Đặc điểm của địa bàn nghiên cứu

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp tăng cường cơ giới hóa trong sản xuất lúa ở huyện bình giang, tỉnh hải dương (Trang 63 - 66)

Phần 3 Phương pháp nghiên cúu

3.1. Đặc điểm của địa bàn nghiên cứu

3.1.1. Vị trí địa lý

Bình Giang là một trong 12 huyện thuộc tỉnh Hải Dương. Bình Giang có quốc lộ 5, quốc lộ 38 chạy qua, cách thành phố Hải Dương 20 km. Huyện có ranh giới giáp với tỉnh Hưng Yên, huyện Thanh Miện, huyện Cẩm Giàng và huyện Gia Lộc. Trước kia Bình Giang sáp nhập với huyện Cẩm Giàng thành huyện Cẩm Bình, sau đó lại tái lập năm 1997.

Trung tâm huyện lị đóng tại thị trấn Kẻ Sặt. Huyện Bình Giang 1 thị trấn, 17 xã: Thị trấn Kẻ Sặt, Xã Hưng Thịnh, Xã Vĩnh Tuy, Xã Hùng Thắng, Xã Tráng Liệt, Xã Vĩnh Hồng, Xã Long Xuyên, Xã Tân Việt, Xã Thúc Kháng, Xã Tân Hồng, Xã Bình Minh, Xã Hồng Khê, Xã Thái Học, Xã Cổ Bi, Xã Nhân Quyền, Xã Thái Dương, Xã Thái Hòa, Xã Bình Xuyên.

Diện tích: 10.478,72 ha

Dân số: 105.535 người (năm 2011)

Bình Giang nằm ở phía Tây Nam thành phố Hải Dương, diện tích tự nhiên là 10.478,72 ha. Phía Bắc giáp huyện Cẩm Giàng, phía Nam giáp huyện Thanh Miện, phía Đông giáp huyện Gia Lộc, phía Tây giáp huyện Ân Thi và Mỹ Hào của tỉnh Hưng Yên

Bốn mặt huyện Bình Giang đều có sông Kẻ Sặt ở phía Bắc, sông Đình Hào ở phía Đông, sông Cửu An ở phía Tây, sông Cầu Lâm, Cầu Cốc ở phía Nam. Trong đó sông Sặt bắt nguồn từ sông Hồng, qua cống Xuân Quan, qua cầu Lực Điền, cầu của đường 38, nối quốc lộ 5A với thành phố Hưng Yên, tiếp cận với huyện Bình Giang tại vị trí sát làng Tranh Ngoài, xã Thúc Kháng. Đến đây sông có nhánh chạy dọc theo phía Tây huyện, gọi là sông Cửu An; một nhánh chạy dọc phía Bắc huyện gọi là sông Kẻ Sặt, thông với sông Thái Bình, qua Âu Thuyền, thành phố Hải Dương (http://binhgiang.gov.vn, truy cập ngày 15/3/2014).

3.1.2. Địa hình

Bình Giang là huyện nằm gọn trong đồng bằng châu thổ sông Hồng, do phù sa của hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình bồi đắp cho nên đất đai rất màu mỡ, địa hình bằng phẳng từ đông sang tây, từ bắc xuống nam, không có đồi núi. Bốn mặt có sông dẫn nước từ sông Hồng và sông Thái Bình đến, địa hình này rất thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp. Bình Giang cũng là huyện có số ruộng đất bình quân đầu người cao hơn các huyện khác trong tỉnh, chỉ đứng sau Chí Linh và Kinh Môn.

Do có địa hình bằng phẳng nên Bình Giang có điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung, có thể tiến hành dồn điền đổi thửa và áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất.

3.1.3 .Khí hậu

Tỉnh nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có độ ẩm cao, cho phép phát triển đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi. Bình Giang có 2 mùa tương đối rõ rệt: mùa nóng và mưa, mùa lạnh và khô.

Mùa nóng và mưa kéo dài từ tháng 4 đến tháng 9. Mùa lạnh và khô kéo dài từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau.

Nhiệt độ trung bình 24,30C, độ ẩm trung bình khoảng 82, nhiệt độ cao nhất 37- 380C (tháng 6), thấp nhất 5- 60C (tháng 1 và 2), tổng bức xạ khoảng 100k cal/cm2/năm, số giờ nắng trung bình khoảng 1.323 giờ/năm (Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, 2015)

Điều kiện khí hậu của Bình Giang thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa, có thể gieo trồng 3-4 vụ trong năm, thích hợp trồng một số loại cây nhiệt đới và ôn đới theo từng vụ. Song cũng phải có nhiều biện pháp phòng chống hạn, úng, đồng thời phải xác định cơ cấu mùa vụ cây trồng hợp lý nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế.

3.1.4. Điều kiện kinh tế - xã hội

Trong những năm vừa qua, hòa chung với sự phát triển vượt bậc của kinh tế đất nước, kinh tế huyện Bình Giang cũng có sự khởi sắc đáng khích lệ. Năm 2014 thu ngân sách trên địa bàn huyện đạt 110 tỷ 655 triệu đồng (đạt 133% so với KH tỉnh giao), bằng 121% kế hoạch huyện phấn đấu. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 11,7% so với năm 2013. Trong đó sản xuất nông nghiệp tăng 4,5%. Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng tăng 17%. Giá trị thương mại dịch vụ tăng 12%. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực (Nông nghiệp - Công nghiệp, xây dựng - Thương mại, dịch vụ đạt: 28,6% - 40,7% - 30,7%). Thu nhập bình quân đầu người đạt 24 triệu đồng; Tỷ lệ hộ nghèo (theo tiêu chí mới) năm 2014 giảm 1,2% so với năm 2013, còn 5,9% (Cục Thống kê tỉnh Hải Dương, 2014).

Trong nhiệm kỳ vừa qua, Đảng bộ và nhân dân huyện Bình Giang đã có sự cố gắng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tuy nhiên tỷ trọng ngành nông nghiệp vẫn lớn, đặc biệt số lao động làm việc trong ngành nông nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ cao. Theo điều tra năm 2014 thì vẫn còn tới 84,6% số lao động toàn huyện làm việc trong ngành này. Trong khi đó số lao động làm việc trong ngành tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ chỉ có 15,2%. Đây là tỷ lệ không hợp lý mà trong đó một vài năm tới Bình Giang sẽ phải cố gắng để cải thiện tình hình này.

Nhìn chung hiện nay cơ sở hạ tầng nông thôn trên địa bàn huyện khá đầy đủ và khang trang. Cả huyện có 02 trường THPT, mỗi xã có 01 trường THCS, 01 trường tiểu học, mỗi thôn có ít nhất 01 nhà trẻ mẫu giáo, trạm y tế xã đã được hoàn tất từ lâu.Chất lượng giáo dục mũi nhọn được duy trì, năm học 2012-2013

xếp thứ 2 toàn tỉnh (sau TP Hải Dương), năm học 2013-2014 xếp thứ 3 (sau TP Hải Dương và huyện Nam Sách). Về công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia đến nay, toàn huyện có: 26 trường đạt chuẩn quốc gia, gồm 05 trường Mầm non, 15 trường Tiểu học, 05 trường THCS và 01 trường THPT (Trường Tiểu học Nhân Quyền đạt mức độ II), (Phòng NN & PTNT huyện Bình Giang, 2014).

Tất cả các đường giao thông nông thôn đều được dải nhựa, đá, bê tông hoặc gạch. Hệ thống công trình thủy lợi cũng được hoàn tất và đảm bảo tưới tiêu trên toàn bộ diện tích canh tác của huyện. Đời sống của nhân dân trong huyện ngày càng được cải thiện, số hộ giàu ngày càng nhiều, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm. An ninh, trật tự ổn định và đảm bảo. Đời sống văn hóa tinh thần được bảo đảm và không ngừng được nâng cao.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp tăng cường cơ giới hóa trong sản xuất lúa ở huyện bình giang, tỉnh hải dương (Trang 63 - 66)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(130 trang)