việc này với sự việc khác.

Là người từng trải qua cuộc chiến, Kiên nhìn và kể về chiến tranh với tâm lý của người trong cuộc chịu nhiều mất mát. Quá khứ hiện về trong Kiên hoàn toàn tự nhiên trong tình trạng đầu óc mụ mị. Và cũng chính trong tình trạng ấy mà Kiên không kiểm soát được những hồi ức và giấc mơ của mình. Những giấc mơ và hồi ức đan xen nhau một cách dày đặc với những khoảng thời gian không theo trật tự tuyến tính mà hoàn toàn do cảm xúc của nhân vật. Ta như thấy xuất hiện hình ảnh một người đàn ông với sự tổn thương nặng nề, đứng ngồi không yên, như đang vò đầu bứt tai, đang đay nghiến chính bản thân mình. Gặp bất cứ một tình huống thường ngày nào, những hình ảnh của quá khứ lại theo đó mà hiện về trong anh.

Khi nghe một nghệ sĩ kịch câm uốn lượn thân mình một cách quằn quại, đau khổ thống thiết với nỗi đời tuyệt vọng, Kiên lại nhớ tới câu chuyện tình bi thảm của những đội viên trinh sát với ba cô gái bị cầm tù nơi rừng sâu núi thẳm. Khi gần như buông lơi cuộc sống vô nghĩa thì Kiên “lại thấy trong mình có một cái gì đó, không rõ là cái gì, bình sinh vốn hư ảo, phi vật chất… lúc lý trí anh gần như hóa đá, tất cả những đau thương như chuẩn bị rời xa”

dày xéo anh. Hình ảnh anh em Tiểu đoàn 27, những địa danh xưa, tất cả những chi tiết về cuộc chiến lại hiện ra trước mắt Kiên không thiếu bất cứ chi tiết nào. Và rồi cuối cùng như một thiên mệnh, anh lại sống.

Hồi ức về những ngày đau thương trong cuộc chiến có lẽ chiếm số lượng nhiều hơn cả. Kiên hồi ức về Tiểu đoàn 27 Độc lập, về những cái chết đau đớn của Can, đội trưởng Quảng, người bạn học cũ Trần Sinh, Hòa… Nhưng có lẽ, với Kiên đau đớn hơn tất thảy là những hồi ức về Phương bên cạnh những giấc mơ đẹp.

Anh gặp Phương trên chuyến tàu Hà Nội – Vinh trước ngưỡng cửa chiến tranh trong niềm vui sum họp. Giống như từng thước phim quay chậm, tất cả, từng cảnh một cứ hiện ra lần lượt trước mắt Kiên. Dù anh không muốn nhớ nhưng không thể điều khiển đươc những suy nghĩ của mình. Sự mất mát, tổn thương dày xéo tâm can anh. Vẫn biết rằng chiến tranh thì không còn cách nào khác, là phải đi nhưng nỗi đau thì thật quá sức đối với Kiên. Có lẽ, cũng vì thế mà trong tâm trí rối bời của anh, những hồi ức đau thương lại xuất hiện nhiều đến như vậy.

Gắn với nhân vật Kiên, không chỉ có hồi ức mà còn có cả những giấc mơ. Trước cuộc tình vụng dại của những người lính với ba cô gái bị bỏ quên trong rừng, đáng lẽ Kiên cần phải “uốn nắn, chấn chỉnh, lập lại nề nếp, khuôn khổ, đạo đức tác phong” [39, 38]. Song chính trái tim thực thụ của người lính chiến lại không đời nào cho phép anh làm thế. Từ hoàn cảnh thực của những đồng đội, Kiên mơ về khoái lạc xác thịt giữa Phương và mình, “những giấc mơ đậm đặc cảm giác, nóng bỏng và ngọt lịm như mật ứa ra trào lên lấp đầy cõi mộng mị… Cả người gai lên, xương thịt chờn rợn, run rẩy, rung động nỗi khát khao thèm muốn” [39, 38-39]. Kiên chợt nhớ rằng thì ra mình cũng có một thời say mê, cuồng dại, bồng bột, ngốc nghếch, ngẩn ngơ, cũng từng tan

nát cả cõi lòng vì tình yêu thương đau khổ, vì ghen tuông tủi hờn và cũng đáng được ưu ái như các bạn.

Kiên còn mơ đến Phương một buổi chiều tháng Tư đầy tiếng ve sầu và đỏ rực hoa phượng nở trước ngày bước vào cuộc chiến. Giọt sữa trinh nữ từ Phương sống lại trong những giấc mơ ngọt ngào, đã cho anh thêm sinh lực để trở thành người mạnh nhất và nhiều hồng phúc nhất trong chiến tranh giúp Kiên trở thành người chiến thắng.

Trong lần nằm ở Điều trị 8, Kiên tỉnh dậy với sự đau đớn cùng cảm giác tuyệt vọng thống khổ. Tưởng rằng, tất cả với Kiên đã kết thúc. Nhưng lại một lần nữa, hình bóng Phương cùng sự lú lẫn trong mơ của Kiên đã giúp anh sống sót và khỏe mạnh.

Phương là người Kiên mơ đến nhiều nhất. Không chỉ trong chiến tranh mà cả sau này trở về, vẫn biết Phương không còn như trước nữa thì Kiên vẫn mơ về cuộc sống hạnh phúc với Phương. Và cả khi đã “mỗi người ở một rìa thế giới” thì hằng đêm, “anh vẫn miệt mài, mê mẩn, chìm đắm trong những cái vuốt ve vô tận của mộng mị” [39, 207].

Bản chất của giấc mơ được thể hiện ở chỗ: khi con người không thực hiện được điều mình mong muốn trong hiện thực thì nó sẽ trở về trong giấc mơ. Giấc mơ như là liều thuốc để thỏa mãn những khát khao, dục vọng của con người. Bởi vì Kiên không được thỏa mãn những nhu cầu ái ân bên “cái hình hài yêu dấu” nên những giấc mơ cháy bỏng khao khát mới hiện về trong anh nhiều đến như vậy. Trong mơ, anh như được sống với niềm hạnh phúc ngọt ngào cùng người anh yêu.

Nhưng bên cạnh những giấc mơ đẹp, những cơn ác mộng cũng không lúc nào buông tha Kiên. Từ sự ám ảnh về cảnh chém giết, về xác chết thương tâm của những đồng đội, Kiên đã mơ thấy mình đi qua đồi “Xáo thịt” la liệt người chết, thấy mùi tử khí xồng xộc bốc lên. Cũng có những đêm, Kiên giật

mình thót tim mơ “tiếng quạt trần hóa thành tiếng rú rít rợn gáy của trực thăng vũ trang… Chéo-éo-éo… Đoành”.

Độc thoại nội tâm đóng vai trò rất quan trọng trong việc thể hiện nhân vật đặc biệt là dưới dạng hồi ức. Những đoạn độc thoại nội tâm của Kiên xuất hiện cả trước, trong và sau chiến tranh cho thấy rõ tâm trạng và cách đánh giá của anh về cuộc chiến ấy. Trong buổi chiều tháng Tư kỉ niệm, giữa lúc đang vui vẻ, bỗng Phương nói đến những dự cảm không lành của cô về chiến tranh khiến Kiên vô cùng bất ngờ, anh đã rất buồn bực và cho rằng“ Phương như thể đang lên đồng, như thể ăn phải nấm độc mà nói nhảm” [39, 171]. Lúc ấy, làm sao Kiên có thể hiểu được bởi trong anh đang tràn đầy nhiệt huyết và tình yêu đối với chiến tranh.

Khi mơ về đồi “Xáo thịt” với la liệt người chết, Kiên tự nói với chính mình: “Thì ra đời tôi kỳ thực có khác nào con thuyền bơi ngược dòng sông không ngừng bị đẩy lui về dĩ vãng” [39, 59] và đó cũng là lúc Kiên nhận ra với anh “tương lại đã nằm lại ở phía sau xa kia rồi”.

Nhớ tới Vĩnh – người đồng đội năm nào đã nằm lại ở chân đèo Ma Đơ Rắc, Kiên nhận ra cái giá, cái buồn của chiến tranh. Vậy mà trong mùa xuân năm ấy, một không khí sôi sục đi chiến đấu đã diễn ra khắp mọi nơi. Ai ai cũng nhiệt tình ái quốc. Nhớ lại, Kiên càng thêm đau cho cả một xã hội và cả một thời. Anh chua xót biết bao nhiêu khi nhận ra rằng “đã đành đánh nhau thì phải đánh thôi một khi không còn cách nào khác… Trai đất Việt thực ra không ham chiến lắm đâu như người ta hay đồn” [39, 91].

Khi Phương quyết tâm ra đi, anh tự hỏi mình bâng quơ “thế nào?” tự thấy trong tâm mình “buồn thật” và anh biết mình lại phải sống trong cái cảm giác ủy mị quen thuộc, nhức nhối, tiều tụy, thấu xương. Nhưng lúc này anh cũng đã biết phải đối mặt chứ không có cách nào lảng tránh được.

Kiên cũng đã nhận thức được sự “ngưng bước” của cuộc đời mình sau chiến tranh “Nhưng mà tâm hồn tôi thì đã ngưng bước lại ở những tháng ngày ấy chứ không tài nào mà đổi đời nổi như bản thân đời sống của tôi. Một cách trực giác tôi luôn nhận thấy quanh tôi quá khứ vẫn đang lẩn khuất. Đêm đêm giữa chừng giấc ngủ tôi nghe thấy tiếng chân tôi từ những thuở nào đó xa rồi vang trên hè phố lát đá…Ôi năm tháng của tôi, thời đại của tôi, thế hệ của tôi! Suốt đêm nước mắt tôi ướt đầm gối bởi nhớ nhung, bởi tiếc thương và cay đắng ngậm ngùi” [39, 56-57].

Trở về sau cuộc chiến là hình ảnh một con người đang mất dần sức sống, đang mặc cho thời gian làm cho mai một thân xác và tâm hồn mình

“anh ta cao lớn mảnh dẻ, vẻ mặt không đẹp, lầm lì, có ánh nhìn man rợ. Da dẻ anh khô và sạm, thủng lỗ chỗ, đét lại như thuộc, lốm đốm vệt thuốc súng, môi mím chặt. Bên má một vết đạn bắn thẳng cầy một rãnh sát sạt vào xương” [39, 318], “tóc tai râu ria, hốc mắt, gò má, những nếp nhăn, vẻ suy tàn… Ngay cả giọng nói cũng như lạc khác đi, như thể một lần nữa vỡ giọng, nằng nặng buồn phiền. Cái nhìn của anh làm nản lòng người. Một cái nhìn chằm chằm mà như không nhìn gì cả, trống rỗng, vô cảm” [39, 85], “người anh cao, vai rộng nhưng gầy, nước da xấu, cổ lộ hầu, khuôn mặt nhìn nghiêng, nhìn thẳng đều không đẹp, thô cứng, sớm dày nếp nhăn, thần thái mệt mỏi rượi buồn” [39, 135]. Trong thân hình tiều tụy, tàn tạ, người lính ấy luôn chìm đắm trong những giấc mơ và hồi ức. Hai mảng giấc mơ và hồi ức đan xen vào nhau nhiều khi như những cơn mộng mị kéo dài, kéo nhân vật đi khắp mọi nơi, không chút định hình, không chút chủ động. Có cảm giác Kiên giống như đám mây bị những cơn gió giấc mơ và hồi ức cuốn phăng đi không chút do dự. Như đã nói, dù không đánh số chương nhưng chúng tôi có thể tạm thời chia tác phẩm thành 8 chương, mở đầu mỗi chương bằng chữ cái in hoa đầu dòng và cách phần trước khoảng một trang giấy. Mở đầu chương 1: “Mùa

khô đầu tiên sau chiến tranh đến với miền hậu cứ Cánh Bắc của Mặt trận B3…” Mở đầu chương 2: “Nhưng mà tâm hồn tôi thì đã ngưng bước lại ở những ngày tháng ấy chứ không tài nào mà đổi đời nổi như là bản thân đời sống của tôi….” Mở đầu chương 3: “Nhiều tháng và có lẽ nhiều năm đã trôi qua. Từng đêm lần hồi, cần mẫn và do dự, bản thảo tiểu thuyết của Kiên đầy dần lên và dần đến đoạn kết…” Mở đầu chương 4: “Bây giờ Kiên chỉ thuần viết về đêm….” Mở đầu chương 5: “Phải viết thôi! Kiên thường tự nhủ một cách nghiêm trang và quả quyết, một cách thôi thúc và nôn nóng như thế…”

Mở đầu chương 6: “Một thời gian dài sau khi Phương đã dứt tình ra đi hẳn…” Mở đầu chương 7: “Những ngày tháng phía trước của Kiên như đang rút dần lại….” Và chương 8 được bắt đầu: “Khi nhà văn phường của chúng tôi từ bỏ khu phố này…” Mở đầu mỗi chương, Kiên thường xuất hiện ở thời hiện tại, nhưng sau đó, lần lượt những ký ức không đầu không cuối cứ nối đuôi nhau hiện ra hết lớp này đến lớp khác. Sống giữa thời hiện tại mà những cảnh tượng hãi hùng trong chiến tranh cứ hiện ra với biết bao gương mặt anh em thân thiết cùng số phận “sống khổ chết đau”. Khủng khiếp hơn là cảnh tượng “đồi Xáo thịt” với la liệt người chết sau trận giáp lá cà tắm máu cuối tháng chạp năm 72 hiện lên khi anh đang đi giữa phố phường. Kiên không chịu nổi khi trên màn hình có cảnh lính Mỹ mặc áo giáp đang gào lên xung trận: “Tôi như sẵn sàng nhập thân trở lại với cảnh lửa, cảnh máu, những cảnh chém giết cuồng dại, méo xệch tâm hồn và nhân dạng. Thói hiếu sát. Máu hung tàn. Tâm lý thú rừng. Ý chí tối tăm và lòng dạ gỗ đá. Tôi chóng mặt chóng hồn đi vì niềm hưng phấn man rợ khi bật sống dậy trước mắt một trận cận chiến bằng báng súng và lưỡi lê” [39, 59]. Anh nghĩ nhiều hơn là nói và luôn chìm đắm trong những suy nghĩ ấy. Những cụm từ “Kiên nhớ”, “Kiên nghĩ” xuất hiện rất nhiều trong tác phẩm (tr.74, 78, 84, 92, 111, 119, 122, 154, 168, 175, 236, 242, 272…) Dường như hiện tại không còn là gì

ngoài cái quá khứ và những giấc mơ kinh hoàng kia. Bên cạnh đó, những cụm từ: “Kiên giật mình” (tr.117), “Kiên run rẩy” (tr.173), “Kiên rùng mình” (tr.33, 43, 206, 281) cho thấy tâm thế bất ổn, lo sợ, thoi thóp của một con người đang hàng ngày, hàng giờ bị những vết thương chiến tranh cày xéo.

Là nhà văn phường, Kiên quan niệm đã viết thì “phải viết về chiến tranh trong niềm thôi thúc ấy, viết sao cho xao xuyến nổi lòng dạ, xúc động nổi trái tim con người như thể viết về tình yêu, về nỗi buồn, sao cho có thể truyền được vào cuộc sống đương thời luồng điện của những cảm xúc” [39, 69-70]. Nhưng khi bắt tay vào thì dường như những dòng chữ cứ trượt ra hết những ý tưởng ban đầu và “vẫn nằm ở ngoài bản thảo”. “Gạch, xóa, gạch, xóa, và xé, xé sạch, rồi lại cặm cụi viết…” Tất cả thật quá khó khăn với Kiên.

“Tâm trạng Kiên như mấp mé bờ vực”. Anh không muốn viết về chiến tranh bởi “trong chiến tranh, cuộc sống của anh, của bao người khác thật kinh khủng, thậm chí khó có thể bảo đấy là cuộc sống nói gì đến sự tìm kiếm những sắc thái nghệ thuật trong cuộc sống đó” [39, 71]. Nhưng những năm tháng đau thương ấy cứ hiện mãi lên trang giấy mà Kiên không có cách gì để ngăn lại được. Anh viết như cầm dao đâm vào tim mình. Cứ thế, những giấc mơ đến bên anh nhiều khi kinh khủng như “một liều thuốc độc”, “vô vàn những ám ảnh từ đời nảo đời nào trong chiến tranh tưởng rằng đã phải yên ngủ từ lâu như thể được truyền phép ma mà hùa theo nhau thức cả dậy” [39, 85]. Tâm hồn anh mỗi ngày một thêm hoang phế, ngày đêm vật vờ những hồn ma bóng quỷ. Có những đêm, Kiên tỉnh dậy thấy mình không phải đang trên giường mà “vật vã, dụi dọ dưới sàn nhà nước mắt ướt mặt, run lên vì lạnh, vì

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hồi ức và giấc mơ trong nỗi buồn chiến tranh dưới góc nhìn thi pháp học (Trang 47 - 55)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)