Phần 2 Cơ sở lý luận và thực tiễn
2.2. Cơ sở thực tiễn cơ giới hóa trong sản xuất lúa
2.2.3. Những kinh nghiệm rút ra
Thứ nhất, tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, tập trung, hình thành các loại hình dịch vụ hiệu quả ở nông thôn. Kết hợp giữa quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo hướng tích tụ tập trung, cải tạo và chỉnh trang đồng ruộng, đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp với việc tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất lớn.
Thứ hai, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực chế tạo máy móc phục vụ nông nghiệp, kết hợp nhập khẩu máy móc thiết bị tiên tiến, đáp ứng kịp thời yêu cầu của sản xuất, giảm tổn thất trong và sau thu hoạch. Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong nước liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài, tổ chức chế tạo hoặc lắp ráp các loại máy nông nghiệp có tính chuyên dụng cao (như: máy thu hoạch lúa, máy cấy, máy kéo, động cơ diezen công suất lớn).
Thứ ba, phải đầu tư tốt cho cơ sở hạ tầng đồng ruộng phải đáp ứng yêu cầu cho máy hoạt động như: độ bằng phẳng của đồng ruộng, kích thước lô thửa phải đủ lớn, có sự liên kết giữa các hộ nông dân có ruộng liền kề để phá bỏ bờ vùng bờ thửa, tạo thuận lợi đưa máy móc vào đồng ruộng. Có đường giao thông nội đồng để vận chuyển, hệ thống tưới, tiêu chủ động phục vụ cho gieo cấy và thu hoạch. Thực hiện các quy trình kỹ thuật canh tác khoa học…
Thứ tư, đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ và tiến bộ kỹ thuật về bảo quản sau thu hoạch. Khuyến khích các doanh nghiệp đặt hàng, hợp tác nghiên cứu, để ứng dụng vào sản xuất.
Thứ năm, tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực: Nhà nước cần quan tâm hơn nữa đến công tác nghiên cứu, đào tạo huấn luyện cán bộ kỹ thuật cũng như công nhân ngành cơ khí nông nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế tạo máy nông nghiệp, thông qua chương trình đào tạo nghề thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới và các hoạt động khuyến nông.
Thứ sáu, Nhà nước cần tiếp tục bổ sung hoàn thiện một số chính sách thúc đẩy ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất, nhất là sản xuất lúa, đẩy mạnh quy hoạch xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn nhằm phát huy tối đa vai trò liên kết 4 nhà, đặc biệt là vai trò chủ đạo của các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu gạo trong việc đầu tư hệ thống sấy lúa, kho lúa để thu mua tồn trữ lúa, nhất là mùa thu hoạch.