Bảo Ninh trong xu thế đổi mới văn học Việt Nam hiện đại

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hồi ức và giấc mơ trong nỗi buồn chiến tranh dưới góc nhìn thi pháp học (Trang 31 - 35)

5. Cấu trúc của luận văn

1.4. Vài nét về tác giả và tác phẩm

1.4.1. Bảo Ninh trong xu thế đổi mới văn học Việt Nam hiện đại

Trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, cuộc kháng chiến chống Mỹ là một trong những cuộc kháng chiến oanh liệt nhất. Chiến thắng 30 - 4 - 1975 là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam, kết thúc cuộc kháng chiến chống đế quốc xâm lược.

Đây là thắng lợi của niềm tin, là thành quả của đấu tranh gian khổ với bao hy sinh mất mát của cả dân tộc. Trong kháng chiến chống Mỹ, tất cả các lĩnh vực của đời sống: kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục… đều phải hướng đến mục đích phục vụ cách mạng, văn học phục vụ chính trị. Văn học kháng chiến hoàn toàn phù hợp trong thời điểm đất nước có giặc ngoại xâm.

Sau năm 1975, đặc biệt là sau Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VI (năm 1986), tình hình đất nước đã có nhiều thay đổi. Đất nước hoàn toàn thống nhất và đi theo một hướng mới: Từ hệ thống nhà nước quan liêu bao cấp chuyển sang thực hành dân chủ hóa xã hội, phát huy nhân tố sáng tạo trong mỗi cá nhân, quyền cá nhân của con người được tôn trọng. Lần đầu tiên, đất nước ta mở cửa hội nhập, giao lưu với tất cả các dân tộc trên thế giới. Mở rộng giao lưu quốc tế là cơ hội mở rộng tầm nhìn của người Việt. Đặc biệt, thế kỷ XX là thời điểm thế giới đã gặt hái được nhiều thành công trên các lĩnh vực khoa học và đời sống. Văn học cũng theo đó giao lưu, hội nhập. Sự thức tỉnh trước sự nghèo nàn của một dân tộc kéo dài suốt bao nhiêu thế kỷ đã tạo ra một luồng sinh khí mới. Đảng khẳng định: “Không hình thái tư tưởng nào có thể thay thế được văn học và nghệ thuật trong việc xây dựng tư tưởng tình cảm lành mạnh, tác động sâu sắc vào việc đổi mới nếp nghĩ, nếp sống của con người” [38, 10]. Nhận định này cho thấy, Đảng đã đánh giá đúng vai trò của văn học nghệ thuật để từ đây văn học nghệ thuật có cơ hội đổi mới và phát triển theo quy luật của nó. Tầng lớp trí thức, giới văn nghệ sĩ là những người nhạy bén nhất với cái mới. Họ nhanh chóng tiếp thu yếu tố tiến bộ cả trong đời sống cũng như văn học.

Lúc này, yêu cầu đầu tiên và quan trọng nhất của văn học là phản ánh hiện thực (trong đó có hiện thực về hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ), cần có những cách tân, đổi mới trên phương diện nghệ thuật. Đặc điểm nổi bật nhất của văn học 1945 – 1985 là khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng

mạn thì từ năm 1985 trở đi, văn học nghệ thuật mang tính thế sự - đời tư là chủ yếu. Nhiều vấn đề phức tạp, nóng hổi của xã hội đòi hỏi nhà văn phải lý giải, cắt nghĩa trên tinh thần đổi mới.

Văn học lúc này không phải là nền văn học chỉ chú ý đến những vấn đề của cộng đồng nữa mà đi sâu vào những vấn đề đời tư con người. Đây lá cái phần thiếu hụt của văn học dân tộc mà trong một giai đoạn khá dài, vì nhiều lý do khác nhau, các nhà văn đã tạm gác sang một bên. Nguyễn Minh Châu từng viết “nhà văn phải gắn bó với cuộc sống” và phải “lật lên được” những gì còn lẩn khuất sau những hình hài dễ nhận thấy nhưng đó lại chưa phải là cái phần đáng giá nhất của đời sống.

Là một người tinh tế, nhạy cảm, Bảo Ninh đã bắt nhịp với những đổi thay của đất nước cũng như của văn học. Bảo Ninh tên thật là Hoàng Ấu Phương, sinh ngày 18/10/1952 ở Nghệ An. Bút danh của ông được lấy từ tên xã Bảo Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình quê ông. Cha ông là Hoàng Tuệ, giáo sư Ngôn ngữ học dạy tại Trường đại học Sư phạm Hà Nội. Năm 1969, Bảo Ninh nhập ngũ, tham gia chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên. Năm 1989, ông tốt nghiệp trường viết văn Nguyễn Du. Hiện nay, ông công tác tại báoVăn nghệ Trẻ, là hội viên hội nhà văn Việt Nam từ năm 1997.

Bảo Ninh là nhà văn tài hoa bước ra từ chiến tranh, trở nên nổi tiếng cũng nhờ những tác phẩm viết về chiến tranh, về những gì ông đã trải qua và chiêm nghiệm. Bằng sự trải nghiệm thực tế của bản thân, ông hiểu hơn ai hết cái tàn khốc của cuộc chiến tranh ác nghiệt, những đau thương người lính phải trải qua và chịu đựng trong chiến tranh và những ám ảnh trong cuộc đời thực hôm nay, cho nên Bảo Ninh “đã độc lập tác chiến trong một quá trình rong ruổi ngược”. Ông can đảm chấp nhận một lộ trình dốc đứng, đóng góp tiếng nói chân thành của mình vào sự nghiệp đổi mới văn học dân tộc. Ông

từng chia sẻ: “hạnh phúc là được sống trong hoà bình, không phải lâm vào chiến tranh. Bởi lẽ, không có gì tốt đẹp hơn hoà bình và cũng không có gì đáng ghê sợ hơn chiến tranh. Người ta không ai có thể một mình làm nên hạnh phúc mà hạnh phúc chỉ có thể có trong một xã hội bình đẳng, tự do, văn minh, dân chủ – muốn thế phải có hoà bình!”[71].

Bên cạnh việc đổi mới quan niệm phản ánh hiện thực, Bảo Ninh là nhà văn đi đầu trong những cách tân nghệ thuật có giá trị trên tất cả các phương diện xây dựng nhân vật, cốt truyện, không gian, thời gian, điểm nhìn mới về chiến tranh….

Sáng tác của Bảo Ninh chủ yếu là truyện ngắn và tiểu thuyết. Ở thể loại truyện ngắn, dường như tác phẩm nào của ông cũng để lại dấu ấn trong lòng người đọc. Theo thống kê, trong hai tập truyện Truyện ngắn Bảo Ninh do Nhà xuất bản Công an ấn hành năm 2004 và cuốn Bảo Ninh lan man trong lúc kẹt xe những truyện ngắn hay nhất và mới nhất do Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành năm 2005, có tất cả 28 truyện ngắn, thì có đến 22 truyện viết về đề tài chiến tranh và người lính và 6 truyện ngắn khác viết về đề tài khác trong cuộc sống thời hậu chiến.

Trong 22 truyện ngắn viết về chiến tranh và người lính thì chỉ có 3 truyện được trần thuật ở điểm nhìn hiện tại (La Mac xây e, Ngàn năm mây trắng, Kỳ ngộ), 19 truyện còn lại được nhà văn trần thuật có sự đan xen giữa hai thì quá khứ và hiện tại. Trong 22 truyện ngắn ấy có 15 nhân vật chính là người lính. Đó là các truyện: Trại bảy chú lùn, Ba lẻ một, Lá thư từ Quý Sửu, Mùa khô cuối cùng, Khắc dấu mạn thuyền, Bên lề cuộc tấn công, Ngôi sao vô danh, Thách đấu, Tình thư, Hỏa điểm cuối cùng, Rửa tay gác kiếm. Bởi vậy, Bảo Ninh được độc giả biết đến như một nhà văn sinh ra để viết về chiến tranh và người lính.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hồi ức và giấc mơ trong nỗi buồn chiến tranh dưới góc nhìn thi pháp học (Trang 31 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)