Phát triển kỹ thuật cơ giới hóa trong sản xuất lúa ở đồng bằng sông hồng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp tăng cường cơ giới hóa trong sản xuất lúa ở huyện bình giang, tỉnh hải dương (Trang 30 - 35)

Phần 2 Cơ sở lý luận và thực tiễn

2.1. Cơ sở lý luận cơ giới hóa trong sản xuất lúa

2.1.4. Phát triển kỹ thuật cơ giới hóa trong sản xuất lúa ở đồng bằng sông hồng

Ở vùng đồng bằng sông Hồng, chi phí cho sản xuất lúa khá cao dẫn đến thu nhập từ sản xuất lúa thấp. Nguyên nhân là do quy mô sản xuất lúa của mỗi hộ nông dân nhỏ, đất trồng lúa manh mún, khả năng thâm canh và áp dụng

tiến bộ kỹ thuật mới và việc cơ giới hóa từ khâu làm đất đến khâu thu hoạch gặp nhiều khó khăn. Nhằm khắc phục những hạn chế trong sản xuất lúa, từ quý III/2008, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư quốc gia (KNKNQG) thực hiện thí điểm mô hình “Tổ hợp tác cơ giới hóa tổng hợp trong sản xuất lúa” tại thôn Vị Hạ, xã Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam với quy mô 26 ha và 134 hộ nông dân tham gia, từ đó rút kinh nghiệm để có thể nhân rộng mô hình này. Tổ hợp tác hoạt động như công ty cổ phần, nông dân đồng tình ghép ruộng, đóng góp kinh phí và cùng hưởng lợi đồng thời khắc phục tình trạng thiếu lao động, giảm chi phí sản xuất lúa và đạt chất lượng hàng hóa đồng đều. Kết quả thu hoạch trên 26 ha lúa đông xuân 2009 ở thôn Vị Hạ cho những con số đáng mừng: Giảm được 30% chi phí khâu làm đất, 30% chi phí khâu ngâm ủ, sạ lúa, 40% chi phí khâu phun thuốc trừ sâu, 35% chi phí khâu gặt đập và khắc phục được tình trạng thiếu lao động mùa vụ. Tại hội thảo đầu bờ về mô hình này mới được tổ chức tại tỉnh Hà Nam, 200 đại biểu các Cục, Vụ thuộc Bộ NN&PTNT, các tỉnh, thành phố Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hải Phòng đều đánh giá cao kết quả đạt được của mô hình như: Khắc phục được tình trạng thiếu lao động vào các thời điểm gieo cấy, thu hoạch; góp phần thay đổi nhận thức của nông dân, chuyển đổi từ phương thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tiểu nông sang sản xuất theo tổ, nhóm liên kết để giảm chi phí sản xuất, chủ động lựa chọn chủng loại nông sản theo yêu cầu của thị trường. Ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm KNKNQG cho biết: “Mô hình lần đầu tiên triển khai nên cần được tổng kết, rút kinh nghiệm, từng bước khắc phục những hạn chế để có thể nhân ra diện rộng”(Trung tâm khuyến nông Quốc gia, 2015).

2.1.4.1. Thuận lợi

Thời tiết khí hậu ôn hòa, lượng mưa hàng năm từ 1500 – 2000mm. Với điều kiện thời tiết khí hậu như vậy rất phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của cây lúa nước. Bên cạnh đó hệ thống sông ngòi, kênh rạch khá dày phân bố đều, kết hợp với tác động của thủy triều cho khả năng tải lượng nước lớn, trữ lượng nước nhiều tạo điều kiện cho việc tưới tiêu chủ động trong sản xuất.

Với kinh nghiệm trồng lúa lâu đời (Cây lúa đã có mặt từ 3000 – 2000 năm trước công nguyên). Tổ tiên chúng ta đã thuần hóa cây lúa dại thành cây lúa trồng và đã phát triển nghề trồng lúa đạt được những tiến bộ như ngày hôm nay.

Khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển. Trong khâu sản xuất người nông dân đã sử dụng thêm máy móc như máy gặt đập liên hợp, máy tuốt lúa máy cày máy sạ hàng, các kỹ thuật bón phân trên lúa cho đất, kỹ thuật bón phân theo các giai đoạn sinh trưởng của cây.

Trong năm 2014, gạo Việt Nam đã được xuất khẩu sang 135 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, bao gồm cả những thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Xin-ga-po. Khi Việt Nam trở thành thành viên của tổ chức thương mại thế giới (WTO), môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh sẽ thuận lợi hơn, thông thoáng hơn, ổn định hơn, minh bạch hơn. Nhờ đó, nông dân có nhiều khả năng tiếp cận được với những tiến bộ rất lớn về Công nghệ sinh học của các nước phát triển, từ đó có thể nâng cao nhanh chóng sản lượng và năng suất cây trồng (Trung tâm khuyến nông Quốc gia, 2015).

2.1.4.2. Khó khăn

Trong những năm gần đây, việc đưa máy móc vào sản xuất nông nghiệp đã góp phần giải phóng sức lao động của nông dân. Cùng với đó, năng suất, chất lượng cây trồng được nâng cao, thu nhập của các hộ sản xuất nông nghiệp cũng được cải thiện. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung cả nước thì mức độ đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp của tỉnh còn khiêm tốn và quá trình cơ giới hóa vẫn gặp không ít khó khăn.

Việc đưa các phương tiện cơ giới vào sản xuất không chỉ giúp cho việc sản xuất, thu hoạch đúng khung thời vụ mà còn giúp giảm chi phí sản xuất từ 1,2 đến 1,7 triệu đồng/ha/vụ; đồng thời, giúp giảm tổn thất sau thu hoạch.

Theo tính toán của các hộ nông dân, nếu không sử dụng máy móc, trung bình thuê gặt 1 sào lúa cũng phải mất 2 nhân công, gặt trong một ngày vất vả mới xong. Riêng tiền thuê gặt đã mất khoảng 300 nghìn đồng, sau đó lại phải gánh lúa lên bờ, thuê xe vận chuyển lúa về nhà và vất vả tuốt lúa mới ra được hạt thóc. Nếu tính cả chi phí tiền công cày bừa, tiền thóc giống, phân bón, thuốc trừ sâu thì làm ra hạt thóc chẳng còn lãi là bao. Nay sử dụng máy gặt đập liên hoàn, 1 sào hết gần 200 nghìn tiền công, vừa nhanh lại ra được thóc ngay. Thu hoạch bằng máy cũng sẽ giảm thất thoát hơn nhiều so với thu hoạch thủ công. Thu hoạch thủ công tỷ lệ hao hụt sẽ từ 5 đến 8%, còn thu hoạch bằng máy cao lắm chỉ 3%. Việc đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp còn giúp tỉnh ta giải bài toán về thiếu lao động do một bộ phận nông dân thường xuyên đi làm ăn xa, một số người chuyển đổi sang làm nghề mới. Đồng thời, giúp nông dân trong

toàn tỉnh hoàn thành sớm việc thu hoạch lúa xuân, đẩy nhanh tiến độ làm đất trong thời gian ngắn nhất để hoàn thành cấy lúa mùa tạo quỹ đất mở rộng diện tích trồng cây vụ đông trên đất lúa.

Để khuyến khích các hộ đưa cơ giới vào sản xuất, những năm qua, ngoài chính sách chung của Trung ương, tỉnh có cơ chế hỗ trợ 50% đối với vùng đồng bằng; 75% đối với vùng núi cho các tập thể, cá nhân khi mua máy mới. Ngoài ra, Trung tâm Khuyến nông, Chi cục phát triển nông thôn tỉnh còn phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức trình diễn các loại máy nông nghiệp, hướng dẫn cho các hộ nông dân có nhu cầu mua máy phục vụ sản xuất. Từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh hỗ trợ cho nông dân mua được 40 máy làm đất, gần 10 máy đập liên hoàn và 2 máy gặt đập liên hợp. Theo báo cáo của các địa phương, đến nay, người dân đã tự trang bị được 431 máy kéo công suất từ 12-35 mã lực, 191 máy kéo công suất dưới 12 mã lực, 342 máy gieo hạt, 90 máy gặt lúa thẳng hàng, 16 máy gặt đập liên hợp, 68 máy vò lúa và 25 máy sấy các loại (Trung tâm Khuyến nông Hải Dương, 2015).

Tính trung bình trên địa bàn tỉnh, đối với cây lúa, khâu làm đất bằng máy chiếm khoảng 80% diện tích; lúa gieo thẳng bằng giàn kéo tay chiếm 6% diện tích; bơm nước tưới đạt khoảng gần 70% diện tích cả năm. Đối với cây ngô, đỗ, rau màu các loại, máy làm đất đảm nhiệm trên 10% diện tích; bơm nước tưới đạt khoảng 50% diện tích; khâu sơ chế như vò đỗ, tẽ hạt ngô đạt khoảng 3%. Đối với cây hàng năm khác, khâu làm đất bằng máy khoảng 147ha, đạt trên 10% tổng diện tích (Trung tâm Khuyến nông Hải Dương, 2015).

Thực tế hiện nay, việc cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp của tỉnh mới chỉ tập trung ở cây lúa với các khâu chủ yếu như: Làm đất, thu hoạch và vận chuyển. Trong khi đó, khâu gieo cấy được xem là khâu quan trọng, quyết định cho việc tăng năng suất, sản lượng thì tỷ lệ áp dụng chưa cao.Mô hình lúa gieo thẳng bằng giàn kéo tay được triển khai, nhân rộng và đã khẳng định được hiệu quả kinh tế. Nhưng để thực hiện được mô hình này đòi hỏi đồng ruộng bằng phẳng; người dân có trình độ thâm canh cao. Vì vậy đến nay, lúa gieo thẳng bằng giàn kéo tay ở tỉnh ta mới chỉ chiếm 6% diện tích (Trung tâm Khuyến nông Hải Dương, 2015).

Nguyên nhân chính khiến cho việc đưa cơ giới vào sản xuất trên địa bàn tỉnh còn khó khăn là do thực trạng ruộng đất còn manh mún, đời sống nông dân còn nghèo. Mặc dù tỉnh đã chỉ đạo thực quyết liệt việc dồn điền, đổi thửa nhưng

kết quả thực hiện tại một số địa phương vẫn chưa cao. Vẫn còn nhiều thửa ruộng nhỏ lẻ, địa hình phức tạp, khó đưa máy móc vào sản xuất. Còn với người nông dân, mặc dù Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ lãi suất mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp nhưng trên thực tế việc tiếp cận hỗ trợ không đơn giản. Thủ tục vay còn rườm rà, phải qua nhiều bước thẩm định từ hồ sơ vay tiền đến hồ sơ mua máy, thiết bị. Vì vậy, người dân không mấy mặn mà. Trong khi đó, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp còn thấp nên việc đầu tư mới hoàn toàn các thiết bị cơ giới bằng 100% nguồn vốn của nông dân là rất hạn chế. Ví dụ, để mua được một chiếc máy gặt đập liên hợp thì cần tới 150-250 triệu đồng; nếu là máy của Nhật Bản cần khoảng trên 400 triệu đồng, trong khi đó thu hồi vốn lại chậm nên nông dân không có vốn để đầu tư. Bên cạnh đó, thị trường cung cấp máy, thiết bị cơ giới trong sản xuất nông nghiệp còn hạn chế về số lượng và chủng loại. Giá các loại máy cao, chất lượng không đồng đều. Việc sử dụng máy móc trong nông dân chưa đồng bộ. Thực tế hiện nay, các hộ sử dụng cơ giới trong sản xuất nông nghiệp chủ yếu là dựa vào kinh nghiệm, thói quen, phần lớn chưa qua đào tạo, bồi dưỡng về kỹ thuật vận hành, bảo dưỡng máy nên trong quá trình vận hành còn lúng túng trong khâu xử lý (Nguyễn Hoàng và Nhật Bắc, 2014).

Để đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, các địa phương cần tiếp tục thực hiện quyết liệt việc quy hoạch lại ruộng đất. Đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền để người dân thấy được hiệu quả, tích cực thực hiện dồn điền đổi thửa, tạo điều kiện thuận lợi đưa máy móc vào sản xuất. Các ngành chức năng chú trọng mở các lớp tập huấn về bảo trì, sử dụng các loại máy nông nghiệp nhằm đảm bảo năng suất và giảm tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch. Việc gắn kết giữa doanh nghiệp với hộ gia đình chưa được thực hiện trên quy mô lớn, người nông dân phần lớn bán cho thương lái từ 95% - 97% nên dễ bị ép giá (Nguyễn Hoàng và Nhật Bắc, 2014).

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu toàn cầu như: Bão, lũ, khô hạn, ngập mặn, đặc biệt là tác động của sự dâng cao mực nước biển. Trong đó, vùng ĐBSH là vùng bị ảnh hưởng mạnh. Hiện nay khoảng 90% lúa đang được lưu trữ trong dân. Những kho lớn, đủ chuẩn, có thể lưu trữ hàng chục ngàn tấn lúa mới chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu. Khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO, Chính phủ sẽ không được phép trợ giá đối với các hàng nông sản. Để có mặt hàng nông sản của Việt Nam có thể cạnh tranh trên thị trường có lẽ quá khó khăn đối với nông dân trong nước. Đồng thời khi gia nhập thì

hàng rào thuế quan được tháo dỡ, hàng hóa nước ngoài tràn vào Việt nam, mà hàng hóa nước ngoài thường chất lượng cao hơn, giá cả cũng rẻ hơn nên gây bất lợi cho thị trường lúa gạo trong nước (Nguyễn Hoàng và Nhật Bắc, 2014).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp tăng cường cơ giới hóa trong sản xuất lúa ở huyện bình giang, tỉnh hải dương (Trang 30 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(130 trang)