Phần 2 Cơ sở lý luận và thực tiễn
2.1. Cơ sở lý luận cơ giới hóa trong sản xuất lúa
2.1.3. Các khâu cơ giới hóa sản xuất lúa
Mức độ cơ giới hóa (CGH) trong sản xuất lúa trên cả nước nói chung và đồng bằng sông hồng (ĐBSH) nói riêng còn thấp, chưa đồng bộ và chưa phát triển toàn diện. CGH sản xuất lúa chủ yếu ở khâu làm đất, tuốt đập, vận chuyển và xay xát lúa, gạo. Các khâu canh tác như gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch lúa và các loại cây trồng khác áp dụng CGH còn rất hạn chế, lao động thủ công vẫn là chủ yếu.
1) Cơ giới hóa khâu làm đất
Làm đất là việc dùng các công cụ lao động, máy làm đất tác động vào đất với các công đoạn cày, bừa, làm phẳng mặt ruộng để tạo ra một môi trường thuận lợi cho cây trồng phát triển (Nguyễn Thị Ngọc và Phan Hòa, 2011).
Theo tài liệu của Tổng cục Thống kê (2009) và của các tỉnh ĐBSH (2010), CGH khâu làm đất ở ÐBSH đạt khoảng 80%. Trong số 6 tỉnh được chọn để nghiên cứu, khảo sát khả năng ứng dụng máy làm đất trong sản xuất lúa thì Thái Bình, Hà Nam, Nam Định có tỉ lệ diện tích được làm bằng máy cao nhất.
Làm đất lúa là việc tác động vào đất đai, đồng ruộng để tạo ra môi trường có những điều kiện lý, hóa, sinh thích hợp cho sự phát triển của cây lúa, đặc biệt là giai đoạn lúa nảy mầm hay mạ non bám rễ vào đất. Nó có ảnh hưởng quyết định đến thâm canh tăng năng suất lúa. Do đó, làm đất lúa đòi hỏi phải đảm bảo kỹ thuật nông học và đúng thời vụ.
+ Máy làm đất: Là máy phá vỡ, làm tơi nhuyễn lớp đất trồng trọt đến độ sâu nhất định, để canh tác cho từng loại cây trồng. Mục đích của việc sử dụng máy làm đất là nâng cao độ phì của đất, tạo điều kiện cho sự sinh trưởng và phát triển của hạt giống và cây trồng (Cù Ngọc Bắc và cộng sự, 2008).
+ Cơ giới hóa khâu làm đất là đưa máy móc công nghiệp có công suất cao vào thay thế các công cụ lao động thô sơ và thay thế cho sức người, sức gia súc kéo trong làm đất canh tác nông nghiệp nói chung và canh tác lúa nói riêng.
2) Cơ giới hóa khâu tưới tiêu
Trong sản suất lúa nước thì tưới tiêu luôn là một việc quan trọng hàng đầu, quyết định đến sự thành công hay thất bại của cả quá trình sản xuất lúa. Khâu tưới tiêu cũng như khâu chăm sóc được thực hiện liên tục khi làm đất cho đến khâu thu hoạch lúa. Hệ thống tưới tiêu là một công trình nhân tạo, sử dụng chủ yếu cho nông nghiệp, nhằm mục đích giúp con người chủ động cung cấp
nước đầy đủ theo nhu cầu phát triển của cây trồng, đồng thời hệ thống cũng giúp cho việc tiêu thoát nước hợp lý giúp cho cây trồng không bị nguy hại, ngập úng (Lê Anh Tuấn, 2009).
Tưới tiêu giữ vai trò quan trọng có ảnh hưởng tới việc áp dụng cơ giới hóa trong khâu làm đất, gieo cấy, thu hoạch. Hiện nay việc tưới nước trong những năm trước đây khi hệ thống thủy lợi chưa phát triển thường được bà con nông dân sử dụng các phương tiện thô sơ như gầu sòng, gầu dây, dùng sức người hoặc gia súc kéo để đưa nước từ các kênh mương lên đồng ruộng. Nhưng ngày nay, việc kiên cố hóa kênh mương đã và đang được Đảng và Nhà nước có nhiều chính sách ưu tiên đầu tư thì các công đoạn tưới tiêu tại một số địa phương dần được cơ giới hóa một phần hoặc toàn phần. Các nơi khác việc cơ giới hóa khâu tưới tiêu cũng được triển khai bằng việc áp dụng các máy bơm nước cỡ nhỏ (Lê Anh Tuấn, 2009).
3) Cơ giới hóa khâu gieo cấy
Khâu gieo: Gieo sạ là tập quán lâu đời trong sản xuất lúa của bà con nông dân, phù hợp với điều kiện tự nhiên và chi phí lao động. Ở các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên có tập quán gieo lúa thẳng. Trong ba năm gần đây đã thí điểm mở rộng cho các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình trên cơ sở dùng máy gieo hàng kéo tay và máy gieo liên hợp với máy kéo. Các cơ quan nghiên cứu - ứng dụng và cơ sở chế tạo đã chuyển giao và sản xuất hơn 100.000 công cụ gieo lúa theo hàng và khoảng 10% tổng diện tích lúa đó ứng dụng tiến bộ kỹ thuật (TBKT) này.
- Khâu cấy: Công nghệ trồng lúa ở ĐBSH phổ biến là cấy, chiếm trên 90%. Cấy gắn liền khâu làm mạ cần đảm bảo rễ không bị tổn thương khi cấy. Gần đây, việc thử nghiệm máy cấy đơn giản cỡ nhỏ kiểu cấy 6 hàng và 8 hàng với khoảng cách cấy từ 20-25 cm hoặc máy cấy hiện đại tốc độ cao với khoảng cách cấy 30 cm đang được nghiên cứu áp dụng cùng công nghệ sản xuất mạ thảm (mạ khay) ở một số nơi tại ĐBSH như Hà Nội, Bắc Ninh.
Gieo cấy theo phương thức canh tác thủ công truyền thống thì gieo cấy bao gồm các công đoạn: Sử lý ngâm ủ thóc giống, gieo mạ dược, chăm sóc mạ, nhổ mạ và cấy (ở miền Bắc) và ở miền Nam thì gồm các công đoạn xử lý ngâm ủ thóc giống, gieo vãi.
+ Cơ giới hóa khâu gieo cấy là việc sử dụng các công cụ, máy móc công nghiệp vào thay thế cho lao động thủ công của con người như: Giàn sạ hàng, máy
cấy. Trong giới hạn nghiên cứu của đề tài chỉ nghiên cứu đến việc ứng dụng giàn sạ hàng trong khâu gieo cấy lúa (Lê Anh Tuấn, 2009).
+ Giàn sạ hàng là dụng cụ chuyên dụng để đưa hạt mạ giống xuống đất.
4) Cơ giới hóa khâu chăm sóc
Mặc dù chăm sóc lúa là khâu tốn ít công lao động trong canh tác lúa, tuy nhiên nó cần nhiều chi phí và thời gian (chăm sóc là khâu cần phải thực hiện trong suốt quá trình canh tác lúa). Các công đoạn chăm sóc lúa bao gồm: Làm cỏ, sục bùn, bảo vệ thực vật, phân bón. Hiện nay các công đoạn ở nước ta đa phần sử dụng lao động thủ công, chưa có máy móc thay thế. Việc sử dụng thuốc trừ cỏ không được bà con nông dân sử dụng vì nó làm hại môi trường và thêm vào đó việc làm cỏ sẽ kết hợp thêm công việc sục bùn làm cho bộ rễ của cây lúa phát triển tốt hơn. Tại một số địa phương việc phun thuốc trừ sâu đã được cơ giới hóa một phần bằng các máy phun thuốc công suất nhỏ, nhưng chưa nhiều.
5) Cơ giới hóa khâu thu hoạch lúa
Thu hoạch lúa là khâu thu hạt thóc từ đồng lúa. Đây là khâu cuối cùng của quá trình canh tác lúa. Có nhiều quan điểm khác nhau về các công đoạn trong khâu thu hoạch lúa. Theo Nguyễn Hữu Hiệt (2011), theo nghĩa hẹp, thu hoạch lúa chỉ bao gồm: Cắt cắt gặt lúa, thu gom và tách hạt (tuốt đập), làm sạch và vận chuyển. Còn hiểu theo nghĩa rộng, thu hoạch lúa bao gồm các công đoạn: Cắt gặt lúa, thu gom, tuốt đập, phơi sấy, làm sạch và vận chuyển. Ở nước ta hiện nay, phương pháp thu hoạch thu hoạch lúa có thể phân loại theo phương pháp thu hoạch nhiều giai đoạn hoặc phương pháp thu hoạch một giai đoạn.
Phương pháp thu hoạch lúa nhiều giai đoạn: Gặt (cắt), gom, đập, làm sạch. Trong các giai đoạn này có thể dùng hoàn toàn bằng sức lao động thủ công hoặc một phần bằng máy.
Phương pháp thu hoạch lúa 1 giai đoạn được thực hiện trên một máy thu hoạch liên hợp (máy gặt đập liên hợp) với các bộ phận cắt, gom, vận chuyển lúa, đập (tuốt) hạt, làm sạch, đóng bao tiến hành liên tục.
6) Cơ giới hoá khâu làm khô
Thời gian phơi lúa trong ngày tuỳ thuộc vào giờ nắng. Phương pháp làm khô này rất bị động vào mùa mưa (nhất là thu hoạch lúa Hè Thu). Các loại máy sấy để làm khô lúa ở vùng ĐBSH còn ít được nông dân quan tâm đầu tư. Nông
dân chủ yếu áp dụng phương pháp thủ công, phơi tự nhiên. Lúa được trải ra sân bề dày từ 5 -20 ngày, do đó nông dân chưa muốn đầu tư. Trong tương lai gần, với việc “dồn điền đổi thửa”, chuyển dịch cơ cấu lao động, sản xuất lúa trở thành hàng hóa, tập trung thì nhu cầu đầu tư các thiết bị sấy phù hợp sẽ là tất yếu, để ngoài việc giảm tổn thất sau thu hoạch, giảm công lao động, nâng cao chất lượng nông sản còn tạo điều kiện có thể tận dụng chất thải sinh khối (trấu, mùn cưa…) làm chất đốt với công nghệ phù hợp nhằm tiết kiệm “đầu vào” cho quá trình làm khô, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Do chưa sản xuất lúa quy mô hàng hóa, tập trung như vùng ĐBSCL, nếu đầu tư máy sấy, mỗi năm hộ nông dân ở ĐBSH là một trong những vùng trọng điểm phát triển kinh tế của cả nước, trong đó lúa là cây trồng chính. Việc thúc đẩy CGH trong sản xuất nông nghiệp nói chung và trong sản xuất lúa gạo nói riêng cho vùng đang là bức thiết đối với xu thế hiện nay. Tuy nhiên để thúc đẩy thực hiện đồng bộ CGH trong lúa gạo vùng ĐBSH, các nơi trồng lúa, ngô tập trung, chính quyền địa phương cần hỗ trợ xây dựng quy hoạch các cánh đồng, lô thửa có kích thước tối thiểu để máy móc hoạt động thuận lợi, hỗ trợ quy hoạch hệ thống cơ sở hạ tầng (mương tưới tiêu, đường nội đồng) đảm bảo cho máy đi lại dễ dàng.
Bên cạnh đó, Nhà nước sửa đổi luật đất đai theo hướng giao đất cho hộ gia đình sử dụng lâu dài, mở rộng hạn mức sử dụng đất, thúc đẩy quá trình tích tụ đất đai, công nhận quyền sử dụng đất được vận động theo cơ chế thị trường, trở thành một nguồn vốn trong sản xuất, kinh doanh nhằm khắc phục được vướng mắc "ngoài hạn điền” khi nông dân dùng thế chấp quyền sử dụng đất để mua máy; tạo điều kiện cho phát triển kinh tế trang trại, hộ nông dân sản xuất lớn, thuận tiện cho việc ứng dụng CGH hiệu quả. Ngoài ra, Nhà nước cần coi lĩnh vực chế tạo máy nông nghiệp là ngành công nghiệp đặc biệt quan trọng đối với giai đoạn hiện nay để chú trọng hơn trong việc xây dựng, duy trì và phát triển các cơ sở chế tạo máy nông nghiệp có quy mô lớn, trang thiết bị hiện đại đủ năng lực chế tạo những sản phẩm phức tạp như máy kéo 2 bánh, 4 bánh, máy cấy, máy gặt đập liên hợp v.v.. thể hiện trong các cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù (Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương, 2015).